Tiền Giang hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch

Đăng lúc: Thứ năm - 10/10/2013 08:28
Nền nông nghiệp xanh, sạch là nền nông nghiệp sản xuất theo hướng bền vững, theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để đảm bảo an toàn cho người sản xuất và  người tiêu dùng, ít tác động đến môi trường, góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Đây cũng là mục tiêu mà con người đang hướng đến.
Thương lái lựa khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Tân Phước.

Thương lái lựa khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Tân Phước.

Những năm qua, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương nói nhiều đến nền nông nghiệp xanh, sạch và ra sức kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nông dân tham gia sản xuất theo hướng bền vững, ít gây ô nhiễm môi trường, sản xuất an toàn cho người sản xuất đến người tiêu dùng. Hướng đi này được các nhà khoa học khẳng định là con đường tất yếu phải làm. Từ đó, hàng loạt mô hình, chương trình, dự án đã được xây dựng, triển khai trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Trong trồng trọt, tiến hành theo các các quy trình canh tác GAP (thực hành nông nghiệp tốt), thân thiện với môi trường, tăng cường bón phân hữu cơ, giảm lượng bón phân hóa học; áp dụng các quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, giảm sâu bệnh; giảm sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. Trong chăn nuôi, trong đó có nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, SQF, giảm ô nhiễm môi trường…

Tiền Giang là một trong những tỉnh đã đi đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai theo hướng này. Mười năm qua, Tiền Giang đã triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn ở huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho với quy mô vài ha. Từ những mô hình ban đầu, tỉnh xúc tiến xây dựng và triển  khai đề án 500 ha rau an toàn cho các huyện, thành, thị trong tỉnh có lợi thế phát triển rau màu. Theo đó, các ngành chức năng xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn cho người dân kỹ thuật, quy trình sản xuất rau an toàn.

Tiến thêm một bước, ngành Nông nghiệp, Khoa học và công nghệ (KHCN) xúc tiến triển khai đề tài, mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn GAP ở một số nơi trong tỉnh. Một trong những mô hình thành công trên cây rau màu phải kể đến Tổ hợp tác sản xuất rau Thuận Hòa. Từ đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP” do Sở NN&PTNT cùng Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp thực hiện, kết quả mô hình đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 5-2012.

Ngoài ra, còn nhiều mô hình sản xuất rau theo các tiêu chuẩn GAP, rau an toàn đã và đang tiếp tục được triển khai. Chỉ tính riêng “vương quốc rau” Châu Thành, đã đặt mục tiêu phấn đấu có 1.000 ha sản xuất rau an toàn vào  năm 2015.

Trên cây ăn trái, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL có mô hình đạt tiêu chuẩn Global GAP. Năm 2007, Sở KHCN đã xây dựng mô hình sản xuất vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Một năm sau đó, mô hình 7 ha vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đã đạt tiêu chuẩn này. Không dừng lại ở đó, ngành tiếp tục mở rộng diện tích lên 50 ha.

Tiếp theo đó, Sở KHCN tiếp tục triển khai xây dựng mô hình sản xuất lúa ở Hợp tác xã Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mô hình này cũng đã đạt chứng nhận không lâu sau đó và mở rộng sang các vùng xung quanh.  Từ kết quả ban đầu, các ngành, các cấp, các tổ chức, đơn vị ở Tiền Giang tiến hành triển khai sản xuất trên các loại cây ăn trái còn lại theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc, thanh long, khóm, sơ ri, cam sành, chôm chôm, nhãn…

Hiện tại, ngành Nông nghiệp, KHCN tiếp tục xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, GAP, sản xuất theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ít sử dụng phân, thuốc hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ.

Là một trong những đơn vị chủ lực thực hiện các chương trình, mô hình sản xuất an toàn, GAP trong lĩnh vực trồng trọt, Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cho biết, hiện nay, chi cục đang triển khai mô hình “Sản xuất ớt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” (thuộc Chương trình vốn mục tiêu quốc gia) tại xã Bình Ninh (Chợ Gạo), có quy mô 10 ha với 30 hộ nông dân tham gia; 1 mô hình “Sản xuất rau các loại (cải tàu sậy, dưa leo, cần tàu…) an toàn theo hướng GAP tại xã Tân Đông (Gò Công Đông), quy mô 5 ha với 30 hộ nông dân tham gia (hiện đang tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho nông hộ, kiểm tra ghi chép nhật ký đồng ruộng).

Từ kinh phí của tỉnh, hàng năm ngành BVTV đều triển khai các mô hình “3 giảm 3 tăng”, mô hình “1 phải 5 giảm”. Trong vụ thu đông 2013, chi cục đã triển khai 6 mô hình trên với quy mô mỗi mô hình 10 ha tại các huyện: Tân Phước, Gò Công Đông, TX. Gò Công và Tân Phú Đông. Ngoài ra, những năm qua, chi cục còn triển khai nhân ong ký sinh trên bọ cánh cứng hại dừa ở các huyện: Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông.

Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, tỉnh và các địa phương liên tục triển khai nhân rộng các mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái” để quản lý rầy nâu, bệnh do virus trên lúa. Những năm qua, trung bình mỗi năm các cơ quan chức năng từ tỉnh, huyện tổ chức khoảng 600 ha áp dụng mô hình này. Kết quả, mô hình đã giúp cân bằng sinh thái cho đồng ruộng, giảm chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh.

Đặc biệt, có vụ nông dân gần như không phun một lần thuốc trừ sâu. Đơn cử, trong vụ thu đông này, cơ quan BVTV đã triển khai 10 mô hình áp dụng công nghệ sinh thái trên lúa, với quy mô mỗi mô hình 20 ha ở  các huyện: Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công.  

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh có dự án khí sinh học trong chăn nuôi heo. Hàng ngàn hầm khí sinh học được xây dựng phục vụ cho việc xử lý chất thải từ chăn nuôi, nhất là trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tận dụng phế phẩm để chạy máy phát điện, đun nấu trong gia đình, giảm chi phí sinh hoạt của hộ dân.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Tiền Giang cũng là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu trong việc khuyến khích phát triển các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. 

Ngoài ra, trong lĩnh vực thủy sản, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng có mô hình nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn SQF 1000CM ở huyện Cái Bè.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch đã và đang được triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nên nhận thức của người dân đã được nâng lên đáng kể.

Song, việc triển khai, nhân rộng các mô hình này còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là các mô hình triển khai có quy mô nhỏ, chưa nhân rộng được, đầu ra sản phẩm đạt các tiêu chuẩn này chưa ổn định dẫn đến nông dân có tâm lý bất an, không mặn mà, chưa hưởng ứng mô hình (khi hết kinh phí hỗ trợ mô hình không được duy trì). Đặc biệt, trên lúa, cây ăn trái, thời gian qua, một số mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP nhưng không có đầu ra ổn định nên nông dân đã quay lại cách sản xuất theo kiểu truyền thống…

Để cho nền nông nghiệp sản xuất xanh, sạch được nhân rộng và phát triển thì các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền; Nhà nước cần xây dựng các mô hình mẫu theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

Mặt khác, những nông dân được chọn tham gia mô hình phải là những người nhiệt tình, có kiến thức, cầu tiến. Có như thế, các mô hình sản xuất trên mới thực sự thuyết phục người dân, từ đó người dân hưởng ứng, áp dụng, nhân rộng, ngày càng giữ vai trò quan trọng, dần trở thành hướng phát triển chủ đạo, hướng đến nền sản xuất bền vững.

Ngô Văn - Sĩ Nguyên
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 409
  • Khách viếng thăm: 407
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 86734
  • Tháng hiện tại: 1835634
  • Tổng lượt truy cập: 48209761