Chuyện về những người quanh năm gắn bó với biển khơi…

Đăng lúc: Thứ năm - 25/12/2014 07:00
Ban đêm đứng từ vườn hoa Lạc Hồng nhìn qua phía bên kia sông là vô vàn những hình ảnh lung linh như cổ tích từ những ngọn đèn lấp lánh được thắp lên trong những con tàu vừa cập bến phía bên kia cồn Tân Long. Chỉ cách có một con sông mà gần như hai thái cực, một bên phố xá nhộn nhịp xe cộ ồn ào còn một bên là những ngọn đèn leo lét của những con người quanh năm vất vả với chuyện mưu sinh. Một ngày, tôi quyết đi một chuyến  sang bên kia cồn để tìm hiểu về cuộc sống của ngư dân dưới ánh đèn huyền ảo ấy.

Gần tới bờ, tôi đã thấy không khí nhộn nhịp, tất bật của chợ Tân Long. Tiếng người rao bán cá tươi mới về, tiếng gọi mời các mặt hàng quen thuộc và tiếng còi xe inh ỏi. Buổi sáng nơi đây thật là huyên náo. Đặc biệt vào những ngày mười ba, mười bốn hay ngày rằm là lúc ghe, tàu về. Bạn hàng từ nhiều nơi đổ về, tranh nhau mua từng con cá tươi ngon. Cái hương vị của món quà mà biển khơi dành tặng cho ngư dân thật ấm áp, không thể nhầm lẫn.

Bước lên bờ nhìn quanh, cảnh hai bên đường thật yên bình, vườn nhãn đang ra hoa, kết trái. Con đường hôm nay đông đến lạ, toàn là những thanh niên trai tráng và nhiều người đàn ông. Tay xách cá, tay xách đồ và những thứ linh tinh khác, tôi đoán họ vừa mới đi biển về. Có chị chạy ra đón chồng, vừa phụ anh chồng xách túi đồ trên tay vừa hỏi thăm tíu tít: “Chuyến này trúng không anh? Tàu chú Ba về chưa, thím Ba trông quá chừng? Cái này nặng quá, phải thứ cá hôm bữa không?...” .

Tôi ghé thăm trại ghe Bình Định và trại ghe Tiền Giang đang neo đậu ngơi nghỉ. Những chiếc ghe sau khi kéo vào bờ đang được kiểm tra kĩ lưỡng sau đó “tân trang” lại để đảm bảo an toàn và chắc chắn cho những chuyến đi sau. Ai cũng hì hụi đục đẽo những mảng bám vào ghe, xem những chỗ nào mục vá lại chắc chắn hơn.

Có rất nhiều ghe đậu trên bến, đủ các loại: ghe đánh bắt cá, ghe câu mực... Chúng đậu san sát nhau, hàng nối hàng thẳng tắp. Tất cả ghe cá, mực sau khi từ biển về đậu bên cảng cá. Sau khi san cá cho bạn hàng, chúng mới sang “nghỉ ngơi” trên bến này. Đứng đây, tôi có thể nhìn thấy phía bên kia sông, nhìn dòng nước hiền hòa theo ngày tháng với vài đám lục bình trôi lặng lẽ. Tôi hít thở cái không khí trong lành ấy, tận hưởng giây phút dịu êm bên khung cảnh đẹp và thơ mộng. Có gió nhè nhẹ, có nước mênh mông và cả cuộc sống thường nhật của con người nơi cồn Rồng. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Có nhiều ghe mới đi về sau một tháng ngoài biển khơi. Mọi người đang ríu rít hỏi thăm nhau về một chuyến đánh bắt xa bờ. Dừng chân ở một tàu đánh cá khá lớn. Đó là tàu của bác Sao (phường Tân Long - Mỹ Tho), một trong những ngư dân đi biển lâu năm nhất nơi đây.

Dáng người cao, da ngăm đen với nhiều nét khỏe khoắn của người con đất biển. Thấy tôi hỏi thăm, bác nhiệt tình đón tiếp và nói chuyện rất cởi mở, vui vẻ. Mặc dù sau chuyến đi dài khá vất vả, nhưng khi nghe hỏi về biển, về công việc, tôi thấy người đàn ông hiền hòa này rất vui và phấn khởi. Biển đã gắn bó với bác gần ba mươi năm, từ lúc mười bốn, mười lăm tuổi theo tàu đánh bắt xa bờ.

Tôi được biết ban ngày trên tàu, ngư dân tranh thủ nghỉ ngơi. Họ thay phiên nhau chuẩn bị bữa ăn và các ngư cụ cần thiết cho hành trình về đêm. Mồi, lưới cá, các dụng cụ khác đều được kiểm tra một cách cẩn thận. Khoảng ba, bốn giờ chiều thì đi giăng sẵn bóng đèn và chuẩn bị mồi. Thời gian đánh bắt thường là mười giờ có lúc hai, ba giờ sáng. Cái lạnh của đêm, của gió và nước biển khiến ngư dân dù mới chập chững theo nghề hay lâu năm đều phải rùng mình. Vất vả là thế nhưng vẫn không làm chùn bước của những người ngư dân. Họ rất yêu nghề và gắn bó với biển cho dù nhiều sóng gió. Nhìn những con nước xuôi dòng, có gió nhè nhẹ; đó là dấu hiệu cho mùa cá mới đầy hứa hẹn làm người dân háo hức chuẩn bị cho chuyến đi sau.

Nghỉ ngơi vài ba ngày, họ lại tiếp tục cuộc hành trình chinh phục biển khơi. Nơi mà họ gắn bó, với họ tất cả những gì thuộc về biển đều gần gũi đến lạ kì. Những vùng đánh bắt thường rất xa, có khi đi xa tới hai, ba trăm hải lý. Nhiều vùng biển mà tàu đã đi qua như ở Kiên Giang, Côn Sơn, và những vùng xa hơn nữa. Nghe bác kể mà tôi cũng tò mò, thích thú. Thỉnh thoảng ngư dân gặp cướp biển, chúng hung hăng tấn công các đoàn tàu đánh cá. Nếu thế tàu của ngư dân yếu hơn, chắc chắn chúng sẽ lấy toàn bộ của cải, ngư dân phải ra về trắng tay. Nhưng gặp những tàu lớn trang bị đầy đủ phương tiện, có nhiều người thì chúng khó lòng mà đạt được. Ngư dân cùng nhau chống trả, và quyết tâm giữ vững tàu. “Ngày trước có nhiều quân cướp biển lắm, nhưng bây giờ có nhiều cảnh sát biển tuần tra nên chúng không dám. Ngư dân cũng đỡ gánh lo” - chú Bình tàu bên cạnh nói vào. Khi thì hết thức ăn, phải ghé đảo trao đổi hay mua ít đồ. Mà trên đó thứ nào cũng đắt. Nhưng những người anh em bạn chài vẫn quyết tâm gắn bó với biển như một người bạn tâm tình.

Cả bác Sao và chú Bình từ nhỏ đã theo ghe, tàu đi nhiều nơi. Lúc trước đi bắt chủ yếu bằng những tàu buồm và đánh bắt cũng gần. Những chiếc buồm không đủ sức để đi xa; hơn nữa lúc đó không có bóng đèn. Chủ yếu họ mang theo đuốc dùng làm ánh sáng. Tàu ngày xưa không có các phương tiện thông tin như bây giờ; kinh nghiệm chủ yếu là dựa vào sao trời để xác định hướng đi; sau đó có la bàn. Khi nào về đến gần bờ thì người nhà mới biết bình an. Bây giờ hiện đại hơn, có tàu lớn, an toàn và có các thiết bị dò hướng, báo bão cũng an tâm. Nếu khoảng cách gần thì có thể liên lạc bằng điện thoại.

Những loài cá mà tàu thường bắt là cá nục, cá mắt lộ, cá thu, cá ngừ. Đôi khi có vài con cá rất to thì trúng mánh, anh em có một bữa vui lai rai ăn mừng chiến thắng. Nhâm nhi vài con cá tươi vừa bắt hay vài con mực nướng hòa với ít rượu, cảm giác này thiệt là “sướng”. Mấy anh em có thời gian ngồi nói đủ thứ chuyện trên đời. Khi thì nói về chú cá mập khó tính hôm nọ rồi rút kinh nghiệm nếu lần sau gặp “đồng bọn” chúng. Khi thì ngồi ca hát vu vơ; lúc thì bàn về tin tức thời sự nóng hổi. Cũng có lúc hỏi thăm gia đình bạn chài, về những kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo, mua gì, cần gì… Chúng tôi đang nói chuyện thì vợ bác Sao đi lại. Tôi hỏi bác về những trăn trở khi có chồng đi biển, bác chia sẻ: “Biết đi biển là vất vả và nguy hiểm lắm; nhưng bác biết ổng mê biển lắm. Về là ít bữa lại nôn đi nữa cho coi. Mình là phụ nữ ở nhà chỉ biết động viên và nhắc chừng cẩn thận” rồi cười hiền hòa mà nhìn chồng.

Hình thức đánh bắt quen thuộc của ngư dân là dùng lưới đèn. Đánh cá kết hợp với ánh sáng, lưới vó, lưới đăng, vợt và các phương tiện khác vốn là một hình thức được sử dụng trong những đêm tối trời. Việc kết hợp này mang lại hiệu quả cao trong từng mẻ lưới. Muốn đạt hiệu quả không chỉ biết dùng đèn, lưới mà quan trọng phải dựa vào kinh nghiệm, tìm hiểu “tập tính” của từng đàn cá thì mới đạt hiệu quả cao. Vào ban đêm, có những loài cá bị hấp dẫn bởi ánh sáng. Chúng bao vây những ngọn đèn; mà không biết rằng mình đang bị “lừa” nằm gọn trong mẻ lưới. Đó là những con cá thu, cá nục; chúng đi theo đàn, thường rất nhiều. Sau khi phát hiện những con mồi đang thi nhau bơi đến ánh đèn, những người ngư dân nhanh nhẹn đi gom bóng đèn về một chỗ; sau đó thả vợt, lưới xuống và kéo lên một mẻ cá nằng nặng, ngon lành. Những con cá bắt được sẽ đưa vào đáy thuyền; nơi được thiết kế để đựng cá. Có khi bạn hàng ra tận đó mua cá, cá được san tay liền. Cách bảo quản cá cũng phong phú, khi thì làm khô, khi thì ướp đá và nuôi sống. Gần đến ngày về thì cho toàn bộ cá vào thùng ướp đá. Nước đá được chuẩn bị rất nhiều, có thùng riêng rất lớn. Vì thế cá về rất tươi ngon.

Khi ghe thuyền đi xa chừng mười hải lý là có thể thả lưới dần; nếu có cá sẽ ở lại đánh bắt vài ngày. Tùy theo từng dòng nước chảy mà có những loại cá gì, nhiều hay ít. Trong một chuyến ra khơi dài, có khi là một tháng, hai tháng, có khi đi ba tháng mới về. Cả đoàn tàu phấn khởi khi thu về vài chục tấn cá. Chuyến này anh em có một chuyến thắng đậm, hồ hởi về khoe với gia đình; nhưng đôi khi nhìn nhau mà cười vì huề vốn. Nhưng họ vẫn hi vọng cho một chuyến đi sau nhiều thành công hơn. Cá thường tập trung nhiều vào những tháng đầu năm; nhưng vào tháng 9, tháng 10; thì họ lại lo lắng do gió mạnh khó cho việc đánh bắt. Đôi khi ăn uống không yên: “Vừa dọn cơm, mọi người xúm xít nhau ăn thì sóng ập vào, cầm chén cơm không chặt là đổ xuống tàu, mọi người một phen hết hồn. Qua cơn sóng dữ, mọi việc vẫn bình thường”.

Vất vả là thế, đối mặt với sóng dữ, với biển khơi mênh mông nhưng vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Và thật tự hào khi nhắc về biển cả, nhắc đến ghe tàu: “Hơn thế, những người ngư dân còn một hậu phương vững chắc, là gia đình luôn an ủi, động viên và chờ những thành công của họ sau một chuyến dài đi biển. Đó là những con cá tươi ngon, những con mực được câu đem về làm quà cho gia đình, bạn bè. Mỗi người ngư dân đều muốn dành tặng những món quà ngon nhất từ biển khơi cho mọi người". Bác Sao chia sẻ: "Chúng tôi sẽ gắn bó với nghề cả đời, nghỉ rồi thấy nhớ lắm, về hai ba bữa lại muốn trở ra biển, có khi ăn tết luôn ngoài đó. Cái cảm giác thả chân vào dòng nước biển trong xanh thiệt là thú vị, nước như quấn lấy bàn chân, mềm mại, mát dịu cả người”.

 Nhìn nụ cười trên gương mặt chú Bình, bác Sao thật hiền từ, rạng rỡ, hạnh phúc khiến tôi thêm cảm phục những người con của biển. Họ sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để gắn bó với nghề và luôn âm thầm cùng biển khơi vượt qua bao khó khăn trong suốt chuyến hành trình. Lòng tôi cảm thấy háo hức và mong chờ một chuyến đi biển với ngư dân. Ở nơi đó, tôi có thể quan sát rõ hơn công việc của họ và ngắm nhìn biển cả thân yêu. Biển khơi một phần lãnh thổ quan trọng thiêng liêng của Tổ quốc.

Kim Chi
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 63)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 352
  • Khách viếng thăm: 350
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 37099
  • Tháng hiện tại: 427947
  • Tổng lượt truy cập: 60778085