Mùa cá linh

Đăng lúc: Thứ hai - 01/10/2012 15:47
VNTG- Miền Tây, một miền đất phù sa bồi, miền đất có thể được coi là đặc trưng của đồng quê mộc mạc. Mỗi năm có một mùa nước nổi; nước đổ về từ con sông lớn Mê-kông nước bò lên ngòi lạch chằng chịt rồi tràn ra đồng ruộng, len lỏi vào bưng, lung, đìa, láng…
Dĩ nhiên, khi người ta loại trừ đi thảm họa lũ lụt, thì mùa nước nổi sẽ trở thành một đặc ân của tạo hóa và đó là sự ưu đãi của thiên nhiên đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long này. Vâng! Hẳn là như vậy. Người ta gọi đó là "con nước quay" là cái lúc nước sông, ngoài búng, ngoài vàm đang xoáy mạnh hơn, nước nhinh nhỉnh lên đồng, mang theo bạt ngàn phù sa vun bồi cho cây lúa trong mùa vụ sang năm. Còn bây giờ?...
         
Nước quay con cá lên đồng…
          Ấy là chuẩn bị vào vụ thu hoạch cá. Biết cơ man nào mà kể; cả một bầy đàn thủy tộc tìm chốn lưu cư "hương tuần trăng mật", "xây tổ uyên ương"… phát triển dòng giống nhà cá. Nào là: rô, trê, lóc, sặc; nào là hú, tra, mè, chép… ba sa, thác lác, nàng hai… Rồi lại rắn, rùa, lươn, chạch… Chúng tha hồ mừng nước về đồng, tha hồ quẩy đuôi, lượn vây mà múa, mà vui vẻ với bầy con đang cần được bảo vệ, hay chăm sóc đám bọt trứng…
          Đó là những ngày cuối tháng tư AL, gió nồm về, mưa bắt đầu rớt hột. Thế rồi mùng 5 tháng 5 đi qua, kéo theo bầy cá linh lên đồng thưởng ngoạn.
          Chưa rõ chúng (cá linh) được sinh ra ở đâu, sinh ra như thế nào? Và tỷ lệ sinh trưởng, tồn tại, phát triển trên mỗi bọc trứng, trên một con cá cái là bao nhiêu?... Chỉ biết nguyên quán của chúng là Biển Hồ và dòng Mê-kông (phần hạ lưu). Và khi chúng xuất hiện ở vùng thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu vào những ngày đầu tháng 5 AL hàng năm, thì cái tập đoàn du hí ấy đã là "trạc hà sa số kể"; khó mà tiên liệu khối lượng trên từng m2 mặt nước. Lúc này, mỗi con cá chỉ to bằng mút đũa hoặc cỡ ngón tay út, dài khoảng 4-5cm, người ta gọi là cá linh non.
          Cá linh thuộc dòng dõi cá trắng; thân nhỏ, vẩy nhuyễn và mềm, phần trên lưng gợn màu xanh rong, phần vẩy dưới bụng trắng bạc, vây và đuôi ngả màu vàng rơm úa. Nếu loại bỏ tính chất di truyền thì cá linh là bạn bè trang lứa với cá lòng tong ngoài sông, cá trắng trên đồng (so sánh thời cá linh non). Cá linh thuộc hàng em út của bọn cá chày, cá mè vinh (đỏ đuôi), cả cái loại cá he tròn mình… và tỉ dụ so sánh bằng hình dáng thì cá linh còn có thể sắp ngang hàng với cháu bốn đời của cá chép trắng; cá đối (loại cá nước lợ) cũng được xem là bạn vong niên của cá linh về hình dáng và trọng lượng.
          Cá linh lên đồng không phải để tỏ tình hay làm cuộc hôn phối tập thể, với chúng lúc này chỉ là một bầy cá non vừa dợm bước vào tuổi trưởng thành. Và như là một sự ấn định của tạo vật, mỗi cá thể chúng không có khả năng ngụy trang để thích nghi với môi trường thiên nhiên luôn thay đổi trên từng mét đường du cư của chúng. Vì vậy, sự tập hợp bầy đàn (càng đông càng tốt) là để bảo vệ nhau tránh những nguy cơ rơi vào nanh vuốt của những chàng cá lớn hung hãn.
          Bảo rằng cá linh lên đồng thưởng ngoạn thì chưa hẳn đúng. Kỳ thực, chúng không len lỏi vào hang cùng, ngõ hẻm như các loại cá đen, bởi chúng không thích nghi với môi trường nước có độ nhiễm phèn cao, nứơc phèn sẽ làm chúng đỏ mắt mà chết. Cho nên, đám cá linh chỉ đổ bộ ầm ào, rần rộ ở ven biền sông cái, đôi khi vài chàng biến thái ham vui, lạc bầy đến những vương quốc ngọt ngào, thanh nhã… và quên bẵng cả thời gian, đến khi quẩy mình trong rọ mới hay rằng mình đã chễm chệ trên ghế hàng ông cố ông sơ… Trọng lượng và kích thước lúc này "ông" đã to gấp 20 lần cái thời lỡ bước năm xưa.
          Lẽo đẽo theo bầy cá linh còn có lủ khủ những chú cá éc mọi mình đen và những con cá heo; một loại cá da trơn, màu vàng gạch cua, có vằn gợn xanh, vây đuôi màu đỏ da cam và phía trên chóp mũi có hai ngạnh móc. Cả hai loại cá này hoàn toàn không có quan hệ huyết thống với bầy cá linh. Nhưng, chính chúng là những bông hoa điểm xuyết cho thảm bạc kia thêm phong phú và sinh động. Để rồi chúng cũng sẽ như bầy cá linh, tự nguyện chui vào túi đục của miệng đáy nào đó đã đăng sẵn ven biền Cửu Long. Và thế là…
          … Theo mùa ra sông vợt cá…
          Cứ vào độ nửa đầu tháng 6 AL hằng năm, thì dọc theo ngõ sông Tiền từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) về Cái Bè (Tiền Giang) bà con ngư dân quanh vùng lại tập hợp về khu vực này để đánh bắt cá linh. Bằng đủ mọi hình thức đánh bắt: từ 1/3 dòng sông thì người ta đóng đáy, ven bờ thì đăng, lưới, chài rê… ngay cửa rạch thì đặt nò, trên ngọn rạch lên đồng thì làm sa…v.v… Mỗi thứ mỗi kiểu đánh bắt khác nhau, nhưng có cùng sự nặng nhọc và nỗi vui mừng như nhau. Thật vậy, người ta bảo: "Vui như phường chài được cá"… Ấy là cái lúc mọi người hè hụi nhau kéo cái túi đục, cái viền chài… bè bè to và nặng lên trên xuống. Lấp lánh dưới nắng trời bóng ngời cái vẩy cá linh "Ôi! sướng"… Người thợ chài nào đó sẽ hô to như vậy và họ xổ ra trong đáy xuồng cơ man nào là cá.
          Cứ như thế, họ sẽ chài, sẽ lưới, sẽ đặt sa, đóng đáy.. đến khoảng tháng 10 AL, thì con cá linh kia cũng theo dòng trôi xuôi về hướng biển. Nó xuống dần về vàm Kỳ Hôn, len lỏi ra kinh Chợ gạo… và nó to dần, to dần bằng ngón chân cái, bằng nửa cổ tay.
          Mưa già, cá linh cũng già, đầu cá có sạn rồi, thịt cá nhiều xương, vẫy cá cứng hơn… Còn bông điên điển trên đồng cũng từ từ kết trái, làm dấu chấm hết cho một mùa cá linh trong năm. Người ta sẽ nhớ…
 
          … Tiếng rao…
          "Ai mua cá linh hôn?…" bằng cái giọng con gái ngọt ngào hay bằng tiếng rao mời của gã đàn ông đục đục màu phù sa… Người ta sẽ bơi xuồng lên đầu nguồn ngọn lạch để bán hoặc gánh từng xề, bưng, đội từng rê, từng giỏ… len lỏi vô đồng, lên rẫy để rao… Vâng! Cái tiếng rao tới già còn nhớ, chết xuống lỗ còn mang theo. Nó là nỗi buồn, niềm vui giữa trưa nắng chang chang, giữa cơn mưa rào sụt sùi bong bóng. Sắc nắng, giọt mưa rọi lên vẩy cá bóng ngời cái chất dân dã; chiếu chói vào cái tính nông thôn… làm ai đó đi xa làng, xa quê nhìn thấy con cá linh mà nhớ, mà thương một thời lớn lên trong quê, bưng sằn dã.
          Cá linh đong bằng giạ, bán bằng ký. Kể từ hồi mở đầu mùa cá, ghe xuồng tấp nập ở mé bờ Cẩm Sơn hay ven biền Hồng Ngự… Người ta đến đó để "đong cá". Ừ! Phải nói là đong cá mới đúng. Cá xổ ra trên ghe tam bản thì xuồng ba lá cặp mạn mà lựa, lựa mấy con cá éc mọi, cá heo, cá he, cá chày… ra khỏi đám cá linh. Việc ấy là của đám trẻ con. Họ sẽ cho chúng lựa, tự do lựa… Có thể lựa về bán hay kho cho cả nhà ăn… không ai rầy rà gì cả. Có người còn chèo cả chiếc ghe bầu Cần Thơ, chở trên đó nào muối hột, lu thạp da bò… để đi đong cá làm mắm. Ồn ào, vui vẻ cả một vùng sông nước lấp lánh sắc vàng bông điên điển, chói ngời màu vẩy cá linh. Mấy lúc như vậy không cái cảnh "đắc đồng ế chợ"; họ đong cho nhau từng giạ (mỗi giạ cứ định ước khoảng 20 ký), tính bằng ký chừng 500 đồng/kg. và chèo chống ra chợ, theo dòng. Có rất nhiều nhóm thương lái; kẻ thì đưa đi về tận thành phố HCM, người thì chèo xuồng vô kinh mà bán… nhưng chắc mẻm mỗi ký cá linh, sẽ đựơc nâng giá gấp 10 lần vào thời điểm đầu mùa, khoảng 5 lần ở thời kỳ giữa vụ và sẽ tăng đến 7-8 lần thời kỳ cuối vụ. Có nghĩa là: Đầu mùa 1kg cá linh độ chừng 5-7ngàn đồng/kg; giữa vụ sụt xuống chừng 3.000đ/kg và sẽ nâng lên chừng 4-5 ngàn đồng/kg vào thời kỳ cuối vụ khoảng tháng 9-10AL. Thế là tiếng rao mời cũng sẽ thưa dần, thưa dần rồi mất hút, buộc người ta phải chờ vào vụ cá năm sau, bắt đầu từ thượng tuần tháng 6.
          … Làm mắm…
          Đó là một nghề truyền thống của rất nhiều gia đình nông thôn miền Tây Nam bộ. Cứ vào mùa cá linh, người ta chèo ghe đi mua, vừa mua vừa làm. Cá linh được đong vào ghe còn nhảy soi sói, còn tươi roi rói, vậy là "vừa lựa, vừa làm, vừa cắt đầu, cạo vẩy (nếu kỹ lưỡng) rồi quăng qua một bên. Làm xong đống cá thì mình cá đã vi sinh hóa, cá đã ương ương mới đem làm mắm. Cứ một giạ cá là khoảng nửa giạ muối hột, cứ như vậy người ta đổ vào lu, vào thạp một lớp cá thì một lớp muối; chèn kỹ, gài chặt trong thời gian khoảng 4-6 tháng sau họ mới giở ra và chao thính (gạo rang, giả nhuyễn làm thính). Lại ủ thêm một thời gian nữa mới đem ra bán. Người ta bán lại phải chao thêm đường cho dịu con mắm.
          Mắm cá linh là một loại mắm ngon, dễ dùng, dễ ăn. Khi đã làm sạch ủ kỹ, con mắm được chao dịu lại và chín thì có thể ăn sống với cơm nguội phải nói là tuyệt cú mèo; Đó là cách ăn quê kệch, nông nội, sằn dã của người dân quê mình. Họ nói: "…Ba khía ăn cơm nóng, mắm sống ăn cơm nguội" và "… ăn mắm thì bốc, nói dóc ngó nghiêng…". Vậy mà đã lắm. Tôi có người anh bạn vong niên. Anh "Ba Tính" cũng là dân làm nghệ thuật, và bằng nghệ thuật ẩm thực ông nói:
          "Một tuần tao không ăn mắm thì tuần đó tao không là dân việt Nam!..." Vâng! Ai cũng vậy, có một cái gì đó để mình yêu quê hương mình; đó là cái điều tầm thường như cơm ngày hai bữa, mà nếu ta quên nó thì nên xét lại lòng mình trước khi uốn lưỡi nói lời yêu quê.
          Thế là mình nhớ, mình nhắc… cái điều gì đó từ con cá linh trong món ăn qua mùa thì hết. Những mong người đời còn thương câu tục ngữ "ăn mắm nó thấm về lâu".
          … Làm món từ con cá linh
          Phong phú và đậm đà cái chất nông thôn, khi nói về món ăn đặc chế từ cá linh. Cá linh làm món gì cũng ngon, nó ngon từ vị đến mùi. Trước hết nên nói đến món kho, đủ kiểu kho, sau khi bấm hầu nặn cái mật cá ra (không cần cạo vẩy, bỏ ruột và nếu ăn được mật cá thì chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt là bắc lên kho). Thế nhé, cá linh kho khô với hành, tiêu và tóp mỡ, cá linh kho sả ớt, cá linh kho nghệ, kho lá nghệ, lá gừng, lá riềng… cá linh kho mẳn, kho cà, kho khế, kho rễ nhào, kho mía (đặc biệt là mía lau). Cứ một lớp lá gừng xắt nhuyễn hoặc một lớp mía lau chẻ mỏng hay một lớp khế xắt hình ngôi sao… xếp dưới đáy nồi, rồi sắp cá lên trên thành từng lớp, ướp kỹ đủ mặn để kho ninh (ít nhất hai lửa) vừa nước, kho bằng nồi đất bằng tộ… càng ngon (nếu kho bằng nồi nhôm thì dễ bị muối nhôm và hôi ơ làm mất ngon con cá). Để lửa riu riu, kho cho lâu, cho rục từng lóng mía, lát khế; kho cho xèo, cho xộp từng sợi lá gừng, lá riềng… và con cá thấm cái màu nước màu nâu xạm mới đã, đừng thọc đũa vào mà xóc cứ để tự nhiên đến khi bắc ơ ra khỏi bếp thì giở nắp mà gắp từng lớp cá ra dĩa, gắp từng miếng khế, từng sợi lá gừng… mà ăn; ăn nhỏ nhẹ từ tốn. Ăn con nào thì gắp nguyên con đó vào chén của mình, rồi và đũa cơm nóng, cắn nửa con cá kho chắp thêm nửa trái ớt hiểm chín đỏ… Chầm chậm mà nhai để nghe mà thẩm thấu cái hương quê, vị đất, cái béo, cái bùi lan nhẹ qua chân răng; cái ngon, cái ngọt ướp trên lớp vẩy cá, trong từng thẻ xương cá mềm rục… không chê vào đâu được.
          Và bây giờ thì nấu canh. Cá linh vào mùa thì bông so đũa cũng tím trời, trắng đất. Bông điên điển cũng trổ vàng dọc các biền kinh xáng múc… Đó là chất liệu dành riêng cho nồi canh chua nấu với cá linh. Bông so đũa được lặt bỏ nhụy (nếu ăn được vị nhân nhẫn đăng đắng của nhụy hoa thì không cần lặt), rửa sạch… hoặc bông điên điển cũng vậy. Nấu nồi nước sôi lên bỏ me vô, chừng nào me nổi lên mặt nước thì múc ra dầm lấy nước chua (nếu được me non thì nấu luôn trong nồi càng tốt), càng ngon hơn khi kiếm được vài trái cằn thăng, chẻ ra, nạo ruột mà nấu canh chua với cá linh thì đã biết chừng nào mà kể?! Khi nồi nước chua đã sôi sùng sục mới bỏ cá vào, cá chín thì vớt ra mới cho bông so đũa hay bông điên điển vào nồi, rồi nêm nếm vừa ăn là bắc xuống, rắc rau mùi, rau thơm… khuấy nhẹ một cái và múc canh ra tộ, lại phải chịu khó gắp từng con cá linh đã vớt ra lúc nãy, giờ thì để nó an vị trở lại trên mặt tô canh; coi con cá vừa đẹp mắt vừa ngon ngay trên đầu đũa; chấm con cá vô chén nước mắm ớt trước khi "mời" nó "bò" qua chén cơm. Chèn ơi! Ngó không cũng đã, đừng nói là ăn! Cực chẳng đã mới nấu canh chua cá linh với bạc hà, giá khóm hay rau muống… và nấu bằng dấm nuôi cũng không đã như nấu với me non và ruột cằn thăng.
          Cầu kỳ là vậy, nhưng nếu dễ dãi thì cá linh cũng có thể đem chiên, đem hấp, um hoặc cá linh kho mắm cá linh… cũng không kém phần hấp dẫn. Cái ngon bắt đầu từ cảm giác, con cá làm màu cho vị giác thực khách. Và đó là quan điểm ích kỷ không thể không có trong tôi, trong anh, trong bạn bè của ta… Vâng! Có một chút ích kỷ đối với chính cuộc sống của mình, là để làm tăng thêm niềm yêu thương đời thường, quý trọng quê hương.
          Một ngày nào đó, ở cõi quê xa, không có bông so đũa, không có tăm cá linh… không có sắc vàng mùa bông điên điển nở, mình sẽ da diết nhờ. Nhớ rằng: Quê hương mình có một mùa cá linh trong năm, con cá linh ngỗ nghịch, lội cả vào ký ức, đi qua dòng thời gian.
 
Nguyễn Chi
(Theo Tuyển tập Hương đồng quê)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 430
  • Khách viếng thăm: 413
  • Máy chủ tìm kiếm: 17
  • Hôm nay: 68561
  • Tháng hiện tại: 1817461
  • Tổng lượt truy cập: 48191588