Vài nét về việc xây dựng bia, tượng tại tỉnh Tiền Giang

Đăng lúc: Thứ hai - 03/12/2012 15:16
Tiền Giang là một tỉnh thuộc Khu Trung Nam bộ, là một trong những tỉnh đông dân, trù phú ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là địa bàn trung chuyển nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tiền Giang còn là cửa ngỏ phía Nam của vùng Đồng Tháp Mười - một căn cứ cách mạng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tiền Giang có tầm chiến lược vô cùng quan trọng đối với chiến trường Nam Bộ. Do đó, về phía địch đã tập trung lực lượng mạnh đánh phá vùng đất này để chia cắt, cô lập lực lượng cách mạng giữa miền Đông với miền Tây Nam bộ. Thật vậy, tại Tiền Giang, địch đã xây dựng ấp chiến lược thí điểm (xã Tân Lý Tây - huyện Châu Thành), xây Khu trù mật đầu tiên trên chiến trường Nam bộ (Khu trù mật Hậu Mỹ - huyện Cái Bè, Khu trù mật Mỹ Phước Tây - huyện Cai Lậy); xây dựng căn cứ Đồng Tâm cấp sư đoàn Mỹ (xã Bình Đức - huyện Châu Thành). Về phía ta, tỉnh Đảng bộ và đặc biệt là Khu ủy Quân khu 8 xem tỉnh ta là trọng điểm của Khu nên tập trung lực lượng kiên quyết đánh bại âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Qua những chặn đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, quân và dân Tiền Giang (gồm Mỹ Tho và Gò Công) đã cùng quân dân cả nước đánh thắng 2 kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tượng đài Rạch Gầm - Xoài Mút

Chiến tranh đã đi qua, lịch sử đã sang trang, nhưng sự giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau là một việc làm không thể thiếu được. Song hành với việc giáo dục truyền thống bằng thông tin tuyên truyền, qua sách vở, tham quan Bảo tàng; việc giáo dục thông qua các công trình truyền thống cũng là một hình thức tuyên truyền trực quan rất hiệu quả. Xác định được tầm quan trọng của hình thức này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang rất quan tâm và đã đầu tư xây dựng nhiều công trình bia tượng khá quy mô và khá nhiều về số lượng, với hàng chục bia truyền thống, tượng đài đều khắp trên địa bàn 10 huyện, thành, thị của tỉnh. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 48 công trình bia, tượng được xây dựng, chia ra 3 loại hình như sau:

1/ Tượng đài: có 14 công trình thể hiện những sự kiện và danh nhân của tỉnh gồm:

- 08 công trình với quy mô nhỏ, chất liệu đá Granite, Marble (06); đồng (01); bêtông (01), chiều cao từ 3m đến 6m. Đây là những tượng đài thể hiện những anh hùng chống ngoại xâm hồi nửa sau thế kỷ XIII và XIX: Võ Duy Dương, Đốc Binh Kiều, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ; các vị lãnh đạo, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ tiêu biểu. Các tượng đài này được đặt tại các trường phổ thông trung học mang tên các vị.

- 06 công trình có quy mô lớn hơn, chất liệu đá (03); đồng (03), trong đó gồm 02 tượng đài danh nhân: tượng đài Thủ Khoa Huân (đá) đặt tại công viên Lạc Hồng ở thành phố Mỹ Tho; tượng đài Trương Định (đồng) đặt tại thị xã Gò Công. Còn lại là tượng đài mang giá trị lịch sử gồm: Tượng đài chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút bằng đồng cao 8m, nặng 20 tấn đặt trên phần bệ tượng 10m. Với ba nhân vật: Nguyễn Huệ là nhân vật chính đáng đứng uy nghi như một tướng lĩnh tài ba, bên phải là nhân vật nghĩa quân Tây Sơn trong tư thế giương cung tấn công kẻ thù, bên trái là nhân vật thể hiện người dân Mỹ Tho hai tay nắm chắc mái chèo hỗ trợ cho nghĩa quân Tây Sơn đánh thắng trận thủy chiến tuyệt vời trên sông nước miền Nam - trận Rạch Gầm-Xoài Mút. Tượng đài chiến thắng Ấp Bắc chất liệu đồng đặt tại Di tích Ấp Bắc - Di tích quốc gia trên địa bàn huyện Cai Lậy. Tượng đài thể hiện ba chiến sĩ giải phóng quân trong tư thế diệt máy bay và xe tăng địch. Hai tượng đài còn lại thể hiện sự kiện nhân dân Chợ Giữa (Vĩnh Kim-Châu Thành) bị máy bay Pháp thả bom sát hại trong lúc đang họp chợ năm 1941 (đồng) và tượng đài chiến thắng năm Mậu Thân 1968 tại Thị xã Gò Công (bêtông giả đá).

2/ Biểu tượng: Loại hình này có 07công trình với chất liệu đá, bêtông tổng hợp. Bảy công trình chủ yếu thể hiện những chiến thắng trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có một biểu tượng thể hiện sự căm thù của nhân dân huyện Cai Lậy đối với sự đàn áp dã man của thực dân Pháp vào đoàn biểu tình của quần chúng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Sáu biểu tượng còn lại gồm: Chiến thắng yếu Khu Ngã Sáu (huyện Cái Bè); Đấu tranh chính trị ngả ba Chim Chim (Châu Thành); Chiến thắng Giồng Dứa (Châu Thành); Chiến thắng Đồng Sơn (Gò Công Tây); Chiến thắng Ba Rài (Cai Lậy); Chiến thắng Mậu Thân 1968 (Tp. Mỹ Tho).

Tượng đài Thủ Khoa Huân
3/ Bia truyền thống: Loại hình này có 24 công trình, hầu hết bằng chất liệu bê tông, một số ít chất liệu tổng hợp, đá, gồm bia chiến thắng, bia lưu niệm, bia căm thù … Trong số 24 công trình này, thì công trình Bia Căm thù ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước có qui mô lớn vì nó thể hiện sự kiện lịch sử xảy ra trong giai đoạn chống Pháp (1947) và đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Đó là dữ kiện “Bán thịt người” của thực dân Pháp. Năm 1947, giặc Pháp hình thành quầy bán thịt người, những người bị chúng cho là lực lượng cách mạng mà chúng bắt được, sau khi chúng giết chết đem xả rời từng bộ phận treo lên giàn và bắt buộc những ghe thuyền phải mua thì mới được đi qua.

Có thể nói Tiền Giang là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng được nhiều bia tượng nhất. Đó là nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh biết trân trọng lịch sử vẻ vang của ông cha ta từng chống giặc ngoại xâm, của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để có độc lập như ngày hôm nay. Việc làm này nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và cho muôn đời sau lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Nhưng thực tế cho thấy chỉ những bia tượng ở gần thị tứ, ở các trung tâm và ở những di tích cấp quốc gia mới có điều kiện phát huy tác dụng, phần lớn những công trình còn lại chưa phát huy hết hiệu quả, chưa kể hiện tại có một số bia đã bị xuống cấp và sự quản lý rất lỏng lẽo.

Gần đây, có sự phối hợp giữa Sở Văn hóa Thể thao Du lịch và Sở Giáo dục Đào tạo tổ chức phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên một số trường học nhận chăm sóc di tích, tổ chức tham quan về nguồn làm cho một số công trình truyền thống phát huy được hiệu quả.

Với số lượng 48 công trình bia tượng được xây dựng từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay so với 2010 sự kiện lịch sử và di tích của tỉnh Tiền Giang thì con số trên chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là những công trình quý giá và đáng trân trọng.

Để cho có sự đồng bộ trong việc xây dựng bia tượng trong tỉnh, thiết nghĩ nên có quy hoạch chung để tránh việc xây dựng tràn lan. Bên cạnh đó, nếu có quy hoạch sẽ tránh được tình trạng mạnh ai nấy làm, đưa đến tình trạng không ai quản lý, để công trình bị xuống cấp, hư hỏng, nhất là các công trình nằm ở các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh.

Nguyễn Thị Đấu
PGĐ Bảo tàng Tiền Giang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 229
  • Khách viếng thăm: 223
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 26335
  • Tháng hiện tại: 2525721
  • Tổng lượt truy cập: 48899848