Chị Trần Thị Thanh Lan, khu phố 4, thị trấn Cái Bè khéo léo cán từng cái bánh phồng. |
BÁNH TRÁNG HẬU THÀNH TĂNG SẢN LƯỢNG
Về Hậu Thành những ngày này, đến đâu cũng thấy người dân tất bật tráng bánh, phơi bánh để kịp phục vụ dịp tết đến. Làng nghề truyền thống này hoạt động quanh năm nhưng vào dịp tết là “xôm tụ” nhất với 163 hộ dân theo nghề, thu hút 400 lao động.
Năm 2003, làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống và hiện tại thì chuẩn bị thành lập tổ hợp tác.
Ông Nguyễn Văn Cọp, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết: “Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành là làng nghề truyền thống nổi tiếng bởi độ dẻo dai và thơm ngon rất riêng biệt. Sản phẩm bánh tráng từ làng nghề nổi tiếng ngon từ xưa đến nay. Sản phẩm hoàn toàn không có phụ gia và làm thủ công nên giữ được hương vị truyền thống. Nhờ đó mà thị trường luôn rộng mở khắp các tỉnh trong vùng”.
Công việc tráng bánh thường là của người phụ nữ trong gia đình, còn trở bánh, phơi bánh là công việc của cánh đàn ông. Đến thăm hộ chú Trần Văn Dầm ở ấp Hậu Thuận khi chú đang tất bật phơi từng chiếc bánh tráng.
Chú Dầm cho biết: “Hàng ngày, vợ chồng chú bắt đầu công việc từ 1-2 giờ sáng đun bếp tráng bánh, đến hơn 12 giờ trưa thì nghỉ. Ngày thường gia đình sản xuất từ 20 - 30 kg gạo, những tháng giáp tết tăng lên từ 50 - 60 kg gạo. Mỗi kg gạo sẽ cho ra 1 kg bánh thành phẩm. Từ đầu tháng Chạp đến nay có nhiều thương lái đến đặt hàng với sản lượng lớn”.
Để kịp giao bánh cho thương lái, hầu như bếp nhà nào cũng đỏ lửa. Cô Võ Thị Lệ, ấp Hậu Hòa có 40 năm làm nghề tráng bánh tráng trắng và bánh tráng dừa. Được biết, cô Lệ có 3 người con đều gắn bó với nghề truyền thống này.
Vừa tráng từng chiếc bánh tròn trịa, cô Lệ vui vẻ: “Tết đến khách hàng đặt rất nhiều, phải huy động tất cả thành viên trong gia đình để làm suốt ngày. Để có được chiếc bánh đạt chuẩn thì phải chọn gạo ngon, xay bột thiệt nhuyễn, tẻ nước thiệt kỹ, người thợ tráng bánh phải khéo tay. Có như thế bánh làm ra mới mịn màng, tròn, dày, không bị lủng lỗ”.
Chú Trần Văn Dầm ở ấp Hậu Thuận, xã Hậu Thành gắn bó với nghề làm bánh tráng hơn 40 năm. |
LÀNG BÁNH PHỒNG HỐI HẢ ĐÓN TẾT
Cùng với bánh tét, dưa hấu, bánh tráng thì bánh phồng là một món ăn không thể thiếu trong gia đình người dân Nam bộ những ngày Tết. Cũng giống như làng nghề bánh tráng Hậu Thành, khi Tết Ất Mùi 2015 đang tới gần thì tại các cơ sở, hộ gia đình làm bánh phồng ở thị trấn Cái Bè cũng tất bật không kém.
Khác với bánh tráng phơi bằng vĩ đan từ lá dừa, thì bánh phồng được phơi bằng chiếu hoặc đệm. Hàng trăm chiếc bánh được phơi dưới nắng như một tấm thảm trắng tinh.
Chị Trần Thị Thanh Lan, khu phố 4, thị trấn Cái Bè khéo léo cán từng cái bánh hồ hởi: “Người dân ở đây bận rộn nhất là vào những tháng giáp tết vì phải tăng sản lượng gấp đôi ngày thường mới đáp ứng được nhu cầu”. Được biết, gia đình chị Lan nhận bột về nhà cán bánh thuê cho các cơ sở. Mỗi ngày chị Lan cán được 1.000 bánh.
Phơi bánh phồng. |
Bánh phồng là loại bánh có thể ăn sống hoặc nướng chín. Nói ăn sống chứ thật ra bánh đã chín, nhờ khoai mì đã được luộc trước đó. Khoai mì được bóc vỏ và luộc cho vừa chín tới rồi đem ra “quết”.
Vừa “quết” khoai mì vừa cho thêm nước cốt dừa, sữa và đường, tùy theo sở thích mà có thể thêm sầu riêng, “quết” cho đến khi bột mềm mịn. Sau đó là đến công đoạn ép và cán bánh đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.
Bánh tráng thành phẩm. |
Đến thăm cơ sở bánh phồng sữa Thanh Tuyến của anh Trần Phong Thanh ở khu phố 4, thị trấn Cái Bè, mới thấy hết được không khí hối hả, tất bật. Bánh phồng được phơi khắp sân, bên trong là máy cán bánh chạy liên tục, với hơn 10 lao động đang làm việc.
Anh Trần Phong Thanh chia sẻ: “Đến Tết công việc khẩn trương là vậy, vì nhu cầu tiêu thụ bánh phồng trong dịp tết khá cao. Ngày bình thường cơ sở của tôi làm khoảng 1 tấn khoai mì cho ra hơn 20.000 bánh thành phẩm. Đến Tết thì sản lượng tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi”. Dù có máy cán bánh, nhưng cơ sở của anh cũng phải giao bột cho các hộ gia đình xung quanh cán thủ công để kịp cung cấp bánh phồng cho thị trường.
Làm bánh tráng, bánh phồng vừa tạo nên không khí tết cổ truyền, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm, bởi vì cả xóm cùng làm. Không khí xuân đầm ấm đang đến rất gần ở các làng nghề.
làng nghề, tháng giáp tết, Tết Nguyên đán, sản xuất hàng hóa, huyện Cái Bè, bánh phồng
Ý kiến bạn đọc