Hát ru, một vốn quý vô giá

Đăng lúc: Thứ năm - 06/12/2012 10:31
Có một lần gặp tôi anh Tố Hữu có nói rằng sở dĩ anh làm thơ được là nhà bà cụ ngày xưa đã cho anh nghe không biết bao nhiêu là thơ ca, dân gian Việt Nam qua các lời ru. Thơ ca và những lời hát ru đó đã thấm vào máu của anh, Tôi thấy điều đó hoàn toàn chính xác. Trước nay, đi khắp nơi trên thế giới đến đâu có người hỏi về giáo dục âm nhạc ở Việt Nam,
Tôi điều trả lời rằng: ở nước chúng tôi không giống như các nước phương Tây, nghĩa là đưa đông đảo các em vào lớp 1 trở lên học “đồ, rê, mi” rồi học hát học múa….Người Việt Nam bắt đầu giáo dục âm nhạc ngay từ khi đứa trẻ mới sơ sinh. Bà mẹ ôm em vào lòng, nhè nhẹ hát cho em nghe những lời ru êm ái, ngọt ngào, đó là bài giáo dục âm nhạc đầu tiên của các em.

 

Những bài hát ru đó nhiều khi có vẻ thô sơ mộc mạc mà rất đẹp, rất đa sắc, đa dạng. Người Việt Nam ở miền Nam ru em theo “ ầu ơ ví dầu”, người ở miền Trung ru khác, miền Bắc ru khác, đồng bào các dân tộc ít người cũng ru khác nữa. Trong những bài hát ru ngoài cái đẹp thẩm âm có cái đẹp trong văn học dân gian và có nội dung giáo dục rõ rệt. Lời hát có khi ca ngợi lịch sử và tình yêu dân tộc, có khi mô tả cách ăn, cách mặc, những cảnh đẹp của quê hương, những nếp sống quen thuộc hằng ngày…


“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi”

“Ví dầu con cá nấu canh,
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”

Những lời hát dịu dàng, tha thiết đó của mẹ truyền sang con, không chỉ bằng hơi ấm của cơ thể mà còn bằng cả tư tưởng, tâm hồn và cả kiến thức. Và nhiều khi không cần bà mẹ có nhiều kiến thức mới truyền được cho con những giá trị bác học trong văn học. Vừa rồi, anh Quì, nguyên là thứ trưởng Bộ văn hóa hiện đang nghỉ hưu tại thành phố, có kể với Tôi rằng bà cụ anh hoàn toàn mù chữ, nhưng đã thuộc Kiều từ câu đầu tới câu cuối, bà đã rót vào tai anh không biết bao nhiêu lần và nó đã thấm sâu vào anh như máu thịt. Cùng với dòng sữa mẹ, thơ ca và âm nhạc dân tộc truyền vào cơ thể, sẽ giúp cho các em suốt đời gắn bó với quê hương đất nước, tránh được những ảnh hưởng ngoại lai.

Cái thích của con người phụ thuộc vào cách nhận xét mà ngày nay người ta gọi là “nhận xét sự vật bằng điện tử”. Tức là, cũng giống như khi ta đưa số liệu vào cho các bộ nhớ của máy tính điện tử, khi đã quen thích một cái gì thì khi tiếp xúc với cái mới tự nhiên sẽ có sự đối chiếu, so sánh. Có khi đối chiếu rồi mình lại bị chinh phục bởi cái mới nhưng nếu cái sẵn có được xác lập vững vàng thì cái mới không phù hợp sẽ bị loại ra ngay. Trong khoa học giáo dục hiện đại, phương pháp dạy trong giấc ngủ rất có tác dụng. Người ta đã dùng phương pháp này để dạy ngoại ngữ. Tức là khi sắp ngủ và trong giấc ngủ, người ta mở máy ghi âm cho chạy đều đều các bài đang học. Tuy bộ não không hoàn toàn làm việc đầy đủ, nhưng tiếng nói rót vào tai lặp đi lặp lại nhiều lần trong những lúc mơ màng, khi tỉnh dậy trong tiềm thức vẫn nhớ bình thường.

Cho nên, nếu những bài hát ru in sâu vào tâm khảm các em thì khi lớn lên nghe cái gì trái với cái đã quen, các em sẽ khó tiếp thu được. Ngược lại, nếu các em quen nghe nhạc kích động chẳng hạn, thì các em sẽ cho hát ru là bỏ đi. Nếu lớn lên một chút, tiếp theo những bài hát ru, các em làm quen với các câu hát đồng dao, lớn thêm ít nữa quen với các làn điệu hoặc các bài nhạc giàu sắc dân tộc thì các em sẽ càng thêm gắn bó thiết tha với quê hương tổ quốc.

Ở Nhật Bản đã có một bài học rất đắt giá, họ đã phải mất hơn 100 năm với bài học đó. Đó là sau thời kỳ Minh Trị lên ngôi thì Nhật Bản mời chuyên gia nhiều nước phương Tây đến giúp tổ chức giáo dục âm nhạc. Trong số chuyên gia đó có ông Lu-thơ Oai-thing Mê-Xân (Luther Withing Mason), ông này đề nghị giáo dục trẻ em Nhật theo phương pháp và thang âm của phương Tây bằng đàn ạc-mô-ni-um (harmonium). Làm như vậy mấy chục năm liền, đến nổi về sau thế hệ trẻ nghe nhạc phương Tây thì cho là đúng với âm nhạc, còn nhạc Nhật thì cho là ngoại lai hoặc không đáng kể. Ngay cả hiện nay ở Nhật Bản vẫn còn tình trạng hễ nói “đi nghe âm nhạc” tức là nhạc phương Tây, còn muốn “nghe âm nhạc Nhật” thì phải nói rõ là “nghe nhạc truyền thống Nhật Bản”! Người Nhật đã thấy tai hại này từ năm 1961, và cũng đã có một số cố gắng nhất định để khắc phục. Họ đã tổ chức đưa âm nhạc dân tộc vào các lớp mẫu giáo, để cho các em sớm quen thuộc và trở thành một nhu cầu hàng ngày không thể thiếu được như cơm ăn áo mặc.

Chúng tôi thấy giáo dục bằng hát ru là cái giáo dục khởi đầu, mà cái gì khởi đầu điều quan trọng. Một em bé bắt đầu đi học, gặp thầy giáo tốt sẽ là một thuận lợi lớn cho lâu dài về sau. Không chỉ quan trọng về giáo dục âm nhạc mà cả rèn luyện tinh thần dân tộc, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và tâm hồn của con người Việt Nam, bồi dưỡng cả kiến thức văn học dân tộc.

Đáng tiếc là ở nước ta cũng như trên thế giới, hát ru đang mất dần. Đó là một thiếu sót lớn của giáo dục và một thiệt thòi không nhỏ của các thế hệ trẻ. Về nước lần này, tôi rất mừng khi biết Bộ Văn Hóa Thông Tin và Viện nghiên cứu âm nhạc nước ta sẽ tổ chức hội diễn hát ru vào vài năm tới. Đây là dịp rất tốt để sưu tầm và phát huy vốn hát ru vốn hết sức phong phú của nhân dân ta. Sau đó có thể tiến tới bàn với Campuchia, Lào, và một số nước láng giềng khác trong khu vực Đông Nam Á tổ chức chung cuộc hợp về hát ru và hát lao động (tức hò) trong các nước Đông Nam Á. Có thể đề nghị với tổ chức khoa học, văn hóa giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) bảo trợ để tăng thêm giá trị tinh thần và sức thuyết phục. Sau đó nữa có thể đề nghị UNESCO tổ chức rộng rãi trên khắp thế giới để phục hồi hát ru, một vốn quý vô giá để giáo dục phẩm chất con người. Xã hội nào, trình độ tiến bộ nào cũng rất cần những bài hát ru.Chỉ có điều là tổ chức như thế nào cho thích hợp với điều kiện sinh hoạt của từng nơi; làm sao cho các bà mẹ, các chị em giữ trẻ đều biết và đều thích hát ru. Tôi nghĩ cũng có thể sử dụng các phương tiện ghi âm, truyền thanh …sao cho không một trẻ em nào lớn lên mà không được đắm mình trong những lời hát ru êm dịu ấy.

Nhật Bản đã có một việc làm rất ý nghĩa: họ đã sưu tầm và in để phát hành một băng cát-xét những bài hát ru. Đó là một việc làm tốt nhưng kết quả chưa bao nhiêu, vì một băng trong vô số hàng vạn băng các loại nhạc khác tràn ngập khắp nơi thì tác dụng còn rất hạn chế.

Riêng phần Tôi, Tôi sẽ cố gắng hết sức đóng góp với Viện Nghiên cứu âm nhạc để tổ chức thật tốt hội diễn hát ru sang năm. Thành công đầu tiên ở nước ta chắc chắn sẽ có sức cổ vũ và thuyết phục mạnh đối với các nước khác.

Hát ru được khôi phục đó sẽ là niềm vui chung của mỗi chúng ta và là nguồn hạnh phúc cho các thế hệ mai sau.

Phước Sanh
(Theo tranvankhe.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Hát ru, vốn quý, vô giá

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 443
  • Khách viếng thăm: 436
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 60857
  • Tháng hiện tại: 1926636
  • Tổng lượt truy cập: 48300763