ĐVTN huyện Gò Công Đông: Thi đua học tập và làm theo Bác

Đăng lúc: Thứ ba - 30/12/2014 08:18
Thấm nhuần lời dạy của Bác, với tinh thần “Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau”, đoàn viên - thanh niên (ĐVTN) huyện Gò Công Đông đã xung kích đi đầu trong các phong trào thi đua. Đặc biệt là phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế” ngày càng được triển khai sâu rộng, giúp hàng trăm thanh niên thoát nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu bằng sức trẻ.
Xuân Thành chăm sóc đàn bò gần 20 con.
Xuân Thành chăm sóc đàn bò gần 20 con.

HỌC BÁC ĐỨC TÍNH CHĂM CHỈ LAO ĐỘNG

Năm 2011, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Lê Xuân Thành, ấp Xóm Gò, xã Tăng Hòa, đã không chọn con đường thi vào đại học như bao bạn cùng lớp mà quyết định khoác ba lô lên đường làm nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 514. Sau đó, Thành xuất ngũ, trở về quê bắt tay vào việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Những tháng năm được trui rèn trong môi trường quân đội đã tập cho Thành tính siêng năng, cần cù, chịu khó. Chỉ mới 21 tuổi nhưng Thành đã bộc lộ ý chí, quyết tâm trong việc phát triển kinh tế. Tận dụng nguyên liệu sản xuất sẵn có, Thành mạnh dạn phát triển thêm số lượng đàn bò của gia đình. Theo Thành thì nghề nuôi bò không khó và lợi nhuận cũng tương đối khá.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thì cần chăm sóc bò thật tốt, cho chúng ăn đầy đủ, phòng ngừa tốt các loại bệnh, đặc biệt là bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Qua gần 3 năm nuôi, từ một vài con ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình lên gần 20 con.

Thành chia sẻ: “Gia đình em vừa bán cặp bò thịt trên 60 triệu đồng. Em dự định sẽ gầy lại đàn heo và mua thêm vài con bò thịt để nuôi. Em nghĩ là thanh niên, có sức khỏe, học Bác chịu khó lao động thì nhất định bản thân và gia đình sẽ có cuộc sống sung túc”.

Ở ấp Gò Me, xã Bình Ân, nhiều người hết lời khen ngợi chàng trai Trần Văn Thủy, 1 thanh niên tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Từng làm thuê tại tỉnh Tây Ninh, nhưng với ý chí và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2008 Thủy trở về quê và quyết định chọn nuôi rắn ráo trâu để khởi đầu cơ nghiệp.

Anh Thủy cho biết, thời gian đầu gia đình chỉ nuôi thử nghiệm 300 con để biết hiệu quả kinh tế như thế nào. Tuy nhiên, ngay sau vụ nuôi kết thúc, nhận thấy giá trị kinh tế của loài rắn này rất cao và thị trường đầu ra cũng ổn định, do đó gia đình mở rộng thêm diện tích nuôi cũng như gia tăng về số lượng. Hiện tại, anh đang nuôi 600 con rắn ráo trâu.

Anh Thủy cho biết: “Do đặc tính không kén chọn nguồn thức ăn nên rắn ráo trâu rất dễ nuôi. Chỉ từ 7 - 8 tháng nuôi, được cho ăn đầy đủ, chăm sóc tốt, rắn có thể đạt trọng lượng từ 700 - 900 gram, có thể bán được, nhưng để dễ bán và có giá cao người nuôi nên để rắn đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên”.

HỌC BÁC ĐỨC TÍNH ĐOÀN KẾT, GIÚP ĐỠ LẪN NHAU

Học Bác, phong trào thanh niên đoàn kết, giúp nhau của Huyện đoàn Gò Công Đông lan rộng đến từng ĐVTN. Không chỉ chú trọng lo phát triển kinh tế gia đình, thanh niên nông thôn luôn chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cây, con giống. Điển hình như anh Trần Văn Thủy đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn ráo trâu và hỗ trợ con giống cho nhiều ĐVTN trong ấp, xã.

Anh Nguyễn Minh Đức, Phó Bí thư Xã đoàn Tăng Hòa cho biết: “Không chỉ hăng say lao động, với vai trò là Bí thư Chi đoàn ấp Xóm Gò, Lê Xuân Thành còn rất nhiệt tình giúp đỡ thanh niên trong ấp. Thành đã lồng ghép các buổi sinh hoạt chi đoàn hàng tháng để chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò, dê cho thanh niên. Từ đó, nhiều thanh niên ấp Xóm Gò tự phát triển mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả”.

Từ “Học tập và làm theo Bác”, Huyện đoàn Gò Công Đông còn phát huy tinh thần nội lực, đoàn kết, tương thân tương ái theo lời Bác dạy. Kết quả đã giúp nhau hàng ngàn ngày công lao động, hàng ngàn con giống cho 576 lượt thanh niên, trị giá 1 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình xây dựng Quỹ Hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, đã vận động giúp cho 24 thanh niên phát triển kinh tế trên 120 triệu đồng. Phối hợp các ngành liên quan, tổ chức cho 1.228 thanh niên tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…

Huyện đoàn còn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên, học sinh; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 8 tỷ đồng cho thanh niên vay phát triển kinh tế.

Toàn huyện hiện có 28 tổ tiết kiệm vốn vay do Đoàn - Hội quản lý; 5 năm qua đã vận động xây dựng 18 nhà tình bạn, thu được 1.800 đơn vị máu của thanh niên tự nguyện hiến máu; vận động hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo….

Anh Từ Quốc Thái, Phó Bí thư Huyện đoàn Gò Công Đông cho biết: Từ khi phát động việc học tập và làm theo lời Bác, ý thức, trách nhiệm của ĐVTN trong huyện ngày càng nâng cao. Phong trào phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thật sự là một trong những điểm nổi bật của tuổi trẻ Gò Công Đông. Với sự nhạy bén, ham học hỏi và cần cù, nhiều thanh niên đã thành công trong lao động sản xuất, không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần thay đổi diện mạo của quê hương”.

P. Mai
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 217
  • Khách viếng thăm: 211
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 28822
  • Tháng hiện tại: 2528208
  • Tổng lượt truy cập: 48902335