Sách ngoại, sách sến - sex la liệt trên các kệ sách (ảnh minh họa).
Lướt qua các cửa hàng sách quen thuộc, người ta không khó nhận ra trên kệ đa phần là sách của các tác giả nước ngoài. Một số tác giả Việt Nam may mắn được bày lên kệ ngoài thì đa phần đều viết về tình dục hoặc dưới dạng tự truyện của các ngôi sao, cố tình phanh phui một vài chuyện hậu trường, thâm cung bí sử trong giới giải trí. Điều này cũng dễ hiểu. Đa phần người viết văn hiện nay đều có nghề báo nên việc tiếp cận với những đề tài nóng của xã hội trở nên dễ dàng hơn. Vả lại, những đề tài nóng như mại dâm, bạo lực luôn được người đọc đón nhận, dù đôi khi chỉ... đọc xong để đấy.
Một nhà văn trẻ tâm sự, anh rất muốn viết một cái gì đó cho “ra tấm ra món”, thế nhưng, vừa mất thời gian lại vừa khó được xuất bản, thôi thì nhân việc của tòa soạn giao cho phụ trách mảng xã hội nên vừa viết phóng sự vừa rảnh lúc nào thì chế tác lại thành tiểu thuyết, bồi đắp thêm vài số phận, vậy là vừa dễ bán lại nhanh được quen tên, sau này khi đã nổi tiếng rồi sẽ viết nghiêm.
Đó cũng là con đường chung của nhiều nhà văn hiện nay. Viết được một tác phẩm hay không dễ, có khi mất cả đời cũng chẳng thành. Vậy nên người thì viết về sex vừa để sách bán chạy vừa như khẳng định rằng mình cũng không thua chị kém em trong lĩnh vực này. Một số nhà văn nữ trẻ thì viết tiểu thuyết diễm tình mà ở đó, các nhân vật như bản sao vụng về của tiểu thuyết Quỳnh Dao, nhưng cũng đủ để lấy nước mắt của nhiều độc giả nữ vốn đã quen với phim truyền hình Hàn Quốc.
Không ít nhà văn đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn theo hướng này. Họ thành công đến mức lớp đàn em cứ thế mà học tập. Đàn anh viết về sex, mình viết về đồng tính cho khác. Đàn chị viết về tình yêu thị dân, mình viết về tình yêu cách trở giàu nghèo. Và họ cũng thành công nhờ công nghệ lăng xê, nhờ những chiêu thức tự quảng cáo cho mình trên các diễn đàn mạng, các trang cá nhân.
Ðừng đổ lỗi cho hoàn cảnh
Đôi khi, giới văn chương hay bảo nhau, thời này hay lắm, nếu Vũ Trọng Phụng nay Nam Cao mà sống lại thì chắc chắn sẽ cho ra đời đến hàng trăm Xuân Tóc đỏ, hàng chục Chí Phèo. Thời đại nào cũng có nhân vật điển hình của riêng mình. Chỉ có điều, khi giới văn chương nói vậy, chúng ta phần nào đã cảm thấy sự bất lực của những cây bút đương đại.
Có nhà văn thì bảo, sao tôi không may mắn như cụ Nam Cao, ở làng cụ nhìn ngang thì thấy Chí Phèo, nhìn ngửa thì thấy Bá Kiến, nhìn chéo thì thấy lão Hạc. Nhưng thật ra, những nguyên mẫu ấy ở ngoài đời, theo lời kể của dân làng mà một số nhà nghiên cứu ghi lại được thì rất khác với những gì nhà văn Nam Cao miêu tả. Cũng vậy, Xuân Tóc đỏ chắc chắn là sản phẩm của tài năng Vũ Trọng Phụng chứ không phải là một anh Xuân nào đó có thật trên đời. Nhà văn thời nay còn nhiều cơ hội hơn, bởi họ được đi nhiều, được đọc nhiều hơn các bậc đàn anh đi trước, nên chắc chắn họ may mắn hơn cụ Nam Cao nhiều lần (!).
Nếu cứ suy nghĩ như vậy, chắc các nhà văn nổi tiếng đã không dám viết, bởi trước họ, cũng đã có rất nhiều nhân vật điển hình của những bậc tiền bối tồn tại như sự thử thách. Nhân vật điển hình vẫn tồn tại xung quanh người sáng tác, có khi càng ngày càng nhiều lên theo tỷ lệ gia tăng dân số. Có điều, nhân vật điển hình còn kiêu ngạo và e lệ hơn cả các thiếu nữ, muốn gọi ra được, cần cả tài năng lẫn sự miệt mài.
Cũng chính vì thế, độc giả lại càng không chấp nhận được khi người sáng tác nói rằng, họ chưa có tác phẩm, chưa có nhân vật vì lý do nhuận bút thấp. Điều này là quan hệ hai chiều. Viết văn là niềm say mê, bởi từ xưa đến nay, chưa mấy ai sống được bằng nghề văn cả, thế nhưng, số người lao vào con đường này không vì thế mà ít đi. Và nếu thực sự nhà văn có tác phẩm hay, họ vẫn có độc giả của mình. Chẳng hạn như Nguyễn Nhật Ánh, anh vẫn có lượng độc giả hùng hậu của mình bằng lối viết trong trẻo, dễ thương và đi sâu được vào tâm lý của tuổi mới lớn.
Văn học đang thiếu tài năng
Thực ra, cũng phải thông cảm với các nhà văn hiện nay. Văn chương không còn là độc tôn như trước. Đến ngay cả điện ảnh cũng đã phải nhường chỗ cho gameshow, cho truyền hình thực tế thì đương nhiên văn học cũng cùng chung số phận, nép ra phía sau. Nói gì thì nói, đó cũng là một nguyên nhân khiến các cây bút không còn quá hào hứng với nghiệp viết nữa. Gần như họ chỉ viết cho đến khi thành danh. Đạt được điều đó rồi, họ phải quay ra bươn chải với đời, mượn mác nhà văn như một tấm giấy thông hành.
Nhưng hơn hết, đó là vấn đề tài năng. Chúng ta thiếu tài năng trên tất cả các lĩnh vực. Văn học lại càng thiếu. Gần như các cây bút mới được chờ đợi đều đã chững lại. Nguyễn Ngọc Tư vẫn giữ lối viết về đất và người miền Tây nơi cô sinh ra mà không có gì đột biến đến mức cô cũng học theo lối thời thượng là viết về sex - một đề tài mà cô không rành lắm - để rồi cuốn sách nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Nguyễn Đình Tú mải mê hết từ tội phạm sang tình dục, gây rùm beng bằng những chiêu trò giới thiệu sách hay trình diễn văn chương, cũng chỉ đủ để làm gợn vài con sóng nhỏ trong biển văn chương. Dili thì chuyển sang đề tài kinh dị sau khi cày xới nát cánh đồng văn chương tuổi mới lớn và có chăng, ấn tượng còn lại với độc giả là về ngoại hình bắt mắt của cô - vốn không nhiều trong giới văn chương. Còn những cây bút khác thì vẫn loay hoay tìm cách thoát khỏi cái bóng, vốn không lớn, của chính mình. Và đáng buồn hơn, nếu lấy độ tuổi thành danh của các nhà văn lớp trước như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng làm tham chiếu thì những cây bút quen thuộc trên văn đàn gần như đã qua đỉnh dốc bên kia của sự nghiệp.
Thế nhưng, lúc nào chúng ta cũng có quyền hy vọng. Bởi nếu nhìn rộng ra, ngay cả một nền văn học lớn của một giai đoạn, rốt cuộc cũng chỉ đọng lại vài tác phẩm. Thế cũng đã là nhiều rồi. Văn học nghệ thuật, chỉ đỉnh cao mới tồn tại. Và hy vọng chỉ thành hiện thực, một khi nhà văn dám bước qua cái “sốc-sến-sex” để đến với sáng tác đích thực.
Ý kiến bạn đọc