Vẻ ngoài trào lộng ẩn giấu những lớp mổ xẻ đớn đau

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/11/2012 10:00
Đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng, một bộ phim truyền hình dài 30 tập (dự định lên sóng vào tháng 10.2013) lấy cảm hứng từ các tác phẩm nổi tiếng của “ông vua phóng sự đất Bắc” như: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Ánh sáng kinh thành… được hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam cùng trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) bắt tay thực hiện. Trong dự án đặc biệt này, cặp đôi vợ chồng đạo diễn Thanh Vân – Nhuệ Giang sẽ cùng “tung hứng”. Riêng Thanh Vân đảm nhận hai vai trò: giám đốc điều hành sản xuất và đồng đạo diễn. Anh đã dành cho phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị một cuộc trao đổi ngắn.
Vợ chồng đạo diễn Thanh Vân – Nhuệ Giang.
Hiếm khi thấy Thanh Vân – Nhuệ Giang đồng hành trong một tác phẩm. Chắc hẳn, ngoài ý nghĩa công việc, đây là dự án phim tâm đắc của cả hai người?

Mỗi bộ phim, dù đến tay mình vì lý do gì thì cũng phải có cảm hứng mới làm tốt được. Riêng dự án này, từ khâu đề xuất đến khâu sản xuất mất hơn một năm, khá dài so với nhiều phim khác. Như thế cũng đủ nói lên sức hấp dẫn và ý nghĩa của phim đối với êkíp thực hiện. Tuy chúng tôi là đồng đạo diễn nhưng thực ra Nhuệ Giang đóng vai chính, còn tôi vai phụ.

Nhìn lại các tác phẩm của Thanh Vân – Nhuệ Giang, anh nghĩ sao khi có ai đó nhận xét: tính chất hoạt kê và cái giọng trào phúng của Vũ Trọng Phụng chưa chắc đã thuộc sở trường của anh, chị?

Ai đó có nói thế cũng đúng! Bởi thường thì người ta ưa mặc định cho các đạo diễn sở trường này, sở đoản kia. Thực ra, mỗi cá nhân chúng tôi đều có nguồn năng lượng dự trữ ngoài những cái người ta quen thấy. Thế nên có thuộc sở trường hay không không quan trọng lắm đâu.

Người ta nói, chỉ cần một tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng lên phim hay lên sân khấu thôi đã đủ khó cho đạo diễn. Với việc gộp rất nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng vào trong một bộ phim, phải chăng êkíp thực hiện đang nuôi một tham vọng lớn và mạo hiểm?

Chúng tôi gộp nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thành một bộ phim nhưng trong đấy Số đỏ vẫn là trung tâm, và vẫn có một nhân vật chính tương tự như Xuân tóc đỏ. Mục đích là truyền tải đến khán giả cái nhìn toàn cảnh của Vũ Trọng Phụng về hiện thực xã hội thời kỳ đó, chứ không chỉ một góc nhìn nhỏ của ông. Tức là, không gian, mạch chuyện và nhân vật sẽ được mở rộng hơn, đồng thời, bao hàm nhiều lớp ý nghĩa hơn so với chỉ một Xuân tóc đỏ, hay một Số đỏ.

Chủ động bước vào “thế khó”, anh và Nhuệ Giang cũng chủ động dự tính những so sánh về mới – cũ, nguyên tác – phóng tác, chắc chắn sẽ bùng nổ chứ?

Đương nhiên rồi, bởi đây là tác phẩm lớn của một nhà văn lớn. Chúng tôi đã tự mặc định rằng, phim thể nào cũng bị so sánh với tác phẩm văn học. Thực ra, trong lịch sử phim ảnh, rất hiếm thấy một bộ phim dựa trên nguyên tác văn học mà lại thành công hơn nguyên tác văn học, hoặc đạt đến mức độ tôn vinh nguyên tác văn học. Vậy nên, tôi hiểu, hành trình này không dễ dàng. Bộ phim mới đi được 1/3 chặng đường và không dễ nói trước điều gì.

Diễn viên Việt Bắc, vai Xuân tóc đỏ.
Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mang đậm chất “tiểu thuyết hoạt kê”. Nhưng để đưa được cái giọng trào lộng đó lên phim mà không bị cường điệu hoặc kịch hoá là cả một vấn đề. Bài toán này có làm khó anh không?

Đưa tác phẩm Vũ Trọng Phụng lên phim, khó nhất chính là ở chỗ này! Làm sao để tạo nên một vẻ ngoài trào lộng, ẩn giấu những lớp mổ xẻ đau đớn, tôi nhức đầu nhiều chứ!
 
Khi làm phim về một thời xa vắng, để tái tạo không khí hương xưa, các đạo diễn thường băn khoăn về chuyện giữ tiết tấu nhanh hay chậm. Với phim này, theo anh, thế nào sẽ là một tiết tấu hợp lý?

Xét một cách thấu đáo thì tiết tấu của một bộ phim bao gồm cả tiết tấu bên trong và tiết tấu bên ngoài. Không hẳn cứ hành động thật nhanh, dựng thật nhanh là có tiết tấu tốt. Đó chỉ là tiết tấu bên ngoài thôi. Với tôi, phim này cũng như những phim trước, một tiết tấu hợp lý là thuận theo cảm xúc của khán giả. Có những diễn biến, người ta muốn xem cả một phút, và có những chi tiết người ta muốn chuyển cảnh ngay trong vòng một giây.
 
Có một nhà văn nổi tiếng đã nhấn mạnh: Xuân tóc đỏ là “Bức chân dung độc nhất vô nhị trong văn học hiện thực Việt Nam”, chính nhân vật này đã “đưa Số đỏ lên hàng một trong những tác phẩm có thể làm vinh dự văn học của mọi thời đại”. Chắc hẳn, để có một Xuân tóc đỏ như ý cho phim, không dễ?

Chọn diễn viên đóng vai Xuân tóc đỏ thực sự là lựa chọn khó khăn nhất trong suốt quá trình casting (thử vai). Đây là một nhân vật điển hình, vừa rất cụ thể bằng xương bằng thịt, vừa có độ biến ảo về hình ảnh. Và theo tôi, trong số những nhân vật từ tác phẩm văn học Việt Nam bước lên phim ảnh, đó có lẽ là nhân vật khó lột tả nhất, và là một thách thức với người chọn diễn viên. Đến nay, đã có một vài Xuân tóc đỏ được khắc hoạ theo hình dung và trực cảm riêng của từng đạo diễn. Trên truyền hình, vào thập niên 90 thế kỷ trước cũng đã có một Xuân tóc đỏ – Quốc Trọng khá thành công. Xuân tóc đỏ của chúng tôi được casting sớm nhất, nhưng khép lại sau cùng với Việt Bắc. Chắc chắn nhiều người sẽ ngạc nhiên: Việt Bắc là ai? Sơ qua mấy dòng thì Việt Bắc tốt nghiệp đại học Sân khấu – điện ảnh Hà Nội, về công tác ở một đơn vị nghệ thuật phía Bắc, đã tham gia một số phim truyền hình, nhưng chưa được khán giả quen mặt, biết tên. Như vậy có khi lại càng tốt. Vì những yếu tố ấy không cần thiết khi lựa chọn diễn viên cho vai diễn này!
Hương Lan
(Theo Sài Gòn tiếp thị)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 374
  • Khách viếng thăm: 365
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 41739
  • Tháng hiện tại: 2323396
  • Tổng lượt truy cập: 48697523