Tản văn của một người đọc sách

Đăng lúc: Thứ tư - 26/12/2012 09:35
Trong một thế giới ngày càng bị xô lệch bởi internet và các phương tiện nghe nhìn, sự thất thế của sách thể hiện rõ ngay trên… các trang báo! Trong số hàng trăm đầu báo ngày, tuần, tháng trên cả nước, không quá nhiều tờ dành đất và dành sự chăm chút cho sách như Sài Gòn Tiếp Thị – một trong hiếm hoi báo có mục điểm sách nghiêm túc và đầy đặn. Người chủ lực đằng sau nỗ lực đáng quý ấy là tác giả của tập tản văn ta đang cầm trên tay – Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Gần như đều đặn hàng tuần, ta đều thấy Nguyễn Vĩnh Nguyên xông pha giữa thế giới sách: khi là vài mẩu tin sách, khi là bài phỏng vấn một tác giả hay dịch giả của một cuốn sách mới ra lò. Nhưng thường hơn cả là các bài điểm sách – rất nhiều trong số đó là bài viết về các cuốn sách nặng ký cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như Vũ trụ của Carl Sagan, Đường sống của Lev Tolstoy hay Adolf Hitler – Chân dung một trùm phát xít của John Toland. Để viết từng ấy bài điểm sách, hẳn nhiên Nguyễn Vĩnh Nguyên đã đọc rất nhiều, trải rộng qua nhiều lĩnh vực văn học, văn hoá, lịch sử, địa lý v.v.

Vì sao lại nói tới một vai trò khác của Nguyên trong lời giới thiệu tập tản văn này? Là vì, cầm tập sách này trên tay – nói chính xác là tiếp xúc với bản thảo của tập sách này trên máy tính – và đọc qua, ấn tượng đầu tiên của người viết bài này là, đây là văn của một người đọc sách rất nhiều – và là dạng đọc có gạch chân, bôi vàng, ghi chú, chứ không phải đọc qua loa. Trong 25 bài tản văn trong tập, gần như bài nào Nguyên cũng trích dẫn một cuốn sách nào đó – cho dù đó là khi Nguyên khảo sát cái “tư duy mặt bằng” của người Việt, hay khi anh bình luận truyền thống càphê quán cóc của dân Sài thành, hay làm một cuộc trò chuyện trên yên xe máy. Các trích dẫn ấy, với một liều lượng vừa phải: không quá nhiều đến nỗi làm bạn đọc hoa mắt, không quá ít để có thể bị rơi vào cảnh vô tình mượn ý người khác, đã mang đến cho tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên một chút riêng. Chút riêng ấy, thiết nghĩ, là điều quan trọng, nhất là trong thời đại mà hầu như ai cũng có thể viết “tản văn” dưới dạng note trên Facebook hoặc entry trên blog.

Với cái nền đọc vững vàng đó, Nguyễn Vĩnh Nguyên, qua các bài viết trong tập này, đã làm một cuộc khảo sát đời sống văn hoá Việt hiện đại với nhiều phát hiện khá thú vị. Ở quán karaoke, Nguyên nhìn thấy người ta ghé sát vào tai nhau để nói chuyện vì âm lượng quá to cũng là một cách để hoá giải mâu thuẫn (bài Karaoke, văn và cảnh). Lý giải cho “nhạc chế”, Nguyên lần ngược về những ngày đầu tân nhạc và trích dẫn bài Bài ta theo điệu Tây của Phạm Duy để chứng minh rằng “nhạc chế” ngày nay, ví dụ bài rất nổi tiếng Hà Nội mùa này phố cũng như sông nhại theo Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa là có truyền thống! Hay ở một bài khác, Người Việt ngậm tăm, Nguyên dẫn cả Xa lộ từ điển trên mạng lẫn Freud để truy tận gốc thói quen ngậm tăm của người Việt.

Chỗ này chỗ khác, người đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với Nguyễn Vĩnh Nguyên trong cách anh lý giải, luận bàn văn hoá Việt của thời hiện đại. Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn rằng, những bài viết trong tập sách này sẽ mang lại cho người đọc những giây phút thú vị.

 

Mình nói gì khi mình nói

Im lặng là thứ rất thiếu. Quen sống với sự thiếu thốn im lặng, riết hồi cái giá trị của im lặng cũng bị bỏ qua. Bạn đến đây và có nhu cầu chia sẻ với tôi về điều đó.

Bạn vừa đến từ một xứ sở kia, đầy những chuyện lạ lẫm, có người gọi là Xứ Sở Lạ Lùng. Ở đó, con người đầy rẫy phát ngôn. Mỗi người có một sức khoẻ phi thường để nói thao thao bất tuyệt khắp mọi nơi, từ ngoài vỉa hè đến các cuộc họp, từ trên công trường đến nhà Quốc hội. Nói, vô cùng nhiều, vô cùng bạo liệt và hùng hồn, vô cùng rỉ rả. Nói đến mức, những tiếng nói mất hết cả giá trị. Nói chỉ để mà nói. Ở đó, con người chết chìm trong những cuộc họp. Và dường như việc nói như thế vẫn chưa đủ, người ta tìm cách gia tăng những dịp tập trung đề nói. Nhu cầu hội hè và họp hành (gọi tắt là hội họp) không ngừng tăng lên. Rồi trong các cuộc đông vui hội họp ấy, ai cũng thấy mình là nạn nhân và đồng thời, là tội nhân, ai cũng là người nói và bị nghe, rồi tất cả đều sở hữu một thực tế duy nhất: đó là một thực tế không thay đổi…

Ở xứ sở bung xung của bạn, sự im lặng bắt đầu trở thành kẻ thù. Nó trở thành phương thuốc lợi hại của nhà chức trách trước sức ép của tiếng nói, tiếng ồn khuếch đại mà đám đông tạo ra. Im lặng chính là thành trì cuối cùng để quan chức trú ẩn. Im lặng lúc này trở nên khó hiểu vô cùng. Và nó không còn bộ mặt sáng sủa của nó. Nó là một hành vi che giấu những sự thật phũ phàng nhất mãi mãi không được phơi bày…”

(Trích “Mình nói chuyện gì khi mình nói” trong tập tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Lao Động, 12. 2012. Đặt mua sách: imone@alphabooks.vn, giá 69.000đ)

 

 

Lâm Vũ Thao
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 224
  • Khách viếng thăm: 223
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 24729
  • Tháng hiện tại: 2524115
  • Tổng lượt truy cập: 48898242