Người lịch sự không bóp còi inh ỏi

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/11/2012 12:22
Không bóp còi inh ỏi, chứ không phải không bóp còi. Tôi cho rằng đó là khẩu hiệu phù hợp với bức tranh giao thông hiện nay ở Việt Nam.

1. Ngày đầu tiên anh trai dạy tôi đi xe máy, sau khi dạy đủ cách vào số, đạp phanh, đến phần cầm lái, tôi nhớ anh ấy dặn: “Tay trái là tay trụ, phải nắm tay lái thật chặt, em biết tại sao bên trái không có phanh tay không? - anh nhấn mạnh tỏ vẻ hiểu biết - là vì bên trái có còi. Em phải chìa ngón cái ra đặt túc trực lên còi, thằng nào nhô ra em phải bấm còi ngay”…

Bài học gần 20 năm trước của anh, tôi bỗng trở nên lạc lõng trong chiến dịch “Không còi xe” do Ford Việt Nam phát động và truyền thông đang ầm ĩ. Khẩu hiệu “Nghĩ trước khi bấm còi” có vẻ tương phản với lời dạy về phản xạ có điều kiện khi bấm còi của anh tôi, chứ không dạy tôi phải suy nghĩ trước khi bấm.

2. Trong khoảng 15 năm cưỡi xe máy, tôi không nhớ hết ngón tay cái đã bấm còi bao nhiêu lần. Hỏi bạn, tất nhiên bạn không nhớ và cũng chẳng nhớ làm gì. Nhưng chỉ trong tình huống này thôi, bạn sẽ thấy ngay mình bấm còi nhiều như thế nào. Ấy là một đôi lần còi xe bị tậm tịt, hoặc tịt hẳn, mỗi lần dúi ngón tay cái vào nó không kêu, hoặc kêu khọt khẹt, bạn cứ thấy tức anh ách suốt cả quãng đường. Thật chẳng khác nào một người hay nói bỗng dưng bị tắt tiếng. Tương tự, người lái ô tô cũng coi còi là vật bất ly thân. Nhớ hồi mới chuyển từ chiếc ô tô KIA CD5 sang KIA MORING, tôi phải chật vật suốt dọc đường mấy tuần liền chỉ vì cách đặt tay lên vô-lăng để bấm còi của hai chiếc xe là khác nhau. Mà còi thì cứ phải bấm liên tục, kết quả là bàn tay mỏi nhừ vì không quen tư thế mới.

Thật ra không phải bây giờ trong phong trào do Ford phát động, người ta mới thấy nỗi nhức nhối của vấn nạn còi xe. Vài năm trước, một nghệ sĩ đương đại đã làm cả một bản giao hưởng còi xe dưới dạng nghệ thuật sắp đặt. Anh giải thích ý đồ tác phẩm của mình là mô phỏng cách “giao tiếp” bằng tiếng còi của người Việt Nam trên đường. “Nếu nhắm mắt ngoài đường lộng gió” bây giờ, sẽ chẳng được nghe “nhiều tiếng chim ca” như trong bài học vần hồi cấp 1, mà sẽ phải nghe một cuộc hỗn chiến của những tiếng còi xe. Nguyên thủy, tiếng còi chỉ là để cảnh báo, nhưng trong bức tranh giao thông hỗn độn bây giờ, tiếng còi còn khoác lên ý đồ cảnh cáo, dọa dẫm, chửi rủa, phô trương thanh thế... Cứ đo áp lực của ngón tay cái “dúi” vào nút còi sẽ hình dung được mức độ bực tức của người bấm nó. Và cách bóp còi cũng đã có thể gây ức chế, thậm chí là gián tiếp gây tai nạn trên đường. Như chuyện chiếc xe bồn còi to, đột ngột làm bà mẹ lái xe máy phía trước giật mình, ngã lộn nhào, văng em bé ra đường khiến em bị chính chiếc xe bồn đó kẹp chết tức tưởi… đã làm xôn xao dư luận.

Đi lại trong đô thị, khi tắc đường hoặc khi dừng lại đèn đỏ, ta thường xuyên phải nghe những tiếng còi rất khó chịu ở phía sau, cả còi ô tô lẫn xe máy. Đường thì chưa thể đi, mọi người đều nhìn thấy cả, ấy thế mà có những kẻ cứ ra sức bấm còi thúc giục ở phía sau mình, cứ như muốn đổ cái trách nhiệm tắc đường này là do mình gây ra. Rất nhiều phen xảy ra cãi vã chửi nhau, đánh nhau là ở những tiếng còi như thế.

3. Theo một thống kê về tần suất bấm còi xe của người dân các nước, kỷ lục ít bấm còi xe nhất thuộc về Thụy Sĩ, khi các tài xế ở đất nước này trung bình cứ 43km mới bấm còi xe một lần. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam với quãng đường như thế trong đô thị tần suất sử dụng còi phải gấp 1.000 lần.

Nhưng cái gì cũng có lý do của nó. Khi bạn đi trên đường cao tốc, ví dụ đại lộ Thăng Long chẳng hạn, dù có buồn tay nhất, bạn cũng đâu cần nhấn còi. Đường gần chục làn xe, xe nào làn ấy, chạy với tốc độ 80-100 km/h, có khi cả chục km chả gặp xe nào muốn vượt hoặc xin vượt mình, thì còi hay xi nhan để làm gì? Giao thông ở Việt Nam với đặc trưng là giao thông hỗn hợp, tức là ô tô, xe máy, xe thô sơ… đi chung làn của nhau, tất nhiên mỗi loại đi với một tốc độ khác nhau, tức là cần vượt. Vậy thì phải xin vượt bằng cách nào, nhất là khi những người đi xe máy ở Việt Nam nói chung không biết (không quen hoặc không thích) nhìn gương nên không thể xin vượt từ phía sau bằng xi nhan.


 

Một điều đáng lo ngại nữa là “tư duy” về làn đường của người tham gia giao thông của chúng ta rất kém. Chưa nói đến sự phân làn chỉ mang tính tương đối ở các đường phố, đường quốc lộ, đường làng (hiểu nôm na là giữa đường phải dành cho ô tô), mà ngay cả những đoạn đường đã phân làn bắt buộc, thì thói quen lấn làn, đè vạch vẫn rất phổ biến (kể cả ô tô, có lẽ lỗi đè vạch, sai làn, chuyển làn không xi nhan là phổ biến nhất. Anh xế hộp nào bị CSGT tóm vì lỗi đó cũng ngơ ngác như thể mình bị bắt oan). Nếu ý thức về làn đường cao, thì thiết nghĩ, Hà Nội đã chẳng phải trống giong cờ mở, ầm ĩ phân làn cho một số tuyến phố: Nào thì huy động thanh tra, cảnh sát giao thông, nào thì đặt biển báo, lại dùng cả dải phân cách cứng, thế mà chẳng thu được bao nhiêu kết quả. Lẽ ra, việc phân làn chỉ đơn giản là kẻ một vạch liền có thông báo làn cho ô tô, xe máy là xong. Nhưng bao đời nay, thói quen, mạnh ai người nấy đi, làn nào trống thì đi lấn vào đã ăn vào máu rồi.

Bởi vậy cách duy nhất để bắt một chiếc xe phía trước trở về làn của nó, hoặc không được tùy tiện lấn làn, là phải bấm còi! Tất nhiên, còi nhiều cũng thành chai. Nghe thấy xe sau còi đấy, nhưng “ông còi thì ông nghe”, cứ đường to, làn trống tôi đi. Khi đó, tiếng còi lại có tác dụng thông báo “xin bác đừng có tạt ngang tạt ngửa nhé, để cháu vượt”!

Bạn cứ thử tưởng tượng khi đi vào một khu phố hay một ngôi làng nhiều đường ngang ngõ tắt. Nếu ban đêm, bạn có thể dùng đèn pha để cảnh báo cho những chiếc xe hay những thanh niên “không có mắt” từ trong ngõ/ngách, hẻm lao vụt ra; chứ nếu là ban ngày thì có cách nào? Sự an toàn được hiểu là: cứ tặng cho mỗi ngõ/ngách/hẻm, thậm chí cho mỗi cái cổng hướng ra đường… một cú bấm còi. Thôi thì “giết nhầm” còn hơn “bỏ sót”.

4. Nói tất cả những điều trên để thấy rằng, để giải quyết vấn nạn còi phải bắt đầu từ gốc. Đó là chấm dứt tình trạng giao thông hỗn hợp. Đường cần phải phân làn, và phải duy trì được kỷ luật về làn đường. Khi đó tự dưng người ta không phải tranh giành nhau đường đi nữa, và các xe cứ theo tốc độ của mình mà đi thôi, khỏi phải còi cho mệt. Việc giảm tốc độ, dừng lại quan sát khi lái xe ra đường ưu tiên (nôm na là đừng từ trong ngõ phóng vụt ra đường lớn) cần phải quán triệt đến từng đứa trẻ.

Trên đường đê Hữu Hồng đoạn đi qua gầm cầu Thanh Trì, ngày nào tôi cũng bắt gặp những chiếc xe chở gas, sơn màu đỏ, có dòng chữ ở phía sau: “Người lịch sự không bóp còi inh ỏi”. Không bóp còi inh ỏi, chứ không phải không bóp còi. Tôi cho rằng đó là khẩu hiệu phù hợp với bức tranh giao thông hiện nay.

Thế nào là bóp còi inh ỏi? Câu hỏi cũng không quá khó để trả lời: Chỉ bóp còi khi thấy thật sự cần thiết, và bạn chỉ cần nhẹ tay nhấn còi thôi thì người ta đã nghe thấy rồi. Tiếng còi của bạn, hãy chỉ là tiếng động thông báo cho các xe khác thôi, đừng đặt vào đó sự giận dữ, bực tức, hay sự đe dọa...

Cuối cùng, một điều mà chưa thấy nói: Phạt thật nặng những chiếc xe dùng còi sai chủng loại.

Nguyễn Mỹ
(Theo thethaovanhoa.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 303
  • Khách viếng thăm: 297
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 26210
  • Tháng hiện tại: 2307867
  • Tổng lượt truy cập: 48681994