Sơ kết 5 năm thực hiện NQTW 7 (khóa X) về tam nông

Đăng lúc: Thứ năm - 26/12/2013 08:47
Ngày 25-12, Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được tổ chức tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo và đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh

Đây là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tập hợp, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết về tam nông của Trung ương, làm cơ sở nghiên cứu, đổi mới nhanh các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước các cấp đối với nông nghiệp.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong giai đoạn 2009 - 2013, GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm, trong đó, nông nghiệp tăng 2,5%, lâm nghiệp tăng 5% và thủy sản tăng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2% (dự kiến năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD).

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng cả nước, qua 3 năm thực hiện đã góp phần thay đổi diện mạo, cải thiện điều kiện sống của dân cư nhiều vùng nông thôn. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm so với 2008. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được nhiều địa phương hưởng ứng và nhân rộng ở 43 tỉnh, trên diện tích khoảng 100 ngàn ha trồng lúa. Xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, có nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Tuy đạt được nhiều thành tích quan trọng, song công tác tam nông vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại: Chưa ngăn được suy giảm tốc độ tăng trưởng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, giá trị thương mại, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội.

Sự gắn kết giữa công nghiệp, dịch vụ với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ. Phần lớn vật tư nông nghiệp vẫn nhập khẩu. Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện chậm, nhiều nơi thiếu nguồn lực, trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách cấp trên.

Đời sống của dân cư nông thôn nhìn chung còn thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi, giữa các vùng miền có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, tuổi bình quân của lao động nông nghiệp tăng do tình trạng người trẻ dời bỏ nông nghiệp đang gia tăng. Tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp, số lượng đào tạo trong 5 năm qua chỉ bằng 4,1% tổng số lao động nông thôn.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, qua hội nghị này cần tổng hợp mọi vấn đề sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, kể cả những vấn đề phát sinh ở xã, thôn, bản để tổng hợp tư liệu báo cáo Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tích cực thảo luận để cung cấp, chắt lọc nhiều thông tin cho hội nghị; đặc biệt cần làm rõ những khó khăn, tồn tại, phân tích nguyên nhân để có phương hướng khắc phục, sửa chữa, nâng cao hiệu quả công tác nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc đánh giá, phân tích cần cân nhắc đến đặc thù khác nhau về thời tiết, khí hậu, đối tượng nông dân giữa các vùng miền trong cả nước để có kết luận phù hợp.

Gợi ý các nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, hội nghị cần thẳng thắn, đánh giá sâu sắc kết quả quán triệt tầm quan trọng của công tác tam nông, ý nghĩa mang tính chiến lược của vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong cả hệ thống chính trị. Đánh giá kết quả công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý các địa phương tránh tình trạng chỉ chú trọng phát triển công nghiệp, xem nhẹ quan tâm đầu tư cho nông nghiệp. Cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngay trong sản xuất nông nghiệp; cần tuyệt đối tránh tư tưởng “bỏ rơi” sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; phân tích hậu quả việc chạy theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới một cách hình thức; kết quả nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, an ninh trật tự của người nông dân, sự gắn kết giữa đô thị và nông thôn.

Đặc biệt, phải xem xét kết quả thực hiện vai trò làm chủ của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Nông dân là lực lượng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của phát triển và xây dựng đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phân tích, làm rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức xã hội, cũng như sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong công tác nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


(Theo dangcongsan.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

tam nông, NQTW 7

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 182
  • Khách viếng thăm: 181
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 53585
  • Tháng hiện tại: 2552971
  • Tổng lượt truy cập: 48927098