Xuân về trên đô thị biển Vàm Láng

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/02/2013 12:27
Được thành lập cách đây hơn 2 năm, thị trấn Vàm Láng thuộc huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ trở thành một đô thị ven biển có kinh tế phát triển phồn thịnh nhờ biết phát huy thế mạnh khai thác đánh bắt và chế biến thủy hải sản phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

* Khai thác thế mạnh kinh tế biển

Trong không khí vui tươi bước sang năm mới, chúng tôi về thăm làng biển Vàm Láng, tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt của thị trấn ven biển này. Trước đây, từ một xã nghèo kinh tế còn nhiều khó khăn, từ khi “nâng cấp” trở thành thị trấn, Vàm Láng ngày nay trông sầm uất và nhộn nhịp hơn hẳn. Tại khu trung tâm thị trấn, hai bên đường nhà cửa mọc lên san sát, cùng với hình ảnh đội tàu đánh bắt cá khơi xa hùng hậu và hệ thống dịch vụ, hậu cầu nghề cá triển mạnh tại cảng cá Vàm Láng.

Một góc cảng cá Vàm Láng. Ảnh: Nguyễn Hữu
Một góc cảng cá Vàm Láng. Ảnh: Nguyễn Hữu

Là thị trấn non trẻ của tỉnh Tiền Giang, Vàm Láng có 600 ha diện tích tự nhiên và 14.000 nhân khẩu, án ngữ ngay vàm Soài Rạp. Vàm Láng là một làng biển lâu đời, với hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản.
 
Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng cho biết, thị trấn hiện có hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác thủy sản biển của các ngư dân trong thị trấn là hơn 400 tàu, với tổng công suất 74.241 CV, trong đó có 249 phương tiện đánh bắt xa bờ, được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, đủ sức đánh bắt ở những ngư trường xa khơi. Mỗi năm, đội tàu đánh cá này mang về đất liền hàng chục ngàn tấn hải sản các loại phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến hải sản xuất khẩu.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của đội tàu đánh bắt hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá (cảng cá, sửa chữa tàu, ghe, thu mua, sơ chế hải sản, cung cấp dầu, nước đá,...) cũng phát triển nhanh chóng. Thời gian gần đây, khi nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, nhiều hộ kinh doanh thuỷ sản tại đây đã mạnh dạn đầu tư các cơ sở chế biến, sản xuất công nghiệp, vừa làm tăng giá trị hàng hoá, vừa tạo thêm nhiều công ăn việc làm, vừa góp phần xây dựng địa phương theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đến nay, thị trấn có gần 120 cơ sở chế biến thủy hải sản, chủ lực vẫn là xẻ khô, làm mắm, làm ruốc, sơ chế ghẹ, sơ chế tôm, cua, sơ chế thủy sản đông lạnh phục vụ xuất khẩu. Nghề biển cũng góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Vàm Láng đều tăng, năm 2012 đạt 21,5 triệu đồng/người.

Theo ngư dân địa phương, những chuyến đi biển gần đây, nhờ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân luôn trúng khai thác thuỷ sản. Vốn là “cái nôi" của nghề đánh bắt, khai thác thuỷ sản, trên địa bàn thị trấn Vàm Láng có rất nhiều ngư dân giỏi nghề biển, có thâm niên bám biển và làm giàu từ biển như: ngư dân Huỳnh Văn Sạch, khu phố 3, thị trấn Vàm Láng, có 3 ghe cào mực cho biết, trung bình mỗi chuyến ra khơi (từ 1,5 tháng đến 2 tháng), thu được khoảng từ 2-3 tấn mực; ngư dân Trần Văn Thu, khu phố chợ 2, có 9 phương tiện đánh bắt thuỷ sản là những điển hình ngư dân bám biển làm giàu ở địa phương.

Theo UBND thị trấn Vàm Láng, trong năm 2012, sản lượng đánh bắt, khai khác thủy sản của địa phương đạt 22.549 tấn, đạt 107% kế hoạch năm, với giá trị sản lượng đạt hơn 300 tỉ đồng.

Để nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, đến nay, thị trấn Vàm Láng đã thành lập 6 tổ hợp tác khai thác thủy sản với 30 phương tiện và 24 xã viên, đồng thời địa phương còn thành lập nghiệp đoàn khai thác hải sản Vàm Láng với 300 công đoàn viên là là những người lao động trên các tàu cá, cảng cá, các lao động phục vụ hậu cần nghề cá; lao động thuộc các hợp tác xã khai thác, các tổ nhóm khai thác hải sản trên biển.

* Hướng tới đô thị biển

Việc thành lập thị trấn Vàm Láng theo Nghị quyết của Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vàm Láng vững tin trên bước đường đổi mới, phấn đấu xây dựng Vàm Láng trở thành một đô thị biển giàu mạnh.

Hướng phát triển của Vàm Láng trong thời gian tới, bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng cho biết, từ định hướng chiến lược đưa Vàm Láng là trung tâm kinh tế biển của tỉnh, thị trấn chủ trương khuyến khích ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, mở mang ngành nghề chế biến thuỷ hải sản theo hướng phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, đồng thời quy hoạch, kiện toàn mạng lưới giao thông hoàn chỉnh để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, nhiều dự án lớn đang được tiếp tục triển khai nhằm giúp Vàm Láng sớm hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản như: đầu tư gần 130 tỷ đồng xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá tại cửa sông Soài Rạp; đầu tư gần 4 tỷ đồng cho giai đoạn II nâng cấp cảng cá Vàm Láng.
 
Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, thị trấn Vàm Láng dự kiến hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thị; xây dựng mới các tuyến trục phía Bắc tỉnh lộ 871 hướng về phía biển để tạo môi trường và phát triển du lịch sinh thái; hoàn chỉnh vỉa hè, chiếu sáng và trồng cây xanh các trục đường phố đô thị đồng thời cải tạo bến xe Vàm Láng, các bến đò phục vụ cho giao thông…

Năm 2013 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ thị trấn Vàm Láng lần thứ XI. Trên cơ sở những thành tích đã đạt được, trong năm 2013, thị trấn Vàm Láng phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500.000 – 2.000.000 đồng/người so với năm trước; kéo giảm tỷ lệ giảm hộ nghèo; nâng cao chất lượng dạy và học; tỷ lệ huy động học sinh mầm non 100%, tiểu học 100%, THCS 98%.

Một tin vui đối với người dân Vàm Láng trước thềm năm mới là làng nghề truyền thống chế biến khô mắm và thủy hải sản tại thị trấn Vàm Láng chuẩn bị được tỉnh công nhận trong năm 2013, để có hướng đầu tư thích hợp đưa làng nghề này phát triển, nhằm tận nguồn nguyên liệu đánh bắt tại địa phương.

Một mùa xuân nữa lại về, tự hào với những thành tựu đạt được trong việc xây dựng đô thị Vàm Láng trở thành đô thị biển giàu mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vàm Láng không ngừng nỗ lực, chung tay xây dựng quê hương Vàm Láng ngày càng giàu đẹp, đồng thời cũng là sự khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương trong phát triển kinh tế biển ở địa phương.


(Theo TTXVN)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 205
  • Hôm nay: 28095
  • Tháng hiện tại: 2260645
  • Tổng lượt truy cập: 46227878