Hướng phát triển bền vững cho đặc sản thanh long

Đăng lúc: Thứ ba - 08/10/2013 08:22
Thanh long là một trong những cây ăn trái chủ lực của tỉnh và cả nước. Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu thanh long liên tục tăng, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng. Tuy nhiên, giá thanh long vẫn còn bấp bênh. Đi tìm con đường phát triển bền vững cây ăn trái đặc sản này đang được các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế rất quan tâm.
Tiền Giang đang quan tâm đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của thanh long trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh HL

Tiền Giang đang quan tâm đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của thanh long trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh HL

Đa dạng hóa sản phẩm

Diện tích thanh long nước ta liên tục phát triển trong những năm qua, tập trung ở 3 tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn thứ 3 trong cả nước, chỉ vài năm trở lại đây Tiền Giang đã vươn lên vị trí thứ 2 (chỉ sau Bình Thuận) với 3.000 ha. Với đà phát triển hiện nay, một số dự báo cho rằng khả năng thời gian tới sẽ xảy ra hiện tượng “dư thừa” những trái thanh long có trọng lượng nhỏ, mẫu mã có nhiều khiếm khuyết.

Theo Kỹ sư Trần Thế Yên, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất phân bón hóa sinh (đơn vị liên kết với Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Giang chế biến một số sản phẩm từ trái cây), tỷ lệ những trái có trọng lượng nhỏ, mẫu mã không đẹp chiếm từ 10 - 20%. Từ đó, việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ trái cây đặc sản này sẽ giúp tiêu thụ những trái kém giá trị thương phẩm để tăng thêm thu nhập cho người trồng.

Đây là giải pháp vừa mang tính xã hội, vừa đáp ứng nguyện vọng của người trồng thanh long. Theo Kỹ sư Yên, việc chế biến trái thanh long ở nông hộ có quy mô nhỏ từ 1 - 2 tấn mỗi ngày rất khả thi do gần nguồn nguyên liệu phân tán, giữ chân được lao động nông hộ và giải quyết vấn đề môi trường trong chế biến; giải pháp này còn có thể tổ chức nhiều đơn vị cùng làm và thương mại hóa sản phẩm.

Kỹ sư Yên dẫn chứng, từ năm 2010 đến nay, Công ty TNHH sản xuất phân bón hóa sinh đã triển khai mô hình mẫu trong việc chế biến nước trái cây ở nông hộ với thiết bị máy móc đơn giản, kỹ thuật chuyển giao dễ làm. Kết quả, hàng chục ngàn sản phẩm đã tới tay người tiêu dùng và được chấp nhận với độ an toàn thực phẩm được bảo đảm.

Theo các tài liệu nghiên cứu, trái thanh long có thành phần dinh dưỡng rất cao, rất cần thiết cho sự bồi dưỡng cơ thể con người; giúp phòng trừ các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, giảm lượng cholesterol… “Với các thành phần dinh dưỡng trong trái thanh long, chúng ta có thể chế biến nhiều sản phẩm từ trái cây này như: nước quả, mứt, rượu vang, rượu mạnh, giấm trái cây. Hiện nay, trái thanh long ở Malaysia đã được làm rượu và thương mại hóa”- Kỹ sư Yên nói.

Xu thế và nỗ lực

TS. Lương Ngọc Trung Lập, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, những năm gần đây, thanh long có tốc độ phát triển thuộc hàng nhanh nhất so với các loại cây ăn trái khác. Năm 2000 diện tích thanh long chỉ có 560 ha, đến năm 2012 cả nước đã có 25.900 ha và đang có xu hướng tiếp tục mở rộng diện tích. Trước đây, thanh long chủ yếu trồng ở 3 tỉnh: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang thì nay đã có 30 tỉnh, thành trong cả nước trồng cây ăn trái này.

Sản lượng thanh long năm 2000 đạt 45,2 ngàn tấn thì đến năm 2013 đã tăng lên 580 ngàn tấn. Xuất khẩu thanh long đã đạt được những kết quả vượt bậc với thị trường không ngừng được mở rộng lên đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường “khó tính” như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản; kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng từ 5,8 triệu USD vào năm 2003, đến năm 2012 là 181 triệu USD.

Cùng với vị thế của trái thanh long trên thị trường trong và ngoài nước ngày càng nâng lên, diện tích tăng nhanh, mức độ thâm canh trên cây trồng này cũng ngày càng cao. Từ đó, trên thanh long đã xuất hiện nhiều đối tượng gây hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái, gây trở ngại trong sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng như xuất khẩu.

Theo Ths. Nguyễn Thành Hiếu (Viện Cây ăn quả miền Nam), hiện nay có 10 loại sâu bệnh gây hại trên thanh long. Trong đó, bệnh đốm trắng xuất hiện rất phổ biến và chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn triệt để mà chủ yếu là phòng ngừa, quản lý tạm thời.

Tiền Giang là một trong 3 vùng trồng thanh long tập trung lớn nhất của cả nước (chủ yếu ở huyện Chợ Gạo). Thanh long được xác định là cây ăn trái có tiềm năng phát triển rất lớn của tỉnh. Cùng với đó, việc phát triển cây ăn trái đặc sản này của tỉnh cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong sản xuất trái đạt chất lượng cao, đáp ứng xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”, bên cạnh vấn đề tìm cách phòng, trị sâu bệnh gây hại.

Theo ông Nguyễn Văn Re, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đó là những vấn đề như lạm dụng, sử dụng phân, thuốc không đúng cách; thu hoạch sớm khi trái chưa chín; khi cần sản lượng lớn với trái chất lượng thì không đủ; thị trường không ổn định; quan hệ “4 nhà” trong chuỗi giá trị từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ còn nhiều chỗ gây bất lợi đối với nông dân.

Để góp phần giải quyết những hạn chế trên, trong quý II-2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sản xuất 100 ha thanh long vùng Chợ Gạo. Đây là chương trình nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, chương trình sẽ xúc tiến nghiên cứu, nhân rộng việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cao trong trồng và chăm sóc làm tăng phẩm chất thanh long, đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động vừa an toàn cho người và bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn Led để kích thích thanh long ra hoa trái vụ; xử lý các cành thanh long bị thải bỏ bằng các chủng vi sinh vật có ích, kết hợp phân chuồng để sản xuất phân hữu cơ sinh học; nghiên cứu chế tạo một số công cụ để ứng dụng vào canh tác, giảm chi phí và công lao động như công cụ tỉa, cắt và giâm cành, hệ thống phun tưới tự động điều khiển từ xa.

Chương trình cũng tiến hành xây dựng tổ hợp tác, hướng dẫn nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 100 ha, có thị trường tiêu thụ ổn định với giá cao hơn thị trường 10% cùng thời điểm; hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế đóng gói theo tiêu chuẩn trên và đạt yêu cầu xuất khẩu sang Mỹ; xây dựng vườn thanh long kiểu mẫu 2 ha ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thanh long Chợ Gạo, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại.

Cũng theo ông Re, trước đó, tỉnh đã có đề án đầu tư phát triển thanh long ở  huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây (do kinh phí cao nên việc triển khai và thực hiện đề án có phần chậm); xúc tiến xây dựng nhãn hiệu tâp thể và được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận.

Hiện tỉnh đang có chương trình chế biến sản phẩm nông nghiệp, trong đó có thanh long; xúc tiến triển khai 100 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; xúc tiến việc đăng ký một số thương hiệu nông sản ở nước ngoài, trong đó có thanh long.

Ngoài ra, trước tình hình bệnh đốm trắng đang bùng phát nhiều nơi và gây thiệt hại không nhỏ đối với nhà vườn, ông Re đề nghị Viện Cây ăn quả miền Nam cần có đề tài nghiên cứu các biện pháp phòng trị và nhân rộng cho nhà vườn áp dụng để ngăn chặn bệnh bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu thanh long.

N. Văn
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 220
  • Khách viếng thăm: 216
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 15372
  • Tháng hiện tại: 2514758
  • Tổng lượt truy cập: 48888885