Quay cuồng giữa Sydney

Đăng lúc: Thứ ba - 19/06/2012 15:00
Minh họa: Lê Hồng Thái

Minh họa: Lê Hồng Thái

Căn phòng tôi vừa tìm được nhìn ra khu chợ cá, buổi sáng tiếng mua bán của thương lái vẳng những thanh âm đổi chác. Lúc đầu, nghe chói tai, dần dà cũng quen với những tiếng  trả giá, dè bĩu, chê bai những con cá không được tươi xanh như thế nào. Sáng nào không nghe chợt thấy nhớ. Tôi cố tình đặt chiếc bàn học nằm về phía mặt trời mọc, có thể ngồi ngắm mặt trời vươn vai chào buổi sáng, nghe những thanh âm từ chợ cá, hòa với ánh nắng ấm áp buổi sớm mai. Khi chiều tà chợ vãn, mặt trời chào tạm biệt là lúc dãy nắng vàng rút khỏi dây sào phơi áo đi về phía cuối chân trời. Khung cảnh trở nên yên ắng lẽ ra tôi có thể viết tiểu luận thật tốt. Nhưng tôi còn phải đối mặt với một vấn đề hóc búa: đó là các khoản chi phí phải thanh toán đến chóng mặt.

Tôi còn nhớ như in khuôn mặt của mợ tôi khi ngồi ăn cùng gia đình cậu bữa tối. Mợ mang một tảng đá treo dưới cằm, lúc cười lúc nói luôn kèm theo những cây gai quýt nhọn. Những đêm tối, nằm một mình trên chiếc giường tầng tôi đã cố nghĩ ra một cách nào đó nói với cậu cho tôi dọn ra khỏi nhà cậu. Cảm giác “dây tằm gửi” làm tôi khó thể an lòng, tập trung cho việc học. Rồi một hôm, tôi quyết định thu dọn mọi thứ ra đi rồi gọi cho cậu báo tin và van cậu giấu kín chuyện này đừng nói với mẹ tôi. Cậu giận đùng đùng, nhưng sau đó nghe tôi phân trần, cậu nguôi ngoai và hứa sẽ giữ kín chuyện này. Tôi yêu cậu, và quý mợ. Trong trường hợp này mợ tôi cũng có cái lý riêng. Cậu đã giúp tôi thủ tục sang đây du học, các khoản phí ban đầu cậu cũng tài trợ, tôi phải tự lực cánh sinh trong giai đoạn tiếp theo mới phải.

Tôi đặt chiếc laptop lên bàn nhìn hướng ra cảnh biển, mặt trời đã lặn. Chợ cá đã vãn tiếng người thu mua. Tôi mở  hộp thư và gửi mail cho bạn bè nhờ giúp tìm việc.

Email gửi cho Aussie, Hellen, Long Nguyễn

Chào các bạn. Mình đã sang đây được hơn 5 tháng. Hiện tại, mình không còn ở đậu nhà cậu, mà đã dọn ra ngoài, thuê chung phòng với một người bạn cùng khóa, gần chợ cá. Mình giấu gia đình ở Việt Nam, đang tự xoay xở mọi thứ. Các bạn có việc làm parttime vui lòng liên hệ qua hộp mail của mình. Mong chờ tin  các bạn. Chúc sức khỏe và vui vẻ dịp cuối tuần.

                                           Sinh.

Sau khi nhấn send hộp mail báo “xong”, tôi nằm ưỡn người ra dưới lớp thảm ngai ngái. Khịt khịt vài cái rồi một tràng át - xì  kéo dài. Trời ạ, cái thảm hôi kinh khủng, chắc là mấy chục thế kỷ chưa có hút bụi đây. Tôi ngồi bật dậy, chợt nhớ mùi thơm của hương cúc, hương lài, hương ngọc lan…, trong nước lau sàn của mẹ ở quê nhà. Lần nào lau nhà mẹ cũng đứng ở phòng khách nói vọng lên thật lớn: “Mẹ lau nhà cấm đứa nào chạy xuống nhe”. Tiếng “dạ” ngọt lịm của tôi vọng từ lầu 1 lọt xuống. Tôi không cần chạy xuống cũng mường tượng ra cảnh mẹ đang đẩy cây lau nhà, miệng tủm tỉm cười thằng
con ngoan.

Từ ngày sang cái xứ lạnh giá này, cái cây lau nhà hình thù thế nào tôi cũng không biết nữa. Chỉ nghe tiếng máy hút bụi công nghiệp chạy eng eng suốt mấy giờ đồng hồ là nhà sạch tinh tươm. Nền nhà lót những tấm thảm dệt hoa văn cầu kỳ và lạ mắt, và không khí nhà sau khi được máy hút bụi làm sạch thì tẩm ướp hương liệu cũng công nghiệp nốt. Toàn những loài hoa châu Âu như Tulip, Oải hương, Diên vĩ…, nghe xa lạ và không gợi chút dư vị quê nhà.

Tiếng bước chân lách cách dưới nhà, anh Hùng – bạn chung phòng xuất hiện cùng cô bạn gái. Cả hai nhìn tôi “hi” một cách xã giao. Tôi cũng “hi” lại theo phép lịch sự. Ngay lập tức cả hai chui lên căn phòng gỗ đóng cửa lại. Những thanh âm kỳ lạ làm căn gác gỗ run bần bật. Tôi khoác vội chiếc áo lông, vụt ra
khỏi nhà.

Tôi đi dọc theo dãy phố, người dân ở đây khá thân thiện, họ dễ dàng trao nhau nụ cười dẫu quen, dẫu lạ nhất là các cụ ông và cụ bà. Những gương mặt không quen đó, gần cạnh bên đó sao không làm lòng tôi bớt trống trải. Đất nước mười mấy triệu dân đang nồng hậu với tôi sao lòng tôi vẫn âm độ? Hay là vì nỗi hoài hương luôn ăm ắp trong lòng?

Đi một đoạn khá xa, chợt nhận ra mình đang lọt thỏm giữa những tán cây đậu, bên trên những chú két màu sắc sặc sỡ bay lượn. Tôi dừng lại nhìn ngắm những bộ lông vũ óng ánh và thèm khát sự tự do của chúng. Cạnh đó, bọn trẻ con đang cho lũ bồ câu ăn bánh vụn, từng đàn bồ câu sà xuống đớp những mẩu bánh rải khắp mặt đường, bọn trẻ cười vang khoái chí. Mẹ của một bé đội nón lông cừu mang thêm bánh vụn đưa cho bé, bé nói giọng lơ lớ “Cảm ơn mommy” . Mắt tôi sáng như bắt được vàng, khi nghe giọng nói tiếng Việt của cậu bé. Tôi mon men tới gần người mẹ để bắt chuyện. Với nụ cười trên môi tôi gật đầu chào chị. Chị chào lại tôi và hỏi. “Bạn là người châu Á phải không?”. “Dạ, em là người Việt Nam”. Mắt chị lộ vẻ hân hoan và chị chuyển ngay sang tiếng Việt “Ồ,  vậy chị em mình đồng hương rồi còn gì. Em sang đây học hay định cư?”. “ Em sang đây học chị ạ, em mới qua. Em tên Sinh”. “Chị tên Hiền, chị sang đây hơn 10 năm, đây là con gái và con trai của chị”. Thằng bé con của chị đang bị hút vào lũ bồ câu, chị gọi thằng bé “Boy, boy”, “Em à, chị phải rượt  theo thằng bé” . Chị nhét vào tay tôi tấm card, nói với theo “Em giữ card của chị nhé, nhớ sẽ liên lạc với chị”.

Tôi đặt tấm card vào túi trong áo lông, rồi tiếp rục rảo bước trên phố. Giữa dòng người đông đúc  xí xô xí xào, được nói tiếng mẹ đẻ cũng đỡ thèm quê hương. Tôi gắn thêm nụ cười nữa cho mình, không phải trên môi mà ở trong tim.

***

Tôi hụt hẫng vì thư của Hellen và Long Nguyễn đều báo tin là chưa tìm được việc phù hợp cho tôi. Hy vọng tắt ngấm làm tôi chẳng buồn check mail. Hôm nay, vào web của Hội sinh viên định đăng tin trên diễn đàn, thì vô tình tay tôi click vào hộp mail và thấy mail của Hien Nguyen. Lập tức tôi ấn vào Subject “ Đồng hương”
để đọc.

Em thân mến. Chị nhận được mail của em thì reply ngay vì sợ em trông tin. Chị biết em mới qua chắc còn nhiều khó khăn, nhưng chị muốn biết cụ thể là em cần gì để chị có thể giúp được cho em không. Hiện tại chị đang làm nông nghiệp, chị có vài cái Farm, và cũng cần người phụ giúp công việc trong Farm.Em có thể đến làm tại Farm gần nhất của chị. Cách Brisbane hơn 50km. Chị chỉ gợi ý, nếu em ok  thì liên lạc lại để chị biết sắp xếp.

                                  Chào em.

                               Hiền Nguyễn

Mail của chị Hiền làm tôi phấn chấn hẳn lên, ngay lập tức tôi reply lại cho chị.

Chị Hiền kính mến. Em thật không biết nói sao để cảm ơn chị khi chị gợi ý công việc cho em. Em  mới chân ướt chân ráo sang đây, lại vừa dọn khỏi nhà người bà con, đường sá chưa rành, việc làm thêm chưa có. Nếu chị có lòng giúp thì chị cho em xin địa chỉ để em tìm đến. Em cảm ơn chị rất nhiều.

                                      Em Sinh

Tôi tắt laptop ngả người xuống chiếc nệm dày trong căn gác gỗ. Lòng vui sướng nên chẳng thể nào nhắm được mắt. Tôi ngồi dậy, mở bản Flamenco rồi lẩm nhẩm hát theo. Anh Hùng cùng phòng đang nằm ở tầng gỗ phía trên léo nhéo “Vặn nhỏ cái volume giùm cái, mẹ kiếp khuya rồi”. Tôi bớt cái volume lại, đang trong cơn vui cho nên tôi chẳng phiền lòng chuyện văng tục của anh bạn. Ngày mai tôi sẽ có việc làm đầu tiên trên đất nước chuột túi. Việc làm chính đáng, là một nông dân ở đất nước công nghiệp. Giấc mơ ập đến trong khi tôi đang mang ủng cao su, tay cầm mấy cái remote điều khiển các loại máy cắt củ quả, máy gieo hạt, máy bón phân,…..

Sau giờ học tôi đón xe bus đến địa chỉ nhà chị Hiền, do không rành đường, bước xuống trạm xe bus tôi phải đi bộ loanh quanh khu Cabramatta  gần 1 giờ đồng hồ mới tìm ra được  nhà chị. Sau tiếng chuông reng, một bé gái xuất hiện sau cánh cửa, tôi nhận ra bé lớn con của chị Hiền. Con bé nhìn tôi cười rồi mở toang cánh cổng cho tôi vào, nó nói lớn với mẹ bằng tiếng Anh “Mommy, có khách”. Chị Hiền bước ra, nhìn thấy tôi, vui mừng. “Sinh tới rồi à, ngồi chờ chị một chút, chị đang chuẩn bị bữa tối cho tụi nhỏ”. Rồi chị quay sang con bé nhờ vả “Tina, mang nước ra mời khách giùm mẹ”. Tina mở tủ lạnh mang ra chai nước lọc và chiếc ly đặt lên bàn cho tôi, nói “Please”. Tôi “thanks” cô bé, và nựng hai gò má phúng phính của nó. “Tina tiếp khách giúp mẹ được không?”. Cô bé lí nhí “Yes”.

Bữa cơm canh chua cá lóc và thịt kho được dọn ra nghi ngút khói. Chị Hiền mời tôi cùng ăn với cả nhà chị. Tôi định hỏi anh nhà đâu thì chị cho biết chồng chị đã qua đời mấy năm vì căn bệnh nay y. Tôi thành thật chia buồn cùng  chị..

Chị Hiền múc ra cho hai con mỗi đứa một phần, hai đứa bé tự múc cơm ăn không cần mẹ đút. Chị xới cơm vào chén đưa cho tôi “Sinh ăn tự nhiên nhe, chị chỉ có thể làm được những món đơn giản này thôi, chắc không đậm đà như mẹ Sinh nấu đâu”. Tôi cầm chén cơm mắt rưng rưng “Chị làm em xúc động quá, ở xứ người mà ăn được bữa cơm quê nhà là vui lắm rồi chị”. Chị Hiền nhìn tôi ăn ngon miệng có vẻ  rất vui.

Cơm xong, chị thu dọn chén dĩa và mang đĩa dưa hấu gọt sẵn trong tủ lạnh ra mời tôi. Hai chị em ngồi đối diện nhau ở salon. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ chị, chị người dong dỏng, mắt to, miệng rộng, tóc xoăn nhuộm vàng, da trắng, nét đẹp thanh tú của phụ nữ trung niên. Nhìn chị chỉ có đôi mắt đen là của người châu Á, còn lại thì có nét hao hao người Úc. Nếu chị không nói tiếng Việt thật khó đoán chị là người Việt Nam.

Chị Hiền đẩy đĩa trái cây gần chỗ tôi mời.

- Sinh ăn dưa hấu cho mát. Bên này trái cây Việt Nam không phong phú như bên nước mình.

- Dạ, em cảm ơn chị.

- Chị không ngờ là Sinh lại tìm được địa chỉ nhà chị, chắc đoạn đường đi khó khăn lắm phải không?

- Cũng khá lâu mới tìm ra, nhưng tới được là may rồi chị ạ.

- Sinh học ngành gì? Chắc là học đại học phải không?

- Dạ, em học ngành tài chính, đại học.

- Đi tự túc hay học bổng vậy Sinh?

- Dạ, tự túc chị à.

- Vậy là gia đình cũng khá giả lắm đây, công tử bột phải không?

Tôi lắc đầu.

- Không đâu chị, ba mẹ có mình em, với lại có cậu ở đây, định nhờ cậu, nhưng qua đây ở mới cảm thấy khó, em trốn đi khỏi nhà, giấu cả mẹ em ở Việt Nam.

- Rồi làm sao Sinh tự xoay xở được.

- Mẹ em vẫn gửi tiền học hàng tháng cho em, chỉ có tiền ăn ở, em đang tìm việc để trang trải khoản đó. Cho nên gặp chị em mừng lắm. Chị có thể giúp em việc làm bán thời gian được chứ.

- Chị không ngại giúp Sinh, nhưng Sinh biết đó chị làm nông nghiệp, các Farm thì ở xa chỗ Sinh học, việc di chuyển không thuận lợi. Chị tính thế này nhe, chị có một người bạn, chị sẽ giới thiệu cho Sinh làm việc ở Farm, nhưng là làm trong nhà, đại loại là xếp ớt vào các hộp. Sinh nghĩ thế nào?

- Vậy thì hay quá còn gì?

- Tạm thời giải quyết khó khăn trước mắt cho Sinh. Khi nào hè rảnh rỗi thì Sinh đến Farm của chị làm dài ngày, thu nhập sẽ khá hơn.

- Em không biết cảm ơn chị thế nào nữa..

- Thôi được rồi. Đồng hương với nhau, Sinh khách sáo làm gì. 

***

Công việc xếp ớt ở Farm của người bạn chị Hiền dành cho tôi 2 ngày trong tuần. Việc làm trong nhà với giá là 13 AUD/ giờ, chủ yếu là phân loại ớt. Những quả ớt to được phân loại theo kích cỡ, màu sắc, độ bóng láng. Màu sắc thì phải tươi xanh, trái to một bên, trái nhỏ một bên, và không được giập dù chỉ một vết nhỏ. Sau khi phân loại xong thì cho vào một thùng con, xếp đầy và cân trọng lượng chính xác. Các thùng con sẽ được đưa vào kho lạnh chờ hôm sau phân phối cho các chợ.

Ngày đầu tiên đến chỗ làm tôi lo lắng nên dậy từ 4 giờ sáng đón xe đi, mất khoảng 2 giờ đồng hồ thì đến nơi. Trên đường đi tôi ngủ gục mấy giấc, khi tỉnh dậy thấy sắp đến nơi nên không dám ngủ tiếp nữa. Lần đầu đi làm, hai tay tôi mỏi nhừ  và đỏ tấy vì phải phân loại những quả ớt mang từ kho lạnh ra. Do phải đứng khoảng 13 giờ đồng hồ trong một ngày, nên khi lê gót về tới phòng trọ, đôi chân tôi mất hết cảm giác. Tôi phải lấy nước nóng pha muối loãng ngâm chân một lúc mới cho đỡ mỏi đỡ tê. Ngả người xuống chiếc nệm dày mà xương sống vẫn không hết ê buốt. Nghĩ tới những ngày ở Việt Nam, một việc nhỏ mẹ cũng không cho động tay động chân, nước mắt tôi trào tuôn ướt gối. Mẹ mà biết con trai của mẹ sang đây phải đi làm cực nhọc thế này chắc mẹ đau lòng lắm. Nhớ mẹ, thương mẹ mắt tôi lại chảy nước ròng ròng. Lúc đầu tôi cố kìm  dần dần không nén được nữa tôi khóc thật to. Anh Hùng trên gác chạy xuống lay tôi hỏi “Mày bị làm sao vậy Sinh?” . Tôi quẹt nước mắt “Em nhớ nhà, nhớ mẹ quá anh ơi”. Anh Hùng quát  “Ôi giời ơi, tưởng gì. Con trai lớn chừng này nhớ mẹ khóc to đùng như vậy coi sao được, thiệt là. Thôi nín đi, khoác áo vô hai anh em đi ăn chỗ này hay lắm”. Anh Hùng lôi cho bằng được tôi ra khỏi nhà, tôi đi chậm chạp phía sau, anh Hùng đi nhanh phía trước, như hai chiếc bóng một thẳng một xiêu vẹo. Chúng tôi đi lững thững xuyên Sydney CBD đến bên hông nhà thờ St. Mary, bước xuống khu FraganceGarden giáp The Domain. Trong suốt quãng đường đi đó, anh Hùng đã giải thích cho tôi biết là chúng tôi đang đi đến địa điểm phát cơm miễn phí, nên làm gì và không nên làm gì tại địa điểm phát cơm miễn phí này: lấy bát đĩa như thế nào, chờ người ta gắp thức ăn ra sao, tránh gặp những người nào để không bị hỏi han kỹ lưỡng, nên gặp người nào dễ tính gắp thức ăn thoải mái…

Khi chúng tôi đến nơi thì xe lưu động chở thức ăn đã đậu sẵn, những tình nguyện viên đang phân phát cho thực khách. Nghe theo lời dặn anh Hùng tôi chen vào dòng người lấy thức ăn miễn phí. Tôi và anh Hùng lấy được hai đĩa cơm đầy thức ăn và chen giữa dòng người đông đúc ăn lấy ăn để. Khi bụng căng cứng, hai anh em bỏ đĩa cơm lại chỗ phía dưới xe thức ăn và quay về nhà.

Về đến nhà thì trời cũng đã khuya, anh Hùng lên gác ngáy khò khò. Tôi phải lấy máy tính ra đọc thông tin và làm bài tập. Những con chữ quay mòng mòng tôi không sao nhập tâm đọc và hiểu thông tin để làm được bài. Bắt đầu từ hai bắp chân rồi chạy ngược lên sóng lưng, qua các khuỷu tay chỗ nào cũng rim ê ẩm. Tôi tắt máy tính, tắt đèn rồi ngả người lên tấm nệm dày mong tìm một sự êm ái nào đó. Du học sinh là thế này sao, đi làm Farm, ăn cơm miễn phí. Chưa bao giờ trong giấc mơ du học lại hiện ra những cảnh tượng kinh hãi như thế này. Những bóng đen chập chờn nhảy múa trong giấc mơ của tôi dìm tôi vào giấc ngủ đầy mộng mị.

 Đầu tuần, giảng đường không còn chỗ ngồi. Ai cũng hì hụi bàn luận những đề tài sắp thi học kỳ. Nhóm trưởng nhóm tôi đã có mặt từ sớm, cô nàng tên Hyark đến từ Hàn Quốc, đang đi phát những topic cho các thành viên. Cô đến trước mặt tôi nói một tràng dài không biết là động viên hay phàn nàn “Bạn Sinh phải chăm chỉ học hơn nữa nhe. Học kỳ này đừng để thi lại môn nào hết, nghe nói dạo này bạn đi làm nhiều lắm, hoãn thời gian làm lại tập trung việc học đi”. Tôi cười với nhã ý cám ơn rồi chụm đầu với các thành viên khác thảo luận topic một cách chăm chú, cô bạn gật đầu hài lòng.

Tôi vượt qua tất cả các môn trong kỳ thi học kỳ. Để đạt thành tích đó tôi đã ngưng việc làm thêm và thức trọn một tuần để học bài và làm bài tập củng cố. Các bài tiểu luận trong nhóm tôi cũng phải hoàn thành
thật tốt.

Sau kỳ thi học kỳ, tôi đã dành trọn thời gian cho việc làm thêm ở Farm. Mỗi tuần tôi làm 3 ngày, theo luật thì sai nhưng vì chỗ quen nên chủ Farm đã tìm cách dàn xếp cho tôi được thêm một ngày trong tuần. Công việc dần quen khiến cho tôi đỡ mỏi mệt như giai đoạn đầu và thu nhập từ làm thêm giúp tôi thanh toán các khoản sinh hoạt phí. Thậm chí dành một phần để đóng học phí.

Lâu lắm rồi tôi không đi thăm chị Hiền và các bé. Tôi mở mail báo cho chị biết là cuối tuần tôi sẽ đến chơi với chị và các bé.  Mở hộp mail, tôi bất ngờ khi thấy mail của chị đã nằm sẵn từ tối qua.

Sinh mến! Chị đoán là mấy tuần nay em tập trung cho kỳ thi học kỳ. Bạn chị nói em tạm ngưng làm ở Farm anh ấy. Em biết sắp xếp như vậy là tốt lắm, chị sợ em ham làm rồi xao nhãng việc học thì không nên. Chị chúc em có nhiều sức khỏe để vượt qua kỳ thi. Thi xong đến nhà chị sẽ đãi em món đặc sản: Canh chua cá kho tộ. Chị mong em nhiều lắm.

                               Hien Nguyen.

Tôi quyết định không gửi mail thông báo trước, tôi sẽ đến đường đột để chị ngạc nhiên. Tôi chống tay lên cằm và hình dung ra khuôn mặt chị Hiền hiện ra sau cánh cửa gỗ. Bé Tina lăng xăng lấy nước trong tủ lạnh mời tôi, cu Boy thì nhào vào lòng tôi vòi vĩnh xếp hình logo. Nghĩ đến đó lòng tôi tôi rộn nỗi náo nức. Tôi sẽ bắt chuyến xe bus đầu tiên đến nhà chị sáng mai. Nhất định là thế!

Trần Thị Thùy Trang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 134
  • Khách viếng thăm: 128
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 18809
  • Tháng hiện tại: 540089
  • Tổng lượt truy cập: 60890227