Nguyệt Châu - Hát trong lửa đạn, hát với hòa bình

Đăng lúc: Thứ tư - 26/11/2014 07:00
Cả đoàn có khoảng hai mươi người, trong đó chỉ có 3 phụ nữ, đa số ở lứa tuổi mười tám đôi mươi. Họ là những nghệ sĩ từ miền Bắc chi viện miền Nam vào những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất.

Chỉ có vài người lớn tuổi lãnh đạo đoàn, cũng không quá tứ tuần. Họ chọn một khoảng rừng kín đáo nhất để dừng quân. Những mẩu lương khô, những ca nước ngọt chuyền tay nhau. Những câu chuyện về quê hương Hà Nội được kể cho nhau nghe bằng tất cả tình cảm nhớ thương của những người xa nhà. Nhưng tuyệt nhiên không ai hối hận vì sự ra đi này. Tất cả vì miền Nam thân yêu, đó là lý tưởng, là tâm nguyện của người dân miền Bắc bấy giờ, nhất là ở lứa tuổi thanh niên. Ước vọng “xẻ dọc Trường Sơn” đêm ngày rực cháy trong tim dù họ thừa biết rằng phía trước là đạn bom, máu lửa.

Với Nguyệt Châu, người nữ diễn viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn, vẫn không ngoại lệ. Nhìn từng đoàn thanh niên lần lượt vào Nam đánh Mỹ, có cả những người đàn anh đàn chị quen biết trong các đoàn nghệ thuật, chị ao ước được theo chân họ, dù gian khổ thế nào cũng mặc. Có lần Nguyệt Châu đã mạnh dạn tâm sự với cha là nghệ sĩ Sáu Chí, một nhạc công đệm đàn của đoàn cải lương Nam bộ, về suy nghĩ của mình. Lúc đầu chị nghĩ cha mình sẽ không bao giờ chấp nhận để đứa con gái cưng tay yếu chân mềm phải dấn thân vào chốn chiến trường xa xôi đầy gian khổ. Nhưng không! Sau khi nghe con gái nói, nghệ sĩ Sáu Chí rươm rướm nước mắt vì cảm động. Ông âu yếm vuốt nhẹ mái tóc dài của cô con gái 17 tuổi, nói: “Con gái của cha biết suy nghĩ vậy là tốt lắm! Miền Nam đang chờ đợi sự chi viện của hậu phương miền Bắc. Chúng ta không chỉ chi viện vũ khí, lương thực mà còn chi viện về mặt tinh thần nữa. Tiếng hát của con sẽ thôi thúc chiến sĩ và đồng bào miền Nam xông lên đánh Mỹ. Cha cũng đã làm đơn tự nguyện vào đoàn nghệ sĩ đi B và sẽ xin cho con theo cùng. Trước mắt, con hãy tiếp tục cộng tác với Đài phát thanh Giải phóng, nhờ làn sóng đưa tiếng hát của mình vào Nam trước, đó cũng là một cách phục vụ chiến trường đắc lực con ạ!”.

Nghe cha nói vậy, suốt đêm ấy Nguyệt Châu nôn nao không ngủ được. Sáng ra, chị đến Đài phát thanh Giải phóng gặp soạn giả Trần Nam Dân theo lịch thu bài ca cổ “Bông sen”. Chính người soạn giả tài hoa này đã hướng dẫn cho chị từng lời ca tiếng hát, để từ một cô bé Khánh Vân chỉ biết ca vài bản vắn và theo mẹ làm đào con cho đoàn cải lương Kim Phụng trước đây, giờ đã trở thành giọng ca chuyên nghiệp Nguyệt Châu làm say đắm lòng người. Nhìn sắc diện bơ phờ của Nguyệt Châu, bác Trần Nam Dân hỏi lý do. Chị lại được dịp trút cạn nỗi lòng và niềm mơ ước của mình. Bác soạn giả vỗ vai chị, cười ha hả: “Thật không uổng công bác và các anh chị nghệ sĩ ở Đài chăm chút giọng ca cho con bấy lâu nay. Đã đến lúc con được đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho cách mạng. Bác mong rằng giọng ca của Nguyệt Châu, cái nghệ danh mà bác đã đặt cho con, sẽ lan tỏa trên khắp các chiến trường đánh Mỹ!”.

Những lời khuyên của bác Trần Nam Dân đã làm cho Nguyệt Châu thêm phấn chấn chờ đợi ngày trọng đại của cuộc đời mình - ngày có tên chị trong danh sách đoàn nghệ sĩ Nam tiến. Mãi về sau khi vào công tác các chiến trường miền Nam, những lời khuyên của bác Trần Nam Dân vẫn còn đọng mãi trong tâm trí chị, giúp chị thêm nghị lực để vượt qua biết bao gian nan nguy hiểm…

Ước nguyện cao đẹp của Nguyệt Châu theo thời gian đã trở thành hiện thực. Làm sao chị quên được buổi chiều năm 1973 ấy, nghệ sĩ Sáu Chí từ đoàn cải lương Nam bộ đạp xe về hớn hở báo tin vui. Danh sách đoàn nghệ sĩ đi Nam lần nầy có tên cả hai cha con. Chị đã oà khóc vì sung sướng. Mẹ chị rươm rướm nước mắt nhưng cũng gượng cười, nói: “Cha con ông đi chung một đoàn tôi mừng lắm!”.

Nguyệt Châu không nói được tiếng nào, chỉ ôm lấy mẹ, hứa vào miền Nam sẽ cố gắng hát thật hay và không quên những miếng nghề mà mẹ đã truyền lại.

Đường Trường Sơn đèo cao vực thẳm, lắm thác nhiều ghềnh. Ai có từng đi qua mới thấu hiểu hết những gian truân vất vả trong từng bước đi trên con đường lịch sử này. Giờ nghĩ lại, Nguyệt Châu không khỏi giật mình. Ngày ấy, có lúc chị mệt lả gần ngất xỉu. Anh em trong đoàn đã động viên, giúp đỡ đủ cách để chị vượt qua những giây phút gian nan nhất. Mọi người thay nhau kè chị từng bước đi, cõng chị lội qua suối, đút cho chị từng muỗng nước. Thế đó! Tình đồng đội gắn bó trong từng hơi thở, suốt cuộc đời chị không thể quên…

Và buổi chiều ấy đã để lại cho Nguyệt Châu một kỷ niệm suốt đời không thể quên. Sau khi dừng chân lót dạ bằng mấy mẩu lương khô, cả đoàn chuẩn bị đến một điểm đóng quân của bộ đội gần đó để phục vụ. Trong chương trình đêm nay, chị sẽ hát bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, bài ca cổ “Bông sen” của Trần Nam Dân, tam ca ca bài “ Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ Ánh Dương với hai ca sĩ nữ khác là Bích Ngọc và Hồng Vân. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của các chiến sĩ khán giả, Nguyệt Châu và anh em trong đoàn sẽ còn ca nhiều bài nữa.

Điểm phục vụ là một gò đất hơi cao trong một góc rừng. Ánh sáng lờ mờ soi khoảng sân khấu dã chiến được “thiết kế” bằng những nhánh hoa rừng đủ màu sắc. Khi đoàn tới, bộ đội đã ngồi sẵn trước sân khấu rất trật tự. Họ vỗ tay chào đón các nghệ sĩ với niềm vui tràn ngập trong từng ánh mắt, nụ cười. Sau những lời thăm hỏi của lãnh đạo đôi bên, đêm văn nghệ bắt đầu. Rừng đêm như càng lúc thêm yên tĩnh, nhường chỗ cho tiếng đàn, lời ca cất lên theo nhịp đập con tim của người hát lẫn người nghe. Như bao lần khác, Nguyệt Châu và đồng đội đã cất tiếng hát say sưa, bao nhiêu mỏi mệt của một ngày băng đèo lội suối chừng tan biến hết. Nhìn ánh mắt của những người bộ đội trẻ măng đang rực lên theo từng câu ca đầy khí thế hào hùng, chị mới hiểu hết sức mạnh của tiếng hát. Tiếng hát át tiếng bom là thế! Và chính những lúc này Nguyệt Châu mới thấy hết ý nghĩa của công việc mình làm.

Khi đến các tiết mục sôi động, những người bộ đội đã đứng lên cùng nhảy múa theo điệu nhạc một cách vô tư, hứng khởi. Những lúc này dường như họ đã quên hết mọi sự nguy hiểm, sống chết của chiến tranh. Rừng đêm bỗng vỡ oà một bầu không khí mới.

Một người bộ đội trẻ, rất trẻ, đã đến cùng nhảy múa với Nguyệt Châu. Anh nói đã từng nghe chị ca trên Đài Giải phóng và mong được một lần gặp mặt, nay anh đã toại nguyện rồi. Anh tặng Nguyệt Châu một nhánh lan rừng và nói ước gì sau này được gặp lại chị, nghe chị ca và nhảy múa với chị một lần nữa trong không khí hoà bình. Rồi anh bắt Nguyệt Châu hứa. Chị hỏi hứa gì? Anh nói hứa sẽ gặp lại, thế thôi! Cho đến bây giờ Nguyệt Châu vẫn không quên cặp mắt đa tình với hàng mi cong vút như con gái cùng nụ cười buồn buồn của anh. Ánh mắt ấy, nụ cười ấy như muốn nói với chị điều gì rồi lại thôi. Bây giờ tóc đã điểm sương nhưng khi có ai hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trên đường Trường Sơn, chị lại bồi hồi nhớ về người lính trẻ chưa kịp biết tên ấy.

Đêm văn nghệ đang vui thì có tin báo phải rút nhanh. Đoàn văn công được đưa ngay đến tạm lánh ở một trạm quân y cách đó khoảng 2 cây số. Chốc sau, chị nghe có ai đó báo tin chỗ vừa diễn ra đêm văn nghệ có biệt kích xuất hiện và đang nổ ra trận đánh lớn. Hừng sáng, khi đoàn của chị chuẩn bị lên đường thì nhiều thương binh được đưa về trạm. Họ cho chị biết người bộ đội đã tặng hoa và cầm tay nhảy múa cùng chị đêm qua không còn nữa. Chị đã bật khóc như vừa mất một người thân yêu trong đời. Cái lần thứ hai mà anh ao ước sẽ gặp lại Nguyệt Châu sau hòa bình vĩnh viễn sẽ không còn nữa!

Nguyệt Châu lại tiếp tục lên đường. Mấy tháng trời ròng rã, chị theo đoàn vừa đi vừa phục vụ khắp các chiến trường. Chị đã nếm trải cái khô khốc cháy da của ngọn gió Lào trong rừng Trường Sơn, cái giá buốt tê người của núi rừng Tây Nguyên. Chị cũng đã từng nằm co ro trên chiếc võng dù nghe tiếng muỗi rừng vo ve bên tai, từng băng mình qua những đồng lầy đầy đỉa vắt. Rồi những vùng quê nghèo đói xác xơ, những xóm vắng đầy dấu vết bom cày đạn xới. Tất cả đã làm cho cô gái Hà thành Nguyệt Châu ngày nào thêm dày dạn, phong trần. Và sự khắc nghiệt của chiến tranh đã trui rèn làm cho bước chân của Nguyệt Châu trên con đường cách mạng ngày thêm vững chắc.

Sau tháng ngày đương đầu với bom đạn chiến tranh, chấp nhận sự thiếu thốn vật chất, Nguyệt Châu đã cùng đoàn dừng lại Bà Rá, Trà Nu ở Campuchia chờ đại diện của Đoàn Văn công Đồng Tháp rước về R. Trải qua những gian khổ sau mấy tháng dài vượt Trường Sơn, đôi mắt vốn đã bị bệnh từ trước của nghệ sĩ Sáu Chí bỗng trở nặng. Tổ chức quyết định đưa ông trở về Hà Nội để chữa bệnh. Lúc đầu ông muốn con gái cùng đi với mình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Nguyệt Châu đã đến bên cha, cầm tay ông khẽ nói: “Con biết để cha trở về quê một mình là không phải đạo. Nhưng ở đơn vị khác có mấy người quen sắp về Bắc công tác, họ hứa sẽ bảo bọc và chăm sóc cha chu toàn cho đến khi về tới quê hương. Xin cha cho phép con ở lại. Anh em chiến sĩ ở miền Nam đang cần tiếng hát của con. Nhiệm vụ của con với cách mạng còn đó, xin cha hiểu giùm!”.

Nhạc sĩ Sáu Chí nắm chặt tay con, giọng trìu mến: “Cha hiểu…Trời cho con giọng hát hay và con đã sử dụng giọng hát ấy đúng chỗ… ”.

Sau đó, Nguyệt Châu được phân công về Đoàn Văn công Đồng Tháp thuộc Khu 8 lúc bấy giờ. Và trên sân khấu này, chị đã đem hết tài năng của mình ra phục vụ. Trong một đêm diễn, Nguyệt Châu có thể đảm trách ca tân, ca cổ, múa, diễn kịch, diễn cải lương…Và ở bất cứ thể loại nào chị cũng thành công, tạo được những ấn tượng đẹp cho khán giả. Hình như Tổ nghiệp đã ban cho Nguyệt Châu một cái duyên sân khấu khó ai sánh được. Mỗi khi chị bước ra sân khấu, những tràng pháo tay của khán giả trong các vùng giải phóng liên tục vang lên giòn giã át cả tiếng bom đạn. Nghe tin Đoàn Văn công về diễn có nghệ sĩ Nguyệt Châu, mặc rào bót địch ngăn lối, mặc đạn bom cản đường, bà con cũng quyết bơi xuồng để gặp mặt cô nghệ sĩ khả ái với giọng ca sâu lắng mê hồn.

Sau hòa bình, Nguyệt Châu lại tất bật tập dợt chương trình mới để phục vụ chào mừng ngày vui giải phóng đất nước. Chị ao ước được về miền Bắc, thăm quê hương, thăm cha mẹ nhưng công việc cứ trói chân chị, mãi 2 năm sau mới đi được.

Cho đến năm 1978, Đoàn Văn công Đồng Tháp đổi tên thành Đoàn Ca Múa Tổng hợp Tiền Giang. Tiếng hát của Nguyệt Châu lại cất cao khắp nơi được khán giả yêu thích qua các bài ca

“Tát nước đêm trăng” của Châu Thanh, “Hoa mua trắng” của Ngự Bình, ca khúc “Vì sao em chết” của Thanh Trúc. Ngoài ra, chị cũng đã tham gia nhiều vai diễn trong các vở kịch ngắn, chập cải lương của Đoàn dàn dựng như

“Dòng máu”, “Đường phố dậy lửa” của Nguyễn Vũ, “Bên cầu dệt lụa” của Thế Châu,

“Khối tình Trương Chi” của Loan Thảo, “Lan và Điệp” của Viễn Châu v.v….

Với sức phấn đấu, rèn luyện và bề dày thành tích cống hiến từ trong kháng chiến cho đến hòa bình, năm 1981 nghệ sĩ Nguyệt Châu được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, là nghệ sĩ duy nhất được ngồi vào ghế đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang. Sau đó, chị được đề bạt làm Phó đoàn Ca múa Tiền Giang. Từ năm 1993, Nguyệt Châu được nghỉ hưu, giã từ sân khấu trong sự luyến tiếc của khán giả. Kiếp con tằm vương vấn nợ dâu, giờ đây, ngoài thời gian lo công việc gia đình, chị đã tham gia biểu diễn cho Đội Thông tin Lưu động và sinh hoạt thường xuyên trong Ban Đờn ca Tài tử của Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang.

Cuộc đời ca hát của Nguyệt Châu trải qua nhiều giai đoạn, từ trong kháng chiến đến hòa bình. Khi đã cất tiếng ca là chị phải luyện tập tới nơi tới chốn. Nguyệt Châu không bao giờ chấp nhận lối ca “chạy sô” theo kiểu mì ăn liền. Với chị, nghề ca cũng lao động “đổ mồ hôi sôi nước mắt” như bao nhiêu nghề khác thì tiếng hát mới vào lòng người. Chị kể ngày xưa nghệ sĩ Sáu Chí đã bắt chị bỏ ra ba ngày trọn chỉ để tập ca một chữ “xang” trong bài Nam Ai. Chính ông đã truyền lại cho chị tính cần mẫn, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Vì thế, dù đứng trên sân khấu dã chiến trong rừng Trường Sơn, sân khấu đơn sơ trong vùng giải phóng hay sân khấu tân kỳ hoành tráng của các đoàn chuyên nghiệp trong hoà bình, lúc nào chị cũng biểu diễn hết mình bằng tất cả xúc cảm của tâm hồn. Khi trở về sinh hoạt văn nghệ dân gian với các đội nhóm tài tử, chị cũng nắn nót thật kỹ từng câu ca tiếng hát. Bởi với chị, hát không chỉ là niềm vui, là hạnh phúc mà còn là bổn phận, là trách nhiệm của người nghệ sĩ với cuộc đời…

Có lần, anh em trong Chi hội Sân khấu hỏi: “Trong sự nghiệp ca hát, Nguyệt Châu nhận được bao nhiêu huy chương?”. Chị lắc đầu bảo thực lòng chị không nhớ hết. Anh em ngồi thống kê lại, cái nhớ cái quên. Tiêu biểu như:
+ 1983, HCB Ca múa nhạc toàn quốc.
+ 1985, HCV Ca múa nhạc chuyên nghiệp
toàn quốc.

+ 1988, HCV Dân ca cổ nhạc toàn quốc tại
Kiên Giang.

+ 1993, HCV Đờn ca tài tử Nam bộ - Trung tâm Âm nhạc Dân tộc tại TP Hồ Chí Minh.                                                                       
+ 1995, HCV Đờn ca tài tử ĐBSCL - Đài truyền hình Cần Thơ.
+ 2007, HCV Đờn ca tài tử ĐBSCL tại Long An.
+ 2011- HCV Đờn ca tài tử toàn quốc - Festival Lúa gạo ở Hậu Giang.
+ 2012 - HCV Đờn ca tài tử ĐBSCL tại Vĩnh Long.
+ 2014 - HCV Festival Đờn ca tài tử toàn quốc tại Bạc Liêu.
+ V.v…

Huỳnh Anh
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 64)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 405
  • Khách viếng thăm: 402
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 58830
  • Tháng hiện tại: 2223490
  • Tổng lượt truy cập: 46190723