Ba dấu mốc đáng nhớ của biếm họa báo chí trên đất Việt và của người Việt

Đăng lúc: Thứ hai - 03/12/2012 14:46
Năm 2012 này, giới biếm họa báo chí Việt Nam có dịp nhớ lại ba sự kiện sáng giá của biếm họa gắn với đất nước và con người Việt Nam trong quá trình phát triển.
Trước hết và xa nhất, cách nay vừa đúng 115 năm, năm 1897 (sau khi Thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam 13 năm (1884-1897)), tại Hà Nội, lần đầu tiên đã xuất hiện một tờ báo trào phúng có đăng nhiều tranh biếm họa do người Pháp xuất bản, mang tên "Đời Sống Đông Dương" (La vie Indochinoise).

Claude Bourrin, một người đương thời đã có những nhận xét về tờ báo đó như sau: "Đây là một ấn phẩm sắc sảo, thấm đẫm tính hài Pháp... Họa sỹ phụ trách hình ảnh của tờ báo là Albert Cezard rất thấu hiểu Đông Dương… Nét bút của ông đôi khi gợi lại những nét đẹp nhất của Caran d'Ache… Tính hài hước trong tranh đã đem lại sự chinh phục mạnh mẽ của họa sỹ với độc giả… Các họa sỹ vẽ cho tờ báo rất mạnh tay, nếu những nét vẽ của họ luôn luôn chứa đựng ẩn ý thì chúng lại không bao giờ khoan nhượng khi bêu riếu các nhân vật cao cấp…" Claude Bourrin còn khẳng định: "Chưa bao giờ và chưa ở nơi đâu như Đông Dương lại có một tờ báo với tinh thần đối chọi mạnh mẽ đến như vậy đối với những hành động độc đoán của nhà cầm quyền".

Như vậy là tại "Xứ Bắc Kỳ thuộc Pháp bảo hộ" khi ấy, bên cạnh những người Pháp thực dân vẫn có những người Pháp (dù ít) giữ vững tinh thần văn hóa Pháp cũng như tư tưởng phương Tây là hăng hái, say mê phê phán xã hội đương thời, lên án sự thống trị áp bức của chế độ thực dân phong kiến. Chính bởi sự phản biện sắc sảo và lên án gay gắt đối với nhà cầm quyền mà tờ báo Đời sống Đông Dương chỉ tồn tại được hai năm 1897, 1898.

Dấu mốc thứ hai là vào năm 1922, cách đây vừa tròn 90 năm, tại Pari, nước Pháp, một nhóm năm người Việt Nam hoạt động chính trị, tìm đường cứu nước, bao gồm cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường và ba nhà báo: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền (sau này thường được gọi là nhóm Ngũ Long - Năm con rồng) đã cho ra đời tờ báo Người Cùng Khổ (Le Paria).

Chủ bút và người viết chính là Nguyễn Ái Quốc, tức chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta sau này; ông không chỉ viết những bài chính luận sắc sảo mà còn viết những truyện cười, hài kịch, và đặc biệt là còn vẽ tranh biếm họa rất có giá trị. Đây thực sự là một trường hợp hết sức đặc biệt bởi một người Việt Nam có bề dày văn hóa truyền thống phương Đông nhưng rất nhạy cảm, sớm tiếp thu và sử dụng những loại hình văn học nghệ thuật phương Tây để phục vụ cho mục tiêu đấu tranh nhằm xóa bỏ mọi chế độ thống trị áp bức trên quê hương mình và trên toàn thế giới.

Nhân đây cũng xin lưu ý hiện tượng tranh biếm họa được hết sức ưu ái, có mặt hầu hết trên các tờ báo lớn của chính phủ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo… Không ít trường hợp tranh biếm họa được in trên nhiều trang báo và có những kỳ được in khổ lớn, chiếm trọn cả trang đầu của tờ báo… Phải chăng ở đây có sự gợi ý, chỉ đạo của "họa sỹ biếm họa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh"!.

Thứ ba là vào năm 1932, cách đây vừa đúng 80 năm, ở nuớc ta (vẫn là thuộc địa của Pháp) các văn nghệ sỹ thuộc nhóm "Tự Lực Văn Đoàn" do nhà văn Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam làm thủ lĩnh đã cho phát hành tờ báo Phong Hóa có tranh biếm họa với những nhân vật bất hủ như Lý Toét, Xã Xệ… Đây là sự mở đầu cho việc sử dụng tranh biếm họa như những bài báo đặc biệt của báo chí do người Việt sáng tác, ấn hành trên đất nước Việt Nam, và cũng chính báo Phong Hóa đã lôi cuốn được khá nhiều các tờ báo của người Việt và cả của người phương Tây khi ấy sử dụng biếm họa như một kênh thông tin, phản biện nhanh nhậy, sắc sảo góp phần làm phong phú thêm hình thức đấu tranh công khai sau đó của Mặt trận Dân chủ Đông Dương chống thực dân, phong kiến và nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa phát xít, thời kỳ 1936-1939.

Góp công lớn tạo nên những nhân vật biếm họa đặc sắc Lý Toét, Xã Xệ… thoạt đầu là do nhà văn Nguyễn Tường Tam (1906-1963) lấy cảm hứng từ nhân vật Lý Toét trong thơ trào phúng của nhà thơ Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu, 1900- 1976) . Tiếp đó, họa sỹ tài danh Nguyễn Gia Trí (1908- 1993) tạo ra nhân vật Xã Xệ, và cùng với họa sỹ Tô Ngọc Vân (1908-1954) hoàn thiện cặp bài trùng Lý Toét, Xã Xệ.

Nhân 80 năm lần đầu tiên có báo tiếng Việt đăng tranh biếm họa của người Việt sáng tác, ấn hành trên đất Việt, xin nhắc sơ lại đoạn đường cuối lầm lẫn, và đau buồn của Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam. Trong những tháng năm đầu nước nhà mới giành độc lập, tình hình "thù trong giặc ngoài" rất hiểm nguy, để phân hóa kẻ thù, củng cố khối đoàn kết, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng thành phần, dành cho một số không ít những nhân vật thuộc "Việt Cách", "Việt Quốc" tham gia chính quyền, Nguyễn Tường Tam được giữ chức bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, ông đã từng làm trưởng đoàn Việt Nam (Thứ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp làm phó đoàn) đàm phán với phái đoàn quân sự Pháp ở Đà Lạt nhằm tránh sự xung đột gữa hai lực lượng vũ trang, dẫn đến chiến tranh. Nhưng thực dân Pháp với dã tâm chiếm lại nước ta một lần nữa nên hội nghị không thành. Tiếp sau đó, do chính kiến của Nguyễn Tường Tam không phù hợp với xu thế của thời cuộc, ông theo Tàu Tưởng, chạy sang Trung Quốc rồi sau đó trở về Sài Gòn sinh sống, viết sách và báo. Tháng 7, năm 1963, Nguyễn Tường Tam liên quan tới cuộc đảo chính không thành của các sỹ quan và binh sỹ chống chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm, ông đã tự vẫn khi tòa án quân sự Sài Gòn đòi đem ông ra xét xử. Phút cuối cùng, Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam đã nói với những người xung quanh: "Đối với tôi, chỉ có lịch sử mới có quyền phán xét!".

Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tàn khốc, sự quản lý đất nước, xã hội bị phân vùng, phân khúc qua nhiều giai đoạn; bởi thế biếm họa trên báo chí ở Việt Nam cũng trải qua nhiều thăng trầm và giờ đây vẫn còn lận đận. Tuy nhiên, yêu cầu khách quan và bức thiết phải hoàn thiện xã hội ngày càng bền vững hơn, lành mạnh hơn, bởi vậy việc mở rộng sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào công tác quản lý, phát triển xã hội và đất nước, mà trong đó phải coi trọng sự phản biện xã hội là tất yếu. Do đó, có thể tin rằng, biếm họa trên báo chí ở nước ta sẽ có vị trí xứng đáng.

Hoàng Dzự
(Theo vietnamfineart.com.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 228
  • Khách viếng thăm: 221
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 30476
  • Tháng hiện tại: 2263026
  • Tổng lượt truy cập: 46230259