Liên kết Tiền Giang - TP. Hồ Chí Minh: Giúp kinh tế Tiền Giang tăng tốc

Đăng lúc: Thứ tư - 05/12/2012 08:36
Có nhiều dự án đầu tư nằm trong chương trình liên kết, hợp tác giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả thiết thực nhưng dường như vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và tiềm lực của hai địa phương.

Chương trình liên kết, hợp tác giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh, nhất là trong việc kêu gọi các dự án đầu tư đã được khởi xướng hơn 5 năm qua. Thực tế đã cho thấy, sự tham gia của các nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh đã tác động tích cực đến sự phát triển của Tiền Giang, đặc biệt là các dự án trong ngành sản xuất nông, thủy sản xuất khẩu.

Các dự án chế biến nông thủy sản do các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh đến Tiền Giang trong giai đoạn đầu đã gặt hái được nhiều thành công, tập trung ở Khu công nghiệp Mỹ Tho như: Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Thành Công, Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty TNHH Hưng Phát và Công ty cổ phần Gò Đàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này đã liên kết với các đơn vị trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh đầu tư thêm nhiều dự án mới: Công ty cổ phần Thủy sản Vinh Quang với công suất 2.200 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 23 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho trên 600 lao động; Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Phát với công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 62 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động…

a
Công ty cổ phần May Công Tiến vừa mở rộng phân xưởng may mới

Nằm trong chương trình liên kết, Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã đăng ký đầu tư 3 dự án lớn tại ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (hiện đã hình thành Công ty Nông sản thực phẩm) gồm: Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Cổ Lịch, qui mô 124.800 tấn/năm, vốn đầu tư 133 tỷ đồng; dự án nhà máy chế biến và bảo quản thực phẩm có công suất 12.000 tấn/năm, vốn đầu tư 186 tỷ đồng và dự án Kho lương thực Cổ Lịch, với công suất 150.000 tấn/năm, vốn đầu tư 71 tỷ đồng. Tổng cộng 3 dự án đầu tư của Tổng Công ty Lương thực miền Nam có tổng vốn đăng ký trên 390 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Bùi Trung Thảo, Phó Giám đốc Công ty Nông sản thực phẩm (Cổ Lịch, Cái Bè) cho biết, các sản phẩm chính của công ty là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lương thực, chế biến và kinh doanh doanh thức ăn thủy sản, chế biến và kinh doanh các mặt hàng thủy sản.

Hiện nay, một số dự án của công ty đang triển khai dở dang. Các dự án đã đầu tư hoàn thành và đưa vào vận hành như Nhà máy chế biến và bảo quản lương thực, Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, vùng nuôi trồng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến và bảo quản thực phẩm thủy sản. Tổng vốn đầu tư được duyệt cho các dự án đầu tư là 560 tỷ đồng và đến thời điểm hiện nay đã đầu tư được 400 tỷ đồng.

Các dự án hoàn thành và đi vào khai thác từ khi công ty thành lập đến nay đã mang lại trên 1.435 tỷ đồng doanh thu. “Công ty đang tập trung hoàn thành các dự án đang được triển khai; hình thành các vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến; phát triển thị trường xuất khẩu gạo, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ…”, ông Đỗ Bùi Trung Thảo cho biết.

Một trong những dự án hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang được đánh giá thành công là Công ty cổ phần May Công Tiến (TX. Gò Công) do Quỹ Đầu tư Tiền Giang và Công ty May Việt Tiến làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án ban đầu là 50 tỷ đồng, đã đưa vào hoạt động từ tháng 4-2007. Đến năm 2012,  Công ty cổ phần May Công Tiến đã đạt doanh thu 110 tỷ đồng, tăng gần 49% so với năm 2011.

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc công ty cho biết, đầu năm 2012 công ty đã đầu tư thêm phân xưởng may mới và đầu tư thêm trang thiết bị, nâng tổng vốn đầu tư của công ty hiện nay tại TX. Gò Công là 120 tỷ đồng. Hiện nay, công ty có 35 chuyền may, với công suất khoảng 250.000 sản phẩm/tháng, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, Nhật; giải quyết việc làm cho 2.100 lao động của địa phương, với mức thu nhập bình quân là 3,5 triệu đồng/người/tháng.

“Công ty đang từng bước chuyển đổi các thiết bị cơ sang điện tử, theo công nghệ line nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất và đời sống cho người lao động”, ông Nguyễn Văn Việt cho biết.

Co.op Mart Mỹ Tho cũng là một trong những dự án nằm trong chương trình hợp tác giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đạt được hiệu quả cao. Theo lãnh đạo của Sài Gòn Co.op, hàng năm hệ thống Co.op trên cả nước cũng đã tiêu thụ lượng lớn hàng nông sản, thực phẩm của Tiền Giang, trung bình trên 70 tỷ đồng/năm.

Riêng Co.op Mart Mỹ Tho cũng là dự án được đánh giá là thành công trong chương trình hợp tác giữa 2 địa phương. Co.op Mart Mỹ Tho chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2006, với tổng vốn đầu tư là 50 tỷ đồng, đến nay doanh số hàng năm đều tăng từ 30-35%.

Kết quả hợp tác đã và đang được 2 địa phương tiếp tục triển khai. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chương trình liên kết thời gian qua là Tiền Giang thu hút được các dự án đầu tư vào hạ tầng phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Đầu tiên là dự án đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp (KCN) Tân Hương do Công ty TNHH Nhựt Thành Tân làm chủ đầu tư. Được triển khai đầu tư hạ tầng năm 2006 trên diện tích gần 200ha, KCN Tân Hương có tốc độ triển khai nhanh chóng, đưa vào hoạt động năm 2008.

Ngoài các công trình hạ tầng, nhà xưởng, viễn thông, KCN Tân Hương còn được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải công suất 4.500m3/ngày đêm, hệ thống tiếp nhận điện đảm bảo cung ứng tốt về điện năng cho hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư.

Hiện nay, KCN Tân Hương đã thu hút gần 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước, lấp đầy trên 70% trên diện tích đất thương phẩm, với tổng vốn thu hút đầu tư khoảng 200 triệu USD và hơn 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động tại chỗ... Mục tiêu đến năm 2013, KCN Tân Hương sẽ lấp đầy diện tích còn lại, ưu tiên những nhóm ngành công nghiệp nhẹ, nhóm ngành kỹ thuật cao...

Thành công được đánh giá là cơ bản nhất trong Chương trình hợp tác giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh là đã tạo động lực to lớn cho kinh tế Tiền Giang phát triển, thông qua việc gặt hái những thành quả từ các dự án đầu tư mới. Theo thống kê gần đây của Sở Kế hoạch-Đầu tư, chương trình hợp tác kinh tế xã hội đã tạo cho Tiền Giang có thêm kênh huy động vốn, ước tính thu hút 42 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 7.750 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, kết quả hợp tác giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh thời gian qua vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, tiềm lực của hai địa phương, còn một số dự án lớn đang còn chậm triển khai thực hiện như: Cụm Công nghiệp Tam Hiệp (Châu Thành), các KCN ở Gò Công Đông, KCN Tàu thủy Soài Rạp; dự án khách sạn Golf Mỹ Tho…; cũng còn một số lĩnh vực hợp tác đã được thực hiện nhưng không đem lại kết quả, phải kết thúc trước thời hạn…

Thế Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 114
  • Hôm nay: 17288
  • Tháng hiện tại: 298402
  • Tổng lượt truy cập: 67272893