Tiền Giang: Nghề khai thác thủy sản - còn nhiều thách thức

Đăng lúc: Thứ tư - 26/05/2010 09:46
Hoạt động khai thác Thủy sản trên biển

Hoạt động khai thác Thủy sản trên biển

Những thách thức từ giá nhiên liệu tăng cao, chất lượng tàu thuyền khai thác xuống cấp, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt đã khiến cho ngành thủy sản đứng trước áp lực buộc phải thay đổi để tồn tại. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm kiếm mô hình cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững, hướng chuyển đổi, giảm tàu thuyền công suất nhỏ mà không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Nhiều thách thức trong khai thác thủy sản ở Tiền Giang

Tính đến cuối năm 2009, toàn tỉnh Tiền Giang có 1.449 chiếc tàu lớn nhỏ với tổng công suất máy là 258.555 mã lực. Trong đó, số tàu hoạt động xa bờ là 823 chiếc với cơ cấu nghề khai thác đa dạng, cụ thể là toàn tỉnh có 123 chiếc lưới đèn, 425 chiếc cào khơi, 77 chiếc chong đèn, 73 chiếc câu mực, 42 chiếc lưới rê và 83 chiếc làm nghề khác. Ngư trường khai thác tại khu vực 6-8 độ vĩ bắc, từ 106-108 độ kinh đông. Số tàu hoạt động ven bờ là 626 chiếc gồm các loài nghề như cào ven bờ, câu mực, te, đóng đáy, rê bờ, nghề khác. Ngư trường hoạt động ven biển Vũng Tàu và các cửa sông.

Mặc dù phát triển nhanh chóng nhưng nghề khai thác hải sản Tiền Giang vẫn còn mang nặng tính chất của nghề cá quy mô nhỏ. Các tàu công suất máy nhỏ hơn 90 CV chiếm tới hơn 43% tổng số tàu, 38% tổng số lao động hoạt động chủ yếu ở ven bờ. Hầu hết các tàu đánh cá đều được đóng bằng gỗ, các máy tàu được sử dụng phần lớn là máy cũ hoặc dùng các máy ôtô vận tải hạng nặng đã cũ để lắp đặt.

Kết quả điều tra các tàu khai thác hải sản xa bờ cho thấy, số tàu lắp máy cũ chiếm tới 88,58% tổng số tàu khai thác xa bờ, trang thiết bị khai thác chưa đầy đủ nên hạn chế hiệu quả khai thác. Mặc dù, trên địa bàn tỉnh có tới 25 cơ sở đóng tàu có khả năng đóng mới 160 chiếc/năm và sửa chữa 300 chiếc/năm nhưng lại rất thiếu những nhà máy đóng tàu hiện đại để đóng tàu cá bằng vật liệu kim loại hoặc các loại vật liệu mới. Chưa kể, hầu hết các ngư cụ vẫn đang phải nhập khẩu do các cơ sở sản xuất trong nước không đáp ứng được về số lượng cũng như chất lượng.

Một hạn chế khác được đánh giá là cản trở cho quá trình chuyển đổi của ngành thuỷ sản là hạn chế về trình độ nhân lực. Theo thống kê, số lượng lao động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh tăng từ 7.241 người (năm 2001) lên khoảng gần 12.774 người (năm 2009), bình quân mỗi năm tăng khoảng 691 người, nhưng học vấn của ngư dân thấp, với 68% chưa tốt nghiệp tiểu học, hơn 20% tốt nghiệp tiểu học, khoảng gần 10% có trình độ trung học cơ sở và 0,65% có bằng ở các trường dạy nghề hoặc đại học. Với trình độ học vấn thấp, ngư dân gặp khó khăn trong việc tiếp thu kỹ thuật mới, nhất là kỹ thuật khai thác xa bờ. Hệ quả tất yếu là dù sản lượng khai thác hải sản liên tục tăng nhưng chất lượng sản phẩm khai thác được thường có kích thước nhỏ, có chất lượng thấp, cá tạp chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá vừa nhỏ bé, vừa manh mún khi trên địa bàn tỉnh chỉ có 02 cảng cá, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ ngành khai thác. Mạng lưới chợ cá còn ở trạng thái đang phát triển, hình thức bán đấu giá ở các chợ cá chưa hình thành. Việc mua bán, tiêu thụ cá ở các chợ cá phần lớn do các tư thương đảm nhiệm, nên hiện tượng "trúng mùa rớt giá" vẫn còn xảy ra.

Trữ lượng và chất lượng thủy sản khai thác giảm

Từ năm 2004-2009, tổng trữ lượng khai thác thủy, hải sản của nước ta đạt khoảng 4 triệu tấn. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là hiện nay tại những vùng ven bờ đã và đang bị tận dụng khai thác quá mức, làm cho nguồn lợi thủy sản có nguy cơ bị cạn kiệt. Cả nước với 84% số lượng tàu thuyền lắp máy có công suất dưới 90CV và thuyền thủ công hoạt động chủ yếu ở vùng nước ven bờ đã gây sức ép quá lớn cho nguồn lợi thủy sản ven bờ, làm tăng nguy cơ cạn kiệt. Vì nhiều lý do mà  trong thời gian qua, lượng tàu phát triển thường là tự phát, không theo định hướng quy hoạch phát triển biển và số lượng tàu cá có công suất nhỏ vẫn tăng bình quân 2.300 chiếc/năm, số lượng ngư dân trực tiếp khai thác hải sản tăng bình quân 23.155 người/năm. Điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh trong khai thác ven bờ với cường độ cao, ráo riết hơn. Vì cuộc sống trước mắt, nhóm ngư dân này dùng mọi biện pháp để đánh bắt như giảm kích thước mắt lưới, tăng cường độ khai thác hoặc dùng những biện pháp khai thác mang tính hủy diệt, như sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện... Sự suy giảm nguồn lợi cá đã ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến hiệu quả đánh bắt của các loại nghề khai thác hải sản. Tỷ lệ cá tạp, cá con trong các mẻ lưới ngày càng cao, chiếm 40-95% sản lượng đánh bắt, tùy theo loại ngành nghề khai thác, kéo theo doanh thu các hoạt động khai thác có xu hướng thấp dần.

Sự mất cân đối giữa năng lực khai thác và khả năng hiện có của nguồn lợi vùng ven bờ ngày càng tăng, dẫn đến nguồn lợi ven bờ bị giảm dần, hiệu quả kinh tế của hoạt động khai thác vùng biển ven bờ ngày càng thấp. Trong khi đó, giá nhiên liệu và những chi phí đầu vào cho khai thác tăng không ngừng, đang gây ra những khó khăn lớn cho ngành khai thác hải sản. Hiệu quả kinh tế của các hoạt động khai thác đang giảm dần nên các tàu cá buộc phải tận thu sản phẩm, từ đó dẫn đến giảm sút nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng

Và những giải pháp...

Tàu cá Tiền Giang đang khai thác thủy sản trên biển

Trước những khó khăn của ngành khai thác thủy sản, để nghề khai thác hải sản ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung phát triển bền vững thì các mô hình quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng là giải pháp quan trọng hàng đầu để tổ chức lại hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản đặc biệt ở vùng biển gần bờ.

Hiện nay, các nước trong khu vực Đông Nam Á, mặc dù có sự khác nhau về mặt địa lý, nguồn lợi hải sản, các điều kiện kinh tế xã hội, nhưng các nước này đều phải đối mặt với những vấn đề bức xúc như nhau trong quá trình phát triển nghề cá. Để phát triển bền vững và quản lý tốt nghề cá, các nước này đã đề ra các biện pháp quản lý chủ yếu như: xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan để hạn chế số lượng tàu thuyền tham gia vào khai thác và quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá, đưa ra những quy định đánh bắt cụ thể ở mỗi vùng biển liên quan đến hạn mức, phương pháp khai thác cũng như mùa, vùng đánh bắt... đặc biệt là phát triển mạnh hoạt động quản lý nghề cá ven bờ dựa vào cộng đồng. Đây là những kinh nghiệm quản lý rất phù hợp với ngành thủy sản Việt Nam do đặc thù hệ thống ngư trường trải rộng, số lượng tàu thuyền lớn và có tới hơn 20% chưa đăng ký, trong khi số lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản còn khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, để có thể triển khai được mô hình này, trước mắt ngành thủy sản cần cải thiện mạng lưới số liệu thống kê, nhân rộng mô hình hợp tác xã trong khai thác, tiêu thụ hải sản, từ đó tạo ra cơ cấu nghề khai thác thủy sản hợp lý, thân thiện với môi trường bằng cách như chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, từ những nghề gây tổn hại lớn đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản sang nghề ít gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của chúng hoặc những nghề khác ngoài khai thác thủy sản; chuyển đổi nghề sử dụng nhiều nhiên liệu trong khai thác hải sản sang những nghề ít tiêu hao nhiên liệu hơn. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải nhanh chóng ban hành và kiện toàn khả năng giám sát việc thực thi các quy định cụ thể liên quan đến hoạt động khai thác hải sản nói chung, đặc biệt ở vùng ven bờ thông qua các mô hình mạnh, có quy mô cộng đồng về quản lý, khai thác, tiêu thụ các sản phẩm cho ngư dân.

Trí Quang
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 217
  • Hôm nay: 15767
  • Tháng hiện tại: 2460657
  • Tổng lượt truy cập: 48834784