Nhiều câu hỏi đặt ra trước Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL

Đăng lúc: Thứ tư - 23/10/2013 10:06
Những vấn đề nào cần đặt ra cho Diễn đàn doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại MDEC - Vĩnh Long 2013? Đó là câu hỏi không dễ trả lời trong giai đoạn nền kinh tế còn quá nhiều ngổn ngang, không ít doanh nghiệp ở ĐBSCL “rơi rụng” vì không thể cầm cự sản xuất – kinh doanh.

Đánh giá đúng bản chất

Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL, là kênh đối thoại có tổ chức, mang tính xây dựng giữa UBND các tỉnh, thành Tây Nam bộ với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL.

Thông qua diễn đàn để đưa ra những kiến nghị, đề xuất thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong xu thế khó khăn chung của DN cả nước. Do vậy, việc đánh giá đúng thực chất nội tại DN của ĐBSCL là một trong những nội dung rất cần thiết để đưa ra bàn thảo tại diễn đàn lần này.

Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra là diễn đàn lần này tập trung giải quyết những vấn đề chính yếu nào? Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị chủ trì Diễn đàn DN ĐBSCL nói rằng, hội nghị lần này nên tập trung vào vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, DN hoặc DN phát triển bền vững xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng nên chú trọng mời các DN Nhật Bản tham gia vì năm nay kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Có lẽ đó là điều hợp lý vì tái cấu trúc DN nói chung và DN khu vực ĐBSCL đang được đặt ra một cách cấp thiết hơn.

Sở dĩ nó cấp thiết vì sau những biến động của thị trường thế giới và trong nước, DN ở ĐBSCL đã bộc lộ rất nhiều yếu điểm nếu không thực hiện ngay những điều chỉnh, thay đổi, chắc chắn rằng DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Không ít DN ở ĐBSCL  phải rời “cuộc chơi” đã phần nào minh chứng cho thực tế hiện nay.

Công nhân Công ty CP May Tiền Tiến trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty CP May Tiền Tiến trong giờ làm việc.

Bởi theo kết quả khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, toàn khu vực ĐBSCL có 42.000 DN. Tuy nhiên, có thực trạng chung là hầu hết DN trong vùng là DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%. Một khảo sát khác về thực trạng DN ở ĐBSCL cũng cho thấy, quy mô DN ở ĐBSCL nhỏ hơn rất nhiều so với cả nước. Bình quân số lao động/mỗi DN chỉ bằng 2/3, còn số vốn chỉ bằng 1/3 so với mức chung của cả nước.

Bức tranh về DN  như thế có thể nói là không tốt cho năng lực dài hạn của ĐBSCL, rất khó bứt phá vươn lên trong 5 hay 10 năm tới. Một điểm cần phải lưu ý nữa là số DN phá sản, giải thể của ĐBSCL chiếm tỷ lệ tương đối cao so với các vùng miền trong cả nước trong thời gian gần đây.

Theo số liệu thống kê mới đây, tỷ lệ DN phá sản ở ĐBSCL chiếm 13,6% trên tổng DN điều tra; trong khi khu vực Tây Nguyên là 9,9%; Đông Nam bộ là 8,6%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 8,2%... Điều này cho thấy, thực tế DN hoạt động trong vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn.

Tìm hướng đi đúng

Thực tế đang chỉ ra là, tình hình khó khăn của các DN ở ĐBSCL lại xuất hiện trên nhiều lĩnh vực. Ngành Thủy sản từ lâu được đánh giá là có nhiều đóng góp, nay đã đến lúc suy yếu. Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ trong năm 2012 có 20% DN thủy sản phá sản và thực trạng này đang có xu hướng tăng trong năm 2013.

Đối với DN ngành Xây dựng và bất động sản, tình hình càng khó khăn hơn. Nhiều công trình xây dựng bị đình đốn, xây dựng cầm chừng, DN vẫn phải gồng gánh để trả lương cho công nhân và kỳ vọng vào triển vọng của thị trường trong thời gian tới. Các ngành nghề khác cũng không tránh khỏi khó khăn do tác động lan truyền.

Nếu DN đủ bản lĩnh vượt qua thì cũng ở trạng thái “co cụm”, “phòng thủ”, điều này sẽ tác động làm cho nền kinh tế trì trệ, đặc biệt là ĐBSCL, với cơ cấu kinh tế nặng về nông nghiệp và ít có điều kiện phát triển.

Câu hỏi không ít người đặt ra là vì sao ĐBSCL chưa có nhiều DN tầm cỡ và đâu là điểm nghẽn để mở rộng, phát triển DN? Tại một diễn đàn DN gần đây, ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang đưa ra thực tế được nhiều người đồng thuận về thực trạng DN ở ĐBSCL.

Đó là xuất phát điểm kinh tế của ĐBSCL là từ nông nghiệp lúa nước đi lên, mặt bằng dân trí thấp, quá trình hình thành DN có một phần không nhỏ là do cơ hội và sự mạo hiểm tạo nên. Các ông, bà chủ DN xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau như thầy giáo, cán bộ nhà nước và phần lớn là từ nông dân, người buôn bán nhỏ, một số người khác từ các gia đình làm nghề thủ công truyền thống…

“Họ thành lập DN tư nhân rồi phát triển dần lên, tuyển nhân viên từ con cháu, thợ làm việc từ nông thôn, xóm lao động. Với đội ngũ cán bộ nhân viên như vậy, DN chỉ có thể kinh doanh ở mức độ nhỏ hoặc vừa, còn muốn mở rộng sản xuất - kinh doanh thành công ty bậc trung hoặc lớn để tiến xa, đội ngũ nhân viên như vậy rõ ràng sẽ bất cập”-ông Trần Đỗ Liêm phân tích.

Trong bộn bề những khó khăn như vậy, bản thân DN khu vực ĐBSCL cần làm gì? Câu hỏi này không dễ trả lời vì những khó khăn hiện tại đã và đang dồn DN vào tâm thế cực kỳ khó khăn. Là người nhiều năm nghiên cứu kinh tế ĐBSCL, nhất là hoạt động của các DN, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đã khuyến nghị rằng, có các loại DN cần phải xử lý, đó là:

Nhóm DN cần xác định là tồn tại hay không tồn tại, nên dừng lại, giải thể, phá sản nếu không làm mới được những gì mình đang có; nhóm DN còn có khả năng duy trì, nhưng chỉ “ăn” vào tích lũy của quá khứ thì nên dừng lại, không nên mở rộng tiếp và chờ “trời yên biển lặng” và nhóm DN đã tái cấu trúc hoặc không ảnh hưởng bởi “bão tố”, có cơ hội phát triển, thậm chí tìm kiếm cơ hội trong khó khăn.

“Tóm lại, cắt lỗ, chấp nhận hy sinh, mất mát, loại bỏ lãng phí; sáng tạo, không ỷ lại, chờ đợi cứu trợ; phát huy hết nội lực để hy sinh, mất mát ít hơn và để phát triển trong tương lai. Đó thực sự là tái cấu trúc”- ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Đó có lẽ là tất cả những gì mà Diễn đàn DN ĐBSCL diễn ra tại MDEC - Vĩnh Long 2013 cần phải hướng đến và tìm hướng xử lý. Còn theo Ban tổ chức, trước khi Diễn đàn DN ĐBSCL diễn ra, VCCI cũng sẽ họp Hiệp hội DN  ĐBSCL để tổng hợp các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của DN.

Ngoài ra, theo dự kiến, qua Diễn đàn DN ĐBSCL lần này, Ban tổ chức sẽ kêu gọi, vận động đầu tư từ 100 - 120 dự án, công trình trọng điểm vào vùng “trũng” của 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư khoảng 255.000 tỷ đồng…

Thế Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 457
  • Khách viếng thăm: 453
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 95993
  • Tháng hiện tại: 1961772
  • Tổng lượt truy cập: 48335899