Đi giữ màu xanh

Đăng lúc: Thứ hai - 18/06/2012 09:38

  TÁC PHẨM ÐOẠT GIẢI VĂN HỌC THỦ KHOA HUÂN LẦN THỨ 1

Vượt qua khỏi vuông vườn cuối cùng của xóm nhỏ, đoàn khách đổ vào một giang đồng lớn, mênh mông. Sau những đám mưa đầu mùa nặng hột, mặt đất đã bớt cứng, tơi ra, lớp đất phân cháy trong suốt mùa hè, xôm xốp, rào rạo, mềm mềm dưới những gót chân chai. Trên cánh đồng, nhiều đám ruộng đã cày xới lượt đầu. Mùi đất mới, mùi cỏ non bị giựt gốc, chất nhựa ngọt ngào từ trong lòng những cọng tươi tỏa ra  hương vị rạo rực của xứ đồng.

MH: Lê Hồng Thái

MH: Lê Hồng Thái

Kiệt đi sau cùng đoàn khách. Anh vừa đi vừa hít thở chút hương thân thuộc của đồng quê ấy. Kiệt là chiến sĩ bộ đội chủ lực. Anh thoát ly đã được ba năm. Và hôm nay, lần đầu tiên trong cuộc đời bộ đội, Kiệt đã được thủ trưởng chiếu cố cho trở lại thăm quê nhà. Đơn vị Kiệt đóng quân ở một nơi xa tận biên giới. Kiệt phải lặn lội suốt một ngày một đêm mới đi được tới trạm. Nỗi vui mừng được về phép làm Kiệt quýnh quáng. Ông trưởng trạm giao bưu già ngạc nhiên tiếp tấm giấy chứng nhận dũng sĩ cấp một của anh đưa. Ông dòm trân trân anh bộ đội trẻ trạc hai mươi, hai mốt tuổi là cùng, gọn gàng trong bộ quân phục màu cỏ úa, chiếc ba lô chiến lợi phẩm xanh chành, trên vai khẩu A.K bóng loáng, chiếc nón tai bèo đội lệch một chút về bên phải và hơi ngửa ra phía sau để lộ một khuôn mặt tươi rói với đôi mắt còn chứa chấp dáng điệu trẻ con. Ông hỏi cái anh chàng đang vừa lúng túng vừa nóng ruột đứng trước mặt ông:

- Đồng chí cần gì?

- Tôi được đơn vị cho về phép. Tôi về Mỹ Tho. Chú coi trong giấy giới thiệu có ghi rõ đó.

- Đâu? Đâu có. Giấy giới thiệu nào đâu?

- Tôi mới đưa… Ý mà chết, quên rồi. Nó đây mà. Xin lỗi chú. Kiệt mặt đỏ bừng, lập cập thò tay vào túi móc ra một giấy khác xếp vuông vắn. Chiều hôm qua, trước khi đi, thủ trưởng đưa cho anh cùng lượt hai miếng giấy. Vì gấp, anh bỏ chung hết chúng vào túi áo.

Chính vì lẽ đó mà chiều nay, trước khi đoàn khách khởi hành, ông trưởng trạm già rất ít khi vui vẻ, đã nói đùa một câu với anh giao liên dẫn đoàn:

- Nè, đêm nay đi, chú ráng coi chừng ông khách nhỏ này nghen, không khéo lớ quớ ổng bay mất rồi mình không còn đâu mà giao cho trạm kế đó.

Kiệt đỏ mặt trước những chuỗi cười giòn giã của những anh em khách cùng đi chung. Anh bước đi lúng túng, líu quíu giữa mọi người. Và vì vậy, anh đi lùi dần và sau cùng tụt lại ở cuối hàng.

Việc Kiệt đi sau rốt còn có một ý khác. Đó là vì Kiệt muốn được tự do ngắm nghía, tận hưởng cái không khí trong lành của một vùng quê vừa giải phóng. Mấy năm nay, xông xáo mãi vào nơi lửa đạn, rồi khi hiệp nghị ký kết, tuy đã tạm êm tiếng súng, bộ đội vẫn phải ngày đêm căng ra, mặt đối mặt với địch ở vùng tiếp giáp, bụng Kiệt thấy náo nức mỗi khi được nghe các bạn đi công tác về phía sau kể lại những đổi thay. Đơn vị anh đã từng đánh những trận ác liệt ở đó. Những ngày dài kiên cường vây ép đã gây khủng khiếp cho địch. Khi bộ đội rút đi thì quân giặc đã bị quét sạch nhưng khắp vùng thì hầu như không còn sự sống. Những mảnh vườn cây ăn trái xum xuê bị đào xới lên tận gốc, những chùm tre đồ sộ với những thân cây bằng bắp vế đổ sắp, những ngôi nhà ngói lớn lâu đời ngã gục xuống như vừa qua cơn bão táp.

Vậy mà, chỉ mới sau sáu tháng. Kiệt ngơ ngác trước những đổi thay gần như thần kỳ: từ trên nền đất chết những vườn chuối um tùm, những liếp rau, những giồng khoai, vuông rẫy, rau cải mập mạp đã mọc lên tua tủa, những chiếc lá rau mơn mởn ve vẫy, ngấm nước mưa long lanh dưới ánh trăng. Con đường đất lớn phẳng phiu chạy qua làng, qua những cây cầu tre mới bắc, gọn gàng chắc chắn, bình thản như chưa hề biết qua một biến cố. Những con đường nhỏ chui qua cổng những vuông vườn vào tận những ánh đèn và nơi những tiếng xôn xao đầm ấm, làng đã sống.

Kiệt sung sướng tuột dép, thụt chân sâu vào lớp đất mịn ở ven đường. Có lẽ đường cày vừa mới lướt qua đây nên đôi chân trần của anh được mơn man đầy đủ trong hơi thở vừa ấm hôi hổi vừa ẩm ướt rạo rực của đất màu. Hơi ấm đó trong giây lát đã gợi lại cho Kiệt nhiều kỷ niệm.

Đã qua khỏi cánh đồng. Vạt vườn rậm đen trước mặt kia là chỗ gặp gỡ giữa hai trạm. Nơi đó là đầu một con kinh. Trạm đi Mỹ Tho đưa khách bằng xuồng. Nghe thoáng có tiếng mái dầm khua nước lạt xạt, tiếng những mũi xuồng va lộp cộp vào bến và tiếng người nói chuyện lao xao.

- Đi… Đi thúc lên đi các đồng chí. Anh giao liên đứng tạt một bên, xỉa xỉa tay lẩm nhẩm đếm. Thấy Kiệt đi đến, anh bật la lên: A! Ông nhỏ đây rồi. Tới đây là coi như tới Mỹ Tho nghen. Bữa nay, dân Mỹ Tho đổ lên nhiều lắm. Kiệt nôn nao bước tới. Anh rề lại mấy người khách đang ngồi xúm lại trên gò đất khô dưới một tán xoài lớn. Trăng đã lên cao, sáng rỡ. Ánh lửa mấy điếu thuốc lập lòe trên khuôn mặt của mấy người đứng tuổi. Họ ăn bận như những cán bộ dân chánh đi hội họp gì đâu trên này. Quần áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ hay choàng hầu.

Thấy anh bộ đội, người ngồi giữa lẹ tay đưa bọc thuốc ra mời:

- Hút thuốc chơi, em.

Kiệt lắc đầu, đưa trả bọc thuốc, ngồi xuống:

- Cám ơn chú. Cháu không biết hút.

- Em về đâu? Người mời thuốc khi nãy hỏi.

- Cháu về Mỹ Tho. Cháu đi phép.

Mấy người ngồi đó cùng à lên một lượt. Kiệt có cảm giác như bấy nhiêu cặp mắt ẩn trong bóng tối đều đang đăm đăm nhìn anh.

- Té ra chú cũng là người miệt dưới mình. Em gốc gác ở đâu?

- Dạ cháu ở Long Khánh. Nhưng bây giờ thì về thăm người quen ở Tân Ninh.

- À hay! Người khách đứng tuổi mừng rỡ. Em về Tân Ninh chắc biết người này. Nói thiệt với em, bọn qua ở dưới mới lên nên cái gì cũng lạ hoắc. Thơ người ta gởi cầm giùm đây chớ hổng biết chỗ đưa. Vừa nói, ông vừa móc túi lấy cái đèn pin bóp lên loay hoay lục trong xắc vải.

Kiệt hỏi:

- Chú có biết anh Tám, ờ… chú Tám ở Tân Ninh không?

- Chú Tám nào? Ông khách ngừng tay hỏi lại.

- Chú Tám Chức.

Ông khách đã lấy được cái thư ra cầm nơi tay. Nghe Kiệt hỏi tới Tám Chức ông có dáng ngẩn ngơ. Nửa như ông muốn trả lời, nửa muốn không. Mấy người ngồi chung quanh nghe Kiệt hỏi cũng giựt mình. Rõ ràng là Tám Chức với họ không xa lạ. Đôi mắt ông khách dòm thẳng Kiệt như dò xét. Giây lâu ông chậm rãi nói:

- Có cái thơ của con gái ông Tám Chức gởi cho ai trong bộ đội đây nè. Đâu, em coi. Cha, mà cái địa chỉ con nhỏ nó đề không rõ.

Mặt Kiệt bỗng tự nhiên đỏ lên như thắm mực. Mắt anh chơm chớp. Anh tưởng chừng như họ đã đoán biết được những điều anh đang suy nghĩ. Nhưng khi Kiệt dòm thấy cái bao thơ, mắt nhìn ra tuồng chữ quen thuộc thì trống ngực anh đổ dồn, tay chân run lẩy bẩy.

Bức thư đề gởi rõ ràng không sai một nét:

“Thân gởi anh Nguyễn Văn Kiệt

Bộ đội chủ lực Khu…”

Bì thư còn cẩn thận đề thêm “Kính nhờ cơ quan và các trạm, thủ trưởng đơn vị đưa giùm tới tận tay, cám ơn”.

Thư đề người gởi là “Bé Sáu”. Đọc hết hàng chữ Kiệt muốn mất thở.

- Sao? Cái thơ đó em có biết chỗ gởi không?

Kiệt nắm chắc bì thư trong tay như sợ vuột mất, mặt vẫn đỏ, mắt không dám nhìn ông khách vừa đưa thư, nói lí nhí:

- Dạ thơ này gởi cho cháu!

- Ủa, vậy sao? Trời đất ơi vậy té ra mầy là Kiệt đây sao? Kiệt ơi! Mầy mau lớn quá! Khác quá đi! Mầy quên tao sao hả Kiệt? Tao là Chín Hóa đây mà. Kiệt ơi! Cháu ơi, anh Tám…

Chín Hóa nói không hết câu. Trước mắt Kiệt, từ những dòng chữ thân yêu nhảy múa trên bao bì lá thư gởi đến từ quê hương, những hình ảnh xưa bỗng hiện lên trong trí não anh: những hình ảnh cuối cùng, trong những ngày sa mưa đầu tiên, ở Tân Ninh.

Kiệt mồ côi cha mẹ từ hồi nhỏ. Sau một trận càn dồn dân ác liệt của giặc vào Long Khánh, Kiệt may mắn sống sót. Lớp ngớp bò lên từ dưới những dề lục bình trong một mương bùn, thằng bé mười hai tuổi kêu khóc thảm thiết trước ngôi nhà cháy rụi còn bốc khói, bên cạnh những xác chết ngổn ngang bị băm vằm máu me.

Mất hết những người ruột thịt, Kiệt tìm đến nương tựa nơi người chú họ xa ở cuối làng. Nhà ông chú nghèo, đông con, nheo nhóc. Có thêm Kiệt là thêm một gánh nặng. Tuy từ đó Kiệt lãnh phần chăn dắt bầy vịt tàu gần trăm con của ông, thằng bé suốt ngày lặn lội ngoài đồng.

Một buổi chiều mùa hạn cách đó một năm, bất ngờ trời bỗng chuyển cơn mưa lớn. Sấm chớp ầm ĩ. Những cơn lốc khủng khiếp xê dạt bầy vịt chạy táo tác. Bé Kiệt cố sức chạy ngược chạy xuôi, cố gom bầy vịt tới chỗ trũng để tránh cơn gió ác hại. Mưa quất xuống ào ào. Những lằn mưa dữ tợn như muốn ghìm đầu thằng bé xuống giữa cánh đồng. Mặc kệ cho trời mưa gió, bé Kiệt chạy đôn, chạy đáo, kiếm cho được những con vịt lạc vì chết khiếp. Song, Kiệt cũng không tài nào gom lại được hết mặc dầu rời rã cả chân tay.

Sợ hãi và bất lực, Kiệt ngồi gục đầu dưới miếng vải mủ che mưa rách nát khóc. Anh Tám Chức đi công tác ngang qua đó và tình cờ gặp thằng bé. Trước mắt anh, nó là cánh chim non yếu đuối đang bị cuộc đời đày đọa đến cùng cực. Thấy anh bước lại gần, nó sợ. Nhưng khi anh kéo được nó vào lòng và ủ nó trong tấm áo ấm áp của anh thì nó tin cậy nép đầu vào ngực anh. Anh Tám thấy lòng đau xót. Hỏi han hoàn cảnh nó, biết nó không còn cha mẹ, anh nhứt quyết đưa nó về cơ quan.

Ngay đêm hôm đó, anh Tám dẫn Kiệt về nhà người chú, nói chuyện và đem nó đi. Anh đang phụ trách một cơ quan đóng ở xã kế cận và có biết chú của Kiệt.

Kiệt đã ở với anh Tám gần suốt cuộc đời thơ ấu. Ngày anh đưa nó về, các nhân viên cơ quan sửng sốt dòm thằng bé gầy còm, mặt thỏn, hom hem, chân tay lỏng thỏng, tấm lưng trần trụi, mốc trắng trong manh áo rách xả không vá nổi, tóc lờn xờn mọc dài ra tận ót như bờm ngựa. Nó đứng ngơ ngác, sợ sệt ôm cái gói giấy nhỏ trong đó đựng một bộ quần áo rách khác cũng không khá gì hơn. Đó là toàn bộ gia tài tí hon của nó. Anh Tám dẫn nó đi tắm rửa, lấy quần áo của anh cho nó thay, tối tối hai anh em cùng ngủ chung. Lần lần, nó tỉnh ra, bạo dạn, rồi người được ăn uống điều độ trông cũng đỡ hơn. Sống trong một tập thể tốt, được các anh chị thương yêu và anh Tám tận tình săn sóc, Kiệt lần lần trưởng thành. Thằng bé trở nên vui tươi, khác hẳn những ngày đầu còn bị ám ảnh bởi những thảm cảnh và kỷ niệm của cuộc đời khổ cực. Những lúc rảnh rỗi, anh Tám dạy Kiệt học chữ. Từ một chú nhỏ phụ việc lặt vặt, Kiệt tiến dần lên và chứng tỏ khả năng có thể đảm đương được những công việc chính của cơ quan. Kiệt bước vào tuổi thanh niên với nhiều
triển vọng.

Những năm cuối của Kiệt ở cơ quan, anh Tám thường bệnh hoạn luôn. Những ngày công tác liên miên không tiếc sức, cộng với sự đày đọa nơi lao tù Côn Đảo đã vật ngã anh. Kiệt nghe các anh chuyên môn bảo là anh Tám bị lao. Ngày mới gặp, Kiệt sờ sợ vì thấy anh cao lớn, nước da đen đúa, mặt vuông, trán cao. Nhứt là da mặt sần sượng những dấu sâu hóm thâm tím như dấu dao chém ngang dọc đã lành. Sau này Kiệt mới biết đó là vết tích tra tấn dã man của tụi mật thám trong những ngày anh bị bắt. Anh bị chúng giam trong hầm tối. Phổi anh bị yếu từ đó. Khi chúng giải anh trở lại đất liền thì anh Tám vượt ngục. Người anh nay gầy yếu, xanh xao. Những ngày bệnh anh trở nên nặng, Kiệt ở liền với anh. Những lúc khỏe, anh tâm sự căn dặn Kiệt chuyện này, chuyện nọ, thân thiết như đối với đứa con trai nhỏ.

Các anh trong cơ quan nói giỡn:

- Mầy nhận anh Tám là “ba” đi Kiệt. Con gái ổng nay cũng cỡ tuổi mầy đó!

Kiệt mắc cỡ, chỉ cười. Anh em ghẹo vậy, chớ anh Tám có nói chi về chuyện gia đình với Kiệt đâu. Kiệt chỉ biết sơ sơ gốc anh ở Tân Ninh. Mấy người con trai lớn của anh đều cho thoát ly và có người đã hy sinh. Anh Tám năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi, tuổi đó, anh sanh ra được Kiệt thiệt chớ sao.

Bệnh thuyên giảm, anh Tám được trên giải quyết  cho về nghỉ dài hạn. Anh về sống với gia đình, dưỡng sức và tham gia công tác địa phương.

Ngày chia tay, Kiệt chèo xuồng đưa anh ra trạm. Vậy là anh đi rồi. Lại cách sông, cách lộ, biết có dịp nào được đi công tác qua đó ghé thăm. Cho mãi tới tháng 5 năm đó, sau ngày lễ Lao động, thủ trưởng cơ quan kêu Kiệt lên báo cái tin Kiệt tình nguyện xin ra đơn vị đã được chấp thuận. Kiệt đã là đoàn viên và anh xung phong tòng quân theo tiếng gọi của Đoàn.

Thủ trưởng âu yếm nhìn anh thanh niên khỏe mạnh, có khuôn mặt sáng rỡ, đôi mắt long lanh, đang ngồi trước mặt mình. Ông thân mật nói:

- Thời gian tập trung tới gần một tháng nữa. Kiệt có thể đi phép. Vậy Kiệt có muốn đi về đâu không?

Đôi mắt Kiệt thoáng buồn. Thủ trưởng biết được tâm sự của anh. Ông gợi ý:

- Hay là Kiệt đi vùng tư. Tiện Kiệt đi, cơ quan có gởi thư gởi thăm anh Tám. Hôm rồi, ổng có nhắn tin qua đề nghị có dịp cho Kiệt về bên ấy ít bữa.

Phải mất hai ngày băng đồng và một đêm chờ vượt lộ bốn. Kiệt mới tới Tân Ninh. Trưa ngày hôm đó, Kiệt mang bồng bước vô trạm. Chị trưởng trạm đã đứng tuổi, nét mặt nghiêm nghị. Chị đang ngồi ghi chép trên cái bàn tròn cũ kê trong góc của ngôi nhà lá nhỏ mới cất. Nghe Kiệt hỏi thăm anh Tám Chức, chị cầm tờ giấy giới thiệu đọc kỹ, lẩm bẩm:

- Tám Chức nào kìa?... Tôi sống ở đây từ nhỏ. Ở xóm Giữa không có ai là Tám Chức. Chỉ có ông Tám Mỹ. Ờ mà cậu bà con sao với Tám Chức?

- Tôi với ảnh quen. Anh Tám có chỉ, biểu tôi tới kiếm ảnh ở xóm Giữa.

- Thôi được. Để tôi cho người đưa cậu qua đó, rồi cậu hỏi thăm họ. Chị trưởng trạm hỏi vói vô trong:

- Bé Sáu còn đó không em?

Có tiếng trả lời thanh thanh. Rồi một đôi mắt tò mò trên một khuôn mặt con gái nghiêng qua bức vách ngắn nhìn Kiệt.

- Sáu! Tiện em đi lên xã, em dẫn anh bộ đội, chỉ cho ảnh về xóm Giữa kiếm người quen nghen.

- Dẫn! Ảnh có chân có cẳng thì ảnh đi chớ bộ có dây mũi sao mà chị biểu dẫn!

Tiếp theo câu nói là một tràng cười rộ lên của mấy cô gái.

- Đồ quỷ! Bây nói chơi quá quắc ảnh nghe ảnh giận. Chị trưởng trạm rầy và bảo Kiệt:

- Anh đi với con nhỏ đó. Tụi nó nói vui không giữ ý anh đừng chấp.

Cô gái đứng trước mặt Kiệt chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Nước da ngăm đen. Khuôn mặt tròn, đầy đặn. Đôi mắt to đen láy lấp lánh những tia sáng ẩn sau hàng mi dài. Đặc biệt cô có chiếc mũi hếch lên một cách ngạo ngược làm cho khuôn mặt coi bộ vừa ngây thơ vừa bướng. Cô bận một bộ quần áo bà ba đen cũ. Hai ống quần buộc túm, lem luốc bùn đất như cô vừa lội ruộng về. Một cái khăn choàng tắm sọc đen còn mới, vắt hờ ngang vai qua cổ. Khẩu cạc-bin đầu cụt khoác ngang vai.

Kiệt dòm cô gái với vẻ cảnh giác. Anh lẳng lặng khoác bồng lên vai theo chân cô đi ngược vô phía trong kinh. Ra khỏi trạm chừng vài trăm thước, cô gái bỗng day lại hỏi anh:

- Anh bộ đội tên gì, hả anh?

- Tôi tên Kiệt. Kiệt trả lời dè dặt.

- Kiệt! Ha ha! Tên gì mà tên Kiệt! Bộ anh hà tiện dữ lắm sao mà lại đặt tên là Kiệt hả anh?

Kiệt tím mặt. Nhưng ở cái thế không thể làm sao được, anh đành im lặng lẩm lủi đi. Anh nghĩ thầm: “Được rồi, có dịp sẽ cho biết”. Suy nghĩ vẩn vơ như vậy chớ Kiệt cũng chưa tính mình sẽ làm gì?

Cô gái thấy anh bộ đội làm thinh, biết anh giận. Cô ta cười rất tươi.

- Anh Kiệt giận rồi phải không? Vui chút thôi mà… Anh giận nhưng đi phải coi chừng nghe. Sắp tới chỗ có bố trí rồi đó. Anh coi kỹ hễ tôi đi sao thì đi vậy, chớ để lỡ ra…

Khoảng đường đó vắng vẻ. Hai bên lề đường lau sậy mọc um tùm. Có chỗ lau bị gió xô ngã lấp hết lối đi. Mặt đường lại gồ ghề khó bước. Cô gái luôn miệng hò Kiệt bước tránh các vạt cỏ làm chân anh luýnh quýnh. Đoạn đường dài không đầy ba trăm thước mà đi mệt còn hơn mấy cây số liền.

Chưa kịp đứng thở, con nhóc đã thúc đi. Thêm một cây số nữa, bên kia kinh, Kiệt đã thấy lác đác xóm nhỏ. Cô gái đứng lại gọi vói qua. Một cô gái bơi xuồng qua.

- Anh qua sông. Xóm Giữa bên kia. Anh hỏi con nhỏ đó nó chỉ cho. Tôi còn mắc đi lên xã.

Cô ta quay ngoắt đi. Kiệt ngơ ngác trông theo chỉ kịp thấy đôi vai run run sau cái đuôi tóc vắn lăng quăng  chứng tỏ cô ta đang cười. Cô gái qua đón thông cảm với Kiệt:

- Con nhỏ Sáu dẫn anh từ trạm về đây phải không? Cái con quỷ sứ đó. Nó liếng hết biết.

Kiệt không thấy khó khăn lắm trong việc kiếm nhà anh Tám Chức. Dịp may, anh ghé ngay nhà anh Chín Hóa, em anh Tám. Ở Tân Ninh, ai cũng biết anh Tám nhưng biết dưới một tên khác, tên địa phương: Tám Mỹ. Chín Hóa thân mật mời Kiệt vô nhà uống nước. Chị Chín cất tiếng kêu vói qua nhà bên kia.

- Bé Bảy à! Bé Bảy!

Một thằng nhỏ chạy qua. Tay nó cầm một cái lục lạc, vừa nhảy vừa khua rột rẹt. Chị Chín nói tiếp với Kiệt:

- Chưa chắc ổng bả có nhà. Mấy lúc nay trời sa mưa, cứ sáng sáng là đi dọn đất.

Kiệt theo Bé Bảy ra luôn chỗ anh chị Tám. Nghe chị Chín nói anh Tám đi làm đất. Kiệt giựt mình. Nhưng khi từ xa dòm thấy vóc dáng khỏe mạnh của anh, Kiệt hết lo, anh và chị đang lúi húi cuốc gốc, sửa bờ, chuẩn bị cày đất.

Kiệt kêu lớn:

- Anh Tám!

Anh Tám ngừng cuốc, ngước mặt lên. Dòm thấy kiệt, anh mừng quýnh:

- Kiệt! Mầy về tới hồi nào đó Kiệt!

Anh vụt cuốc. Hai anh em chạy nhào tới. Anh Tám ôm Kiệt vô lòng, sung sướng, rờ rờ, vuốt ve đầu, cổ, vai, lưng Kiệt. Anh hít hà:

- Chà chà! Cái thằng mau lớn quá! Mầy, tao thiệt đâu có ngờ. Hai ba năm nay, tao cứ nhắc mầy hoài Kiệt ơi. Mầy năm nay bao nhiêu rồi hả?

- Mười tám à, anh Tám! Kiệt muốn ngộp thở trong đôi bàn tay cứng cáp của anh.

Anh Tám day qua vợ:

- Đây, chú Kiệt đây nè mình.

Chị Tám cũng ngừng cuốc, mừng Kiệt. Chị so với anh coi yếu hơn. Song tánh tình thì cũng xởi lởi, hồ hởi như anh. Bỗng anh Tám trợn mắt dòm Bé Bảy đang đứng núp sau lưng mẹ:

- Bé Bảy gặp chú Năm đã thưa chú Năm chưa?

Thằng nhỏ lúng túng.

- Bước ra! Khoanh tay thưa chú Năm đi!

Anh cười nói với Kiệt:

- Làm coi bộ nhu mì như vậy chớ nó không vừa đâu. Lý lắc lắm. Còn con chị nó nữa. Con nhỏ đi ngoài xóm chắc chú chưa gặp. Ôi thôi! Nhà còn có hai đứa, giao cho bả quản lý, la tối ngày mà cũng không xuể.

Nghe anh Tám nói, Kiệt chợt nhớ tới Bé Sáu, cô gái dẫn mình đi từ trạm giao liên xã, le lưỡi. Con gái ở đây ghê thiệt! Con gái của ổng hổng biết ra làm sao đây nữa…

Xóm Giữa sở dĩ được người ta đặt tên như vậy vì tính độ đường từ Hai Hạt vô kinh trong thì nó ở vào khoảng giữa. Nó không ở cặp bờ kinh chánh. Một đường nước dẫn tắt vô đồng dài chừng cây số. Nhà cất rải rác hai bên đường nước những chùm bần, lùm gáo, trong những ô trâm bầu hay giữa những vạt điên điển xanh um. Đứng ở xa, không dòm thấy được giăng cây vì thưa thớt và phần đông còn nhỏ, còn điên điển thì thấp lè tè, tất cả làm thành một vệt xanh nhợt nhạt. Những ngôi nhà lá mới cất trên nền đất cao nổi lên, màu đưng mới vàng cháy, ửng dưới nắng.

Nhà anh Tám ở trong cùng. Trong xóm, nhà anh dễ nhìn ra hơn hết nhờ nó đứng kề bên một hàng gáo đều và cao. Hàng gáo đó đủ mười hai cây y như một tiểu đội lính đứng sắp hàng dọc rìa phía tây vuông đất. Ngày đêm, từ những bộ quần áo màu lá cây xanh biếc của chúng, phát ra tiếng gió nói chuyện lao xao, lào xào không ngớt. Buổi chiều bóng chúng đổ dài xuống làm mát rượi cả ngôi nhà và một khoảng sân.

Anh Tám nghỉ làm buổi chiều hôm đó. Anh thúc Kiệt tắm giặt, hét Bé Bảy đi quán mua rượu. Chị Tám gài thế bắt được con gà mái tơ thiệt mập làm đồ nhậu. Anh Chín Hóa cũng chạy qua. Nhà vui như tết. Kiệt ép chị Tám và Bé Bảy cùng lên ăn. Thằng nhỏ bây giờ đã quen, nó ngồi sát bên Kiệt không chịu rời.

Uống rượu được vài chung, ngà ngà, anh Chín dòm Kiệt, lúc đó mặt đã đỏ rần, nói bông lông:

- Sao? Bé Bảy! Mày kêu chú Kiệt bằng gì hả? Kêu bằng anh chớ?

Bé Bảy vội cãi:

- Không, cháu kêu bằng chú Năm à. Ba cháu biểu.

Anh Tám cười khỏa lấp:

- Chú Kiệt chuyến này về ở đây chơi lâu cậu Chín à. Chú sắp ra chiến đấu, đi xa. Cứ vui đi! Đừng ngại gì hết, Kiệt ạ. Nhà anh cũng như là nhà của em thôi.

Đêm hôm đó, Kiệt đi nằm sớm. Anh chị Tám biết Kiệt đi đường xa, phần nhiều lại có uống rượu, chắc mệt, nên sau bữa cơm, hai anh em bắc ghế ra sân ngồi ngắm trăng tâm tình được một chút là chị Tám hối Bé Bảy đem mùng chiếu ra trải giăng cho Kiệt nghỉ. Kiệt muốn lấy đồ đạc của mình nhưng chị không cho, bảo để đó ngày mai con nhỏ ở nhà, hai mẹ con soạn ra giặt giũ vá víu rồi cất, chừng nào đi thì đem đi. Nếu còn thiếu cái gì thì nhà sẽ lo thêm.

Đêm êm vắng. Chỉ thỉnh thoảng, xa xa phía ngoài kinh Nguyễn Văn Tiếp, vọng lại tiếng súng nổ rời rạc và những chùm trái châu bựt sáng, ánh sáng lung linh dọi vào vách mùng lay động. Ngoài đầu xóm, một vài tiếng chó sủa ma đơn độc.

Kiệt nằm trăn trở hoài mà không ngủ được. Từng cơn gió nhẹ lùa qua những khung cửa sổ để trống, mơn man đầu cổ anh, thắm cái êm dịu vào tận trong kẽ tóc. Cơ thể Kiệt nóng bừng vì những chung rượu uống không quen từ chiều. Kiệt suy nghĩ miên man về Tân Ninh, về những con người, về anh chị Tám, Bé Bảy, về những mối quan hệ thâm tình đẹp đẽ. Suy nghĩ cuối cùng đọng lại ở một người, người con gái mà Kiệt chưa biết mặt.

Trong thời kỳ anh Tám còn ở cơ quan, anh thỉnh thoảng có nhắc tới đứa con gái nhỏ lúc đó mới khoảng 13, 14 tuổi. Anh Tám thương con mới còn ít tuổi mà đã gánh vác việc nhà để cho các anh lớn ra đi. Các anh trong cơ quan nói chơi biểu Kiệt kêu anh Tám bằng ba và vẽ ra trước mắt Kiệt hình ảnh một cô gái hiền hậu, dễ thương. Trước những lời đùa cợt, anh Tám chỉ cười nhưng có đôi khi anh cũng lây cái vui của anh em: "Được rồi, tui chỉ sợ thằng Kiệt nó chê thôi… chớ…". Anh nói chưa hết câu, Kiệt đã mặt đỏ lửng chạy mất. Những ngày thơ ấu đã qua như vậy. Tuy thời gian có làm cho quên lãng nhưng nó như một chất nhựa ngọt ngào, làm sao có thể dễ dàng tan biến đi được. Mấy ngày trước khi từ giã cơ quan đi phép, anh em đã khơi lại. Và tới đây, qua hơi hướng những câu nói của anh chị Tám, anh Chín, của Bé Bảy, tất cả dấy lên trong lòng chàng trai những suy tư khó tả. Chắc trong những ngày về sống với gia đình, anh Tám cũng đã có nói gì về Kiệt với chị Tám, với con gái và với những người chung quanh. Điều đó đã gây cho Kiệt những bồn chồn, bứt rứt, băn khoăn, hồi hộp, lo nghĩ
vẩn vơ.

Có tiếng cười nói vẳng lại từ ngoài đầu xóm. Con chó vàng nằm giữa sân hực lên mừng rỡ chạy ra ngõ. Cửa rào mở. mấy cô gái líu tíu chào nhau, xô đẩy nhau và rồi một bóng người tách ra, bước qua sân vô nhà. Kiệt nằm im lìm. Anh chỉ hơi liếc mắt dòm cái bóng mềm mại của cô gái đang đi lướt ngang qua ngoài vách mùng. Chị Tám hỏi vọng từ trong buồng:

- Sáu về đó hả con?

- Dạ.

Cô gái đứng dựa vào chiếc bàn tròn, rót nước uống. Cả khuôn mặt bầu bầu, mái tóc vắn xấp xõa với đôi vai tròn trặn trong manh áo bà ba đen lộ ra dưới ánh trăng đang chảy tràn qua khung cửa sổ. Tất cả đều trở nên lộng lẫy. Chớp mắt, cô gái đã không còn đó nữa. Cô bước đi nhẹ nhàng như tan biến.

Kiệt nghe hai chị em thì thầm sau bức vách:

- Ai đó vậy, Bé Bảy?

- Chú Năm! Chú Năm bên cơ quan mới về thăm ba.

Tiếng Bé Bảy nhỏ hơn:

- Đừng nói lớn! Ba biểu êm để chú Năm nghỉ. Ba đánh chết.

Tiếng kẹt mở cửa. Tiếng xối nước nhè nhẹ ngoài nhà tắm. Một lát sau, tiếng cửa đóng và tiếng Bé Bảy cười sặc nhỏ nhỏ vì chắc bị chị nó chọc lét trong lúc ôm hôn nó.

Kiệt dậy sớm. Phần nhà lạ, phần vì ở cơ quan Kiệt đã quen thức sớm. Anh vòng ra lu nước phía sau, múc nước súc miệng rửa mặt rồi quơ tay chân làm mấy động tác thể dục.

Kiệt trở vô nhà thì mùng đã cuốn. Hai chị em Bé Bảy đang xếp dọn ở góc ván. Thấy anh bước vào, Bé Bảy lôi tay chị:

- Chị, chú Năm đó chị!

Cô gái ngước mặt lên. Kiệt choáng váng. Còn cô gái, cô sững sờ. Cô đang cầm cái gối, luýnh quýnh làm rớt xuống đất lúc nào cô không biết.

Kiệt cố trấn tĩnh:

- Bé Sáu ở đây à? Vậy ra…

- Dạ…

Cô gái cất tiếng dạ nhỏ xíu, lí nhí. Cô run run ôm xấp mùng mền, lúng túng lật ra rồi lại xấp vô không biết phải làm sao. Mặt cô đỏ ửng. Bé Bảy ngạc nhiên dòm chị lom lom. Nó lôi cái gối từ dưới chân lên nhét vô tay chị, cằn nhằn:

- Chị Sáu, dơ hết gối rồi đây nè!

Anh Tám bước ra:

- Con nhỏ này là chị của Bé Bảy đó, chú Kiệt. Hồi tôi ở bển, nó còn nhỏ xíu. Sáu, con đã hỏi chú Năm chưa con? Chú Năm ở chung cơ quan với ba đó.

- Dạ!

Mặt cô gái lại càng thêm đỏ. Cô không dám dòm Kiệt. Anh Tám ngơ ngác:

- Ủa, sao vậy?

Kiệt mỉm cười:

- Hôm qua, tôi có gặp "cô Sáu" rồi! Ở trạm giao liên.

- Vậy sao?

- Gặp mà không biết.

- Vậy chớ chú không có hỏi tên tôi sao?

- Có chớ!

Cô gái buông xấp đồ đạc trên tay xuống, đôi mắt đen lánh liếc Kiệt một cái thiệt mau:

- Ảnh hỏi thăm anh Tám Chức. Con có biết "anh Tám Chức" nào đâu!

Anh Tám chú ý câu nói của con gái.

- Con kêu bằng chú Năm. Ảnh, ảnh nào? Con nhà dạy hoài mà vô phép.

Cô gái gục mặt xuống làm thinh. Kiệt mỉm cười, khoái chí. Nhưng, chỉ được một lát, khi đem nước lên cho Kiệt uống một mình bên chiếc bàn tròn, cô nói nhỏ, giọng bướng bỉnh với Kiệt:

- Còn lâu thì tui mới kêu anh bằng "chú" nghe không!

Kiệt dòm lại, thấy đôi mắt trẻ con của cô trợn tròn vo và chót mũi hếch thì nhúc nhích như khiêu khích.

Kiệt ở lại nhà anh chị Tám hơn một tuần lễ. Suốt thời gian đó, Kiệt đi theo anh Tám ra đồng. Mấy ngày trời sa mưa, những đám mưa đầu mùa thiệt lớn, ruộng no nước, anh Tám mượn được công trâu, tranh thủ cày phơi đất lượt đầu. Kể ra thì cũng đã hơi muộn song vì sau những trận càn bố, giặc tàn hại trâu bò nhiều nên đành phải chịu vậy.

Thấy Kiệt đòi đi làm, anh Tám áy náy không yên. Anh tìm đủ cách thuyết phục Kiệt nghỉ nhưng khi thấy Kiệt tỏ vẻ không vui anh mới chịu thôi. Ngày ngày hai anh em ra đồng sớm. Anh Tám thả trâu cho ăn, lát sau gác ách vô cày. Kiệt cuốc gốc, dọn cỏ, đắp bờ cho những đám tiếp. Ý định của anh Tám là tạo dựng cho vợ con chút ít cơ sở đủ sống là anh lại tiếp tục đi. Nổi nắng lên một chút thì Bé Sáu gánh cơm ra rồi ở lại làm phụ với Kiệt, Bé Bảy lon ton chạy theo sau chị và Kiệt, cà rà thủ thỉ hỏi chuyện, moi trùn, chụp dế. Chị Tám ở nhà coi cơm nước, gà vịt, heo cúi. Trời xế Bé Sáu về trước lo tưới tắm cây cối trong vườn.

Quan hệ giữa hai người từ sau lần gặp nhau buổi đầu không rõ ràng. Kiệt cố tránh những cuộc chạm mặt riêng. Kiểu cách bướng bỉnh ngầm của Bé Sáu làm Kiệt không thể nào chịu được. Nó luôn luôn ám ảnh anh một thành kiến về cô gái. Mặc dầu trong những ngày sau đó, trước mặt người lớn trong gia đình, Bé Sáu rất mực lễ phép dịu dàng với Kiệt. Còn tất nhiên đối với anh chị Tám, cô gái không có điều gì tỏ ra không phải là một đứa con ngoan.

Giữa vùng ruộng đồng bát ngát này, cô gái nổi lên như một bông hoa linh động. Cô ta không có cách ăn mặc gì diêm dúa, không có thứ trang sức gì đặc biệt nhưng đôi mắt sáng long lanh, đôi má bầu luôn  ửng hồng hồng, vóc người cân đối và dáng dấp tự nhiên, hồn hậu đã nói lên một điều đặc biệt. Cái đẹp ánh ra từ trong đôi mắt và khuôn mặt rạng rỡ, đầy tin tưởng. Nếu bỏ qua đi những sự việc riêng tư thì Kiệt cũng cảm thấy cô là một cô gái tốt, đáng mến. Song đâu phải trong một chốc lát mà đã có thể dễ dàng bỏ qua được. Huống chi, cô ta có thể sẽ còn ngấm ngầm những điều gì nữa với anh, ai biết.

Về phía anh Tám, dường như anh cũng đang tìm cách làm cho hai người gần gũi. Những ngày Kiệt tới, trừ những cuộc hội họp thiệt cần thiết, còn thì Bé Sáu ở nhà lo cơm nước giặt giũ cho Kiệt. Bé Sáu làm chuyện đó một cách chăm chú đáng ngạc nhiên. Và càng ngạc nhiên hơn nữa, những khi anh Chín Hóa qua chơi nói những câu bóng gió gán ghép hai người, cô gái chỉ xẻn lẻn cúi mặt mỉm cười.

Ngày trôi qua mau. Lật bật vậy mà đã cuối tuần. Đất cày gần hết. Chỉ còn lại một miếng chừng vài công. Ngày hôm đó, vừa mới đi được mấy đường thì Bé Bảy chạy ra báo có người tới kiếm. Anh Tám cởi ách thả trâu, dặn Kiệt ngồi chờ. Hồi lâu, vẫn chưa thấy anh ra. Kiệt lo lo, Kiệt biết công trâu đổi được chỉ còn ngày hôm nay nữa thôi. Nếu bỏ buổi này thì coi như bỏ luôn phần đất đã dọn còn lại, vừa mất công vừa uổng cả một mùa.

Phía trong nhà có bóng người đi ra. Dòm kỹ, không phải anh Tám mà là Bé Sáu. Kiệt muốn tránh mặt nhưng không kịp. Kiệt làm bộ không thấy, dòm lơ nơi khác. Bước chân cô gái lạo xạo lại gần. Bé Sáu đi tay không, mọi khi giác này là đem cơm ra. Có lẽ dòm bộ dạng đoán được ý Kiệt nên cô gái đâm ngại. Cô đứng lại hồi lâu rồi mới cất tiếng nói, giọng trống lổng:

- Ba tui ổng đi họp rồi. Ổng biểu dẫn trâu vác cày về nghỉ.

Câu nói thọc trúng chỗ lo của Kiệt. Anh phản đối:

- Nghỉ sao được. Công trâu còn có một ngày nay nữa thôi. Tính bỏ
đất à?

- Vậy chớ làm sao được?

Kiệt vẫn không dòm lại:

- Cày chớ sao?

- Ai cày?

- Tôi!

Một tràng cười khanh khách làm Kiệt bực bội quay phắt lại. Bé Sáu, ống quần xắn cao quá gối, chân đạp trên bờ ruộng, chân dưới nước, người nghiêng nghiêng, mấy sợi tóc mai lăng quăng phất phơ trước trán. Đôi mắt nghịch ngợm hắt ánh nắng chớp chớp như kiêu ngạo.

Thiệt ra thì Kiệt cày cũng chưa thạo mấy. Thời anh Tám còn ở cơ quan, Kiệt còn nhỏ. Những buổi cơ quan đi tự túc, chạy theo, phá một vài đường là đuối. Mấy ngày về đây, nhờ sức khoẻ, thỉnh thoảng Kiệt làm chen với anh Tám được lâu hơn. Song những lúc có ảnh bên mình thấy vững tâm. Nay thì chỉ có một mình Kiệt. Nhưng Kiệt cũng không thể chịu nổi bộ dạng khinh khỉnh của con nhóc. Tá

Nguyễn Xuân An
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 372
  • Khách viếng thăm: 370
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 10927
  • Tháng hiện tại: 1759827
  • Tổng lượt truy cập: 48133954