Những ngày tháng tư về xã Thanh Bình anh hùng

Đăng lúc: Thứ ba - 09/12/2014 07:00
Những ngày tháng tư lịch sử, tôi tìm về thăm xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo). Xe bon bon trên đường lộ Ngang (Tỉnh lộ 879B) nối liền thành phố Mỹ Tho đến trung tâm xã, nhìn sang hai bên đường là những ngôi nhà khang trang ngói mới đỏ tươi. Ít ai ngờ rằng chỉ vài năm trước đây việc đi lại trên con đường này vẫn còn hết sức khó khăn bởi mùa mưa lầy lội còn mùa nắng thì bụi mù. Về Thanh Bình hôm nay, tôi chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của xã Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân đang trong quá trình xây dựng phong trào xây dựng nông thôn mới, từng ngày đổi thịt thay da.

Những năm tháng hào hùng

Thanh Bình là một trong bảy xã vùng trên của huyện Chợ Gạo cách thành phố Mỹ Tho chỉ hơn 6km. Do có vị trí chiến lược khá quan trọng nên trong hai cuộc kháng chiến, Thanh Bình là nơi địch tập trung đánh phá ác liệt và tâm điểm của các cuộc hành quân. Những khi ta thực hiện các chiến dịch mở mảng chuyển vùng cho vùng yếu Chợ Gạo, Gò Công hay chuẩn bị tấn công vào thành phố Mỹ Tho, Thanh Bình là một trong những nơi để ta tập trung lực lượng, tấn công địch bằng cả 3 mũi giáp công.

Có những lúc địch tập trung lực lượng đánh phá (giai đoạn 1940-1943, 1953-1959, 1960-1971…), lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng nề, đảng viên chi bộ xã Thanh Bình dù chỉ còn 2-3 đồng chí trong khi bốn bề giặc lùng sục gắt gao nhưng lực lượng ta vẫn bám dân, được nhân dân nuôi giấu bảo vệ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chi bộ và nhân dân Thanh Bình với sức mạnh tổng hợp của ba cánh quân và ba mũi giáp công đã đánh 760 trận lớn nhỏ, làm chết và bị thương gần 1.800 tên địch (trong đó có 5 tên Mỹ), 7 lần giải phóng xã nhà. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thanh Bình là một trong những xã giải phóng sớm nhất huyện Chợ Gạo (20/1/1975) góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Nhớ lại những ngày tháng tư hào hùng cách đây 39 năm, ông Sáu Lắm, cán bộ thương binh ở ấp Trường Xuân A vẫn còn nhớ như in: Ngày 15/4, địch đưa quân chủ lực F.9 và D Bảo an 402 lăm le ở ranh xã Lương Hòa Lạc. Khu chúng vừa lấn vào xã Thanh Bình khoảng hơn 1 cây số đã bị lực lượng du kích của ta phối hợp D.2009 của tỉnh chận đánh diệt 25 tên, bắt sống 11 tên, thu 1 súng đại liên và nhiều loại vũ khí khác. Mấy ngày sau, chúng lại hậm hực tiến qua ranh xã liền bị ta chận đánh một trận quyết liệt nữa kéo dài 2 ngày liền. Không cầm cự nổi, cuối cùng địch bỏ súng tháo chạy và xã Thanh Bình giữ vững vùng giải phóng đến ngày vui chung của đất nước, ngày 30/4 hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước.

Truyền thống anh hùng của quân và dân Thanh Bình và dấu ấn ác liệt của những năm tháng chiến tranh vẫn còn thể hiện qua bảng thống kê các đối tượng chính sách. Toàn xã hiện có 245 liệt sĩ, 65 thương binh, 27 bà mẹ Việt Nam anh hùng (thống kê theo chuẩn cũ), 1 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 anh hùng công an nhân dân, 291 gia đình được công nhận có công với cách mạng. Chỉ bao nhiêu đó đã có thể thấy được sự hy sinh xương máu của các chiến sĩ và đồng bào cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ vô vàn to lớn cùng với tấm lòng son sắt, kiên trung theo ngọn cờ của Đảng.

Thanh Bình hôm nay

Dấu vết của chiến tranh đã đi qua, Thanh Bình đang hồi sinh mạnh mẽ phấn đấu trở thành một xã toàn diện theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Về Thanh Bình hôm nay chúng ta sẽ thấy những vườn thanh long chín đỏ dọc theo đường đi, len lỏi đến từng xóm ấp. Nếu trước đây, Thanh Bình nổi tiếng với cây nếp bè mang lại năng suất cao thì những năm gần đây, thanh long là cây trồng đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định người dân nơi đây. Nhiều hộ gia đình đã trở nên khấm khá, sung túc nhờ vào việc cải tạo vườn tạp và được đầu tư vốn để trồng cây thanh long. Hiện nay, bên cạnh trên 500ha trồng nếp bè, Thanh Bình đã có gần 300ha trồng thanh long, theo quy hoạch đến năm 2015 xã sẽ có 100ha đạt tiêu chuẩn globalGAP.

Bên cạnh nếp bè và cây thanh long, cây ngò gai và mô hình nuôi bò vỗ béo cũng đã giúp nhiều hộ gia đình ở Thanh Bình thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Những năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã lên đến 8%, chính sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế song song với việc áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật được xã chuyển giao đã tạo nên nét đặc sắc riêng góp phần tăng thu nhập ổn dịnh cho người dân. Tỉ lệ hộ nghèo của xã hiện nay chỉ còn 2,6%. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên dưới 22 triệu đồng/người/năm, xấp xỉ mức quy định theo chuẩn nông thôn mới.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Bình vui vẻ chia sẻ: Một trong những thành tựu lớn của xã trong thời gian qua đó là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hợp lý theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trên mặt trận này, Thanh Bình đã xây dựng được hệ thống điện - đường - trường - trạm khang trang góp phần làm thay đổi bộ mặt chung của xã và cũng như cuộc sống của nhân dân. Nhất là hệ thống thủy lợi nội đồng, với 11 tuyến kênh cấp 3 phục vụ đủ nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã năm 2013 đạt trên 77 tỷ đồng. Hệ thống giao thông đường bộ của xã hiện nay đã được nhựa hóa trên 90% và trong năm 2013, xã đã đạt chuẩn tiêu chí về y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến nay xã đã đạt 10/19 tiêu chí của chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Về Thanh Bình hôm nay, phải đi đến tận những nơi vùng sâu, vùng xa mới thấy hết được những đổi thay và cảm nhận đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi sâu vào cuộc sống của mỗi người. Nhưng để đánh giá sự phát triển của một địa phương, trước hết ta có thể nhìn thấy rõ ở cái chợ. Trước năm 2001, khu chợ tự phát của xã chỉ lèo tèo vài gian hàng buôn bán nhỏ lẻ thì đến nay chợ Thanh Bình đã được đầu tư xây dựng khang trang và phát triển khá sầm uất. Nằm ở trung tâm, ngay vị trí ngã năm rất thuận tiện cho việc buôn bán, trao đổi hàng hóa, chợ Thanh Bình hiện nay không chỉ phục vụ cho nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong xã mà của nhiều xã lân cận như: xã Đăng Hưng Phước, Lương Hòa Lạc, Tân Bình Thạnh và xã Long Trì (Châu Thành, Long An). Với hơn 100 gian hàng buôn bán, những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày không thiếu thứ gì. Hiện nay, xã đang có kế hoạch xây khu thương mại với diện tích trên 3.000m2 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự phát triển.

Có được như ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã không quên công lao của những người ngã xuống, hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc. Xã đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng trên 60 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 20 căn và xây dựng nhà quản trang với kinh phí trên 1,2 tỉ đồng để làm địa điểm tổ chức 2 lễ giỗ liệt sĩ hàng năm vào ngày 27-7 và ngày 27 tết… Nghĩa trang liệt sĩ của xã được tôn tạo khang trang, đẹp đẽ với hệ thống tường rào, cây xanh và xã đã thành lập Ban quản trang lo việc hương khói các anh hùng liệt sĩ mỗi ngày. Những dịp lễ, tết luôn có đông đảo chính quyền, đoàn thể và nhân dân đến thắp nhang thăm viếng. Trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát nhân dân đã về hưu nhưng ông luôn gắn bó với nhiều hoạt động lớn nhỏ của xã nhà, nhất là trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Từ ý tưởng và tâm huyết của ông, xã Thanh Bình cũng vừa thành lập Quỹ Chăm sóc Người cao tuổi. Ông đã đứng ra vận động và không ngần ngại bỏ thêm tiền túi vào nguồn quỹ, vì theo ông: "Đây chính là hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm đối với lớp người cao niên…”.

Song song đó, văn hóa văn nghệ cũng là một trong những hoạt động được xã đặc biệt quan tâm. Nhà Văn hóa xã Thanh Bình có diện tích sử dụng 420m2, nằm trong khuôn viên rộng trên 3.000m2 với tổng kinh phí xây dựng 1,3 tỷ đồng do gia đình Trung tướng Nguyễn Việt Thành đóng góp và vận động các mạnh thường quân kết hợp cùng với ngân sách UBND huyện Chợ Gạo hỗ trợ đã được khánh thành cuối năm 2008. Đây là nơi các Câu lạc bộ đờn ca tài tử, hát với nhau, đội văn nghệ tụ họp sinh hoạt với nhiều hoạt động sôi nổi và duy trì đều đặn mỗi tháng từ 1-2 lần. Nhà Văn hóa xã còn là nơi trưng bày các tư liệu hình ảnh về truyền thống đấu tranh hào hùng của cán bộ và nhân dân xã Thanh Bình qua thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, góp phần tích cực giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

39 năm sau ngày giải phóng, Thanh Bình hôm nay đã và đang trở thành một làng quê thanh bình, xinh đẹp như tên gọi của mình. Anh Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng từ những thành công ban đầu, cùng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà, Thanh Bình đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu trở thành thị tứ trong nay mai".

Mai Hương
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 62)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 102
  • Khách viếng thăm: 94
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 16587
  • Tháng hiện tại: 639524
  • Tổng lượt truy cập: 60989662