Nguyễn Hải - Tài năng và sự khác biệt

Đăng lúc: Thứ ba - 04/12/2012 10:25
Những năm 70, đầu 80 thế kỷ XX, khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật còn hợp nhất, tôi và nhà phê bình mỹ thuật đã quá cố Thái Bá Vân sớm có mối quan hệ bè bạn nghệ thuật với nhà điêu khắc Nguyễn Hải.
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải
Nguyễn Hải cư ngụ trên căn gác 2 phòng, nằm sâu trong con ngõ nhỏ cùng phố Nguyễn Thái Học với Bảo tàng Mỹ thuật. Hàng ngày, gần hết buổi làm việc chúng tôi thường sang nhà Nguyễn Hải tụ tập nhau thù tạc, “chén chú chén anh”. Hoặc đến giờ hẹn, chưa thấy chúng tôi sang nhà, Nguyễn Hải cũng sang đón đợi ở cửa thường trực cơ quan. Dường như mỗi ngày chưa được gặp nhau, thì như có cái gì còn thiếu chưa thỏa mãn, an lòng: Trong các cuộc vui “tới số”, thường còn có 4 người bạn nữa là nhà dịch thuật tư liệu Nguyễn Đỗ Hải, họa sĩ Nguyễn Tấn Cứ, nhà Hán Nôm Lê Dưỡng Hạo, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Mạnh Phú. Thế mà giờ đây cả Thái Bá Vân và 4 người bạn ấy đã hóa ra người thiên cổ! Đôi khi còn có cuộc gặp gỡ bất ngờ nữa với 2 họa sĩ lão thành Kim Đồng và Quang Thọ (cũng đã mất), cùng với nhà nữ điêu khắc trẻ Ninh Thị Đền… Đôi khi cao hứng, Lê Dưỡng Hạo còn hát tình ca của Trịnh Công Sơn thật yêu thương, da diết. Kim Đồng, Ninh Thị Đền đứng lên nhảy những điệu vũ đầy cảm hứng, tự phát và “bốc lửa”. Cái đẹp chính từ người trình diễn và sự giao hòa của người thưởng thức... Đó là nhưng cuộc gặp gỡ vừa trao đổi thông tin, vừa có ý giải tỏa ức chế, nên chúng tôi đã lấy ngay cái tên tác phẩm quen thuộc của họa sĩ viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung đương thời, vừa đúng nghĩa, vừa hài hước, là Học hỏi lẫn nhau. Có được những cuộc họp mặt ấy, không thể không biết ơn người vợ hiền của Nguyễn Hải là họa sĩ - nhà điêu khắc Lê Thị Chinh. Bà là một nội tướng - nghệ sĩ biết “chịu trận”, rất mực thông cảm, hết lòng với các bạn của chồng mà tính tình của họ vốn thường nóng lạnh bất hòa. Cuộc sống tem phiếu bao cấp thời chiến thật khó khăn thiếu thốn, vậy mà trong tiệc rượu ít khi thiếu các món ngon “đặc sản” do chính bà làm đãi các bạn chồng. Thật đúng nghĩa “món ngon đãi bạn - chật nhà không chật lòng “.

Hà Nội và miền Bắc sau những năm tháng dài vừa xây dựng XHCN trong hòa bình, vừa đấu tranh thống nhất, vừa chống Mỹ cứu nước ác liệt, nhưng vẫn bền bỉ, lạc quan yêu đời trong niềm tin tất thắng.

Sau miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, lần đầu tiên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra Hà Nội muốn gặp anh em văn nghệ, cũng lấy nhà Nguyễn Hải làm khởi điểm cho các cuộc gặp gỡ đầy tâm đắc. Rồi vợ chồng Nguyễn Hải và hai con nhỏ tạm biệt Hà Nội về lại Sài Gòn, quê hương Nam Bộ.

Hai mươi năm Nguyễn Hải sống, học tập rồi lập gia đình và lao động sáng tạo trên đất Bắc, giữa lòng Thủ đô, thực sự đã trở thành một phần cuộc sống có ý nghĩa với ông cả trong sinh hoạt đời thường lẫn trong nghệ thuật. Nhà điêu khắc đã có không ít tác phẩm xứng đáng đi vào lịch sử tự hào của cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc: Chiến thắng Điện Biên Phủ, Những người mẹ người chị, Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường, Thánh Gióng, Thần đồng, Mẹ con người du kích, Tội ác giặc Mỹ phố Khâm Thiên - Hà Nội, Bà mẹ Tổ quốc, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đài hòa bình… đều là những tượng đài hoành tráng ngoài trời, được chuyến thành những chất liệu bền vững, quý giá như đá, đồng,… Tác phẩm nào cũng giầu tính hình tượng, cũng vượt ra ngoài tính phản ảnh để đạt tới lý tưởng thẩm mĩ của cái đẹp theo cả nghĩa mỹ học vả mỹ thuật. Nguyễn Hải thật sự là một cá tính nghệ thuật, một tài năng điêu khắc. Mà cá tính, nói như học giả lừng danh Lâm Ngữ Đường, tác giả Sống đẹp, là tâm hồn, là tấm lòng của nghệ sĩ biểu hiện trong tác phẩm. Thiếu cá tính, thì nghệ thuật chết... Kỹ thuật cũng không thể tiêm sinh khí cho tác phẩm sống được. Nếu chỉ có kỹ thuật, tác phẩm sẽ trở thành tầm thường... Người nghệ sĩ có tài phải biết dung hợp rất tự nhiên giữa cá tính và kỹ thuật” *. Nguyễn Hải đã tiếp cận được chân lý ấy, bởi cái đẹp là nội sinh chứ không phải thoát thai từ ngoại lai mà có được”.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - thi công từ tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Hải

Đường lối văn hóa chiến lược của Đảng đề ra trong thời kỳ này là Xây dựng một nền nghệ thuật hiện thực XHCN, có tính Đảng, tính nhân dân sâu sắc, với phương châm dân tộc - hiện đại, rồi hiện đại - dân tộc”. Phương pháp hiện thực XHCN đòi hỏi người nghệ sĩ phải nhận thức rõ rằng Tả Thực - Tả Chân mới là phương pháp hiện thực chính thống, mang tính tích cực. Do đó ít hoặc không khuyến khích nghệ sĩ vẽ hay nặn theo bút pháp cách điệu, bóp méo như xu hướng lý luận của “chủ nghĩa hiện thực vô bờ” mà Roger Garaudy, tác giả người Pháp đã khởi xướng. Nó bị xem là chủ nghĩa xét lại hiện đại, đa nguyên, phi hiện thực XHCN, mặc dù tác giả đã giành hẳn một chương nói về danh họa Pablo Picasso Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp làm dẫn chứng điển hình. Công trình này lại được nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon, người theo trường phái siêu thực, viết lời đề tựa, biểu dương và khẳng định đó là quan niệm mới, có tầm nhìn xa dự báo tương lai của nghệ thuật.

Không ít họa sĩ, nhà điêu khắc, cũng như các nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật đương thời cảm thấy lúng túng, hoang mang trong nhận thức lý luận chính thống đề ra. Một nhu cầu khao khát được tham khảo các nguồn sách báo thông tin vế nghệ thuật phương Tây là có thực. May mắn ai có được, chỉ truyền tay nhau xem riêng. Vì đã thành nếp sống, như một phản xạ tự nhiên, ai cũng sợ bị quy kết là mất lập trường vô sản chạy theo nghệ thuật tư sản phản động phương Tây - thứ nghệ thuật hình thức của chủ nghĩa xét lại hiện đại như nấm độc mọc trên thân cây gỗ mục, phi vô sản, có ma lực, rất dễ gây nghiện, cần phải tránh xa!

Tượng đài Thủ Khoa Huân ở trung tâm Thành phố Mỹ Tho

Nhưng rồi gió cũng đổi chiều. Dịp may ngẫu nhiên đã đến. Sự kiện xảy ra ngay ở trong nước, không phải từ ngoài thổi vào. Nhà học giả - nhà nghiên cứu họa sĩ viện trưởng Viện Mỹ thuật, kiêm giám đốc Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Đỗ Cung đã tổ chức một triển lãm chuyên đề có quy mô lớn Điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Kèm theo là sách ấn phẩm mỹ thuật đẹp do chính ông viết lời thuyết minh và bác sĩ học giả Nguyễn Khắc Viện, giám đốc Nhà xuất bản Thế giới rất tâm đắc, đích thân chuyển ngữ sang tiếng Pháp, phát hành rộng rãi trong đối nội và đối ngoại. Đó là nền điêu khắc đình chùa làng thuần Việt, vừa giàu tính truyền thống, vừa giàu tính hiện đại. Nền mỹ thuật cổ Việt Nam đã nhanh chóng được đặt vào vị trí danh dự, bình đẳng với bất cứ nền điêu khắc xuất sắc nào trên thế giới, trong tương quan chung xưa và nay. “Những nhát đục dứt khoát, không sửa lại, không gia công nghệ thuật quá một lần. Chất gỗ lim rắn chắc (còn gọi là thiết mộc) được người nghệ sĩ dân gian điều khiển thật chắc tay, chúng hiện lên những hình khối gân guốc đến kỳ diệu. Sản phẩm nghệ thuật của đôi tay thuần thục của những người nông dân kiêm thợ thủ công, chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp lúa nước Việt Nam sau lũy tre làng” (Nguyễn Đỗ Cung thuyết minh về triển lãm). Với các nhà điêu khắc - họa sĩ có xu hướng hiện đại chung là những kiệt tác thật tương ngộ với những tên tuổi lớn của thế kỷ XX. Những khối lồi lõm âm - dương theo triết lý phương Đông lại rất gần với xúc cảm thẩm mỹ của tư duy nghệ thuật phương Tây hiện đại như H. Moore, C. Brancusi, P.Picasso… Với Nguyễn Hải, anh như một tài năng trời phú, tính dân gian, dân tộc, dân dã đã chảy sẵn trong huyết quản của người con sông nước Nam Bộ. Với các họa sĩ - điêu khắc gia nói chung, đều như vừa được tắm gội trong dòng suối mát ông cha thật thỏa thích. Tiếp đó, Bảo Tàng Mỹ Thuật còn triển lãm chuyên đề “Tranh Tết, tranh thờ dân gian miền xuôi miền núi” của các dòng truyền thống. Từ đây các họa sĩ - nhà điêu khắc cũng như nhà nghiên cứu phê bình từng bước được giải phóng, giải tỏa ức chế. Nghệ thuật ngày một được cởi mở, ít đơn điệu, công thức nặng nề đến nhàm chám, cho đến ngày đất nước bước vào Đổi mới (1986). Từ đây, văn nghệ được “cởi trói” nghệ thuật thực sự thay da đổi thịt trên gương mặt đích thực của cái đẹp sáng tạo.

36 năm trôi qua. Giờ đây Nguyễn Hải đang sống trong một tòa nhà hình hộp cao tầng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi và yên tĩnh trong con hẻm rộng, hai đầu thông nhau, đỡ kín cổng cao tường. Ông vừa làm việc, vừa di dưỡng tinh thần theo chế độ của người nghệ sĩ cao tuổi. Sự yên tĩnh càng giúp ông hồi tưởng những kỷ niệm vui buồn một thời với bạn bè nơi cố đô Thăng Long – Hà Nội, kẻ còn người mất. Hai con của Nguyễn Hải với một trai là nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Hải Nguyễn đã thành danh và một gái là Chinh Lê, nhà thơ họa sĩ có tên tuổi đã 2 lần có triển lãm cá nhân tranh – tượng từ thành phố Hồ Chí Minh mang ra Hà Nội giới thiệu với công chúng Thủ đô. Thời gian cứ vận hành liên tục, một chiều, hướng về phía trước. Và tuổi tác tỷ lệ với sức khỏe cũng yếu dần. Mới ngày nào đó, nay ông đã đặt chân tới ngưỡng bát tuần thượng thọ. Nhìn lại những thành tựu mà ông đã tạo dựng được trong suốt hành trình lao động nghệ thuật, ông có đầy đủ lý do để tự tin, tự hào và an tâm về nghĩa vụ của người nghệ sĩ công dân đối với Tổ quốc, nhân dân và quê hương yêu dấu. Nhà nước đã trao tặng ông giải thưởng Hồ Chí Minh về mỹ thuật (đợt 2, năm 2000) và các Huân Huy chương cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật…

Sinh năm 1933 tại làng Hậu Thành, Cái Bè, Tiền Giang, Nam Bộ. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam 1963. Đây cũng là năm chính thức gia nhập Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Để ôn lại những kỷ niệm đầy ý nghĩa nhân sinh sau 36 năm xa cách, tôi chợt nhớ 2 câu ca dao, xin ghi lại gửi vào Nguyễn Hải và với cả phu nhân, người đồng nghiệp, họa sĩ - nhà điêu khắc, tác giả những tác phẩm đã thành danh, mang vẻ đẹp dịu dàng thanh thoát đầy nữ tính của Lê Thị Chinh: Mẹ con - tình mẫu tử, Thiếu nữ đánh đàn, Cô gái Quan họ, Mẹ con trong hòa bình. Tất cả như một bản hợp ca mượt mà, giàu ý nghĩa nhân văn của nghệ thuật. Để hai người bạn già thân quý, có dịp ôn lại những ký ức vui buồn “Một thời Hà Nội gian lao mà anh dũng” trong những ngày di dưỡng cuối đời: “Ngọt bùi nhớ nỗi đắng cay/ Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm”.

Trần Thức
(Theo Website Hội Mỹ thuật VN)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 316
  • Hôm nay: 21501
  • Tháng hiện tại: 2389926
  • Tổng lượt truy cập: 48764053