Đoàn Xiếc - Ảo thuật Sông Hương: Một mô hình xã hội hóa hiệu quả

Đăng lúc: Thứ ba - 27/03/2012 15:09
Một tiết mục do nghệ sĩ Phi Hùng biểu diễn.

Một tiết mục do nghệ sĩ Phi Hùng biểu diễn.

Từ một cậu bé đam mê ảo thuật, Hoàng Phi Hùng đã quyết tâm theo học nghề. Sau nhiều năm đi lưu diễn khắp nơi, anh trở về quê nhà, quy tụ anh em yêu ảo thuật để thành lập Đoàn Xiếc - Ảo thuật hoàn toàn xã hội hóa. Gần 16 năm qua, Đoàn Xiếc - Ảo thuật của anh đi diễn khắp nơi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Từ cậu bé đam mê ảo thuật

Trong những lần các đoàn tạp kỷ về Long Bình (Gò Công Tây) biểu diễn, cậu bé 10 tuổi Hoàng Phi Hùng (tên thật Huỳnh Phi Hùng) thường xin mẹ cho đi xem hát. Từ đó, những tiết mục ảo thuật đầy biến ảo trên sân khấu cứ hút hồn cậu bé. Cậu hay tự hỏi tại sao từ một chiếc khăn voan người ta có thể biến hóa ra chim bồ câu, tại sao có thể cắt đứt người làm ba khúc? Những câu hỏi ấy chẳng ai có thể trả lời thấu đáo, càng khiến Hùng thêm tò mò. Để thỏa lòng đam mê và tò mò về bộ môn ảo thuật, năm 13 tuổi, Phi Hùng xin gia đình cho đi theo đoàn xiếc - ảo thuật để học nghề.

Lúc mới vào đoàn, cậu bé Phi Hùng chỉ được giao làm những việc lặt vặt phía sau hậu đài. Nhờ siêng năng, ham học hỏi nên dần dần Phi Hùng được các nghệ sĩ ảo thuật cho lên sân khẩu để phụ diễn. Phát hiện Phi Hùng có tố chất của một nghệ sĩ ảo thuật, lại thông minh, chịu khó nên được thầy nhận làm học trò để truyền nghề. Không bao lâu sau, Hùng đã học được hết những "bí quyết" của nghề ảo thuật.

Từ vai trò của một người phụ diễn, Phi Hùng đã nhanh chóng trở thành nghệ sĩ ảo thuật chính, lưu diễn khắp các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam bộ. Không chỉ dừng lại ở những tiết mục của thầy dạy, anh còn sáng tạo thêm nhiều tiết mục khác như tàng hình, độn thổ, biến người, máy cưa người,... Đến nay, anh có thể diễn được hàng chục tiết mục khác nhau, trong đó có nhiều tiết mục công phu, phức tạp đòi hỏi phải có kỹ thuật, tay nghề cao, do anh tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo.

Thấy nghề diễn ảo thuật không có tương lai, cha mẹ Phi Hùng kêu anh về quê để lập nghiệp. Thương cha mẹ tuổi cao, sức yếu, Phi Hùng về quê để chăm sóc cha mẹ và lo canh tác thửa ruộng của gia đình cho cha mẹ vui trong những năm cuối đời. Một thời gian sau, anh cưới cô gái ở cùng quê. Anh Hùng lo chăm sóc 1 ha ruộng, còn vợ buôn bán nhỏ để kiếm sống. Cuộc sống cứ ngỡ sẽ êm đêm trôi qua cùng với việc đồng áng. Nhưng rồi trong một lần tình cờ, bạn bè diễn ảo thuật chung với anh ngày xưa đến thăm bạn cũ. Thấy Phi Hùng là nghệ sĩ có nghề, nếu bỏ nghiệp diễn thì rất uổng phí, nên họ rủ anh đi diễn lại.

Đến thành lập Đoàn Xiếc - Ảo thuật

Khi quay lại với nghề diễn, Phi Hùng thấy ảo thuật còn khán giả nên người nghệ sĩ có thể sống được với nghề. Chính vì vậy, anh bàn với vợ thành lập Câu lạc bộ Xiếc - Ảo thuật Hoàng Phi Hùng để đi biểu diễn kiếm sống. Đó là thời điểm cuối năm 1996. Nghệ sĩ Sông Hương nhớ lại: Lúc đó vợ chồng không có tiền. Để có kinh phí đầu tư sân khấu, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ..., vợ chồng chị làm liều kêu bán 5 công ruộng, vay thêm ngân hàng và bạn bè mới đủ tiền thành lập câu lạc bộ (CLB). Có tiền, anh Hùng bắt tay vào mua sắm các trang thiết bị và đặt làm đạo cụ. Cùng lúc đó, anh gấp rút truyền nghề cho chị Sông Hương và 2 cô em vợ là Thu Hồng và Thu Hà (một người múa lửa, một người ảo thuật); đồng thời quy tụ một số anh em nhạc công, lực lượng hậu đài... để chuẩn bị đi diễn phục vụ công chúng.

Khi đã chuẩn bị đủ lực lượng, CLB Xiếc - Ảo thuật Hoàng Phi Hùng bắt đầu đi lưu diễn phục vụ công chúng. Giai đoạn đầu, do thiếu đạo cụ nên CLB chỉ xây dựng chương trình biểu diễn trong 45 phút, trong đó anh Hùng diễn chính. CLB đi lưu diễn khắp các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, chỉ nghỉ vào những đêm trời mưa. Rạp xiếc - ảo thuật của CLB chỉ có sức chứa khoảng 300 người, trong khi đó khán giả đến xem rất đông. Chính vì vậy, hàng đêm CLB phải diễn từ 3 đến 4 suất. Chị Sông Hương cho biết, từ ngày thành lập CLB đến nay, anh em nghệ sĩ chưa năm nào được ăn Tết ở quê nhà, vì phải đi diễn phục vụ khán giả.

Khi có doanh thu, anh Hùng tiếp tục đầu tư thêm đạo cụ để diễn được nhiều tiết mục hơn. Phát hiện trong CLB ai có tố chất, anh truyền nghề để họ cùng tham gia diễn. Con gái đầu lòng của anh (Thúy Hân) mới 4 tuổi cũng tập tành diễn một số tiết mục ảo thuật do cha dạy. Một số thành viên trong CLB có chất giọng tốt, anh đào tạo để họ hát tân nhạc và ca cổ để chương trình thêm phong phú. Chương trình biểu diễn từ 45 phút dần dần tăng lên 1 giờ, sau đó tăng lên 1 giờ 15 phút. Đến năm 2001, từ CLB, anh nâng lên thành Đoàn Xiếc - Ảo thuật Sông Hương, do nghệ sĩ Sông Hương làm Trưởng đoàn.

Hiện nay, mỗi chương trình biểu diễn của đoàn có thời lượng 1 giờ 30 phút, với khoảng 20 tiết mục ảo thuật, múa lửa và 8 tiết mục ca nhạc và ca cổ. Trong những ngày này, Đoàn đang có lịch diễn ở TP. Cần Thơ. Đây là Đoàn Xiếc - Ảo thuật xã hội hóa, nhưng hoạt động mang tính chuyên nghiệp, nhờ lịch diễn khá đều nên hơn 20 anh em nghệ sĩ, nhân viên của đoàn đã được sống với nghề, được cống hiến tài năng của mình cho công chúng yêu thích môn nghệ thuật ảo thuật.

Nguyên Võ
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 206
  • Khách viếng thăm: 199
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 51743
  • Tháng hiện tại: 2551129
  • Tổng lượt truy cập: 48925256