Bác sĩ Phạm Thành Công: Tận tụy vì sức khoẻ người dân trên đảo

Đăng lúc: Thứ tư - 20/02/2013 08:58

Hôm đoàn tổ chức đi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân trên đảo, chúng tôi đã "tay bắt mặt mừng", trò chuyện thân mật với bác sĩ Phạm Thành Công, Trưởng Trạm Y tế xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, như những người thân quen lâu ngày gặp lại. Bác sĩ Thành Công là một người con của quê hương Tiền Giang. Người dân trên đảo quý mến, gọi anh bằng cái tên trìu mến "bác sĩ chúa đảo".

BS Phạm Thành Công trao đổi cùng các bác sĩ Đoàn Khối các cơ quan tỉnh.

BS Phạm Thành Công trao đổi cùng các bác sĩ Đoàn Khối các cơ quan tỉnh.

Quê bác sĩ Công ở xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, anh kể: "Ngày xưa, anh học Cao đẳng ngành Toán Hoá, ra trường về dạy 2 năm tại Trường THCS Tân Thành. Trong những năm đó, có phong trào tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo giảng dạy. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, anh đã tình nguyện ra đảo Phú Quốc giảng dạy". Vừa giảng dạy anh vừa tham gia các phong trào xã hội, gắn bó với nhân dân, hiểu được nỗi khó khăn của người dân trên đảo. Anh từng chứng kiến người dân bị bệnh mà không đi khám bệnh, vì cơ sở vật chất khám chữa bệnh cũng như đội ngũ y, bác sĩ lúc này trên đảo rất hạn chế, những ca bệnh nặng phải chuyển vào đất liền.

Ấp ủ nỗi niềm bao năm, anh quyết định gác lại nhiệm vụ giảng dạy đăng ký học Đại học Y dược, chuyên ngành Sản khoa. Ra trường, anh về làm tại Phòng khám khu vực An Thới (Phú Quốc) khoảng một năm, sau đó được phân công làm Trưởng Trạm Y tế Hòn Rơm. Đến năm 2009, anh Công làm Trưởng Trạm Y tế xã Thổ Châu cho đến hôm nay. Anh Công tâm sự: "Gác lại nghề giáo anh cũng tiếc lắm. Người dân ở đất liền khổ một, thì người dân trên đảo khổ gấp mười. Được làm bác sĩ chăm lo sức khoẻ cho nhân dân trên đảo đối với anh đó là hạnh phúc".

Trạm Y tế xã Thổ Châu với 30 giường bệnh, 4 bác sĩ, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của hơn 1.700 nhân khẩu trên đảo. Bác sĩ Công cho biết: "Một ngày, trạm khám khoảng 20 bệnh nhân. Những bệnh thông thường, bác sĩ ở đây đều làm hết như mổ mắt, mổ ruột thừa, điện tim, siêu âm, chụp X quang... Nhưng trạm còn gặp khó về lượng máu để truyền trong các ca mổ; Đông y, răng hàm mặt còn thiếu. Bác sĩ kiêm luôn nhổ răng, còn trám hay trồng răng thì không có thiết bị để làm, người dân phải vào Phú Quốc. Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vào tháng 4, 5 khi gió mùa tràn về, người dân phải chuyển chỗ ở từ bãi Ngự sang bãi Dông để tránh gió".

Tâm sự  về cuộc sống gia đình bác sĩ Công cho biết: "Năm 1990, anh kết hôn với người con gái Kiên Giang. Vợ chồng anh có đứa con trai 14 tuổi đang ở với ông bà nội, đi học tại Gò Công Đông. Một năm, vợ chồng anh về thăm ông bà, con cái một lần, nghỉ hè thì đón con ra  đảo chơi". Khi hỏi về cuộc sống sau này, anh Công bảo: "Anh cũng không mong gì hơn, được sống, giúp đỡ người dân nơi đây là vui rồi. Dù làm công việc gì, bất cứ ở đâu anh cũng sẽ cố gắng hoàn thành. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của anh từ lâu lắm!".

Có được tận mắt thấy và cảm nhận, tôi mới biết được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những khó khăn, vất vả trong cuộc sống cũng như ý chí, nghị lực sẵn sàng vượt qua gian khó của những con người nơi đây. Mang theo về đất liền cái nắng, cái gió của biển khơi, những nụ cười hiền hậu của người lính đảo như nhắc nhở mọi người cùng chung tay, chung sức để biển đảo ngày càng vững mạnh trước phong ba, bão táp.

P. Mai
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 281
  • Hôm nay: 68434
  • Tháng hiện tại: 2436859
  • Tổng lượt truy cập: 48810986