Nghị quyết 01/NQ-CP: Những giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH năm 2014

Đăng lúc: Thứ sáu - 03/01/2014 13:56
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là:
 
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.
 
Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh.
 
Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2014 như phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3% GDP.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động;...

Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, tiếp tục củng cố kết quả chống vàng hóa, kiên quyết đẩy nhanh chống đô-la hóa.

Có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.

Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về điều hành ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính. Không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Điều hành bội chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch. Trường hợp tăng thu so với dự toán được giao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án sử dụng một phần để giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác.

Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ. Nghiên cứu, có giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả trong việc bố trí kinh phí và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro; kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại... bảo đảm kiểm soát mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu theo Đề án đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, điều hành lãi suất cho vay phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng, người gửi tiền và khách hàng vay.

Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại nợ, đối tượng vay; thực hiện cơ cấu lại nợ, kể cả việc xem xét khoanh nợ trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng. Đề cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và đẩy mạnh hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong xử lý nợ xấu.

Đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch bảo đảm và các quy định liên quan về bán đấu giá tài sản, tài sản bảo đảm và phát triển thị trường mua bán nợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, thu hồi nợ.

Tiếp tục tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ kịp thời cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược

Cũng theo Nghị quyết, cần thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược gồm: Đẩy mạnh cải cách thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương, tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Hiến pháp sửa đổi năm 2013; rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp về vốn, tài sản của các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư, người dân.

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; thông tin thường xuyên tình hình thực hiện trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và báo cáo tại Phiên họp hàng tháng của Chính phủ.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, không phù hợp với thực tiễn và không khả thi.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trước mắt năm 2014 tập trung đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá và thi (tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng). Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính giáo dục đào tạo gắn với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung nguồn lực phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp chậm triển khai, không có khả năng triển khai.

Tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng

Cũng theo Nghị quyết, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Kiểm tra, rà soát và có giải pháp từng bước xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo có tác động xấu đến thị trường trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển thị trường tài chính lành mạnh, an toàn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Đề án phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020, Đề án hình thành và phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện;...

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án được duyệt.

Tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt.

Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động, tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, bảo đảm hoạt động đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên địa bàn từng địa phương, vùng, cả nước gắn với thị trường trong nước và thế giới.

Khuyến khích phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, các khu nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý đã có hiệu quả trong thực tiễn, nhất là mô hình cánh đồng lớn.

Về tái cơ cấu công nghiệp, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, thị trường.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp quan trọng. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tập trung khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Tăng cường đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phát triển các dạng năng lượng tái tạo.

Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân

Chính phủ cũng nhấn mạnh đến các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương ntổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn.

Rà soát tổng thể, điều chỉnh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng ATK, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Giảm dần hỗ trợ trực tiếp, tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông - lâm - ngư; tăng khả năng tiếp cận và bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, trợ giúp pháp lý.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh việc triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nhà ở cho người có công và các đối tượng khó khăn về nhà ở ở nông thôn, đô thị và các khu công nghiệp...


(Theo Chinhphu.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 212
  • Khách viếng thăm: 210
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 29021
  • Tháng hiện tại: 2261571
  • Tổng lượt truy cập: 46228804