Phong cách Sài Gòn

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/10/2012 21:59

Có một phong cách Sài Gòn hình thành từ bao thế hệ con người sinh sống nơi đây, như phù sa khắp nơi tụ về chồng chất từng lớp suốt chiều dài lịch sử của vùng đất khẩn hoang. 

Từ giữa thế kỷ XVII, vùng đất Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng đã là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng cư dân khác nhau về hoàn cảnh. Từ dải đất miền Trung nghèo khó, những người chống lại các định chế phong kiến, những tù nhân được chúa Nguyễn đưa vào đây khẩn hoang lập nghiệp. Rồi quan quân thời ấy vào Nam xây thành đắp lũy, hình thành bộ máy cai trị. Sau đó những cuộc truy kích của quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy làm binh lính Nguyễn Ánh tan đàn sẻ nghé, một số lớn bám rễ nơi đây.

Đêm Sài Gòn. Ảnh: Internet

Vùng đất sôi động này lại còn có sự hiện diện của rất đông thương nhân người Hoa cũng như tàn quân triều Minh bên Trung Quốc mang ý chí phục thù Mãn Thanh, cùng với những người Khmer tha phương cầu thực. Tất cả tụ hội về đây, mang tính khí của kẻ phiêu lưu nên cư xử với nhau có khi như những hảo hán giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha.

Gần 100 năm thời Pháp thuộc, vùng đất này tiếp cận sớm hơn cả với văn minh phương Tây. Về mặt địa lý, Sài Gòn vừa là đô thị vừa là một bến cảng quốc tế nên có xu hướng mở, khác với Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội. Con sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch thành phố chịu ảnh hưởng rõ rệt của thủy triều. Thiên nhiên ấy đã ảnh hưởng sâu đậm đến nếp sống, phong cách của người Sài Gòn, như nhận định của nhà thơ-sử gia Trịnh Hoài Đức:“Phương Nam thuộc quẻ Ly, hành hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh. Vì thế nơi đây kẻ sĩ thì trọng việc học hành, người dân thì siêng năng... Đất thuộc sao Dương châu, gần mặt trời, nên người khí tiết, trung dũng, trọng nghĩa khinh tài”.

Tất cả để lại những dấu ấn đậm nét hình thành phong cách của một cộng đồng dân cư mà sau này người Sài Gòn kế thừa gần như đầy đủ.

Cái máu lưu dân để lại trong người Sài Gòn tính thích mạo hiểm, đôi khi liều lĩnh, không câu nệ nghi thức nên nghĩ sao nói vậy, thích giao tiếp. Trong làm ăn thì học được ở người Hoa cách buôn bán lấy chữ tín làm đầu. Trong đời sống xã hội họ tiếp thu tinh thần sáng tạo và phóng khoáng của phương Tây, dám phản ứng với những điều sai trái và tìm đến với cái lạ, cái mới rất nhanh.

Điều này giải thích tại sao Sài Gòn là nơi sớm nhất trên cả nước hình thành một nền kinh tế hàng hóa và sau này là nơi xuất hiện nhiều nhất những đột phá vào thành trì bao cấp, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới trong những năm đời sống kinh tế toàn xã hội gặp khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Trong dòng chảy lịch sử ấy đã xuất hiện một lớp doanh nhân mang phong cách Sài Gòn năng động, nhanh chóng thích ứng với tập quán kinh doanh của thị trường, phát huy tính sáng tạo và sự nhạy bén để làm ăn hơn là dựa trên các mối quan hệ thế lực. Lớp doanh nhân này chắt lọc sự tinh túy của nhiều vùng hội tụ, có tính cầu thị sẵn sàng vươn dài cánh tay, mở rộng tầm nhìn ra thế giới và chấp nhận rủi ro để tìm cơ hội làm giàu.

Do tính cách phóng khoáng nên người Sài Gòn không hề dị ứng với người nơi khác đến, cùng với xu hướng tiêu thụ ngày càng cao đã khiến Sài Gòn trở thành vùng đất lành chim đậu. Tính đến nay, thành phố hơn 300 năm tuổi đã không còn đủ không gian cho tám triệu người sinh sống và cả triệu khách vãng lai. Thế nhưng Sài Gòn cũng là nơi có khả năng nhanh chóng hóa giải các dị biệt để tạo ra một phong cách rất riêng với nếp sống thoải mái và đôi khi bất cần, làm đến nơi chơi đến chốn, chuyện gì cũng muốn rạch ròi như thời tiết trong năm chỉ có hai mùa mưa nắng.

Là nơi tiếp nhận khối lượng người nhập cư cao nhất nước nên thỉnh thoảng trên đường phố hay trong các hàng quán sang trọng xuất hiện những phong cách rất “phi Sài Gòn”. Đó là những tiếng chửi thề lạc lõng, những lời ăn tiếng nói cạnh khóe thô thiển, khiến cho cái vốn xã hội của Sài Gòn bị thử thách.

Nhưng không sớm thì muộn hình ảnh đó sẽ ngày càng nhạt phai, bởi chỉ cần làm ăn sinh sống trên mảnh đất này năm bảy năm thì hầu như ai nấy đều tiêm nhiễm cái “phong cách Sài Gòn” xuề xòa mềm mỏng. Để rồi lại nhớ đến Sài Gòn những lúc đi xa như nhớ người yêu và mang tâm trạng háo hức mỗi khi được quay về thành phố trẻ trung này.

Trần Trọng Thức
(Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Xuân Mậu Tý)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 401
  • Khách viếng thăm: 399
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 102001
  • Tháng hiện tại: 1850901
  • Tổng lượt truy cập: 48225028