Có buổi sớm ở tít một cái chợ con ngoài cù lao, tôi đưa gói xôi lên mũi, hít gửi cái mùi của hơi nóng tỏa ra khi tấm lá chuối được tháo bỏ.
Mùi gạo quyện với mùi mấy sợi dừa, mùi hạt mè giã vụn, thấm với mùi tàu lá chuối xanh đậm tạo thành một thứ mùi thơm xanh sương của buổi sớm.
Trời còn chưa sáng, những hạt gạo nếp nóng rực làm tàu lá chuối thẫm màu lại. Bữa sáng thơm tho.
Bây giờ, người ta không thích lá chuối lắm.
Mấy bà gói xôi đã chuyển sang hết túi nylon trong có bọc tờ báo làm giấy gói. Vài năm trước, xôi mặn được nắm chặt, rồi cuộn trong cái túi. khi mở ra ăn, tôi nghe mùi nylon dấy lên vì hạt gạo nếp còn quá nóng. Nhiều khi thò tay rút tờ báo ra, ngón tay cũng lấm lem mực. Gói xôi có cả mùi của khói vỉa hè buổi cuối tuần.
Vài năm sau, các gói giấy báo và nylon đã được chuyển thành hộp xốp. Hộp xôi tiện lợi hơn hẳn, như một món quà sáng ăn nhanh, ai mua cũng thấy tiện lợi, chứ không có cái cảnh gói mở luềnh xuềnh của cái gói xôi nylon nữa. Có vài lần, do gạo nóng quá, tôi ăn hộp xôi đến hết thì lấy cái hộp nhựa bị thâm vào mấy lỗ hình hạt gạo, y như cái kiểu bị đầu nhang châm vào, vì hộp nhựa thì mỏng quá mà hạt gạo thì mới nấu nên rất nóng. Lúc này thì hộp xôi có mùi của xốp.
Đôi khi, tôi đứng trên bờ kè Nhiêu Lộc, và nhìn thấy hàng hàng lũ lũ những hộp xôi nhựa xốp lừng lững trôi qua, trắng xóa, nổi bồng bềnh, như thách thức tất cả cái dòng nước đen trước sức nổi lộ liễu và bản năng của chúng.
Hộp nhựa xốp giống một bệnh dịch, tôi thấy chúng trên Nhiêu Lộc, trên sông Cửu Long, trên bờ kè sông Đồng Nai, ở ngoài bãi biển Phan Thiết, trong khu hồ đá Làng đại học. Tôi từng nghĩ, những vật thể ngoan cố và lộ liễu này, đã đi ra cuộc đời từ mỗi bữa sáng, bữa trưa của chúng tôi.
Mùi lá chuối hóa thành thứ quá vãng rẻ tiền của một thời gian khó – hoặc giàu sang.
Chỉ có những cửa hiệu chả giò lớn, hàng xôi đắt tiền, mới còn thấy lá chuối.
Ngay cả những cây chả giò bình thường ngoài chợ bây giờ cũng là nylon với màu xanh giả lá chuối.
Có người bán lá chuối nói rằng, thực ra lá chuối không quá mắc tiền, mà chính là cái công ngồi lau, ngồi cắt, gia công cho tàu lá trở thành cái gói xôi, gói chả, mới chính là yếu tố khiến người ta ngán ngẩm lá chuối.
Thời hiện đại rồi, đâu có ai rảnh ngồi rị mọ lau qua lau lại 3 đến 4 lần một tàu lá xanh, cắt ngang cắt dọc… Mấy tờ báo và túi nylon, hoặc hiện đại nhất là hộp xốp, có ý nghĩa và dễ sử dụng hơn gấp nhiều lần.
Có dạo, tôi thấy cả bánh dày, người ta cũng để miếng nylon lót cái miếng bánh gạo. Lần ấy, miếng bánh dày đưa vào miệng tôi sượng sật, dính dớp vì nó bám chặt lấy nylon. Chắc không ổn lắm, sau này miếng bánh dày được lót lá chuối trở lại, nhưng tấm lá cũng cứ thế nhỏ dần, nhỏ dần, chắc do nhà làm bánh tiết kiệm lá.
Cái hàng xôi lá chuối bây giờ là mấy cửa hàng màu vàng khè, biển hiệu to đùng, cam kết gói món xôi cho khách hàng bằng cái giá tiền đắt hơn 3000 đồng đến 4000 đồng, so với gói xôi nếp ngọt mua ngoài chợ.
Hôm ấy, tôi dừng xe, nhìn cái muôi múc xôi đẩy từng hạt gạo tẽ mình ra trên tờ lá chuối, lá chuối hơi thẫm lại trước sức nóng, rồi e ấp co cụm lại khi chị bán hàng khép tàu lá gói chặt vào. Cùng lúc, chị lấy một miếng nylon bọc báo, bọc ra ngoài tờ lá chuối, cột thun lại.
Tôi cầm gói xôi, chưng hửng ghê, khi gửi thấy mùi nylon y chang mọi lần.
Tội nghiệp lá chuối…
Tội nghiệp những hạt gạo.
Tội nghiệp tôi, phàm ăn quá…
Ý kiến bạn đọc