Bác sĩ Phạm Thị Kim Loan: Tận tâm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Đăng lúc: Thứ năm - 13/03/2014 14:32
Sau khóa học Y sĩ Đa khoa tại Trường Trung học Y tế Tiền Giang, năm 1986 chị Phạm Thị Kim Loan về công tác tại Trạm Y tế xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông. Với những kiến thức học được ở trường, cộng với việc siêng năng học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước, chị luôn là người tâm huyết với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không dừng ở đó, chị luôn có suy nghĩ, bản thân cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, để có điều kiện phục vụ tốt hơn nhu cầu khám và điều trị bệnh của người dân. Vì vậy, năm 2001 chị sắp xếp công việc gia đình tiếp tục học chuyên tu bác sĩ đa khoa tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Y tế TP. Hồ Chí Minh. Năm 2006, tốt nghiệp bác sĩ, chị trở về tiếp tục công tác tại Trạm Y tế xã Tân Đông.

Năm 2011, Bác sĩ Loan được điều về làm Trưởng trạm Y tế xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) đến nay. Về đơn vị mới đảm nhận vai trò lãnh đạo, quản lý hoạt động của Trạm, buổi đầu chị gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Do đơn vị ít người, nhiều việc, vừa làm công tác quản lý và khám chữa bệnh, chị còn tham gia các công tác: Chăm sóc người cao tuổi, y tế học đường, hỗ trợ, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh ở trong xã...

Tuy nhiên, do biết sắp xếp công việc hợp lý, chị quản lý, điều hành công tác trôi chảy, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết từng tuần, tháng, quý; linh hoạt xử lý tình huống trong việc cấp cứu và chăm sóc bệnh nhân. Phân công đúng người, đúng việc, tạo sự đoàn kết trong nội bộ, được đồng nghiệp quý mến. Bên cạnh đó, từ kinh phí hoạt động của trạm, chị thực hiện tiết kiệm để mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị hư.

Vì vậy cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã Gia Thuận đã phần nào được củng cố, chất lượng khám, chữa bệnh ngày được nâng cao; người dân đến khám bệnh từ 2.400 lượt người năm 2010 tăng lên 9.900 lượt người trong năm 2013.

Với nhiệm vụ chính là phòng bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chị không ngại cực khổ, thường xuyên đến tận nhà dân trong ấp để giám sát và nắm bắt kịp thời các thông tin bệnh dịch hoặc tổ chức tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, khống chế dịch không lây lan rộng, vì thế trong nhiều năm liền tình hình dịch bệnh ở xã Gia Thuận, nhất là bệnh sốt xuất huyết đã giảm hẳn so với các đơn vị khác trong huyện.

Nhiều bà con nơi đây cho biết: Bác sĩ Loan là người thầy thuốc nhiệt tình, năng nổ và giàu lòng nhân ái; khám và điều trị bệnh thì tận tình, chu đáo, coi bệnh nhân như người thân trong gia đình. Họ quen thuộc với hình ảnh bác sĩ Loan đến tận ấp khám bệnh, cấp thuốc cho những người lớn tuổi, già yếu, đi đứng khó khăn, không thể ra trạm y tế. Lúc đầu chị chọn 1 ấp thực hiện thí điểm, sau đó nhân rộng mô hình ra toàn xã về phòng, chống bệnh tăng huyết áp, góp phần giảm chi phí cho gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia đình chị ở Ấp Gò Tre, xã Long Thuận, TX. Gò Công. Dù kinh tế gia đình còn lắm khó khăn, chồng chị bị mất sức lao động, một mình chị vừa lo cuộc sống gia đình và nuôi 2 con ăn học (1 đang học đại học năm cuối và 1 đang học lớp 11). Dù mệt, áp lực công việc căng thẳng nhưng BS. Phạm Thị Kim Loan luôn hòa nhã, ân cần với bệnh nhân. Chị được UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ năm 1990 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp, xây dựng Công đoàn vững mạnh…

Lê Hằng
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 195
  • Khách viếng thăm: 188
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 2674
  • Tháng hiện tại: 2618413
  • Tổng lượt truy cập: 48992540