Hai tập sách "Mùi chữ" (Nguyễn Hoài Nam) và "Không gian văn học đương đại" (Đoàn Ánh Dương) thể hiện cách nhìn thẳng thắn, sắc sảo về văn học đương đại.
Nguyễn Hoài Nam sinh năm 1975, còn Đoàn Ánh Dương sinh năm 1984, tuy tuổi không còn thuộc thế hệ trẻ, nhưng vẫn là hai mái đầu xanh giữa các mái đầu bạc thường thấy của lãnh địa phê bình văn học Việt Nam.
Nguyễn Hoài Nam tốt nghiệp khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Anh từng là biên tập viên kiêm người dẫn chương trình Diễn đàn Văn học Nghệ thuật với bút danh Hoài Nam. Hiện anh phụ trách chuyên mục Tủ sách của chúng tôi trên VTV1. Còn Đoàn Ánh Dương đã bảo vệ luận văn thạc sĩ Lý luận văn học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh từng viết nhiều bài phê bình văn học trên báo Đại Biểu Nhân Dân, công bố nhiều bài viết nghiên cứu trên các báo, tạp chí thể hiện những tìm tòi, hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu văn học đương đại Việt Nam. Hiện Đoàn Ánh Dương là nghiên cứu viên tại Viện Văn học.
Từ trái qua: Tác giả Phạm Hoài Nam, |
Cả Hoài Nam và Ánh Dương đều hoạt động trong môi trường báo chí, đây là cơ hội để hai tác giả tiếp cận với những xu thế mới, những vấn đề nổi cộm của văn học đương đại nước nhà. Tuy cùng một đối tượng nghiên cứu nhưng mỗi người có một cách tiếp cận, một phong cách viết hoàn toàn khác nhau. Nguyễn Hoài Nam làm báo, nên các bài viết của anh cập nhật, dễ tiếp cận; trong khi đó Đoàn Ánh Dương do tính chất công việc nghiên cứu nên các bài phê bình mang tính hàn lâm, học thuật hơn.
Trong Mùi chữ, Nguyễn Hoài Nam thể hiện sự nhanh nhạy khi phát hiện các vấn đề nóng của văn học đương đại Việt Nam. Từ những phát hiện đó, tác giả đã phân tích thẳng thắn, trực diện và đưa ra những đề xuất, kiến nghị thực tế. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định Mùi chữ là cuốn sách tiêu biểu cho phong cách phê bình văn học trên báo chí, đồng thời cho thấy diện mạo của nhà báo chân chính: sắc sảo, có trách nhiệm và luôn hướng tới tính thực tiễn.
Cuốn sách chia làm ba phần, phần mở đầu Tìm lại người quen là những góc nhìn mới về những tên tuổi của nền văn học Việt Nam, từ Xuân Diệu, Hoài Thanh, tới Nguyễn Bính, Trần Dần, Lưu Quang Vũ. Với phong cách trực diện và thẳng thắn, Hoài Nam nêu cả những ,gót Asin, của những tác giả lớn. Tác giả cũng chỉ ra những ưu điểm, những thành tựu đỉnh cao của các bậc tiền nhân mà lớp hậu thế có thể học hỏi, áp dụng trong đời sống văn học hôm nay.
Hai cuốn sách Mùi chữ và Không gian văn học đương đại |
Phần hai Tìm trong trang sách, tác giả Hoài Nam đi tìm những giá trị trong các tác phẩm có tầm tư tưởng của dân tộc và nhân loại. Tác giả đề cao giá trị của sách vở và tri thức, những tư tưởng soi chiếu vào thực tiễn qua các tác phẩm như Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Biên niên ký chim vặn dây cót của Murakami, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo... Với phần ba Nghĩ về văn chương, tác giả thể hiện những suy nghĩ, quan điểm của mình về các vấn đề nóng đang còn bỏ ngỏ của lý luận văn học và đời sống văn chương Việt Nam như: vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, viết tiểu thuyết lịch sử, dũng khí của phê bình văn học, công chúng của văn chương...
Trong tập sách Không gian văn học đương đại của Đoàn Ánh Dương, người đọc có thể tìm thấy những bài phê bình về những tên tuổi nổi bật của văn học đương đại. Đó là các gương mặt đại diện cho các thể loại khác nhaunhưNguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Phấn, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương...
Đoàn Ánh Dương đã vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu văn học trong các bài viết của mình. Đối với Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, tác giả sử dụng lý thuyết hậu thực dân để giải mã tác phẩm, và nhận xét: Với tự sự hậu thực dân, tái tạo quá khứ luôn là cuộc hồi đáp không ngừng giữa tính khách quan của lịch sử và ý đồ của nhà tiểu thuyết, làm thành đặc trưng cơ bản của bộ phận văn học này. Đoàn Ánh Dương cũng phân tích tác phẩm bằng những lý thuyết khác nhau, như dùng lý thuyết chấn thương để phân tích tác phẩm của Bảo Ninh, sử dụng thi pháp học để nghiên cứu thơ Nguyễn Quang Thiều và thơ Trần Anh Thái, dùng lý thuyết về môi trường và nhân tính để nghiên cứu biểu tượng và ngôn ngữ trong truyện Nguyễn Ngọc Tư...
Mùi chữ và Không gian văn học đương đại không chỉ mang tới góc nhìn của hai nhà phê bình trẻ về những tác giả, tác phẩm văn học đương đại mà còn thể hiện nhiều vấn đề nóng của văn chương đương thời. Hai cuốn sách vừa làtư liệu dành cho những người làm công tác nghiên cứu, đồng thờicung cấp những cách tiếp cận cho độc giả của văn chương đương đại.
Ý kiến bạn đọc