Cho đến một ngày sau, N. vẫn bị ám ảnh vì điều mình trông thấy. Nó khiến anh đau lòng! Chỉ vì một nghìn đồng, một người già dám liều mạng. Một nghìn đồng ấy mua được gì? Chẳng mua được gì cả. Phải ba lần ấy mới mua được một cái bánh mì hạng bét bán trên hè phố. Ông ấy liều là vì đói, vì quá nghèo. Trời ạ, nghèo đến mức nào mà phải liều thế?
|
Ngồi vỉa hè cùng N., một ông bạn hay chuyện vãn bảo sự liều hiện nay là rất khó kiểm soát. Đấy là anh ta vừa đọc tin kẻ cướp lao vào chặt tay người ta để cướp điện thoại iphone, té ra chỉ là iphone rởm, giá đâu chỉ 600 nghìn. Riêng việc vài ngày lại nghe một vụ chặt tay để cướp, là thấy tình hình an ninh xã hội rất đáng lo. Thế có nghĩa là một bộ phận trong xã hội đang làm liều. Mà không biết trong những cái liều ấy có bao nhiêu phần trăm do bấn quá hóa liều? Báo chí nói rằng nếu tính theo chuẩn nghèo mới của Việt Nam (1,61USD cho khu vực thành thị và 1,29USD cho khu vực nông thôn) thì tỷ lệ nghèo trên toàn quốc là 20,7%. Còn nếu so với chuẩn của quốc tế 2 đô-la Mỹ một ngày (tính theo PPP) thì có hơn 40% người Việt Nam nằm dưới mức nghèo. Một bản phân tích của Viện Brookings năm 2011 cho rằng 70,4% người Việt Nam sống dưới mức 5 đôla Mỹ một ngày… Tức là còn nhiều người dễ rơi vào cảnh bấn quá…?
Thôi, ông đừng ủ ê tính toán kiểu ấy! Bạn vỉa hè của N. bảo, tư duy tích cực đi. Một ông già lao vào mũi xe ô tô nhặt một nghìn đồng, ông nên thấy hai điều như sau: Một: dân mình vẫn còn người dũng cảm cực kỳ; Hai: đồng một nghìn đồng nước mình vẫn có giá trị… Nghĩ thế đi rồi làm chén trà ngon, điếu thuốc lào thật đậm, rồi vào cơ quan mơ thưởng Tết, chẳng hơn ngồi đây u ám mặt mày.
Đấy là một lời khuyên chí lý, và N. lập tức làm theo. Chỉ có điều, từ lúc ấy, N. nhận ra mình bắt đầu để ý đến những tờ một nghìn rơi ngoài đường. Mới là để ý thôi, chưa đến mức lao trước mũi ô-tô mà nhặt…
Ý kiến bạn đọc