Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Sự kiện và nhận định

Đăng lúc: Thứ hai - 19/11/2012 09:24
Trong 2 ngày 17 - 18/11/2012, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang đã diễn ra Hội thảo Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ nhất, do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang tổ chức. Tại buổi tọa đàm họa sĩ Trần Khánh Chương có bài tham luận về “Mỹ thuật khu vực ĐBSCL - Sự kiện và nhận định”, đã khái quát được chặng đường lịch sử của Mỹ thuật ĐBSCL và và nêu các kiến nghị, đề xuất. VNTG xin giới thiệu với bạn đọc bài tham luận này.
I. Vài  nét về Đồng bằng sông Cửu Long và mỹ thuật ĐBSCL trước Cách mạng tháng Tám:

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất người Việt đã khẩn hoang lập ấp từ lâu, do người Việt từ miền Trung và miền  Bắc vào khai phá.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đấu, đến năm 1698 Chúa Nguyễn mới sai Thống suất Nguyễn Hữu Cẩn vào Nam Kinh Lý và thiết lập phủ Gia Định, lúc đó còn thuộc vùng "biên cảnh". Năm 1708, Mạc Cửu xin cho trấn Hà Tiên về quyền Chúa Nguyễn, cho lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ (sau là Vĩnh Long). Năm 1756, tổ chức cai trị đạo Trường Đồn (sau là Định Tường). Đến năm 1757 lập đạo Đông Khẩu, Tân Châu, Châu Đốc. Từ đó Đồng bằng sông Cửu Long mới hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam và cho đến nay là 255 năm (1757 - 2012).

Từ sau khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam bộ theo Hiệp ước 1862 và chiếm ba tỉnh miền Tây Nam bộ 1867, Nam Kỳ Lục tỉnh bị xoá bỏ và chia thành 20 tỉnh. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Châu Đốc, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Trà Vinh và Vĩnh Long. Đến 1910 dân số toàn khu vực là 2.129.898 người. Đến năm 1930 dân số lên đến 3.346.500 người.

Sau ngày Hiệp định Genever đất nước bị chia làm hai miền, từ năm 1955 đến 1975, chính quyền Sài Gòn đã chia lại thành 17 tỉnh bao gồm: Kiên Giang, Trương Thiện, Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc, Phong Dinh, Định Tường, Long An, Ba Xuyên, Vĩnh Long, Bạc Liêu, An Xuyên, Vĩnh Bình, Kiến Hoà, Gò Công, Kiến Phong, Kiến Tường. Dân số đã lên tới 6.347.215 người.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, địa giới hành chính một số tỉnh đã được điều chỉnh. Năm 1994 có 11 tỉnh gồm: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Minh Hải. Cho đến nay tỉnh Cần Thơ đã được tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ, tỉnh Minh Hải tách thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Như vậy sau nhiều lần sáp nhập và chia tách, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 13 tỉnh thành. Cho đến năm 1994 dân số là 15.850.600 người và cho đến nay dân số đã xấp xỉ gần hai mươi triệu người.

Đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình phát triển chủ yếu là sản xuất lúa gạo, từ năm 1939 đã sản xuất được 2.826.930 tấn lúa. Đến năm 1975 sản xuất được 3.928.000 tấn lúa. Đến năm 1994, sản xuất được 12.120.900 tấn lúa.

Cùng với sông Cửu Long ông cha ta đã đào nhiều con kênh để phục vụ cho nông nghiệp và lưu thông. Đầu tiên là kênh Đông Xuyên nối thông từ Long Xuyên đến Rạch Giá rồi đến kênh Vĩnh Tế từ  Châu Đốc đến Hà Tiên...

Từ triều vua Minh Mạng, bên cạnh những trường dân lập nhỏ lẻ, chính quyền Nhà Nguyễn đã cho thành lập một số trường công lập ở phủ huyện vào đầu thế kỷ 19 tập trung nhiều nhất ở vùng đất thuộc tỉnh Tiền Giang hiện nay. Cho đến khoảng cuối thế kỷ 17, Mỹ Tho trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất toàn Nam Bộ hồi đó bởi chợ phố lớn Mỹ Tho được thiết lập ở ngã ba sông. Gia Định thành Thông Trí của Trịnh Hoài Đức viết: "chợ phố lớn Mỹ Tho, có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, rất phồn hoa, huyên náo", cho thấy nền sản xuất nông nghiệp và kinh tế hàng hoá đã có bước phát triển đáng kể. Vì vậy, vùng đất thuộc tỉnh Tiền Giang hiện nay là nơi được mở nhiều trường học nhất đó là: trường học cấp tỉnh ở thôn  Bình Tạo (thuộc các phường 4 và phường 6 thành phố Mỹ Tho vào năm 1826), trường học phủ Kiến An kiêm luôn trường học huyện Kiến Hưng được lập ở thôn Tân Hiệp (nay là huyện Châu Thành) vào năm 1833, trường huyện Kiến Hoà (thuộc phủ Kiến An) ở thôn Tân Hoá (nay thuộc xã Tân Hưng Bình, huyện Chợ Gạo) được mở năm 1835 và trường huyện Kiến Đăng ở thôn Mỹ Đăng (nay thuộc thị trấn Cay Lậy) vào năm 1838. Những năm sau là trường học phủ Kiến Tường (kiêm luôn trường học huyện Kiến Phong) ở thôn Mỹ Trà (nay thuộc thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp) mới được thành lập vào năm 1838. Vì vậy, từ năm 1813 đến năm 1864, nhà Nguyễn tổ chức tất cả 20 khoa thi ở Nam Kỳ có 270 người đỗ cử nhân thì  Tiền Giang đã có 44 người.

Trên cơ sở các trường dạy văn hoá, học sinh nhiều tỉnh cùng với tỉnh Tiền Giang đã thi vào học ở các trường đào tạo Mỹ thuật như: trường dạy vẽ Gia Định, sau đó thi vào  học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như..Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Lê Văn Đệ, Nguyễn Cao Thương, Mai Văn Hiến, U Văn An,...

Phần lớn những người học ở các trường dạy vẽ Gia Định sau khi tốt nghiệp đã ở lại làm việc tại Sài Gòn, một số khác về Lái Thiêu (Bình Dương) hoặc Biên Hoà, là nơi có trường dạy Mỹ thuật. Một số sau khi tốt nghiệp đã thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương và ra học ở Hà Nội hoặc đi học Mỹ thuật ở nước ngoài như : Huỳnh Đình Tựu, Nguyễn Phi Hoanh...

Có thể nói trước Cách mạng tháng 8, đồng bằng sông Cửu Long không có cơ sở để phát triển mỹ thuật, không có trường dạy Mỹ thuật như miền đông Nam Bộ, không có hoạt động Mỹ thuật đáng chú ý. Vì vậy, trong các tư liệu mà chúng tôi có, không đề cập gì đến hoạt động Mỹ thuật của khu vực này ngoài tên tuổi của một số người lên thành phố Sài Gòn học trường vẽ Gia Định.

II. Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long trong kháng  chiến chống Pháp:

Cách mạng tháng Tám thành công, ở Nam Bộ  thực dân Pháp nấp bóng quân Anh vào rải giáp quân Nhật bại trận đã tiến hành chiến tranh nhằm áp đặt chế độ thực dân một lần nữa. Quân và dân Nam Bộ đã đứng lên kháng chiến. Chúng ta còn nhớ mãi bài hát "Mùa thu rồi ngày 23 chúng ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến"  và khí thế hừng hực kháng kháng chiến của quân và dân Nam Bộ.

Chúng ta được biết một số hoạ sĩ quê ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tốt nghiệp hoặc đang học  Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương trở về quê tham gia cách mạng như  hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hoạ sĩ Nguyễn Cao Thương...

 Hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp đã trở lại miền Nam làm Phó chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Tân An, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Phó Khu quân sự từ năm 1945 đến năm 1946, sau đó ra bưng biền làm nhiều công tác như vẽ tín phiếu, vẽ giấy bạc, làm Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, Trưởng ngành Hội hoạ Nam Bộ, Trưởng phòng Hoạ ảnh - Xuất bản - Sở Thông tin Nam Bộ.

Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu về Nam làm Phó Ban Tuyên truyền, Trưởng ban Trừ gian huyện Nhơn Trạch, quận Châu Thành tỉnh Bến Tre, Trưởng ban Phóng sự Mặt trận và Trưởng Ban Hội hoạ Khu 8 sau đó là Trưởng phòng Hội hoạ của Viện Kháng chiến Nam Bộ.

Họa sĩ Trần Khánh Chương tại hội nghị

 Hoạ sĩ Nguyễn Kao Thương vào bộ đội làm đại đội trưởng là người đã bắt rơi may bay Pháp bằng súng bộ binh đầu tiên ở Việt Nam.

Một số hoạ sĩ, nhà điêu khắc học hoặc tốt nghiệp Trường vẽ Gia Định cũng ra bưng biền tham gia kháng chiến như nhà điêu khắc Trần Văn Lắm, Nguyễn Viết Lý, Lê Minh Hiền...

Các hoạ sĩ  nói trên đã tổ chức nhiều lớp vẽ ngắn hạn trong bưng biền để đào tạo cấp tốc các hoạ sĩ phục vụ kháng chiến tại miền Nam. Lớp học đầu tiên được tổ chức gọi là "Lớp Hội hoạ Kháng chiến" vào mùa khô, sau tết năm 1948 tại xã Ninh Thanh Lợi huyện Hồng Dân sau một tháng lại chuyển về Đình Dương xã Vĩnh Thuận tỉnh Rạch Giá. Lớp học này gồm các học viên đã làm công tác thông tin tuyên truyền đã từng công tác hội hoạ, biết vẽ ở các công ty thông tin, bộ đội thuộc cơ quan tỉnh đội ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà... Dự lớp học này có Tô Dự, Trương Quốc Quang, Đào Hữu Phước, Phạm Hữu Trí... Tiếp đó năm 1949 đã mở khoá thứ hai ở Bà Hinh, Bờ Đập tỉnh Cà Mau có rất nhiều học sinh theo học. Ngoài giảng viên là hoạ sĩ Nguyễn Cao Thương còn có hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm và nhà điêu khắc Trần Văn Lắm làm giảng viên. Nhiều người dự các lớp vẽ ngắn hạn ở Nam Bộ sau này tập kết ra Bắc tiếp tục học Mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và ở nước ngoài.

Theo nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyễn Kim Loan, thời kỳ kháng chiến chống Pháp Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều hoạ sĩ như Huỳnh Văn Gấm, Dũng Tiến, Nguyễn Bình Đẳng, Phạm Văn Tâm (Long An), Ngguyễn Hải, Trương Đức Vinh (Tiền Giang), Diệp Minh Châu, Nguyễn Phi Oanh, Nguyễn Chi (Bến Tre), Cửu Long Giang (Đồng Tháp), Nguyễn Hiêm, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Vĩnh Bảo (An Giang), Nguyễn Phước Sanh, Hồ Văn Lái, Tô Dự (Cần Thơ), Võ Thành Luỹ (Cà Mau), Trần Văn Lắm (Bạc Liêu)....

Nhiều tác phẩm trong kháng chiến chống Pháp của Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - bột màu - 1946 của Huỳnh Văn Gấm, Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung - Nam - Bắc vẽ bằng máu trên lụa năm 1947 của Diệp Minh Châu, Trận Tầm Vu - bột màu - 1948 của Nguyễn  Hiêm... Còn rất nhiều tác phẩm khác, các hoạ sĩ đã mang theo khi tập kết ra Bắc năm 1954 và tham dự các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1954 và 1955.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một số hoạ sĩ và nhà điêu khắc quê ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tham gia các hoạt động Mỹ thuật ở Việt Bắc. Ta có thể kể tới các hoạ sĩ: Nguyễn Sáng quê ở Tiền Giang sau khi học trường Mỹ thuật Gia Định (1936- 1938) ông đã theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 4 (1940 - 1945), tham gia Cách mạng tháng 8 ở Hà Nội là người đã vẽ bộ tem Chủ tịch Hồ Chí Minh là bộ tem đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phát hành năm 1946, sau đó công tác ở Bộ tài chính tham gia vẽ tiền, hoạ sĩ vẽ tranh phổ biến thuộc bộ thông tin tuyên truyền, Ban Tuyên huấn của Tổng cục Chính trị, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu quê ở Bến Tre cùng khoá học với hoạ sĩ Nguyễn Sáng ở trường Mỹ thuật Đông Dương, từ năm 1951 ra Việt Bắc, được Bác Hồ cho đến ở bên Người để vẽ chân dung. Ông có nhiều tác phẩm sơn dầu, điêu khắc về đề tài Bác Hồ,

Một số học sĩ của Đồng bằng sông Cửu Long trong kháng chiến chống Pháp đã hoạt động Mỹ thuật tại chiến khu Việt Bắc, tham gia quân đội như: Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, ... , sáng tác, làm báo, vẽ tem, vẽ tiền, vẽ tranh địch vận, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

III. Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long Trong kháng chiến chống Mỹ:

Năm 1954, Hiệp định Genever được ký kết, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền ở vĩ tuyến 17. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng bước vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Miền Nam dưới chế độ của Mỹ - Diệm, đồng bào bị đàn áp dã man. Đầu năm 1960 Bến Tre đồng khởi, cuối năm 1960 mặt trận Dân tộc Giải phòng Miền Nam được thành lập, nhiều vùng căn cứ cách mạng đã được hình thành. Một số văn nghệ sĩ trong đó có hoạ sĩ đã ra vùng căn cứ để hoạt động như  Trang Phượng, Cổ Tấn Long Châu, Phạm Minh Sáu.... Phòng Hội hoạ Giải phóng thuộc Trung ương Cục được thành lập vào tháng 12/1961. Lúc đầu với ba hoạ sĩ nói trên,  sau này từ tháng 1 năm 1964, Phòng Hội hoạ Giải phóng được bổ sung nhiều hoạ sĩ từ miền Bắc vào chiến trường Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Các hoạ sĩ này được đào tạo ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ta có thể kể đến các hoạ sĩ: Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Lê Hồng Hải, Huỳnh Công Thu, Lê Văn Chương, Lê Thanh Trừ. Từ năm 1965 có bổ sung thêm các hoạ sĩ Lê Thanh Trừ, Nguyễn Trí Hiếu, Thái Đắc Phong, Nguyễn Tấn Lực, Lê Tâm và các hoạ sĩ đựơc đào tạo ở Liên Xô về nước và được cử vào chiến trường: Lê Lam, Nguyễn Thanh Châu, Phạm Đỗ Đồng, Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Quang Bửu, Hoàng Anh. Tháng 2/1964, Trung ương Cục đã quyết định hoạ sĩ Thái Hà làm Trưởng phòng, hoạ sĩ Cổ Tấn Long Châu và hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông làm Phó trưởng phòng, hoạ sĩ Trang Phượng làm uỷ viên và hoạ sĩ Hoàng Hải làm Chánh Văn phòng.

Phòng Văn nghệ Giải phóng phụ trách chung về Mỹ thuật ở miền Đông và Đồng bằng Đông Nam Bộ  đã góp phần vào việc phát triển đội ngũ và sáng tác Mỹ thuật của Đồng bằng sông Cửu Long trong kháng chiến chống Mỹ trên các lĩnh vực phục vụ Mỹ thuật cho hoạt động như các đại hội lớn của mặt trận và quân đội, đào tạo đội ngũ Mỹ thuật trẻ phục vụ các đơn vị quân đội và địa phương, sáng tác các tác phẩm Mỹ thuật như tranh cổ động, tranh khắc gỗ, ký hoạ, báo chí, các triển lãm Mỹ thuật trong vùng giải phóng, ở miền Bắc cũng như nước ngoài.

Về đào tạo Mỹ thuật trong kháng chiến chống Mỹ Đồng bằng sông Cửu Long đã mở được lớp vẽ ngắn hạn từ 2 đến 6 tháng, các hoạ sĩ của các lớp này sau ngày thống nhất đất nước đã tiếp tục học tập tại trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và đóng góp cho Mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.  Ta có thể kể tới một số lớp hội hoạ như: lớp hội hoạ tổ chức ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) năm 1962, lớp hội hoạ 6 tháng do hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông phụ trách mở năm 1964 với 67 học viên từ các tỉnh Nam Bộ, học viên là cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Tuyên huấn quân Giải phóng và các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục, sau đó hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông còn mở lớp daỵ vẽ tại Đâm- Nay- Phong  (Campuchia) với 25 học viên vào năm 1970. Các lớp học khác như lớp dạy vẽ ở Cà Mau do hoạ sĩ Thái Hà phụ trách, lớp dạy khắc gỗ in tay ở Bến Tre do hoạ sĩ Lê Lam phụ trách... Nhiều hoạ sĩ được đào tạo ở các lớp vẽ nói trên đã trở thành các hoạ sĩ sau này như: Cổ Tấn Hùng, Võ Thanh Hoàng, Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Đức Lưu... (Long An), Nguyễn Hoàng, Trường Chăm, Lê Dân... (Bến Tre), Nguyễn Toàn Thi, Phan Hữu Thiện... (Đồng Tháp), Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Quang Bửu, Nguyễn Thái Bình, Trần Minh Thái, Lê Phú, Vũ Ba, Thiện Chí, Hứa Văn Chiến... (Vĩnh Long), Châu Hồ, Phan Phương Trực... (Tiền Giang), Liêu Tử Phong, Huỳnh Thanh Sơn... (Trà Vinh), Trần Văn Nam... (Bạc Liêu), Tôn Đức Lập...  (Kiên Giang), Lê Phương Hùng, Lê Việt Hồng, Ngô Thanh Hùng, Vương Văn Nhiệm... (Cà Mau).

Trong điều kiện khó khăn gian khổ và ác liệt của chiến trường không có điều kiện để xây dựng những tác phẩm lớn hoặc các chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa nhưng các tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ này đáng chú ý là các tranh bột màu, thuốc nước, khắc gỗ đen trắng, tranh cổ động và đặc  biệt là ký hoạ. Hàng vạn ký hoạ bằng các chất liệu thuốc nước, chì, than, bột màu đã được sáng tác. Những tên địa danh ghi trên các ký hoạ cho thấy các hoạ sĩ đã có mặt trên khắp các tỉnh, khắp các chiến trường, trận đánh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các ký hoạ cũng cho thấy chân dung của các chiến sĩ, dũng sĩ, anh hùng, thanh niên xung phong, dân công, thanh thiếu niên, các bà mẹ, phong cảnh làng quê tươi đẹp đến những cảnh tan hoang sau những trận càn, từ làng chiến đấu đến trận địa... Các tác phẩm này đã được các hoạ sĩ tổ chức thành những triển lãm nhỏ mang tính cơ động cho đồng bào và chiến sĩ thưởng thức.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều ký hoạ của các hoạ sĩ vẽ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được gửi ra miền Bắc, từ năm 1966 trở về sau để tổ chức các triển lãm. Ta có thể kể tới Triển lãm ký hoạ miền Nam của sáu tác giả Thái Hà, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Lê Hồng Hải, Nguyễn Văn Kính, Lê Văn Chương. Các tác phẩm này đã đuợc trưng bày tại hội trường Hội Văn nghệ Việt Nam - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Ngày 24 tháng 10 năm 1966, Bác Hồ đã đến xem Triển lãm và nhận xét: "...Chỉ có ở trong cuộc, mới có được những bức tranh như thế". Năm 1968, các hoạ sĩ từ chiến trường  miền Nam gửi ký hoạ đợt 2 ra Hà Nội. Các tác phẩm đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngày 25 tháng 12 năm 1968, Bác Hồ đã đến thăm Triển lãm.

Sau hai triển lãm, Nhà Xuất bản Giải phóng đã tuyển chọn 130 tác phẩm để in vào ba tập tranh Miền Nam - Đất nước - Con người (in tại Trung Quốc). Số lượng in một vạn bản. Các tranh trong tập sách của các hoạ sĩ Cổ Tấn Long Châu, Lê Văn Chương, Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Nguyễn Văn Kính, Lê Hồng Hải.

Tiếp đó,  tháng 12 năm 1968 một Triển lãm lớn với hơn một ngàn năm trăm  tác phẩm của các hoạ sĩ miền Nam bao gồm phác thảo, tranh khắc gỗ, tranh đả kích, tranh cổ động của 50 hoạ sĩ ở Phòng Mỹ thuật Giải phóng, của các hoạ sĩ ở các tỉnh thành, của lực lượng vũ trang tuyên truyền các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cưủ Long và Đông Nam Bộ. Các tác giả có tác phẩm trưng bày gồm có: Võ Thái Hoà, Lê Ân, Thanh Bình, Trần Thanh Bình, Nguyễn Thái Bình, Văn Bình, Cổ Tấn Long Châu, Quyết Chiến, Lê Văn Chương, Lê Dân, Trần Dũng, Huỳnh Phương Đông, Huỳnh Lam Giang, Thái Hà, Lê Hồng Hải, Hoàng Minh Hải, Lê Hạt, Nguyễn Chí Hiếu, Châu Hồ, Nguyễn Văn Kính, Lê Lam, Lê Hội Lâm, Trương Ngọc Lâm, Nguyễn Tấn Lực, Đức Lưu, Văn Long, Võ Đồng Minh, Hồng Mỹ, Nguyễn Ngoãn, Nam Ngữ, Văn Nhiệm, Lê Phúc, Đào Hữu Phước, Trang Phượng, Hà Quang, Phạm Minh Sáu, Lê Tấn, Nguyễn Nhựt Tân, Phan Quý Thanh, Trương Hồng Thanh, Trần Tấn Thanh, Phạm Duy Thành, Nguyễn Toàn Thi, Nguyễn Thiện, Thắng Trận, Nguyễn Triết, Huỳnh Quang Trọng,  Nguyễn Văn Trừ, Sáu Trường, Phạm Vũ.

Tại Câu Lạc bộ Thống Nhất đã tổ chức Triển lãm tranh ký hoạ từ chiến trường miền Nam vào cuối năm 1972 với 137 tác phẩm của 19 tác giả trong đó có các hoạ sĩ: Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Thanh Châu, Phạm Đỗ Đồng, Lê Lam, Quách Phong, Nguyễn Văn Hoàng...

Triển lãm tranh ký hoạ của miền Nam ở Hà Nội, ở nước ngoài, và các tập ký hoạ miền Nam đã đưa những hình ảnh sống động về cuộc  chiến đấu của quân và dân miền Nam đến với đồng bào cả nước và các bạn bè quốc tế góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ hơn 2000 ký hoạ chiến trường, nhiều nhất so với các bảo tàng trong cả nước. Bắt đầu từ năm 1993 sưu tầm được 562 ký họa, năm 1994 sưu tầm được 162 ký hoạ, năm 1996 được 38 ký hoạ, 1997 sưu tầm được 80 ký hoạ, 1998 sưu tầm được 254 ký hoạ, 1999 sưu tầm được 05 ký hoạ, năm 2000 sưu tầm được 20 tác phẩm, 2001 được 98 tác phẩm, 2002 sưu tầm được 588, 2003 sưu tầm được 128 tác phẩm...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có hơn 80 hoạ sĩ hy sinh ở chiến trường miền Nam, trong đó có gần 40 hoạ sĩ là hoạ sĩ của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ta có thể kể tới Cổ Tấn hùng, út Trạch (Long An), Võ Hồ Nam, Võ Kiến Nghiệp, Nguyễn Viễn Phương, Phạm Văn Thiện, Huỳnh Công Thu, Lê Tấn (Bến Tre), Ba Thanh Nha, Nguyễn Văn Thời, Trần Thiện Chưởng, Phan Trần Điệp (Đồng Tháp), Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Quang Bưu, Thiện Chí (Vĩnh Long), Châu Hồ (Châu Văn Niên), Huỳnh Đánh, Nguyễn Hiển, Đoàn Văn Đức, Châu Văn Niên (Tiền Giang), Tư Quang, Trần Tấn Thanh (Cần Thơ), Đào Hữu Phước (Kiên Giang), Nguyễn Tiết Anh (Trà Vinh), Phạm Vũ, Thạch Lên (Sóc Trăng), Nguyễn Văn Công (Cà Mau)... Tên của các liệt sĩ hoạ sĩ trên đây đã được khắc lên bia đá tại bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và được Hội Mỹ thuật Việt Nam truy tặng huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật.

Nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc, học sinh quê ở Đồng Bằng Sông Cửu Long ra Bắc tập kết từ năm 1954 hoặc đã công tác trong kháng chiến ở Việt Bắc tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nhiều người trong số đó sau này đã được phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh như: họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (Long An), Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (Bến Tre), Nguyễn Sáng (Tiền Giang),... hoặc giải thưởng Nhà nước như: hoạ sĩ Mai Văn Hiến (Tiền Giang), Nguyễn Hiêm (An Giang), Nguyễn Kao Thương (An Giang),... Một số cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã đước cử đi học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam như: nhà điêu khắc Nguyễn Hải, sau này là cán bộ giảng dạy của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông được phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, hoạ sĩ Hoàng Trầm, nhà điêu khắc Phạm Mười làm cán bộ giảng dạy tại trường đại học mỹ thuật Việt Nam và được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật,... Các tác giả nói trên có nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng, tham dự các triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, nhiều tác phẩm hiện được lưu giữ tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

IV. Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long sau ngày thống nhất đất nước và thời  kỳ đổi  mới:

1. Vài nét về Mỹ thuật Đồng Bằng Sông Cửu Long từ sau ngày giải phóng:

Sau ngày thống nhất đất nước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một số hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đi B tham gia xây dựng phong trào Mỹ thuật của khu vực. Sau ngày giải phóng, số lớn đã chuyển về miền Bắc hoặc chuyển về thành phố Hồ Chí Minh  tại các cơ quan đào tạo Mỹ thuật, cơ quan văn hoá như Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh...

Nhiều hoạ sĩ vẫn tiếp tục công tác tại các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Các ký hoạ, các kỷ niệm từ chiến trường đã được các hoạ sĩ đưa vào tác phẩm trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, tượng tròn, phù điêu, tượng đài, tham gia Triển lãm Mỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh và Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc.

Có thể nói vào thời kỳ đầu sau giải phóng, lực lượng Mỹ thuật của Đồng bằng sông Cửu Long còn rất mỏng, phần lớn là các hoạ sĩ được đào tạo tại các lớp Mỹ thuật ngắn hạn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hội Mỹ thuật Việt Nam - Văn phòng Đại diện phía Nam của Hội rất quan tâm đến việc tổ chức lực lượng và xây dựng phong trào sáng tác trong khu vực. Số các hoạ sĩ và nhà Điêu khắc được đào tạo trong các lớp Mỹ thuật ngắn hạn của vùng Đồng bằng sông Củu Long trong kháng chiến chống Mỹ nhiều người đã trở về học Đại học Mỹ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh. Một số ít ở lại trở về tỉnh công tác còn phần lớn làm việc tại thành phố.

Đồng bằng sông Củu Long trên cơ sở những hoạt động Mỹ thuật trong kháng chiến chống Mỹ đã từng bước xây dựng lực lượng, bổ sung thêm nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc tốt nghiệp từ Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh công tác. Đặc biệt, Hội Mỹ thuật Việt Nam mà chủ yếu là chi nhánh phía Nam của Hội (nay là Văn phòng Đại diện phía Nam) trong đó có đồng chí Nguyễn Thanh Châu, Phạm Đỗ Đồng, Quách Phong đã từng bước xây dựng phong trào Mỹ thuật của khu vực đồng bằng. Điều nổi bật là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã liên kết tổ chức triển lãm và xét tặng giải thưởng trong khu vực từ trước khi có Triển lãm Mỹ thuật Khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong cả nước.

Với lực lượng các nghệ sĩ tạo hình được đào tạo tại các trường, các khoa Mỹ thuật ở bậc đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng với lực lượng được đào tạo tại các khoa Mỹ thuật của các  trường Trung cấp và Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật thuộc các tỉnh thành trong khu vực, lực lượng Mỹ thuật ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có tới gần con số ngàn. Phần lớn các sinh viên Mỹ thuật đang làm việc tại các cơ quan, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội văn học, nghệ thuật, giảng dạy Mỹ thuật tại các trường phổ thông hoặc hành nghề tự do. Số hội viên thuộc ngành Mỹ thuật ở các Hội văn học nghệ thuật địa phương cũng đã lên tới hơn ba trăm người trong đó có 80 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Các họa sĩ Đồng bằng sông Cửu Long đã được tập hợp trong các hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành, cùng với công tác của các cơ quan, đã sáng tác nhiều tác phẩm tham gia các Triển lãm Mỹ thuật của địa phương, các Triển làm Mỹ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh, Triển làm Mỹ thuật  toàn quốc và sau này là các Triển làm Mỹ thuật khu vực hàng năm.

Về hội họa các nghệ sĩ tạo hình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều thành tự trong các tác phẩm sơn dầu, nhiều tác phẩm chất liệu này đã được phong tặng giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật khu vực, một số tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều tác giả đã thành công trong sáng tác bằng chất liệu sơn dầu như: Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Đắc Nguyên, Đặng Can, Lê Công Uẩn, Nguyễn Nhân, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Thanh Hải, Phúc An,... Về chất liệu lụa, có thể kể tới các tác giả: Tạ Thị ánh Hồng, Lý Phước Như. Tuy nhiên, chất liệu sơn mài, một loại chất liệu truyền thống và có nhiều thành tựu đặc sắc của Mỹ thuật Việt Nam thì lại ít được các hoạ sĩ Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm trong sáng tác, vì vậy tại các Triển lãm Mỹ thuật khu vực rất ít xuất hiện những tác phẩm sơn mài, đó là một điểm cần chú ý trong thời gian tới.

Về đồ hoạ, Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng có thế mạnh về tranh khắc gỗ, qua nhiều Triền lãm Mỹ thuật khu vực, tranh khắc gỗ có số lượng lớn so với các khu vực khác. Phải chăng, tranh khắc gỗ đã có truyển thống từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tranh khắc gỗ chủ yếu là đen trắng, hầu như rất ít tranh khắc gỗ màu, đáng chú ý là tranh khắc gỗ màu của Thạch Bồi (Sóc Trăng). Do ít tranh khắc gỗ màu nên chưa khai thác hết được thế mạnh của loại chất liệu này. Mặt khác, bên cạnh một số tác giả có tác phẩm tìm tòi, sáng tạo để tác phẩm có phong cách mới và hiện đại thì rất nhiều tranh vẫn dừng ở tính một bài học khắc gỗ ở nhà trường, vấn đề này đã được nêu nhiều lần trong các buổi toạ đàm ở triển làm khu vực nên gần đây đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, tác giả: Lý Cao Tấn (Cà Mau) đã tập trung khai thác loại hình tranh bút kim trên giấy và đã có nhiều thành công. Tuy nhiên, do điều kiện thiết bị phục vụ cho sáng tác đồ hoạ nên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu vắng các tác phẩm đồ hoạ khác như: tranh khắc kim loại (khắc đồng, khắc kẽm), tranh khắc cao su, tranh in lưới, đồ hoạ độc bản. Tranh cổ động là một loại hình đồ họa được sáng tác nhiều trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng trong những năm gần đây, các hoạ sĩ Đồng bằng sông Cửu Long cũng ít chú ý đến loại hình này, ít có tác giả nổi bật, ít thấy xuất hiện tác phẩm trong triển lãm trưng bày khu vực.

Về điêu khắc, so với các khu vực khác, điêu khắc tượng đài của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khá phát triển, tỉnh nào cũng có một đến vài ba tượng đài, chủ yếu là các tượng về đề tài cách mạng, kháng chiến, danh nhân,... bằng chất liệu bê tông và đá. Riêng hai tỉnh An Giang và Hậu Giang đã mở các trại sáng tác tượng công viên bằng chất liệu đá. Một số nhà điêu khắc Đồng bằng sông Cửu Long đã tham gia xây dựng tượng đài và tham gia các trại sáng tác đó.

 

Về tượng đài, ta có thể kể tới các tác phảm của nhà điêu khắc Nguyễn Hải với tượng đài Chiến thắng Kép - bê tông - 1968 - thị trấn Kép - Bắc Giang, tượng đài Chiến thắng Điện Biên - đồng - 2005- Điện Biên,  tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân - đá hoa cương - 1985 - Mỹ Tho - Tiền Giang, tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút - Tiền Giang - Đá , tượng đài Ba chiến sĩ gang thép - đồng - 1998 - khu di tích chiến thắng ấp Bắc - An Giang, nhiều tượng đài đặt ở thành phố Hồ Chí Minh như: tượng đài Mẹ Tổ quốc - đá và bê tông - 1995 - nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh, tượng đài Công nhân - đá - ngã 6 TP Hồ Chí Minh,.... Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu với tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi - đồng - 1993 - công viên 23/9 TP Hồ Chí Minh, tượng đài Anh hùng dân tộc Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định - đồng - 2006 - thị xã Gò Công- Tiền Giang.  Nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh với tượng đài Hồ Chủ Tịch - đá - 2005 tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, tượng đài Chiến thắng Tầm Vu - Cần Thơ -1995. Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai - Ngọc Hiển - 1993. Tượng đài Hồ Chủ Tịch - Sa Đéc, Đồng Tháp - 1996.  Nhà điêu khắc Phạm Mười với Nguyễn Tất Thành - Đồng - 2004 - Bến Nhà Rồng, TP Hồ Chí Mình, tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang - cao 18m - bê tông, tượng đài Võ Văn Tần - h:8m - bê tông - 1994, tượng đài Châu Văn Liêm - bê tông - 1997. Nhà điêu khắc Trần Thanh Phong với Tượng đài Cá Ba Sa - h:14m - thép, Inốc - 2004 - TX Châu Đốc - An Giang, Bất Khuất -h: 0,6m - đá - 2007 - nghĩa trang liệt sĩ Cà Mau - tỉnh Cà Mau,  Tượng đài Trần Văn Thành - 8m - tổng hợp - 2004 và phù điêu ngoài trời: Đấu tranh trực diện tại Đầm Dơi - 50m2 - 1990- Cà Mau. Nhà điều khắc Trần Thị Chúc với Tượng đài Cưỡi sóng Hàm Luông nhấn chìm hạm Mỹ, Tượng đài Đồng Khởi - h:15m - bê tông - 1995 (đồng tác giả) và Tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ huyện Mỏ Cày - Bến Tre - h:15m - bê tông - 2002. Nhà điêu khắc Hứa Văn Chiến với tượng đài Chiến thắng sân bay Vĩnh Long - h:10m - đá mài - 1988 và Tượng đài Chiến thắng quân khu 9 - đá mài - 1995.  Nhà điêu khắc Dương Đình Chiến với tượng đài Bông Lúa - đồng - 2005 - đường Tôn Đức Thắng - Long Xuyên - An Giang, Tượng đài  Chiến thắng dốc Bà Đắc- h:6,5m - đá hoa cương và đồng- 2003 - An Giang và Tượng công viên Đàn - 3m - 2005, Tượng đài Bông lúa - h:18m - đồng và đá granit - 2005. Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm với tượng đài Lê Cẩn - Nguyễn Giao - h:10m - đồng - 2006. Hoạ sĩ Tạ Thị ánh Hồng: Phù điêu Quân dân Vĩnh Long anh hùng cùng với tượng đài Bà mẹ của hoạ sĩ Lê Phúc,... Có thể còn nhiều tượng đài của các tác giả đồng bằng sông Cửu Long đã được xây dựng nhưng vì tư liệu có hạn nên chúng tôi không thể đưa hết vào bài viết này.

Tuy tác giả điêu khắc không nhiều, bên cạnh các tác phẩm tượng đài đã kể trên, các tác giả còn sáng tác nhiều tượng tròn, phù điêu bằng các chất liệu gỗ, đá compozit,... ta có thể kể tới các tác giả như: Lê Hồng Thái (Tiền Giang) chuyên về tượng gỗ. Tín Trung (Tiền Giang), Trần Đình Thảo (Cần Thơ), Nguyễn Oanh (Đồng Tháp),...

Các tác giả đồng bằng sông Cửu Long thường có nội dung bám sát cuộc sống trong chiến đấu và lao động sản xuất, thể hiện được khí phách, đặc trưng phong cảnh,  con người của một vùng đất trù phù, cương trực và giàu lòng yêu quê hương. Nhiều tác giả trưởng thành trong thời kì đổi mới đã từng bước làm nên diện mạo của mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Điều đáng quí là các hôi văn học nghệ thuật và các chi hội mỹ thuật của Hội mỹ thuật Việt Nam của các tỉnh thành trong khu vực cũng như các tác giả biết đoàn kết cùng nhau xây dựng phong trào mỹ thuật, ngoài vinh dự cá nhân hay địa phương, xây dựng nền mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được các nghệ sĩ coi là mục tiêu phấn đấu để phát triển.

2. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long:

Trong suốt 10 năm đầu sau giải phòng miền Nam số lượng hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chỉ có 18 hội viên: Thái Đắc Phong, Nguyễn Thái Bình  (1975), Thái Công Âu (1976), Liêu Tử Phong, Tô Dự (1977), Tôn Đức Lập , Lê Dân, (Lê Thanh Liêm), Trần Văn Nam, Tôn Đức Lập, Hồ Văn Hưng (1978), Trương Văn Thảng (1979), Đỗ Năm, Nguyễn Tứ Lang (1980),  Nguyễn Quốc Văn (1983), Nguyễn Đức Lưu, Quốc Việt, Dương Đình Chiến (1984)...

Trong thời kỳ đổi mới, do các hoạ sĩ được đào tạo ở Trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã trở về công tác, đã sáng tác và trưng bày tác phẩm tại các Triển lãm Mỹ thuật nên số lượng hoạ sĩ, nhà điêu khắc được kết nạp vào Hội khá Đông đảo bổ sung một lực lượng nòng cốt đáng kể cho Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 1986 đến năm 2000 đã có 41 hoạ sĩ và nhà điêu khắc được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ta có thể kể tới các tác giả: Trần Minh Cao (1986), Tạ Thị ánh Hồng, Trần Đình Nghĩa (1987), Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thế Đệ, Trần Minh Thái, Nguyễn Thành Thu, Nguyễn Oanh, Ngô Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Hải, Trần Thị Trúc, Nguyễn Đức Hồng (1990), Đặng Thu Hương, Nguyễn Quang Trình, Châu Văn Khoảnh, Lý Văn Hiệp (Sa Vũ), Nguyễn Nhân (Nguyễn Công Nhân), Huỳnh Thanh Sơn (1991), Hoàng Anh (Hoàng Ngọc ánh), Phan Bửu Lộc, Trần Tâm (1992), Dương Quảng Đại , Nguyễn Hữu Phương, Lê Công Uẩn, Lý Cao Tấn, Lê Việt Hồng, Nguyễn Ngọc Trãi, Trịnh Văn Sang, Trần Văn Trầm, Lý Lết (1993), Phạm Đình Vĩnh (1994), Phạm Văn Thuần, Trần Văn Danh (1996), Đặng Can, Phạm Ngọc Hiếu, Nguyễn Đắc Nguyên, Lại Lâm Tùng, Phùng Quốc Hưng (1997), Trần Đình Thảo (1998), Trần Công Hiến (1999), Khởi Huỳnh (2000).

Như vậy, từ chỗ không có hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trước ngày giải phóng (không tính các hoạ sĩ, nhà điêu khắc đi chiến trường B) cho đến cuối thế kỷ 20 đã có 59 hoạ sĩ  và nhà điêu khắc được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mười hai năm đầu của thế kỷ 21, số hoạ sĩ, nhà điêu khắc được kết nạp vào Hội là 30 người có thể coi là thời kỳ phát triển hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cao nhất so với thời kỳ trước đó.

Hiện nay có 80 hội viên dang sinh hoạt tại 10 chi hội Mỹ thuật Việt Nam thuộc 10 tỉnh thành và 02 tỉnh có 02 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chưa đủ theo quy định để thành lập chi hội và 01 tỉnh mới tách chưa có hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Có 10 tỉnh thành đủ số lượng hội viên để thành lập Chi hội Mỹ thuật Việt Nam  theo quy định của Điều lệ Hội có từ 03 hội viên trở lên là: tỉnh Vĩnh Long với 12 hội viên, 02 tỉnh  Đồng Tháp và Cà Mau mỗi tỉnh có  09 hội viên, tỉnh An Giang có 08 hội viên, tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang mỗi tỉnh  có 07 hội viên, tỉnh Trà Vinh có 06 hội viên, thành phố Cần Thơ và tỉnh Bến Tre mỗi tỉnh thành có 05 hội viên.

Các tỉnh thành không có đủ số hội viên để thành lập chi hội là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng có 02 hội viên và tỉnh Hậu Giang mới tách từ tỉnh Cần Thơ ra chưa có hội viên

Trong 8 Khu vực Mỹ thuật trong cả nước, sau Khu vực 1 (Hà Nội), Khu vực 4 (thành phố Hồ Chí Minh), Khu vực 2 (Đồng Bằng Sông Hồng) với gần 100 hội viên thì khu vực VIII (Đồng Bằng sông Cửu Long) có số hội viên Hội Mỹ thuật đứng thứ tư. Điều đó chứng tỏ Mỹ thuật Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đây.

3. Về triển lãm Mỹ thuật Khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long:

Từ năm 1996, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Khu vực trong khắp cả nước. Trong 08 khu vực thì Đồng bằng sông Cửu Long được gọi là Khu vực 8. Vào thời kỳ đó một số tỉnh chưa được tách ra nên chỉ có 09 tỉnh thành. Triển lãm lần thứ Nhất tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long giành cho hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trong khu vực.

Từ năm 1996 đến năm 2012, đã  tổ chức được 17 Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã có 10/13 tỉnh thành đăng cai tổ chức triển lãm trong đó tỉnh Vĩnh Long đăng cai 03 lần vào các năm (1996, 21999, 2006), 05 tỉnh đã đăng cai 02 lần: An Giang (1998 và 2009),  Long An (2002 và 2007), Kiên Giang (2000 và 2012), Tiền Giang (2003 và 2010),  thành phố Cần Thơ (1997 và 2011), 04 tỉnh đã đăng cai 01 lần: Cà Mau (2001), Đồng Tháp (2004), Trà Vinh (2005), Bến Tre (2008), Tỉnh Bạc Liêu sẽ ăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực vào năm 2013, các tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang chưa có điều kiện để đăng cai lần nào.

Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long từ chỗ chỉ trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, những năm sau đã mở rộng sang các nghệ sĩ tạo hình là hội viên phân hội Mỹ thuật thuộc các Hội VHNT  địa phương và từ năm 2011 đến nay mở rộng cho cả các nghệ sĩ tạo hình chưa phải là hội viên của Hội trung ương và địa phương.

Theo thống kê số lượng tác phẩm tham dự triển lãm Mỹ thuật Khu vực ngày một tăng. Chẳng hạn năm 2000 có  114 tác phẩm (63 tác phẩm của Hội viên TW, 51 tác phẩm của Hội viên địa phương, Năm 2001 là 204 tác phẩm (62 TW, 142, ĐP), Năm 2002 là 178 tác phẩm (65 TW, 113 ĐP ), Năm 2003 là 127 tác phẩm (49 TW, 88 ĐP), Năm 2005 là 233 tác phẩm (76 TW, 157 ĐP), Năm 2006 là 193 tác phẩm (57 TW, 136 ĐP), Năm 2007 là 183 tác phẩm (68 TW, 115 ĐP), Năm 2008 là 163tác phẩm (47 TW, 116  ĐP) Năm 2009 là 230 tác phẩm (67 TW, 163 ĐP) Năm 2011 là 227 tác phẩm (56 TW, 171 ĐP), Năm 2012 là 208 tác phẩm (58 TW, 150 ĐP).... Các tác phẩm gửi đến đều đã được lựa chọn mới được trưng bày vì vậy số lượng các tác phẩm gửi tham dự triển lãm lên đến con số trên dưới 300 cho mỗi triển lãm.

Việc mở rộng các đối tượng tham gia triển lãm Mỹ thuật Khu vực theo thời gian đáp ứng được sự phát triển đội ngũ nghệ sĩ tạo hình ở các địa phương ngày càng đông đảo và được đào tạo bài bản từ các trường Đại học Mỹ thuật, Cao Đẳng và Trung học Nghệ thuật, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ gửi và trưng bày các tác phẩm mới sáng tác của mình và trên thực tế các nghệ sĩ trẻ đã tự tin, tích cực sáng tác và chất lượng ngày một nâng cao, có điều kiện để ra nhập các Hội VHNT địa phương và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tại các triển lãm Mỹ thuật Khu vực trong đó có Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có nhiều loại hình giải thưởng cho các đối tượng tham gia triển lãm. Chẳng hạn, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam thì được xét tặng giải thưởng Mỹ thuật Khu vực hàng năm của Hội. Hội viên và chưa hội viên của các Hội VHNT địa phương thì được xét chọn các tác phẩm xuất sắc dự giải thưởng của Uỷ Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (trước đây được nhận giấy khen của hội, nay được nhận quà tặng của Hội). Cũng nhân dịp triển lãm, ở một số tỉnh đăng cai, còn đề nghị Hội đồng xét tác phẩm tốt nhất của Tỉnh hoặc Hội Văn nghệ để trao giải (Triển lãm Mỹ thuật Khu vực năm 2012 tất cả các Khu vực đăng cai đều thực hiện phương án này như: Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Kiên Giang).

 

Trước khi có triển lãm Mỹ thuật Khu vực do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh đăng cai tổ chức, Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có sáng kiến tổ chức triển lãm Mỹ thuật của Khu vực và trao giải thưởng riêng, ngân quỹ để trao giải do các Hội  văn nghệ các tỉnh thành trong khu vực đóng góp (mỗi hội 3 triệu đồng).  Sau khi có triển lãm Khu vực giải này vẫn tiếp tục được duy trì và do Hội đồng nghệ thuật giải thưởng Khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam được uỷ nhiệm xét chọn. Đây là một sáng kiến lớn của các Hội trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm tăng thêm số lượng giải thưởng cho một triển lãm Khu vực, và động viên các tác giả có tác phẩm tốt tham gia triển lãm. Phương thức này tuy được phổ biến nhưng chưa có khu vực nào khác thực hiện được.

Có thể nói hoạt động Mỹ thuật của Đồng Bằng Sông Cửu Long đã được phản ánh khá đầy đủ trong các triển lãm Mỹ thuật Khu vực và cũng từ đó nhiều tác giả đã nổi lên được giới Mỹ thuật trong cả nước biết tới tên tuổi qua các tác phẩm được nhận giải thưởng các triển lãm có tính toàn quốc (Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, triển lãm Đồ hoạ, Điêu khắc toàn quốc...) triển lãm Mỹ thuật Khu vực, giải thưởng Uỷ Ban toàn quốc Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.

Để có được những thành công mặc dù điều kiện kinh phí, nhà trưng bày còn rất nhiều khó khăn để tổ chức các triển làm Mỹ thuật khu vực và tổ chức các hoạt động mỹ thuật nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của các Tình uỷ, Uỷ ban nhân dân, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, đặc biệt là sự nỗ lực, hết lòng của các hội Văn học nghệ thuật của các tỉnh thành trong khu vực đã góp phần thành công cho các triển lãm, đưa mỹ thuật đến với công chúng rộng rãi, thúc đẩy các hoạt động sáng tác của các nghệ sĩ và từng bước đã xây dựng được một đội ngũ các hoạ sĩ, nhà điêu khắc có trình đọ chuyên môn vững vàng để hội nhập vào mỹ thuật hiện đại của cả nước trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời kì hội nhập quốc tế.

4. Hoạ sĩ Đồng Bằng Sông Cửu Long với các giải thưởng Mỹ thuật :

a/ Về giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước:

Từ năm 1996 Đảng và Nhà nước ta đã xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, và từ năm 2001 bắt đầu xét chọn cả giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Qua 4 đợt xét tặng đã có 83 nghệ sĩ tạo hình trong toàn quốc đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước (trong  đó có: 19 giải thưởng Hồ Chí Minh 64 giải thưởng Nhà nước).

Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có 11 nghệ sĩ tạo hình quê ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, trong đó có 4 nghệ sĩ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh là: các hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm (Tiền Giang), Nguyễn Sáng (Long An), Diệp Minh Châu (Bến Tre) nhà điêu khắc Nguyễn Hải (Tiền Giang) và 07 nghệ sĩ được giải thưởng Nhà nước đó là các hoạ sĩ: Mai Văn Hiến (Tiền Giang), Nguyễn Hiêm (An Giang), Hoàng Trầm (Long An), Nguyễn Thanh Châu (Đồng Tháp), Quách Phong (Vĩnh Long) và nhà điêu khắc Phạm Mười (Đồng Tháp), Nguyễn Cao Thương (An Giang), ...

b/ Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và Giải thưởng Mỹ thuật Khu vực 8 (Đồng Bằng Sông Cửu Long):

Từ năm 1993 đến năm 1995, Hội Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu xét tặng giải thưởng của Hội trong cả nước. Giải thưởng được phân thành: Giải nhất, giải nhì, giải ba và giải khuyến khích. Các tác phẩm dự giải được tác giả gửi về thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để xét tặng giải thưởng. Hai nghệ sĩ tạo hình Đồng Bằng Sông Cửu Long đã nhận được một số giải thưởng Khuyến khích đó là: hoạ sĩ Lý Cao Tấn (Cà Mau) với tác phẩm Phong Cảnh Cà Mau năm 1993 và tác phẩm Gió Lốc năm 1995; hoạ sĩ Lê Dân và nhóm tác giả Bến Tre với tác phẩm Tượng đài đồng khởi  năm 1995. Từ năm 2003 đến 2004 có 2 tác giả được tặng giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam đó là: Trần Công Hiến giải Ba năm 2003 với tác phẩm Chân dung El Nino  và Nguyễn Oanh nhận giải Nhì năm 2004 với tác phẩm Đua bò và 3 tác giả được tặng giải Khuyến khích là: Lý Cao Tấn Phong cảnh Cà Mau,  .

Từ năm 1996, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các địa phương đăng cai triển lãm Mỹ thuật Khu vực nên đã thay đổi cách chấm và tặng giải thưởng. Tại triển lãm Mỹ thuật Khu vực xét giải Nhất, Nhì, Ba và tặng thưởng, từ năm 2000 đổi thành giải A, B, C và tặng thưởng. Các tác phẩm được từ giải C trở lên được hội đồng giới thiệu sẽ được xét tặng giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (tác giả không nhận giải thưởng Mỹ thuật khu vực).

Từ năm 1996 đến năm 2012  qua 17 triển lãm Mỹ thuật Khu vực đã có 44 tác giả Đồng Bằng Sông Cửu Long đã được nhận giải thưởng đó là: Hoạ sĩ Nguyễn Hữu Phương (Long An) được tặng 11 giải (02 A, 01 C và 08 tặng thưởng (TT)). Hoạ sĩ Nguyễn Đắc Nguyên (Đồng Tháp) được tặng 10 giải thưởng (02 B, 02 C và 06 TT). Hai hoạ sĩ được tặng 09 giải là Lý Cao Tấn (Cà Mau) ( 01 B, 03 C, 03 tt và 02 khuyến khích), và Đặng Can (Vĩnh Long) ( 01 A, 02 B, 03 C và 03 TT). Hoạ sĩ Tạ Thị ánh Hồng (Vĩnh Long) được tặng 08 giải ( 01 B, 03 C và 04 TT). Hoạ sĩ Lê Công Uẩn (Cà Mau) được tặng 07 giải ( 01 A, 02B và 04 TT). Hoạ sĩ Nguyễn Nhân (Trà Vinh) được tặng 06 giải (01 C và 05TT). Hoạ sĩ Hoàng Anh (Tiền Giang) được tặng 05 giải.

Có Sáu tác giả được tặng 4 giải thưởng : Trần Công Hiến (Đồng Tháp) (1 giải Ba, 1 giải C , 02 tặng thưởng), Nguyễn Oanh (Đồng Tháp) 1 giải Nhì, một giải C và 02 tặng thưởng, Trần Đình Thảo (Cần Thơ) (2B và 2 tặng thưởng). Hoạ sĩ Lê Thanh Tùng (Long An) được tặng 2 A và 2 TT. Lê Việt Hồng (Cà Mau) 1C và 3TT. Nguyễn Thanh Hải (Kiên Giang) 1 C và 3 TT. Có 03 hoạ sĩ được 3 giải thưởng: Nguyễn Ngọc Trãi (Long An) 2 C , 1 TT, Lại Lâm Tùng (Cà Mau) 1 B, 1C và 1TT.) Bùi Quang Vinh (An Giang) 2 C 1 TT.

Có tám tác giả được tặng 02 giải thương: Trần Thanh Phong (An Giang) 1 B, 1 TT, Phúc An (Tiền Giang) 2B, Trần Thị Chúc (Bến Tre) 1C, 1tặng thưởng. Tô Dự (Cần Thơ) 02 tặng thưởng, Hồ Văn Hưng (Sóc Trăng) 02 tặng thưởng, Thạch Bồi (Trà Vinh) 02 tặng thưởng, Tín Trung (Tiền Giang) 02 tặng thưởng, Phan Thái Hoàng Cà Mau 1B, 1 Tặng thưởng.

Có 19 tác giả được tặng một giải thưởng là: Khởi Huỳnh, Ngô Thanh Hùng, Phan Thái Hoàng và Lý Phước Như (Cà Mau), Phan Bửu Lộc, Thiện Chiến, Trần Minh Thái và Kim Cương (Vĩnh Long), Nguyễn Quốc Thuỵ và Thái Đắc Phong(Cần Thơ), Nguyễn Tứ Lang và Phùng Quốc Hưng (Bạc Liêu), , Nguyễn Quang Trình, và Phạm Ngọc Hiếu (Đồng Tháp), Dương Đình Chiến (An Giang), Lê Hồng Thái (Tiền Giang), Lê Dân (Bến Tre), Trần Văn Trầm (Tiền Giang).

Với 80 Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam hiện đang sinh hoạt tại Khu vực VIII (Đồng Bằng Sông Cửu Long) đã có 44 tác giả được tặng từ 1 đến 11 giải thưởng triển lãm Mỹ thuật Khu vực, như vậy, một nửa hội viên trong khu vực đã có tác phẩm đựơc đánh giá tốt thông qua các giải thưởng. Tuy nhiên, ở giải thưởng cao hơn là giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam khi còn phân loại Nhất Nhì Ba hoặc A, B, C thì chưa có tác giả nào nhận được giải Nhất hoặc giải A còn, từ sau khi giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam không phân loại thì chưa có tác giả nào nhận được giải thưởng này, điều đó cho thấy các tác giả hội viên khu vực VIII Đồng Bằng Sông Cửu Long cần nỗ lực hơn nữa để nhận được giải thưởng Hội Mỹ thuậtViệt Nam mang tầm cỡ toàn quốc.

Chúng ta hy vọng các triển lãm Mỹ thuật Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long sắp tới, các tác giả sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để nhận được những giải thưởng cao và xứng đáng.

Về các giải thưởng triển lãm mang tính toàn quốc (Triển lãm Mỹ thuật Toàn Quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh Cách mạng... giải thưởng của Uỷ Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do không có tài liệu đầy đủ nên chúng tôi không đưa vào bài viết này.

V. Để Mỹ thuật Đồng Bằng Sông Cửu Long tiếp  tục phát triển:

Trong những phần trên, chúng tôi đã nêu lên những điểm nổi bật của mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua. Tuy nhiên, để Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển, trở thành một khu vực Mỹ thuật mạnh so với các khu vực khác của cả nước trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời kì hội nhập quốc tế, chúng ta cần lưu ý những điểm sau:

1. Tiếp tục xây dựng lực lượng Mỹ thuật trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trước hết là về đội ngũ các nghệ sĩ tạo hình,  tập hợp hoạt động trong các hội Văn học Nghệ thuật, các chi hội Mỹ thuật Việt Nam theo tỉnh thành. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có rất đông các hoạ sĩ, nhà điêu khắc được đào tạo ở trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp đang hoạt động ở trên nhiều lĩnh vực khác nhau: trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức Văn học Nghệ thuật, giảng dạy trong các trường chuyên nghiệp và phổ thông, trong các công ty,... điều kiện làm việc và sáng tác khác nhau. Vì vậy, việc tập hợp tổ chức là rất quan trọng để tạo điều kiện cho anh, chị em sinh hoạt nghề nghiệp, phát huy năng lực sáng tạo. Mặt khác, cần có chính sách để các nghệ sĩ tạo hình trong khu vực ở lại địa phương làm việc lâu dài, tránh tình trạng những nghệ sĩ có năng lực tìm về các thành phố lớn. Thông qua hoạt động sáng tác, kết nạp thêm nhiều hội viên mới các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, làm nền tảng cho sự phát triển, tạo đội ngũ đông đảo, tạo không khí sinh hoạt và sáng tác, gắn bó các nghệ sĩ trong một tổ chức mang tính chính trị, xã hội nghề nghiệp, hướng tới thực tiễn đường lối Văn hoá văn nghệ của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam phân bổ không đều, một số tỉnh đã có trên dưới mười hội viên nhưng cũng có những tỉnh chỉ có bốn, năm hội viên, đặc biệt thành phố Cần Thơ - là một thành phố trung tâm của khu vực cùng tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu nhiều năm qua không phát triển thêm hội viên mới, riêng tỉnh Hậu Giang mới tách ra nên chưa có hội viên. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn các tỉnh hiện có ít hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam cần quan tâm, giới thiệu để kết nạp thêm nhiều hội viên mới, phấn đấu trong vài năm tới, các tỉnh trong Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đều có Chi hội Hội Mỹ thuật Việt Nam.

2. Tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, trưng bày tác phẩm nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ tạo hình công bố tác phẩm, tôn vinh tác giả, đưa Mỹ thuật đến với công chúng rộng rãi, từng bước tạo thói quen thưởng thức Mỹ thuật trong công chúng, tạo sự quan tâm của lãnh đạo và nhân dân đối với các hoạt động Mỹ thuật theo hướng xã hội hoá và có sự giúp đỡ của nhà nước và của Hội. Ngoài việc tham gia các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hàng năm (số lượng không nhiều do Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch chỉ phân bổ cho Hội Mỹ thuật Việt Nam mỗi năm hai cái - một trại phía Bắc và một trại phía Nam)và chọn lọc tác giả có thành tựu trong sáng tác nên số lượng dự trại hàng năm ở khu vực không nhiều, thì các hội văn học ở tỉnh thành nên liên kết tổ chức các trại sáng tác hàng năm, vừa tạo điều kiện sáng tác, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác. Việc tổ chức đi thực tế cũng nên theo hướng liên kết giữa hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật trong khu vực nhằm tạo điều kiện cho anh em hiểu biết rộng hơn về con người, cuộc sống, phong cảnh của các vùng khác nhau, mặt khác, các nghệ sĩ được gần gũi, hiểu biết nhau hơn.

Bên cạnh các triển lãm lớn có tính toàn quốc: triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, triễn lãm Mỹ thuật khu vực hàng năm do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị đăng cai tổ chức, các Hội Văn học Nghệ thuật từng tỉnh thành trong khu vực nên tạo điều kiện cho các phân hội Mỹ thuật của từng tỉnh thành phối hợp với chi hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ít nhất mỗi năm một triển lãm tại địa phương mình hoặc phối hợp hai đến ba tỉnh gần nhau về địa lý để tổ chức triển lãm luân phiên, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ mới bước vào nghề, các nghệ sĩ trẻ có điểu kiện công bố tác phẩm được thuận tiện và mở rộng hơn. Hội Mỹ thuật Việt Nam hoan nghênh và sẽ góp một phần nhỏ kinh phí vào các triển lãm này.

3. Cần quan tâm, xét tặng giải thưởng cho những tác phẩm tốt của các tác giả trong khu vực, nhằm khuyến khích, động viên anh chị em sáng tác. Ngoài giải thưởng triển lãm khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng Mỹ thuật khu vực Đồng bằng hàng năm, các tỉnh, đặc biệt là tỉnh đăng cai nên có giải thưởng riêng cho các tác phẩm tốt của tỉnh mình dự các triển lãm Mỹ thuật lớn. Năm 2012, các tỉnh đăng cai triển lãm Mỹ thuật khu vực trong cả nước đều đã có giải thưởng riêng cho các tác phẩm của nghệ sĩ trong tỉnh tham dự triển lãm. Đó là một tín hiệu tốt và cần nhân rộng. ở một số tỉnh thành, những năm qua đã thực hiện chính sách: các tác phẩm được giải ở triển lãm lớn như: triển làm Toàn quốc, triển làm Khu vực,... các tỉnh đều đã khen thưởng cho các nghệ sĩ, điều này đã khuyến khích và tạo điều kiện thêm về mặt vật chất để các nghệ sĩ có thể tục sáng tác.

4. Hiện này, ngoài Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có bảo tàng Mỹ thuật của Trung ương hoặc của thành phố, các tỉnh thành còn lại - trong đó có các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đều chưa có bảo tàng Mỹ thuật. Các nước phát triển trên thế giới, ở các thành phố lớn nhỏ đều có một hoặc nhiều bảo tàng Mỹ thuật. Bảo tàng Mỹ thuật không những tạo điều kiện để nhân dân thưởng thức Mỹ thuật thường xuyên mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch. Chúng tôi nghĩ rằng, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long nên có kế hoạch để xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật trong tương lai. Đặc biệt là thành phố Cần Thơ - trung tâm của khu vực và các tỉnh có nhiều khách du lịch. Để có một Bảo tàng Mỹ thuật. Công việc chuẩn bị, sưu tập tác phẩm để trưng bày phải làm trong nhiều năm nên việc sưu tập và mua tác phẩm phải làm ngay từ bây giờ (đặc biệt là tác phẩm của các nghệ sĩ sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng với các tác phẩm xuất sắc được giải thưởng của các nghệ sĩ tạo hình trong tỉnh và khu vực Đồng bằng). Các tác phẩm sưu tập trước mắt nên được trưng bày tại một phòng riêng trong bảo tàng chung của tỉnh nhằm tăng cường chất văn hoá, lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, làm phong phú nội dung của các bảo tàng tỉnh, thành. Những năm gần đây, các bảo tàng lớn của các bộ ngành ở Hà Nội (bảo tàng Cách Mạng Việt Nam, bảo tàng Lịch Sử Quân Sự Việt Nam, ...) đều đã sử dụng một phòng lớn để trưng bày thường xuyên các tác phẩm Mỹ thuật trong bộ sưu tập của mình rất được công chúng và du khách quan tâm và đánh giá cao.

5. Về đào tạo Mỹ thuật: Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực hiện có 13 tỉnh thành và có tới gần hai mươi triệu dân, theo chúng tôi được biết, hiện nay các tỉnh thành chỉ mới có trường cao đẳng, trung cấp Văn hoá Nghệ thuật trong đó có đào tạo bộ môn Mỹ thuật. Việc đào tạo ở trình độ Đại học, các con em của khu vực phải về thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi nghĩ rằng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từng bước nên có trường Đại học Mỹ thuật - có thể đặt tại thành phố Cần Thơ - thành phố lớn trực thuộc trung ương để việc đào tạo Mỹ thuật có chất lượng cao hơn và từng bước đáp ứng được nhu cầu về Mỹ thuật trong khu vực.

6. Hiện nay, các nghệ sĩ tạo hình của Đồng bằng sông Cửu Long trong sáng tác chủ yếu là các tác phẩm hội hoạ với chất liệu sơn dầu, các nghệ sĩ cần quan tâm đến việc phát triển các loại chất liệu khác như: lụa, sơn mài,... để Hội hoạ được phong phú hơn từ vẻ đặc trưng của các chất liệu trong các triểm lãm Mỹ thuật. Cần chú ý phát triển đội ngũ điêu khắc với nhiều chất liệu từ: gỗ, đá, kim loại, gốm,... tìm tòi nhiều phong cách khác nhau trong ngôn ngữ điêu khắc. Về đồ hoạ, ngoài tranh khắc gỗ, cần phát triển nhiều chất liệu đồ hoạ hiện đang được phổ biến rộng rãi như: khắc kim loại, in lưới, in độc bản, tranh lĩ thuật số (đồ học vi tính),... Để các nghệ sĩ có điều kiện mở rộng sáng tác, tạo được bản sắc riêng cho mình, làm phong phú nghệ thuật đồ họa. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là lí luận phê bình Mỹ thuật trong khu vực hiện đang là mảng trắng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa có một nhà phê bình Mỹ thuật chuyên nghiệp nào, các hoạ sĩ cũng không có người quan tâm đến việc viết, nghiên cứu, lí luận và phê bình Mỹ thuật như một số khu vực khác. Theo chúng tôi, trong khi chờ đợi các nhà phê bình Mỹ thuật chuyên nghiệp, các hoạ sĩ, nhà đieu khắc cũng nên tham gia vào lĩnh vực này nhằm nâng cao và phổ biến kiến thức Mỹ thuật trong giới cũng như trong công chúng, nâng cao hiểu biết về quá trình phát triển Mỹ thuật của khu vực cũng như giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình với cả nước. Sau Hội thảo Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần này, chúng tôi hi vọng ngành nghiên cứu lưu động phê bình Mỹ thuật của khu vực có bước phát triển mới.

7. Về thị trường Mỹ thuật, ngoài khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ sau những năm đổi mới, bước đầu đã có thị trường Mỹ thuật, nhưng các khu vực khác, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề thị trường Mỹ thuật chưa hình thành, chưa tạo được "đầu ra" cho các tác phẩm. Các tỉnh thành trong khu vực gần như chưa có các gallery để bán tác phẩm cho tác giả. Đây là một vấn đề phải giải quyết lâu dài để trong thời gian tới, cần lưu ý phát triển. Các tác phẩm Mỹ thuật được các nghệ sĩ sáng tác trên thực tế cũng là một sản phẩm "hàng hoá", loại "hàng hoá" đặc biệt. Vì vậy cũng cần quan tâm đến "đầu ra" cho các tác phẩm này để tránh tình trạng các tác phẩm được sáng tác sau các triển lãm lại trở về với xưởng sáng tác của tác giả, nghệ sĩ không sống được bằng tác phẩm của mình.

8. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đên Văn học Nghệ thuật, trong đó có Mỹ thuật. Nhiều nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với Văn học Nghệ thuật đã được ban hành và đang đi vào cuộc sống.  Nhìn lại bước phát triển Mỹ thuật của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, các nghị quyết và chính sách là chỗ dựa quan trọng cho phát triển Mỹ thuật nhưng sự nỗ lực sáng tạo của các nghệ sĩ tạo hình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới làm nên diện mạo và thành tựu, mới góp phần vào việc xay dựng nền Mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của khu vực và của đất nước trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

 Hoạ sĩ Trần Khánh Chương
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam 
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 405
  • Hôm nay: 82271
  • Tháng hiện tại: 1831171
  • Tổng lượt truy cập: 48205298