Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi khoảng tháng 6 – 11 âm lịch, đồng ruộng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại ngập tràn ấu. Ấu là một trong những cây mà nhiều người dân chọn trồng nhằm tăng thu nhập trong mùa lũ.
Ấu sừng trâu dễ trồng lại cho nhiều củ.
Từ lâu loại cây thuỷ sinh này đã gắn bó với quê tôi – một vùng đất trũng hay bị ngập nước khi có lũ về. Không biết ai là người đầu tiên tìm được loại cây trồng thích hợp như ấu trong mùa nước nổi, ai là người đầu tiên đã nhìn thấy những trắng trong tinh khiết trong mỗi trái ấu xù xì nép mình khiêm tốn dưới những lớp lá non. Ca dao có câu: “Thân em như củ ấu gai/Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/Ai ơi nếm thử mà xem/Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”. Đó chính là đặc điểm của trái ấu. Có rất nhiều loại ấu: ấu Đài Loan, ấu gai… thế nhưng quê tôi loại ấu được trồng phổ biến nhất là ấu sừng trâu, vì dễ trồng lại cho nhiều củ. Đến mùa, lá ấu như hàng ngàn bàn tay bé xíu xanh mướt xoè ra đón ánh mặt trời, những chiếc lá ấu tươi tốt sẽ báo hiệu một mùa ấu bội thu.
Và cứ mùa giữa năm âm lịch, quê tôi lại rộn ràng một mùa ấu mới. Với trẻ con thì hào hứng rủ nhau ra ruộng ấu hái những trái non. Đứa trên bờ nhặt ấu, đứa xuống ruộng hái; vỏ ấu non mềm dễ tách, không cứng như ấu già. Tuổi thơ chúng tôi đã đi qua ngọt bùi của bao mùa ấu thân thương. Cứ vậy, những ruộng ấu tốt tươi đã cùng với bao người dân quê tôi vượt qua bao khó khăn vất vả mùa lũ.
Cứ nhà này thu hoạch thì nhà kia đến giúp không phải trả tiền thuê mướn. Nói vậy, chứ hái ấu vất vả lắm, phải lội trong nước cả ngày; đôi khi còn bị gai ấu đâm tứa máu. Bà con ở quê vẫn hay đùa: “Hái ấu riết rồi mặt cũng đen như ấu”, vậy mà không ai bỏ nghề trồng này, không phải tốn nhiều công chăm sóc mà nguồn lợi thu về cũng không nhỏ.
Ấu già ăn bùi, ấu non ăn ngọt. Cứ đến mùa nhà tôi lại có nhiều món chế biến từ loại củ đặc biệt này: ấu luộc, nấu chè, ấu non ăn sống… nhưng thích nhất là canh trái ấu. Bữa cơm gia đình đầm ấm thoang thoảng mùi hương ấu đầu mùa mãi là ký ức đẹp trong tuổi thơ tôi. Cái âm thanh lốp cốp của những trái ấu già va vào thành nồi nghe thật quen thuộc.
Ấu luộc trong khoảng 30 phút là chín, lúc đó vỏ ấu chuyển sang màu đen như cái sừng trâu. Với trẻ con vùng đất ấu như chúng tôi thì mùa này ngày nào cũng được ăn, ăn mãi đâm ghiền, có khi chúng tôi lấy cọng dừa xâu ấu lại thành chùm đem đọ xem đứa nào kết được dài hơn! Ăn ấu phải nhai kỹ, chậm rãi mới cảm nhận hết cái vị ngọt bùi của ấu.
Và rồi, chúng tôi lớn lên từ những trái ấu trên đồng quê. Món quà dân dã mộc mạc đó được nhiều người ưa chuộng nên ngày càng có nhiều thương lái đến tận quê thu mua mang bán khắp nơi. Với tôi củ ấu bao giờ cũng ngọt bùi, thanh khiết như bao kỷ niệm trong ký ức.
Ý kiến bạn đọc