Dây tố lan ai oán qua tiếng đàn kìm trong điệu thức oán

Đăng lúc: Thứ hai - 27/02/2012 09:24
Dây tố lan ai oán qua tiếng đàn kìm trong điệu thức oán

Dây tố lan ai oán qua tiếng đàn kìm trong điệu thức oán

Đờn kìm là một nhạc khí có vai trò chủ đạo trong dàn nhạc tài tử, đứng chung với các đờn tranh, cò, tỳ, bà, tam vì âm sắc được liệt vào hàng ngũ tuyệt trong âm nhạc cổ truyền
dân tộc.

Biểu tượng tiếng nói của người trưởng thượng, đờn kìm có ngôn ngữ âm nhạc từ tốn, sâu sắc, chững chạc khi luyến nhấn chuyển cung, được người xưa gọi là Quân tử cầm. Vì vậy trong dàn nhạc tài tử chánh thống, đúng chất lượng không thể thiếu vắng đờn này.

Là một nhạc khí có nhiều cách lên dây và tên gọi cũng rất phong phú qua từng loại dây. Như dây Hò nhứt, Hò nhì, Hò ba, Hò tư, Hò năm, Nhị ngũ, Quả phụ, Sa giang… và đặc biệt là dây Tố Lan dùng để đờn các bản oán, mà âm sắc sâu buồn đã gắn liền với điệu thức này gồm các bản Tứ đại, Phụng hoàng, Giang Nam cửu khúc, Phụng cầu hoàng duyên, Bình sa lạc nhạn, Thanh dạ đề quyên, Ngươn tiêu hội oán, Võ văn hội oán.

Kể từ khi dây Tố Lan ra đời, hầu hết người đờn kìm đờn điệu thức oán đều sử dụng để thay cho dây hò tư nguyên thủy. Và phải nói dây Tố lan đã nâng chất lượng các bản oán lên cao nếu nhạc sĩ nắm đúng cung điệu mà thánh chất oán đòi hỏi.

Điệu thức oán sâu lắng ai oán cùng dây Tố Lan chuyển tải tình cảm của người Nam bộ chịu thương, chịu khó trong quá trình mở mang bờ cõi, chất chứa nhiều nỗi đắng cay mà tám bản nhạc “thầy” đã nói lên qua dây này.

Hiện nay ít nhạc sĩ sử dụng đờn kìm trong các bản oán bằng dây hò tư, ngoại trừ khi đệm cho sân khấu cải lương. Vì âm sắc của dây Tố Lan hòa quyện cao độ với tánh chất oán, tạo ra sắc thái đặc thù trong điệu thức và dễ đi vào tình cảm người nghe.

Vậy dây Tố Lan phát xuất từ đâu, ai là người sáng tạo ra nó?

Là trường hợp ngẫu nhiên hiếm hoi trong âm nhạc tài tử nói chung, nhạc sĩ Bảy Triều nói riêng, ngày nay khi đề cập tới đờn kìm qua các bản oán, người am tường dòng nhạc dân gian Nam bộ không quên nhắc sự song hành: “Tố Lan – oán”.

Nhạc sĩ Bảy Triều tức Trần Văn Chiều, người làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho nay là Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang: Là thân sanh giáo sư, nhạc sĩ Trần Văn Khê.

Quả thật hiếm thấy một gia tộc qua nhiều thế hệ đã đóng góp lớn lao cho nhạc tài tử mà từ nghệ nhân Trần Quang Thọ, Trần Quang Diệm, cho tới Trần Ngọc Viện (cô Ba Viện, lập đoàn hát Đồng Nữ Ban), Trần Văn Chiều (Bảy Triều) và Trần Văn Khê, mỗi người một vẻ tạo cho mình thế đứng vẻ vang trong âm nhạc truyền thống dân tộc.

Như đã nói, dây Tố Lan đờn kìm là sự ngẫu nhiên tạo ra của nhạc sĩ Bảy Triều mà tình tiết không khác chuyện tình sân khấu, chứa đựng khá nhiều chất lãng mạn của thơ văn:

Tố Lan là tên của một nữ sinh trường áo tím, tức trường nữ Gia Long trước 75 và hiện nay là Nguyễn Thị Minh Khai. Nàng biết đờn và ca khá hay. Có dịp nhạc sĩ Bảy Triều quen với Tố Lan  qua những cuộc đờn ca tài tử. Cảm nhau qua âm nhạc, hai người yêu nhau thề non hẹn biển. Tố Lan dự định bãi trường (nghỉ hè) sẽ về xin cha mẹ và nếu được chấp thuận, nàng sẽ báo tin cho Bảy Triều để làm lễ hỏi cưới xin.­

Song duyên âm nhạc không xe nợ  ái tình, ngờ đâu Tố Lan bạo bệnh qua đời. Bảy Triều được tin, ôm khối tình buồn và chỉ còn gởi lòng mình vào tiếng tơ đờn kìm.

Một hôm vì thương nhớ Tố Lan, Bảy Triều định mượn tâm sự Bá Nha khóc Tử Kỳ để khóc nàng. Nhạc sĩ tài hoa ôm đờn kìm đờn bản Tứ đại dây hò tư để nhớ lòng bản hầu sáng tác lời ca; xin tạm ghi một đoạn sau đây:

               “Thu trung thu nay đã đến ngày

               Sắm sanh lễ vật sẵn sàng

               Tạ Thánh hoàng cho mình hồi hương

               Buồm thuyền vừa trương sực nhớ đến hẹn kỳ…

               Thuyền đến nơi đờn Bá Nha lên dây luống đợi

               Chờ bạn Tử Kỳ tri âm hỡi có hay…”

Viết tới đây, vì có chuyện cần gấp Bảy Triều vội vã ra đi. Khi trở về viết tiếp cầm đờn lên khảy thì dây tồn tuột xuống. Bảy Triều sợ điều chỉnh dây đờn sẽ quên lời ca mình nhả trong lòng nên dò chủ âm liu để tìm thang âm đờn tiếp. Thì ra, khảy dây 1 cung liu của bực nhứt song thanh với dây tồn tuột xuống cung hò tạo ra âm trầm não nuột. Rồi dùng dây này làm nền nhạc viết hết lời ca bản Tứ đại. Và kể từ đó nhạc sĩ Bảy Triều luyện thật nhuần nhuyễn, ai nghe qua cũng khen hay, bắt chước.

Biết được tâm sự của Bảy Triều, lâu ngày giới chơi nhạc tài tử đặt tên là “dây Tố Lan” để nhắc nhở người nữ sinh bạc số trường áo tím.

Về sau, Nguyễn An Ninh, người học cùng trường Chasseloup laubat (Lê Quý Đôn hiện nay) với Bảy Triều thương cảm một chuyện tình đẹp, nhiều chất thơ nên sửa câu ca:

               “Thuyền đến nơi đờn Bá Nha lên dây luống đợi”

               Chờ bạn Tử Kỳ tri âm hỡi có hay

               Đờn Tố Lan lên dây luống đợi

               Chờ bạn Bảy Triều tri âm hỡi có hay”

Qua lịch sử dây Tố Lan đờn kìm hẳn những ai rung cảm khi thưởng thức điệu thức oán có thể nói rằng: Trong nhạc tài tử sự ngẫu nhiên cũng như ứng tấu ứng tác của nhạc sĩ là nét rất riêng của nhạc Nam bộ vậy.

Vỹ Chỗ
(Theo Tuyển tập LLPB VHNT TG)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 306
  • Khách viếng thăm: 305
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 47513
  • Tháng hiện tại: 2415938
  • Tổng lượt truy cập: 48790065