Người quê

Đăng lúc: Thứ tư - 17/10/2012 09:18

Mấy anh, mấy chú có thời hoạt động cách mạng thường kể lại: “Sướng nhất là mỗi lần được cử về công tác ở nông thôn”. Tức là họ được về với dân quê, được thương yêu, che chở.

Người quê chân chất, thiệt thà, hiếu khách, sẵn sàng chia sẻ hoạn nạn khó khăn với người khác dù chẳng quen biết hay họ hàng thân thiết gì.

Người quê cư xử rất “hào phóng”, kiểu như đem chia đôi lít gạo cuối cùng của nhà mình cho hàng xóm gặp khó khăn, “anh, chị xài đỡ đi rồi tính sau”. Họ tin người khác như thể tin bản thân mình, sẵn sàng giao cho người mới quen dăm ba triệu đồng mua giùm chiếc tivi đời mới trên thành phố. Tôi từng là khách không mời của dân quê, mỗi khi đi công chuyện gặp khó khăn. “Chú Hai đi công tác hả? Nếu kẹt cứ vô nhà tui nghỉ ít bữa, cơm nước có gì ăn nấy”. Nói vậy chứ bữa trước, bữa sau chủ nhà đã mần vịt nấu cháo mời nhậu tới bến. Đêm, nhường cho khách bộ ván có mắc mùng, còn mình ngủ võng vì “quen vậy rồi”.




Minh họa: Hữu Trí

Ông cậu bên vợ tôi phải bán đỡ hai công đất lấy tiền nuôi thằng Út học đại học. Tới hồi làm giấy tờ chuyển nhượng đất, vì ngại tới chốn công đường nên đưa hết sổ đỏ cho ông cán bộ huyện là người mua đất làm giùm. Mười năm sau, khi làm thủ tục chia đất cho các con, ông cậu mới té ngửa là hơn 400m2 diện tích đất thổ cư bị người mua chiếm hết rồi. Giờ muốn chuyển đất vườn qua đất thổ cư lại tốn thêm vài triệu tiền lệ phí nữa. Ông biết bị lừa gạt mà vẫn cười nói: “Ai biểu mình ngu chi?!”.

Ở các điểm bưu điện văn hóa hoặc thư viện sách pháp luật tại trụ sở UBND xã thấy bày nhóc các loại sách về pháp luật, vậy mà dân quê chẳng thèm quan tâm. Hồi nào có việc liên quan tới mình thì hỏi công an, cán bộ hộ tịch... Thế mới có chuyện bi hài trong ấp tôi, là cặp vợ chồng trẻ nghèo rớt nhưng bao năm nay vẫn hiếu thảo nuôi mẹ già. Mới rồi bà cụ qua đời, bốn bà chị gái từ các nơi mới lục tục về chịu tang.

Hôm tổ chức đám tang cho mẹ xong, anh con trai nọ còn đúng hai chục ngàn liền mua hai tấm vé số của một bà già bán vé số mang tới nhà. Anh nói thấy bà già tội nghiệp thì mua vì nhớ tới mẹ, chớ mong gì mình trúng số. Ai dè cặp vợ chồng trẻ đó hên, vô liền hai vé độc đắc. Sau khi nộp thuế thu nhập theo quy định, cầm 2,7 tỉ đồng trong tay như người nằm mơ. Nhưng khi tặng cho bốn chị gái mỗi người 100 triệu lấy thảo, mấy bữa sau vợ chồng nhà ấy có trát tòa gọi tới xử vụ “tranh chấp tài sản”.

Thì ra bốn vợ chồng nhà kia thấy em trai bỗng chốc thành tỉ phú thì đâm đơn thưa ra tòa đòi chia đều số tiền. Tại tòa, họ “lý sự” rằng 2,7 tỉ đồng kia là của chung, vì nếu không có đám tang mẹ thì cậu em đâu có mua được tấm vé số, nên số tiền ấy là “lộc” do mẹ để lại. Cả phiên tòa hôm ấy cười bể bụng và vợ chồng nhà kia mừng rỡ vì vẫn còn được làm “tỉ phú”.

Chuyện người quê còn nhiều cái lạ lắm. Hình như càng ngày sự hiểu biết của người quê càng khá hơn, nhưng có phần lệch lạc. Ví như một phụ nữ 30 tuổi là chủ vựa bán tranh, tre, lá xây dựng. Gom góp từ thời mới có chồng đến nay cũng dư được gần 200 triệu đồng. Không biết chị nghe một bà giám đốc công ty TNHH nói ngon nói ngọt thế nào, liền đưa cho bà ta mượn 100 triệu đồng để nhận được tờ giấy viết tay phong cho làm phó giám đốc công ty. Hai năm qua, tiền không đòi được, cái chức phó giám đốc cũng biến đi đằng nào.

Thời sự nhất là vụ muaban24.com vừa bị bể mánh trên cả nước, dân quê tôi cũng bộn người mắc nạn. Đã nói là dân quê vốn thiệt thà, cả tin. Nghe các “thủ lĩnh” dụ mua gian hàng ảo, mỗi gian hơn 5 triệu đồng, chỉ một tháng sau là tiền lời lên mấy chục triệu nên bà con ham. Vụ việc vỡ lở, một cậu thợ hồ tìm tới tôi nhờ viết đơn thưa kiện, tâm sự rằng: “Em có biết mua bán gì đâu. Thấy nó nói cứ bỏ ra 5,2 triệu mua gian hàng, ít bữa sau có 20 triệu thì ham quá. Hên là em chưa lãnh lương thợ hồ, nếu không đã quất thêm một gian nữa rồi”.

Cũng có người hiểu phương thức bán hàng trên gian hàng ảo, như chị Ba chủ vườn chôm chôm, mãng cầu. Có điều là bán không được. Mấy thứ trái cây của vườn, chị nhờ cháu gái đưa vô gian hàng cả tháng mà chẳng ma nào thèm mua.

Những người nhà quê học hành đỗ đạt đều bỏ quê mà đi hết. Những kiến thức tối thiểu của người công dân cũng theo bụi đỏ đường trường mà đi. Giờ một mảng xanh ngời ngợi cây trái quê kiểng còn nguyên đó, với những đức tính tốt đẹp từ bao đời nay của dân quê. Hình như những đức tính ấy chưa theo kịp sự biến động của thị trường, của xã hội. Và người dân quê biết hỏi ai bây giờ?!

Phùng Phương Quý
(Theo Tuổi Trẻ)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 95
  • Khách viếng thăm: 93
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 53970
  • Tháng hiện tại: 2254259
  • Tổng lượt truy cập: 48628386