Năm 1988, nhờ anh Lưu Quang Diệp cho địa chỉ họa sĩ Hoàng Tuyển ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi loanh quanh cuối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh gần cả buổi sáng mà tìm không ra. Người thợ sửa xe đạp lề đường mách, tôi biết ông cụ này, bây giờ đã chuyển về ở trong Thanh Đa rồi, anh cứ đến số đó… hẻm đó… hỏi thăm ông họa sĩ già, người ta
sẽ chỉ.
Tôi đạp xe tới hẻm số 10, lại hỏi thăm những người sửa xe đạp, cứ từng quãng ngắn lại hỏi thăm, lại chỉ dẫn, rồi tôi cũng tìm tới nơi, trong hẻm nhánh, một căn nhà nhỏ, có khoảng sân trồng nhiều cây và hàng hiên rợp mát…
Một ông cụ người dong dỏng, hơi ốm (gầy), tuổi đã cao, đôi mắt già nheo nheo, hàng lông mày bạc trắng giao nhau chăm chú nhìn tôi. Khi nghe tôi giới thiệu là người ở Gò Công đến tìm họa sĩ Hoàng Tuyển, ông à một tiếng như ngạc nhiên lại cũng như vui mừng, những nếp nhăn trên trán như dãn ra thanh thản, ánh vui trong khóe mắt, thoáng nét cười trên khuôn mặt già nua…
Ông mời tôi ngồi uống nước bên khóm bạch trà ngoài hiên mát, trò chuyện…
Thưa bác Hai, cháu làm công việc sưu tầm lịch sử Đảng bộ Gò Công. Cháu lên thành phố tìm gặp các bác, các chú cán bộ Gò Công xưa để thăm hỏi và sưu tầm tư liệu.
Ông lại à lần nữa, tiếng à nhẹ nhàng như thấu hiểu, chia sẻ công việc của tôi. Ông hỏi thăm, biết tôi là thầy giáo, ông gọi tôi lúc thì “đồng chí”, lúc thì “thầy giáo, nhà giáo” hoặc sau này thân tình thì gọi tên chứ không gọi theo tuổi tác là “cháu”.
Tôi thưa, các bác cao tuổi ở Gò Công vẫn nhắc tới họa sĩ Hoàng Tuyển, nhắn tôi, nếu gặp, cho chuyển lời thăm hỏi.
Ông cười vui, xúc động. Đồng chí ạ, tôi rất cảm động khi đồng chí tìm tới tôi thăm hỏi. Việc tôi làm đã lâu lắm rồi, những người thời đó thì biết chứ tôi không hề kể với ai. Ngay cả khi tập kết ra ngoài Bắc, anh Bảo Định Giang kể chuyện với các nhà văn nhà báo, rồi họ đề nghị tôi kể thêm nhưng tôi nghĩ kể như vậy là đủ rồi, tôi không nói gì thêm nữa, cho tới bây giờ. Khi biết đồng chí là cán bộ sưu tầm lịch sử Đảng bộ Gò Công tới thăm, tôi ngạc nhiên và cảm động lắm. Đồng chí cho tôi gửi lời thăm hỏi sức khỏe tới các đồng chí ở Gò Công.
…Tiễn tôi ra về, họa sĩ Hoàng Tuyển nhắc tôi, có dịp lên thành phố thì ghé chơi, trò chuyện. Dắt xe đi một quãng, tôi quay lại vẫn thấy họa sĩ đứng nhìn theo lưu luyến.
Có dịp lên thành phố, tôi đều ghé thăm ông. Mỗi lần ông về quê, được tin nhắn, tôi lại đến thăm ông ở ấp Ông Cai, xã Tân Trung, cách thị xã Gò Công 6-7 km. Được trò chuyện với ông, tôi biết thêm về thời cuộc những năm 1940, về tình đồng nghiệp của những nghệ sĩ, về tình đồng đội của những người cao tuổi trong kháng chiến… giúp tôi rất nhiều kiến thức trong công tác.
Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một số bài báo viết về những bức họa lãnh tụ bằng máu của các họa sĩ Hoàng Tuyển, Diệp Minh Châu và Lê Duy Ứng. Có những bài báo còn viết về con người, sự nghiệp của các họa sĩ. Tác giả gửi báo biếu ông. Bạn cũ, đồng nghiệp cũng gửi báo đến ông. Ông dành tặng lại tôi một bộ, “nhà giáo đọc cho vui và giữ làm tư liệu”.
Tôi hỏi, bác Hai không kể, sao nhiều người biết mà viết trên báo. Ông cho biết, bạn cũ, đồng đội năm xưa kể. Có ông còn đưa nhà báo tới tận nơi để biết người. Tôi xác nhận lời bạn kể nhưng yêu cầu nhà báo không chụp hình. Vậy mà cũng không tránh được, vẫn lộ. Mỗi lần tôi dắt xe đạp ra sửa hoặc bơm, vá…những ông sửa xe quen lại hỏi thăm và nhất định không lấy tiền công, nhiều khi làm mình
khó xử.
Tôi hỏi thêm, bác Hai không kể là vì khiêm tốn hay còn vì lý do nào khác? Người họa sĩ không nói về tác phẩm của mình, lỡ người khác sẽ nói sai thì sao?
Ông quay lại nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt nheo nheo, hàng lông mày bạc trắng giao nhau, mấy nếp nhăn trên vầng trán như xếp lại gần nhau hơn, nghĩ ngợi. Rồi những nếp nhăn cũng dãn ra, hàng lông mày về lại vị trí cũ, ánh mắt nhìn tôi như dịu lại, thanh thản. Ông nói với tôi nhẹ nhàng nhưng trang trọng: “Chúng ta gặp nhau, biết nhau cũng lâu. Tôi hiểu công việc sưu tầm sự kiện lịch sử Gò Công của đồng chí. Tôi không kể, không nói với các nhà báo, nhưng với đồng chí thì tôi kể, để đồng chí hiểu về lịch sử, về kháng chiến, chứ không phải để viết báo”.
Tôi hứa sẽ làm đúng theo lời căn dặn tin cậy của ông.
Họa sĩ Hoàng Tuyển kể.
“…Tôi đi kháng chiến từ cuối tháng 10-1945 ở Gò Công. Giữa năm 1946, tôi được điều động về Phòng Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 8 làm công tác văn nghệ, tuyên truyền. Ở đó đã có Diệp Minh Châu, Bảo Định Giang và nhiều anh em văn nghệ sĩ quen biết ngày trước.
…Năm 1950, trước khi ra Việt Bắc họp, anh Trần Văn Trà, Khu bộ trưởng Khu 8 mời tôi lên gặp. Anh hỏi thăm về bức vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu tôi vẽ năm 1945 ở Gò Công. Tôi báo cáo là khi trưng bày ở Triển lãm cứu quốc và bán đấu giá xong thì vừa lúc Pháp đổ bộ đánh chiếm Gò Công. Tôi đi kháng chiến ngay, không còn được biết gì về tác phẩm của mình. Anh Trà nói, đại ý là, anh ra Việt Bắc lần này sẽ mang bức họa Cụ Hồ với ba thiếu nhi Trung, Nam, Bắc của Diệp Minh Châu, vẽ bằng máu của chính tác giả, tặng Cụ Hồ và Chính phủ, anh có ý kiến gì không? Tôi nói, tôi rất vui vì bức họa của Tư Châu (Diệp Minh Châu) là tấm lòng của đồng bào Nam bộ dâng lên Cụ Hồ và Chính phủ, Tư Châu là người em, là học trò, là đồng đội của tôi, bức họa của Tư Châu cũng như là bức họa của tôi vậy. Anh Trà nói, anh là người đầu tiên vẽ hình lãnh tụ bằng máu từ năm 1945, nhưng bức vẽ của anh giờ không biết ra sao, Diệp Minh Châu là người vẽ thứ hai, sau anh, nhưng cũng chính là người học trò của anh, người em của anh, anh có đồng ý rằng bức vẽ này chính là tình cảm, là tấm lòng của người dân Nam bộ dâng lên Cụ Hồ và Chính phủ không? Tôi nói ngay rằng, tôi tự nguyện không nói gì về bức vẽ của tôi nữa để bức họa của Tư Châu là thay mặt người dân Nam bộ dâng lên Cụ Hồ và Chính phủ. Anh Trà nói, thay mặt đoàn Nam bộ tôi cảm ơn anh. Đến ngày kháng chiến thành công ta sẽ tìm lại bức vẽ của anh, còn bây giờ bức vẽ của Diệp Minh Châu sẽ là tượng trưng lòng dân Nam bộ.
Anh Trà bắt tay tôi rất chặt. Một lần nữa tôi hứa với anh sẽ không nhắc tới bức vẽ của mình.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi thì tôi tập kết ra Bắc.
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, tôi nghỉ hưu, về Nam cũng có đi tìm hiểu về bức tranh của minh. Nhưng người đấu giá mua bức tranh là ông Trương Văn Huyên đã mất, gia đình ông là cơ sở cách mạng cũng cho biết cuối năm 1945, Pháp đánh chiếm Gò Công, nhà cửa tài sản bị hủy hoại, không còn giữ được gì.
Bức tranh của tôi mất thật rồi.
Tôi giữ lời hứa với anh Trần Văn Trà, không nhắc tới bức tranh của mình nữa. Nhưng anh em, bạn hữu và đồng đội xưa thì vẫn biết, vẫn nhắc. Có người còn đưa nhà báo trẻ đến tận nhà để gặp người là vậy.
Tôi kể việc này với đồng chí để “xác minh sự kiện” thôi nhé”.
…Năm 1991, họa sĩ Hoàng Tuyển mời tôi và chú Tám Niên (Nguyễn Văn Niên, nguyên Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, hiện là tổ trưởng tổ viết Lịch sử Đảng bộ Gò Công) tới nhà dự đám giỗ mẹ ở ấp Ông Cai, xã
Tân Trung.
Thật là ngạc nhiên, hứng thú khi trong một ngôi nhà đang làm đám giỗ lại trưng bày những bức hình, bức tranh được treo, dán như trong một triển lãm nghệ thuật. Đó là những bức hình cỡ bìa tạp chí, in hình họa sĩ Hoàng Tuyển và nhà điêu khắc Diệp Minh Châu bên những pho tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Diệp Minh Châu sáng tác. Nhiều bức hình là những hoạt động của họa sĩ Hoàng Tuyển với các đồng nghiệp ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhiều bức hình khổ nhỏ, ghi lại một số hoạt động của họa sĩ trong đoàn nghệ thuật Việt Nam khi đi biểu diễn ở nước ngoài. Một số tấm hình chụp chung với gia đình chú Tư (người em ruột đang sống ở Tân Trung). Tấm hình nào cũng có những ghi chú do chính tay họa sĩ viết, nét chữ chân phương mềm mại. Chính tay họa sĩ làm khuôn, treo trên những cánh cửa, bức tường, treo ngoài hiên, dễ xem mà không ảnh hưởng gì tới sinh hoạt trong gia đình ngày thường, cũng như trong ngày giỗ mẹ. Tất cả những tấm hình đều hướng về bàn thờ, như muốn thưa với mẹ về những công việc mà người con xa quê, xa mẹ hơn 30 năm đã làm và những công việc trong 10 năm từ ngày mẹ mất.
Họa sĩ cho biết, ngày giỗ này ông tổ chức vừa đón bà con trong họ mạc, trong xóm ấp vừa đón những người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh trong đó có toàn bộ gia đình Diệp Minh Châu. Cũng vì vậy mà ông mời chú Tám Niên và tôi tới dự để gặp nhà điêu khắc Diệp Minh Châu.
Hôm đó nước lớn, gió mạnh, phà Mỹ Lợi trục trặc nên xe hơi phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ mới qua sông được, đoàn khách thành phố về đến nhà đã gần 2 giờ chiều. Chuệch choạc giờ giấc, tổ chức…nhưng đoàn khách về rất vui. Gia đình Diệp Minh Châu về quê Hoàng Tuyển như về quê mình. Những người bạn văn nghệ cao tuổi vui cười, khen “Triển lãm Hoàng Tuyển” phong phú và… có một
không hai.
Họa sĩ Hoàng Tuyển giới thiệu “đồng chí Tám Niên, nguyên Chủ tịch huyện Gò Công Đông” với nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Sau những lời chào hỏi, chú Tám Niên nói ngay:
“Tôi thay mặt quê hương Gò Công mời nhà điêu khắc làm tượng anh hùng Trương Định cho Gò Công”. Có lẽ bất ngờ nên ông Diệp Minh Châu thoái thác: “Tôi bận lắm, không thể làm được, anh thông cảm cho”. Nhưng họa sĩ Hoàng Tuyển đỡ lời: “Đồng chí Tám Niên đã có lời mời như vậy thì để anh em chúng tôi tính”.
Thời điểm đó nhà điêu khắc Diệp Minh Châu vừa hoàn thành bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi tiếng, lại đương nhiệm
Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh bận nhiều việc nên trước lời đề nghị đột ngột của chú Tám Niên, ông từ chối thì cũng không có gì ngạc nhiên.
Nhưng họa sĩ Hoàng Tuyển đã nói “để anh em chúng tôi tính”.
Vì vậy, năm 1992, việc làm tượng đài Trương Định trên đất Gò Công đã được xúc tiến tuy có lúc cũng trục trặc nhưng cuối cùng vẫn thuận lợi.
Tháng 1-1993, họa sĩ Hoàng Tuyển được tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân. Vinh dự này không chỉ cho ông mà quê hương Gò Công cũng rất
tự hào.
Đến thăm ông tại Tân Trung trong dịp đầu năm mới, tôi được nghe ông tâm sự:
“…Tôi cũng không ngờ rằng cuối đời mình lại được vinh dự này".
Thông thường, người nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú rồi mới được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, mà thường là những người đang công tác, còn đang tiếp tục có những cống hiến lớn.
Còn tôi thì chưa được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú mà được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi đã nghỉ hưu gần 30 năm rồi, đã hơn 80 tuổi thì quả là chưa có tiền lệ".
Bức tranh năm xưa của tôi không còn nhưng mọi người không quên việc tôi làm. Cuối đời, tôi được cùng Diệp Minh Châu làm tượng Trương Định tại đất Gò Công. Bây giờ lại được nhận danh hiệu cao quý trong cuộc đời nghệ sĩ bởi chính tác phẩm của mình trên quê hương Gò Công năm xưa…Niềm vui... có lúc tôi thấy mình như trẻ lại…"
Năm 1995, tượng đài Trương Định được khánh thành trong niềm vui và tự hào của nhân dân Gò Công.
Ban tổ chức tặng hoa tác giả Diệp Minh Châu và họa sĩ Hoàng Tuyển.
Họa sĩ Hoàng Tuyển trao bó hoa cho người em trai, nhờ dâng lên bàn thờ mẹ.
Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tặng lại bó hoa cho họa sĩ Hoàng Tuyển, người thầy, người anh, người đồng chí trên đường nghệ thuật. Hoàng Tuyển trao tặng lại cho hai người bạn đồng niên để chia sẻ niềm vui nghệ thuật.
Tôi đến thăm họa sĩ Hoàng Tuyển đang điều trị tại bệnh viện Thống Nhất, ông lại động viên tôi: “Bệnh tôi là bệnh tuổi già đó mà, Nha cứ yên tâm. Tôi vui là tôi thấy khỏe. Cho tôi gửi lời thăm hỏi và cảm ơn đồng chí Tám Niên và các đồng chí lãnh đạo ở thị xã Gò Công”.
Vừa qua lễ độc lập 2-9-1999, được tin họa sĩ Hoàng Tuyển qua đời mọi người không khỏi thương tiếc. Đồng chí Bí thư Thị ủy Lê Văn Hoặc, đồng chí Nguyễn Văn Niên và tôi đi thành phố viếng họa sĩ.
Tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh ở đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi thấy có mặt rất nhiều nghệ sĩ cao niên, những người bạn, những đồng nghiệp lâu năm trong nghệ thuật đến viếng ông. Trong tiếng nhạc trầm buồn, chúng tôi đi vòng quanh quan tài, lưu luyến nhìn lần cuối khuôn mặt người họa sĩ già kính mến…
Chị Đào, người con dâu trưởng trong gia đình họa sĩ kể với chúng tôi những ngày cuối cùng và nguyện ước của họa sĩ.
“…Ông vẫn đang điều trị trong bệnh viện. Gần đến ngày 2-9, ông bảo cho ông về nhà để gặp con cháu đông vui trong ngày nghỉ Tết độc lập. Cả gia đình đông đủ vui vẻ trong nhà. Ông nói ông vui quá. Đột nhiên ông yếu đi. Ông giục mọi người đưa ông vào bệnh viện. Ông nói với bác sĩ điều trị và mọi người trong gia đình rằng, nếu ông không qua được thì xin cứ để ông đi một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như ngọn đèn cầy lụi dần…Xin đừng đổ nước sâm (gia đình mang theo sẵn) cũng đừng dùng thuốc (bệnh viện đã sẵn phương án) xin đừng làm gì níu giữ ông thêm, hãy cho ông đi nhẹ nhàng…
Đó là ý nguyện cuối cùng của ông nên gia đình và bệnh viện tôn trọng. Thương ông một đời tận tụy, khiêm tốn, ra đi nhẹ nhàng, thanh thản…”
…Tôi nhớ khuôn mặt ông thanh thản, nhớ chiếc nơ đỏ trên cổ áo ông.
Là họa sĩ, ông chú ý tới màu sắc, trang phục. Trong những dịp lễ, tết trang trọng, ông không dùng cravat mà chỉ thắt nơ.
Chiếc nơ trên cổ áo là một sợi dây ruy băng nhỏ, đỏ thắm.
Tháng 11 – 2012
Ý kiến bạn đọc