Con đường nông sản miền Tây

Đăng lúc: Chủ nhật - 23/09/2012 09:53
Tiền Giang là cửa ngõ Miền Tây. Lên Nhà Bè, ghe tàu có thể đi nhiều ngả. Từ thượng lưu sông Tiền về biển có các ngã rẽ: Rạch Ruộng, Ba Rài, Long Định, Bảo Định, Kỳ Hôn, Cửa Tiểu. Khúc sông Tiền chảy từ Rạch Ruộng (Cái Bè) về Cửa Tiểu (biển Đông) khoảng 110 km.Tùy điểm xuất phát, ghe tàu có thể chọn ngã rẽ về Nhà Bè, nếu không tính thời gian, trọng tải, thủy triều và tình trạng thuận lợi các sông, kinh, rạch.

Thủy lộ Chợ Gạo là con đường tốt nhất thông thương giữa Sài Gòn và Miền Tây. Trước khi Pháp đặt chân tới Sài Gòn (1859), đã có ba lối đi lại giữa hai nơi này; nhưng quân Pháp chỉ chọn một. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, thêm 3 lối đi nữa về Sài Gòn, nhưng tàu thuyền vẫn đổ về đường thủy Chợ Gạo, vì tiện ích của nó. Con đường biển từ ngã ba Nhà Bè ra cửa Soi Rạp xuống Cửa Tiểu, ngược dòng sông Tiền về Mỹ Tho, tàu chiến Pháp ít gặp sự chống cự; nhưng họ không chọn con đường ấy khi đánh Mỹ Tho (1861), vì xa (độ 75km) và đường biển tiềm ẩn nhiều bất trắc. Không lợi cho chinh chiến, làm gì lợi cho giao thương. Trong quá trình điều nghiên vùng Mỹ Tho, Pháp tính tới hai con đường ăn thông ra sông Tiền. Từ ngã ba Nhà Bè, xuôi dòng Vàm Cỏ Tây và tại Tân An có hai ngã về Mỹ Tho: ngã Rạch Chanh và rạch Bảo Định.


Đào kênh Chợ Gạo


Đi theo Rạch Chanh về rạch Bà Bèo (Bàu Bèo). Hết rạch Bà Bèo đến rạch Ba Rài, ra cửa Ba Rài (Cai Lậy) sông Tiền, theo dòng hạ lưu về Mỹ Tho. Con đường này, người Pháp gọi Arroyo Commercial (kinh Thương Mại - Con đường tiện cho ghe thương hồ, nhất là vùng Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang). Nhưng từ cửa Ba Rài về Nhà Bè rất xa, sông rạch ngoằn ngoèo, uốn khúc, nhiều đoạn hẹp, cuộn tròn, đổi hướng. Đoạn từ Nhà Bè đi Vàm Cỏ Tây tới Rạch Chanh khoảng 80km. Theo Rạch Chanh, rồi rạch Ba Rài đi sông Tiền 70km. Khúc sông Tiền từ Ba Rài về Mỹ Tho 35km nữa. Tính chung đường thủy này độ 185km. Quân Pháp nhận định: “Kinh Thương Mại đánh vòng xa hơn kinh Bưu Điện, nhưng cũng đổ vào sông Tiền, kinh lại cạn, cỏ nhiều rất vướng, các phương tiện thủy vận của ta không dùng kinh này được”. (L. Pallu, Histoire de L’Expédition de Cochinchine en 1861).

Quân Pháp đánh Mỹ Tho theo ngã Vàm Cỏ Tây qua Bảo Định hà (rạch Bảo Định), về Sông Tiền, cạnh thành phố Mỹ Tho. Người Pháp gọi Arroyo de la Poste (kinh Bưu Điện – kinh chuyển thư tín từ Sài Gòn qua Tân An đến Mỹ Tho và các tỉnh đồng bằng). Tuy đến Mỹ Tho gần hơn “kinh Thương mại”, nhưng “kinh Bưu Điện” cũng xa. Tính chung, từ ngã ba Nhà Bè về Mỹ Tho trên 90km. Khi về gần thành phố Mỹ Tho có những đoạn hẹp, hiện nay khó có thể mở rộng, vả lại nhánh sông Vàm Cỏ Tây về ngã ba sông Vàm Cỏ hết sức ngoằn ngoèo, không tiện cho tàu bè giao thương.

Năm 1877, thấy sự bất tiện của đường biển và sự bất tiện của hai con kinh Thương Mại và Bưu Điện, Pháp cho đào kinh Chợ Gạo (kinh Duperré), dài 11,8km. Từ vàm Kỳ Hôn, cách Mỹ Tho không xa, ghe tàu trên sông Tiền rẽ vào, theo rạch Kỳ Hôn nối kinh Chợ Gạo về Rạch Tra (sông Tra), ra sông Vàm Cỏ hướng về ngã ba Nhà Bè, dài chừng 55km (30km từ sông Tiền đến Vàm Cỏ, 25km từ Vàm Cỏ đến Nhà Bè). Đoạn đường thủy này lúc đầu đào tay, bề mặt 20m, sâu 3m. Thủy lộ Chợ Gạo có vị trí thuận lợi giúp ghe tàu giao thương an toàn, đi ngang về tắt giữa Sài Gòn – Miền Tây, nên được nạo vét hai lần: một lần làm thủ công, năm 1892 huy động 40.000 người, mất 2 tháng; một lần bằng cơ giới, năm 1906 mất vài năm. Nay mặt thủy lộ rộng đến gần 100m, nước ròng còn một nửa.

Năm 1896, Tổng đốc Trần Bá Lộc cho đào một con kinh nối từ ngọn Rạch Ruộng chạy lên phía Đông Bắc, trên dưới 20km, rẽ ngang hướng đông tiếp giáp rạch Bà Bèo. Cả rạch Bà Bèo và Rạch Chanh được nắn lại ngay ngắn hơn. Khi khánh thành năm 1987, kinh được đặt tên kinh Tổng Đốc Lộc. Sau này, được đổi tên kinh Nguyễn Văn Tiếp. Có kinh Nguyễn Văn Tiếp B nối với Rạch Ruộng (Cái Bè) và kinh Nguyễn Văn Tiếp, để lên Vàm Cỏ Tây, ghe tàu có thêm một lối rẽ từ Sông Tiền đi Sài Gòn. Nhưng ngã này cũng không gần. Riêng đoạn từ Rạch Ruộng qua hai kinh Nguyễn Văn Tiếp B và Nguyễn Văn Tiếp đến Vàm Cỏ Tây cũng mất 65,9km. Hơn nữa, lòng kinh Nguyễn Văn Tiếp chỉ rộng 40m, không phải thủy lộ lí tưởng cho tàu thuyền lớn.

Năm 1918, chính quyền Pháp đào kinh xáng Lacombe (kinh Nguyễn Tấn Thành), dài 19,3km, nối kinh Nguyễn Văn Tiếp ở ngã ba Mỹ Phước. Từ đây, có thể theo kinh Nguyễn Văn Tiếp về Vàm Cỏ Tây đi Nhà Bè. Kinh Nguyễn Tấn Thành hẹp, nhiều rong, tảo, không tiện cho tàu thuyền lớn giao thương Sài Gòn.

Như vậy, trong các thủy lộ về Sài Gòn, đường thủy Chợ Gạo giữ vai trò quan trọng hơn hết. Nó giúp ghe tàu đi lại an toàn, rút ngắn thời gian vận chuyển; ghe tàu lớn có thể thông thương. Tiếc là không có con số thống kê hàng hóa được vận chuyển qua các thời kì; nhưng thực tế cho thấy, 133 năm đường thủy Chợ Gạo góp phần vận chuyển một khối lượng hàng hóa khổng lồ. Chắc chắn giữ vị trí “vô địch” so với các kinh, rạch khác.

Ngày nay, đi theo rạch Bảo Định về ngã ba Nhà Bè, chắc không tiện vận chuyển hàng hóa, vì con đường nhỏ, quanh co và chật hẹp hơn ngày xưa. Như vậy, không có thủy lộ Chợ Gạo, chắc chắn tàu ghe phải nhiều phen vất vả, đối mặt biển Đông, chưa thể lường hết những rủi ro, mất mát, do gió to, sóng cả gây nên. Nếu so sánh, con đường thủy Chợ Gạo giống như “kinh đào Panama” giúp tàu bè có thể đi ngang, về tắt giữa Sài Gòn và Miền Tây, vừa tiết kiệm thời gian, lại không hiểm nguy.

Đường thủy Chợ Gạo thể hiện tầm nhìn kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Gọi là kinh (do người đào) thì không hẳn, gọi là sông (do tự nhiên) thì không phải. Đường thủy này có cả hai dạng địa hình của con người và tự nhiên: giữa là một địa hình thẳng được người đào, theo đề án Đô đốc Chánh tham biện tỉnh Mỹ Tho Duperré. Hai đầu con kinh, một nối liền với rạch Kỳ Hôn (còn có tên Trà Hôn, Cà Hôn, Kỳ Hôn Giang), hướng ra vàm Kỳ Hôn, sông Tiền (Mỹ Tho); một nối với sông Tra (sông có nhiều cây tra mọc hai bên bờ) ra sông Vàm Cỏ, chảy về biển, tạo thành ngã ba: Vàm Cỏ, Nhà Bè, Soi Rạp. Hai đoạn đường sông này quanh co, có chiều dài độ 18km.

Đường thủy Chợ Gạo hiền hòa, chế độ nhật triều lên xuống đều đặn, tiện cho tàu ghe di chuyển ngày đêm. Thủy lộ Chợ Gạo an toàn giao thông, còn rút ngắn một nửa thời gian, nếu phải di chuyển ra biển về Sài Gòn. Ghe thương hồ thường chọn con đường thủy Chợ Gạo ngược xuôi giữa Sài Gòn và Miền Tây. Sau lần đào đầu tiên, con đường thủy này được nạo vét nhiều lần. Với thời gian, tàu bè qua lại như mắc cửi, khúc sông kinh này có đoạn bên lở, bên bồi như hiện trạng.

Những chiếc cầu bắc qua dòng Mekong làm cho giao thông bộ có vai trò tích cực hơn giữa ĐBSCL với cả nước. Tuy nhiên, thủy lộ Chợ Gạo một thời và trong tương lai vẫn đóng vai trò quan trọng đối lưu hàng hóa cả nước với đồng bằng. Vì vận chuyển bằng đường thủy được khối lượng lớn, cước vận chuyển thấp, nên vẫn là con đường nông sản miền Tây – con đường thương mại lí tưởng của những nhà sản xuất lớn và giới thương hồ. Con đường thủy Chợ Gạo, tương lai sẽ còn là đường du lịch rất hấp dẫn những ai đam mê du lịch sông nước!

Hàng Miền Tây đi Sài Gòn trên thủy lộ Chợ Gạo ngày ấy gồm: hàng thực phẩm có lúa, gạo, dừa, cau, trầu, chuối, trái cây, cá muối, cá khô, cơm dừa, tôm cua, rùa rắn, mật ong…; hàng gia dụng là bông, tre, tơ tằm, dâu tằm ăn, da thú, lông chim. Hàng về Miền Tây có bàn tủ ghế, đồ thờ mỹ nghệ, lu hũ, tô chén, đồ gốm, sành sứ, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng…

Diện tích sản lượng nông sản cung cấp cho Sài Gòn có lúa gạo các tỉnh Miền Tây, khoảng 1.290.000 ha. Năm 1905, với dân số chưa đến 3 triệu dân, bình quân đầu người được 637 kg lúa, thì tổng sản lượng sẽ trên 1.700.000 tấn. Những con số trên cho thấy tầm quan trọng giao thương thủy lộ Chợ Gạo hết sức lớn so với đường sắt và đường bộ ngày ấy. Dân cố cựu ở sông kinh Chợ Gạo cho biết thêm: “Ngày trước, ghe bầu, ghe chài chèo tay hoặc tàu kéo theo sau năm bảy ghe chài Sài Gòn, miền ngoài, thường tấp nập về đây “ăn gạo”, nên vùng này mang tên Chợ Gạo. Con đường thủy cũng mang tên địa danh ấy”.

Ngày nay, ngoài những mặt hàng truyền thống, ghe tàu còn vận chuyển lượng lớn phân bón, xăng dầu, vật liệu xây dựng cát đá, sắt thép, xi măng… Thủy lộ này trở nên nhỏ bé, quá tải, buổi chiều thường gây ùn tắc giao thông, đoạn hai bên cầu Chợ Gạo. Cầu được xây dựng năm 1972, khoảng thông thuyền cầu quá nhỏ và chật hẹp với mật độ thuyền bè lưu thông trên thủy lộ này. Đã có kế hoạch mở rộng tuyến đường thủy lên gấp đôi, rộng thêm 80m nữa và sẽ xây lại cầu Chợ Gạo, để đảm bảo sự qua lại tàu thuyền.


(Theo Diễn dàn Lớp học vui vẻ )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 429
  • Khách viếng thăm: 419
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 80256
  • Tháng hiện tại: 1946035
  • Tổng lượt truy cập: 48320162