Cống hiến của Mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long

Đăng lúc: Thứ ba - 20/11/2012 15:14
Đồng bằng sông Cửu Long với tên gọi chân chất, giản dị, hiền hòa từ bao đời nay đã đi sâu vào lòng người với hình ảnh những cánh đồng ngút ngàn cò bay thẳng cánh, những dòng sông mênh mông bốn mùa sóng nước mang phù sa bồi đắp những vườn cây xanh tốt trĩu nặng trái đầy.
Không được cái may mắn có những làng nghề truyền thống về nghệ thuật hàng trăm năm như làng Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Kim Hoàng (Hà Nội), phố Hàng Trống (Hà Nội), làng Sình (Huế)... hay những trường đào tạo chuyên nghiệp như Trường Mỹ nghệ Bình Dương (1901), Trường Bá nghệ Biên Hòa (1903) ở miền Đông Nam bộ, Trường vẽ Gia Định (1913) nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ngay từ những năm đầu của thập kỷ 20 thế kỷ XX - Đồng bằng sông Cửu Long đã có những người con của tỉnh Bến Tre tìm đến với nghệ thuật tạo hình như Lê Văn Đệ (ra Bắc học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925), Nguyễn Phi Hoanh (sang Pháp học Trường Mỹ thuật Toulouse năm 1928) và cũng đã đi đến những thành công, định hình một chỗ đứng cho mình trong ngành mỹ thuật.

Cũng như nhiều miền vùng khác trên suốt chiều dài đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long đã có những cống hiến nhất định cho ngành mỹ thuật nước nhà cả trong chiến tranh lẫn khi hòa bình lập lại. Nhiều thế hệ hoạ sĩ đã bằng tài năng của mình tạo nên dấu ấn riêng biệt và nghiễm nhiên đi vào lịch sử mỹ thuật trong và ngoài nước. Để có thể thấy hết được những đóng góp của mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long trong toàn nền mỹ thuật dân tộc, chúng ta tạm thời chia các hoạt động của khu vực này theo từng giai đoạn trùng với các dấu mốc lịch sử, để có cái nhìn chi tiết và chính xác hơn hòng đánh giá đúng vai trò của nó.

Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long tạm chia ra các thời kỳ như sau:

1. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954):

Trong kháng chiến chống Pháp hầu hết những hoạ sĩ trong các chiến khu của Đồng bằng sông Cửu Long đều là những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, hoạt động mỹ thuật đôi khi chỉ bằng cách tự rèn luyện nét vẽ của mình qua năng khiếu bẩm sinh hoặc độc lập trau dồi sau khi đã học với những người thầy qua cách dậy truyền nghề, ngoại trừ số ít tốt nghiệp từ Trường vẽ Gia Định. Tuy nhiên họ vẫn hăng say làm việc bằng tất cả nhiệt tình của mình trong các công tác được tổ chức phân công như quản trị nhà in hay vẽ minh họa cho tập san thông báo tin chiến sự từ các tỉnh nhà. Sau khi tập kết ra Bắc (năm 1954) họ mới vào lớp học chính quy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và trở thành những hoạ sĩ chuyên nghiệp từ đó.

Thời kỳ này Đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp cho chiến trường những hoạ sĩ như Dũng Tiến, Huỳnh Văn Gấm, Phạm Văn Tâm, Nguyễn Bình Đẳng (Long An).., Nguyễn Hải, Nguyễn Sáng, Trương Đức Vinh (Tiền Giang)..., Diệp Minh Châu, Nguyễn Phi Hoanh, Nguyễn Chi (Bến Tre)..., Phạm Mười, Nguyễn Thành Châu, Lê Thanh Trừ, Cửu Long Giang (Đồng Tháp)..., Nguyễn Hiêm, Vĩnh Bảo, Nguyễn Kao Thương, Thái Đắc Phong (An Giang)..., Nguyễn Phước Sang, Hồ Văn Lái, Tô Dự, Bùi Tấn Hưng (Cần Thơ)..., Võ Thành Lũy (Cà Mau)..., Trần Văn Lắm (Bạc Liêu)...


Thiếu nữ bên hoa sen - Tranh: Nguyễn Sáng

2. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975):

Đến thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước với thuận tiện là sự có mặt của Phòng Hội họa Giải phóng tại Trung ương cục (Bắc Tây Ninh) do các hoạ sĩ từ Sài Gòn (Cổ Tấn Long Châu) và từ miền Bắc (Thái Hà, Huỳnh Phương Đông) vào thành lập (1962). Những hoạ sĩ này sau đó tỏa ra khắp các địa phương và các lớp vẽ được liên tiếp mở ra đào tạo cấp tốc nhiều hoạ sĩ để phục vụ cho chiến trường (lực lượng này có cả những hoạ sĩ miền Nam tập kết vừa học xong từ các nước bạn về như Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Quang Bữu, Nguyễn Thanh Châu...). Và Đồng bằng sông Cửu Long đã có cống hiến cho cuộc đấu tranh giành tự do, nhiều hoạ sĩ từ các tỉnh thành như Cổ Tấn Hùng, Võ Thanh Hoàng, Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Đức Lưu (Long An)..., Nguyễn Hoàng, Trường Chăm, Lê Dân (Bến Tre)..., Nguyễn Toàn Thi, Phan Hữu Thiện (Đồng Tháp)..., Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Quang Bửu, Nguyễn Thái Bình, Trần Minh Thái, Lê Phú, Vũ Ba, Thiện Chí, Hứa Văn Chiến (Vĩnh Long)..., Châu Hồ, Phan Phương Trực (Tiền Giang)..., Liêu tử Phong, Huỳnh Thanh Sơn (Trà Vinh)..., Trần Văn Nam (Bạc Liêu)..., Tôn Đức Lập (Kiên Giang)..., Lê Phương Hùng, Lê Việt Hồng, Ngô Thanh Hùng, Vương Văn Nhiệm (Cà Mau)...

Mấy mươi năm làm một cuộc trường trinh quyết liệt với kẻ thù, với bao trận chiến đấu không cân sức, tính cho đến hôm nay (với thống kê chưa đầy đủ) riêng trong ngành Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long đã có gần 40 liệt sĩ  hy sinh, trong đó gồm Cổ Tấn Hùng, út Trạch (Long An), Võ Hồ Nam, Võ Kiến Nghiệp, Nguyễn Viết Phương, Phạm Văn Thiện, Huỳnh Công Thu, Lê Tấn (Bến Tre), Ba Thanh Nha, Nguyễn Văn Thới, Trần Thiện Chưởng, Phan Trần Điệp (Đồng Tháp), Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Quang Bửu, Thiện Chí (Vĩnh Long), Châu Hồ, Huỳnh Đảnh, Nguyễn Hiển, Đoàn Văn Đức, Châu Văn Niên (Tiền Giang), Tư Quang, Trần Tấn Thanh (Cần Thơ), Đào Hữu Phước (Kiên Giang), Nguyễn Văn Tiết Anh (Trà Vinh), Phạm Vũ, Thạch Lên (Sóc Trăng), Nguyễn Văn Công (Cà Mau)...

Hai cuộc chiến tranh vệ quốc đã qua đi với những tên tuổi và tác phẩm ghi lại những cảnh tượng đã từng xảy ra như cảnh: du kích chống càn, cảnh cuộc họp của Ban  chỉ huy trước giờ mở ra chiến dịch, cảnh các nếp nhà trong khu căn cứ chiến khu, cảnh nữ giao liên trên đường về căn cứ, cảnh chiến khu trong rừng đước, cảnh tổ chiến đấu trước giờ xuất kích, cảnh từng đoàn bộ đội qua sông hay chân dung mẹ kháng chiến trên các nẻo đường đất nước... mà Qua cầu khỉ, Gà gáy sáng của Nguyễn Hiêm; Trái tim và nòng súng, Cô Liên của Huỳnh Văn Gấm; Phú Lợi căm thù, Võ Thị Sáu của Diệp Minh Châu; Phụ nữ ấp Bắc bịt họng pháp Mỹ của Nguyễn Cao Thương; Nguyễn Văn Trỗi, Chiến thắng Điện Biên Phủ của Nguyễn Hải; Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng taik mặt trận Tây Nam Sài Gòn của Nguyễn Sáng; Vót chông, Thế hệ của Phạm Mười; Những chiếc gậy thần kỳ của Lê Thanh Trừ; Về mặt trận Tây Nam Sài Gòn, Đêm giao liên của Nguyễn Thanh Châu; Cắm thẻ nhận ruộng, Lý Tự Trọng của Trần Văn Lắm; Lễ phong soái Trương Định, Hai Bà Trưng khởi nghĩa của Nguyễn Phi Hoanh; Mộ Võ Thị Sáu của Dũng Tiến; Bà mẹ miền Nam, Chiều tiền phương của Phan Phương Trực... mãi mãi vẫn còn đọng lại trong lòng người xem.

3. Hòa bình lập lại (1975 - 2012):

Năm 1975 đất nước thống nhất, các hoạ sĩ thuộc nhiều thế hệ trên khắp mọi miền Tổ quốc lần lượt tụ hội về. Con số thống kê mới nhất (tháng 6/2012) cho biết Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 76 hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam - phân bổ khắp 13 tỉnh, thành phố như sau: Long An - 7; Tiền Giang - 6; Vĩnh Long - 13; Đồng Tháp - 9; Cần Thơ - 4; Trà Vinh - 6; Bến Tre - 6; Bạc Liêu - 2; Sóc trăng - 3; Kiên Giang - 5; An Giang - 7; Cà Mau - 8 (riêng Hậu Giang mới tách tỉnh và chưa có hội viên), là lực lượng sáng tác đã tốt nghiệp từ Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các Trường Văn hoá - Nghệ thuật địa phương và đang là thành phần nòng cốt cho các Triển lãm Mỹ thuật khu vực hàng năm của Hội Mỹ Thuật Việt Nam cũng như các phong trào hoạt động do Tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương đứng ra tổ chức.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lứa lớn nhất của Việt Nam, là nơi khẳng định vị trí xuất khẩu gạo đứng thứ hai của Việt Nam trên trường quốc tế và cũng là một nơi giữ một vị trí quan trọng trong công việc nuôi trồng thuỷ hải sản và trái cây. Một vùng đất đầy tiềm năng với sự hội tụ của 4 dân tộc: Kinh - Chăm - Khmer - Hoa đã từng chung sống hoà bình trong suốt nhiều thế kỷ. Triển lãm Giải thưởng hàng năm ra đời vào năm 1993 và Triển lãm Mỹ thuật Khu vực ra đời vào năm 1996 của Hội Mỹ Thuật Việt Nam , đã luôn luôn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của hội viên trung ương và hội viên địa phương Đồng bằng sông Cửu Long. Có một điều chúng ta phải nhìn nhận là không có khu vực nào mà trong mỗi kỳ triển lãm Hội đồng Nghệ thuật phải để riêng hai ngày trước khi bắt đầu để chọn lại tranh và cũng không phải ở địa phương nào mà số tranh loại bớt bao giờ cũng vượt trên con số một trăm, bởi ngoài lý do chuyên môn còn có cả vấn đề là không đủ chỗ để treo. Và với lực lượng trẻ bao gồm những tên tuổi và tác phẩm đặc sắc đã giành được giải thưởng trong các triển lãm như Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật 8 khu vực, Triển lãm Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long, Triển lãm của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam... như: Nguyễn Thanh Hải (Cảm xúc U Minh - Giải C - MTKV - 2000), Lý Phước Như (Thuyền về bến - Giải B - MTKV - 2000), Đặng Can (ước mơ xanh - Giải A - MTKV - 2001), Lê Công Uẩn (Quá khứ và tương lai - Giải B - MTKV - 2001), Lý Cao Tấn (Sự trả thù của trời và đất - Giải C - MTKV - 2001), Nguyễn Hữu Phương (Cho hôm nay và mai sau - Giải A - MTKV - 2002), Trần Đình Thảo (Giải B - MTKV - 2002), Trần Công Hiến (Cái còn lại của rừng - Giải C - MTKV - 2002), Tạ Thị Anh Hồng (Sông ven trị trấn - Giải C - MTKV - 2002), Tín Trung (Nắng của biển - Giải A - LHCHVHNT 2003), Nguyễn Oanh (Đua bò - Giải A - MTKV - 2004), Trần Minh Thái (Khu tưởng niệm bác Phạm Hùng - Giải C - MTKV - 2006), Nguyễn Nhân (Những mảng đời bất hạnh - Giải C - MTKV - 2007), Trần Thị Chúc (Niềm vui của Ngoại - Giải C - MTKV - 2008), Bùi Quang Vinh (Hạt phù sa - Giải C - MTKV - 2009), Nguyễn Ngọc Trãi (Vật chứng thời gian - Giải C - MTKV - 2009), Nguyễn Đắc Nguyên (Niềm tin - Giải C - MTKV - 2011), Phúc An (Vào mùa - Giải B - MTKV - 2011), Lê Thanh Tùng (Góc quê - Giải A - MTKV - 2011), Hồ Văn Hưng (Trước giờ trình diễn - Giải Nhì - ĐBSCL 1990)... luôn mang lại cho người xem những hình ảnh của một đồng bằng Nam bộ trên bến dưới thuyền và những vườn cây xanh tươi trĩu quả. Người ta có thể dễ dàng thấy hình ảnh những cánh đồng mênh mông đang trong  mùa thu hoạch với những nông dân tíu tít bận rộn gặt hái, khuân vác, vô bao. Hình ảnh những bông lúa vàng hoe vừa gặt xong trong nắng sáng và chiếc máy tuốt lúa đỏ tươi đang phun những hạt lúa mây mẩy tạo hình cầu vòng trên ruộng, đi vào lòng ngưòi như báo hiệu một mụa bội thu no ấm. Những cảnh họp chợ trên sông với vô số thuyền ghe lớn nhỏ chở đầy sản vật từ những trái dưa hấu xanh mướt đến quả bưởi mọng vàng và vô số những cây trái của một vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, như lời chào mời nhiệt thành của những con người nhân hậu, hiền lành từ một vùng thiên nhiên trù phú. Và những cảnh đóng thuyền, đua ghe, vá lưới, lễ hội, lớp học trong chùa, những nội dung mang đề tài triết lý nhân sinh thấm đắm tính nhân văn sâu sắc... cũng thi nhau đi vào tác phẩm để trình làng những phong cảnh, phong tục tập quán riêng biệt của từng dân tộc trên vùng đất đầy bản sắc và đa văn hoá rất đối thân thương này.

4. Thành quả từ một địa phương (1994 - 20012):

Trong mười mấy năm trở lại đây, Cà Mau - vùng lãnh thổ cuối trời tổ quốc đột ngột nổi lên những tên tuổi như: Lý Cao Tấn, Lại Lâm Tùng, Nguyễn Hoàng Măng, Nguyễn Đức Nha, Lý Phước Như, Vương Văn Nhiệm và trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2010 mới đây là Nguyễn Thị Oanh, vì đã tự tạo ra một hướng đi riêng biệt cho mình, đó là sự dầy công nghiên cứu thể nghiệm để tạo ra những tác phẩm chuyên sâu về thể loại bút sắt. Cho đến thời điểm này, hầu hết các hoạ sĩ Việt Nam chow coi bút sắt như là một chất liệu trong ghi chép ký hoạ chứ chưa ai đưa vào để làm thành một bức tranh thật sự. Nếu đem ra so với các chất liệu khác như sơn dầu, sơn mài, lụa... thì bút sắt rõ ràng có kém xa về phương tiện diễn đạt. Ngoài ra bút sắt lại bị thêm nhiều hạn chế như chính bản thân nó không có nhiều mầu sắc để có thể dễ dàng làm phong phú không gian hay tạo chất cho nhiều ý tưởng, người vẽ cũng không thể tẩy xoá khi diễn đạt không đáp ứng được yêu cầu và thêm nữa là không thể ứng dụng kĩ thuật chồng đè lên  nhau khi cần tạo chiều sâu, mảng khối cho các chi tiết khi cần thể hiện. Nhưng ở đây ta thấy, các hoạ sĩ Cà Mau khi quyết tâm chọn chất liệu này đã cố gắng xây dựng mục đích là lấy cái tối thiểu để đạt cái tối đa và đưa chất liệu này vào thực tế để thử diễn tả nhều loại đề tài, từ Nước xoáy Năm Căn, Mùa hội ba khía, Nhộn nhịp miền Tây (Lý Cao Tấn  - Giải Khuyến khích - Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2000); đến Sự trả thù của trời và đất, Xẽo đước, Trò chơi trên lung bào, Đêm Tây Nguyên, Làng rừng Năm Căn, Xung phong... trong đó có những tranh kích thước không thể nào được xem là bình thường như: Công trình thế kỷ, Khát vọng chinh phục biển khơi - 90x120cm của Lý Cao Tấn; Ký ức Tây Nguyên -  70x120cm của Nguyễn Hoàng Măng; Xóm đáy - 51x80cm của Lại Lâm Tùng; Bão số 5 - 100x140cm của Vương Văn Nhiệm; Đất nở hoa - 80x80cm của Nguyễn Thị Oanh... và đã tạo nên những tác phẩm hết sức độc đáo ghi một vết son trong ngành mỹ thuật đáng được nể trọng.

Với những cống hiến to lớn của mình trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Đảng và Nhà nước đã xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh  cho 4 hoạ sĩ Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Hải, Nguyễn Sáng và Giải thưởng Nhà nước cho hoạ sĩ Nguyễn Thanh Châu, những người đã từng ra đi từ Đồng bằng sông Cửu Long và đã khắc ghi tên tuổi mình vào lịch sử. Và với những giải thưởng đã và đang có được trong các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc cảu Vụ Mỹ thuật, Triển lãm Mỹ thuật Khu vực của Hội Mỹ Thuật Việt Nam, Triển lãm Đồng bằng sông Cửu Long của 13 tỉnh, thành cùng liên kết và các Triển lãm mừng Xuân, Triển lãm nhân các ngày lễ lớn 30/4, 2/9... do Tỉnh, Hội tổ chức.

Chúng ta vui mừng chào đón sự vươn lên của Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng như chúc mừng thành tích của anh chị em hoạ sĩ tại đây nói chung mỗi ngày một tiến xa hơn nữa.
Nhà PBMT Nguyễn Kim Loan
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 462
  • Khách viếng thăm: 459
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 57700
  • Tháng hiện tại: 2339357
  • Tổng lượt truy cập: 48713484