Con kinh đã có từ thuở xa xưa lúc bắt đầu khai khẩn vùng Đồng Tháp Mười hoang vu hàng trăm năm trước. Nhiều người gọi nó là kinh nhưng cũng không ít người gọi nó là sông - sông Cổ Cò. Gọi là sông vì nó rộng và sâu quá, bề ngang con sông có nơi đến hơn hai trăm mét, nước cuồn cuộn chảy quanh năm theo nhịp nước lớn, nước ròng ngày hai bận. Gọi là kinh vì nó do con người đào mà có. Vả lại từ bao đời nay, trên bản đồ địa lý tên của nó luôn được ghi là kinh Cổ Cò. Tuy vậy, đã từ lâu rồi dân cư trong vùng ai muốn gọi gì thì gọi miễn sao không nhầm lẫn kinh Cổ Cò với những con kinh hay con sông khác là được.
Trong thời bình, kinh Cổ Cò là đường thủy quan trọng đưa dân cư miền ngoài vào khai hoang lập ấp trong Đồng Tháp Mười. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ những vùng đất hoang sơ hai bên bờ kinh là căn cứ cho kháng chiến. Nhưng kinh Cổ Cò cũng là đường giao thông thuận lợi cho quân Mỹ và lính Sài Gòn đưa bộ binh áp sát tấn công vào vùng hậu cứ của kháng chiến nhất là vào mùa nước nổi hàng năm.
* * *
Sau ba tháng ngắn ngủi được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tại trường Sư phạm khu 8, cô Sáu được Tiểu ban Giáo dục tỉnh phân công về công tác tại Mỹ Lợi một vùng đất nằm bên bờ kinh Cổ Cò. Đối với cô Sáu, vùng đất này cô đã từng đến đây công tác vài lần nhưng chưa quen thuộc lắm về “đường đi, nước bước”. Lần này về bám trụ lâu dài ở đây, Cô nghĩ rằng mình phải thật thông thạo địa hình, phải quen biết nhiều bà con, những cơ sở của cách mạng rồi mới xây dựng phong trào giáo dục, cất trường, mở lớp được. Nghĩ sao thì làm vậy, cô Sáu đã dành một khoảng thời gian dài đi khắp các xã trong vùng, tìm hiểu làm quen với nhiều người nhất là các gia đình có con trong độ tuổi đi học.
Đi bộ, đi xuồng, lội ruộng cả buổi hàng bốn, năm cây số qua mấy ấp cũng chỉ thấy được mấy chục căn nhà, trại ruộng lưa thưa với hơn hai mươi đứa trẻ ốm nhom, đen nhẻm, tóc tai bù xù, cô Sáu cười với cô giao liên:
- Như vầy khó mở trường học à nhen!
- Ở đâu cũng vậy chị ơi! Ác liệt quá dân đi tứ tán hết.
Vào những năm bảy mươi, bảy mốt địch quay lại đánh phá vùng này rất ác liệt. Dọc theo bờ kinh là các dãy hố bom B.52 to đùng đang trở thành ao, đìa mọc đầy đưng, lác. Rừng tràm cháy loang lổ bởi bom na-pan, bởi thuốc khai hoang. Nhà dân ở rải rác từng nhóm ba, bốn nhà theo bờ kinh hoặc ở sâu trong đồng. Thỉnh thoảng địch cho bộ binh tiến vào càn quét nhưng cũng chỉ loay hoay ở hai bên bờ kinh mà thôi, chúng không dám đi sâu vào các địa hình. Để chống càn du kích xã tổ chức nhiều cụm địa hình cài nhiều chông, mìn, lựu đạn rồi cắm bảng “Tử địa” ở khắp nơi. Bộ binh địch vì vậy thường cũng chỉ lớ ngớ lục soát ở vòng ngoài không dám xông vào bên trong. Nhiều lúc đứng ở ngoài xa, chúng bắn như xả đạn vào địa hình rồi rút đi.
Khắp cả vùng dân cư thưa thớt, đường sá đứt đoạn, địch đánh phá thường xuyên, việc mở được lớp học, chỉ một lớp thôi cũng quả là khó khăn trăm bề.
Sau nửa tháng lặn lội đi tìm hiểu tình hình, lựa chọn địa điểm, cô Sáu quyết định tổ chức cuộc họp tại nhà ông chín Ngàn để bàn việc làm trường học. Vì là trường học thí điểm cho nên buổi họp chỉ bàn việc mở ra một trường học ở ấp Lợi Nhơn mà thôi, các ấp khác sẽ rút kinh nghiệm làm sau.
Gay go nhất trong buổi họp vẫn là việc trường học đặt ở đâu cho an toàn. Nhiều ý kiến được đưa ra. Có người cho là nên làm trường học ở đầu ấp gần bót kinh Nhì để tránh bom, pháo của địch. Có ý kiến khác cho là nên làm trường học ở giữa đồng gần kinh Kháng Chiến cũng tránh được bom, pháo và né địch đi càn, có người khuyên nên vào trong địa hình mà cất trường học. Bàn đi, tính lại bà con vẫn thấy còn nhiều bất ổn:
- Cất trường học gần bót thì tránh được bom, pháo đó nhưng bọn lính trong bót ra bắt cô giáo, bắt học trò thì làm sao? - Bà Hai nêu câu hỏi.
- Bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt. Cô Ba Trầu nêu
vấn đề:
- Tui thấy khó quá! Cất trường học tụ tập học trò vào đó rồi bom, pháo, máy bay… tôi sợ lắm! Hay là hoãn lại việc này đi, xin làm một trạm dân y thôi! Còn trường học để vài năm nữa tình hình bớt ác liệt đi đã rồi hãy tính. Nếu còn khó khăn quá thì để nước nhà độc lập rồi làm cũng không muộn.
Thấy tình hình có vẻ bế tắc, ông Chín Ngàn đằng hắng lấy giọng rồi đưa ý kiến:
- Theo tui thấy bây giờ nên làm trường học cho tụi nhỏ, khi nào yên thì học, khi nào động thì nghỉ, có học dù là ít còn hơn là không, một tháng học năm, mười ngày cũng được. Về việc chọn chỗ làm trường nếu nơi nào khó quá thì thôi không chọn. Theo tui, nên làm trường ở gần nhà tui, tui coi sóc, chăm nom cho. Nơi này làm trường học thì mát mẻ phía trên có mấy tàn tre gai che chắn sự dòm ngó của máy bay. Khi nào lính ruồng bố bất thình lình thì học trò tản vào trong xóm, cô giáo vào địa hình hoặc vào nhà tui giả làm con gái, con dâu tui hay giả làm đàn bà đi làm cỏ lúa cũng được.
Nghe vậy, mọi người cười ồ! Bà Hai vui vẻ hỏi luôn:
- Nơi đó gần đường cái tụi lính đi càn đốt trường thì sao?
- Tui sẽ lựa lời can ngăn bọn chúng - Ông Chín Ngàn đáp - Nhưng mà mấy khi tụi nó vô tới đây, còn nếu nó tới và định đốt trường học thì tui cùng với mấy ông bà già, tụi học trò nhỏ đấu tranh cản lại. Tui nói với tụi nó là trường học với nhà tui sát vách nếu đốt trường học thì cháy nhà tui sao… Vậy được không bà con?
- Thì tụi lính sẽ đốt luôn nhà của chú chứ nó sợ gì - Bà Hai nói.
- Tui sẽ cản ngăn quyết liệt, nếu cản không được chúng nó đốt trường học cháy luôn nhà tui thì cũng được, tui chịu.
Không ai nói gì chỉ cười, ông Chín nói luôn:
- Bà con mình đồng ý ha!
Vậy là việc cất trường học đã được tán thành. Mấy ngày sau, cùng với bà con chung quanh, một tiểu đội du kích góp tay vào tham gia làm trường học. Sau ba ngày cật lực đào đắp, đốn cây, xẻ ván, dọn cột, lợp lá…trường học đã được hoàn thành có băng ngồi, bàn viết, bảng phấn, trản-xê
(2) cho cô trò dạy - học đàng hoàng.
Gọi là trường nhưng chỉ có một phòng học lớn được làm bằng tre lá không có bảng hiệu, không hàng rào, không cổng trường, không định danh. Tên của trường được gọi theo kiểu truyền miệng: Trường Lợi Nhơn, trường cô Sáu, trường học kháng chiến… ai gọi sao cũng được. Học trò chỉ có hai mươi ba em mà chia thành ba lớp: Lớp vỡ lòng, lớp hai và lớp ba. Cả ba lớp cùng học chung một phòng cùng một buổi và chỉ có một cô giáo dạy. Thời gian học rất linh hoạt thường học buổi đứng từ chín giờ đến mười ba giờ thì tan học.
Sau khai giảng, trường học hoạt động hàng mấy tháng trời trong yên tĩnh và thu nhận thêm được nhiều học trò mới. Cô Sáu bám trường, bám lớp, cùng ăn cùng ở cùng làm với dân. Học trò siêng năng tới lớp, nhiều em chăm ngoan, học hành tiến bộ. Gặp khi mùa vụ đông ken, học trò cũng phải đi làm lúa giúp dân cho kịp.
Gần cuối năm, lợi dụng mùa nước nổi địch tăng cường đánh phá vùng này. Cô Sáu phải phân tán, chia nhỏ lớp học để tránh rủi ro, học trò học một buổi xong phải nghỉ hai ngày để nhường phòng cho lớp khác. Có hôm cô, trò đành bỏ trường dời đi nơi khác, rồi phải học trên xuồng ba lá, học ở nhà dân, nhà chùa, đi qua địa phương khác. Mười ngày, nửa tháng mới gom được học trò về học ở trường một lần. Sợ bọn lính đi càn gặp trường học chúng sẽ đốt, ông chín Ngàn còn cẩn thận viết một câu trên miếng bìa lịch “Yêu cầu anh em binh sĩ đừng đốt, phá trường học của các em” để khi cần thì treo trong trường học. Nhưng bọn lính chưa đến đây lần nào, vì vậy ông Chín chưa thử nghiệm được hiệu lực của miếng bìa ấy.
Thấy tình hình bớt căng thẳng, cô Sáu gom học trò về học ở trường. Trường học lại đông vui, ấm áp như ngày nào. Các em gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi. Trải qua nhiều gian lao, cơ cực cô giáo và học trò thương nhau như người thân trong gia đình.
Bây giờ các cuộc hành quân càn quét đã giảm đi nhưng bọn Mỹ lại tăng cường đánh đột kích bằng máy bay trực thăng. Bọn “nòng nọc”, “cá lẹp”, “cán gáo”
(3) thình lình xuất hiện, đánh phá, bắn giết rồi vèo một cái chúng bay đi mất. Có khi chúng đáp xuống nơi trống trải chặn bắt người chở đi. Có hôm chúng bay xoay xoay một chỗ trên nóc nhà, dùng cánh quạt làm tốc mái nhà rồi ném lựu đạn cay vào trản-xê… ai chạy ra chúng bắn. Do vậy, cô Sáu cũng phải dạy thêm cho học trò cách dùng mặt nạ tự chế chống hơi cay, dạy cách né tránh sự phát hiện của trực thăng, củng cố thêm các
hầm núp.
Sáng hôm ấy, cô Sáu đang chuẩn bị đến trường thì chợt nghe tiếng cánh quạt của trực thăng bay thấp. Chúng vù tới rất nhanh, đi qua khỏi rồi vòng lại. Ở dưới hầm núp nhìn lên, cô thấy rõ hai chiếc nòng nọc đang quần thảo phía trường học. Cô điếng người chạy theo lối giao thông hào ra phía đó. Chưa được nửa đoạn đường thì một tràng đại liên M.60 nổ giòn từ trên cao, đạn bắn xỉa xuống phía trường học. Chập sau, hai chiếc trực thăng vòng trở lại xả súng bắn thêm nhiều loạt đạn nữa rồi quay đầu đi thẳng.
Cô Sáu gọi học trò ra khỏi hầm núp kiểm tra từng em, không hề hấn gì, nhưng học trò đến chưa đủ. Cô lao ra phía ruộng lúa nơi mấy chiếc trực thăng vừa mới bắn. Một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt mọi người. Thằng Tuấn nằm chết bên ruộng lúa, tập sách vương vãi, người đầm đìa máu. Cách đó hơn trăm mét thằng Vũ bé bỏng nhất lớp nằm cạnh mấy vồng khoai đang lăn lộn vì bị thương rất nặng. Giao lại thằng Tuấn cho thím Chín Ngàn coi sóc, cô Sáu bế xốc thằng Vũ rồi chạy ra phía bờ sông. Cô gọi chú chín Ngàn bơi xuồng đưa thằng Vũ băng qua kinh Cổ Cò tìm đội phẫu thuật của quân y. Dòng kinh mùa nước nổi cuồn cuộn chảy như muốn cuốn phăng chiếc xuồng về phía hạ lưu. Cô Sáu cảm thấy con kinh to lớn hơn mọi ngày, bơi hoài không tới bến.
Bất ngờ từ phía xa trên trời, một vệt đen xuất hiện to dần rồi nghe rõ tiếng động cơ tè…tè…è…è è …Chiếc đầm già
(4) đang bay trên dòng kinh, rõ ràng nó đã nhìn thấy chiếc xuồng của cô Sáu. Nó quay lại bay vòng tròn phía trên chiếc xuồng và hạ thấp dần. Sau cùng nó chúc đầu xuống nhắm vào chiếc xuồng làm mục tiêu.
Bụp, bụp, lụp bụp… tè… tè, nó đang lao xuống.
Cô Sáu nói như ra lệnh:
- Chú Chín! Bơi ngược chiều với nó! Tấp vào bờ, lẹ lên!
- Chú Chín! Bình tĩnh! Đừng nhảy xuống kinh - vừa nói cô Sáu vừa ôm chặt lấy thằng Vũ.
Chiếc đầm già đã rất gần, cô Sáu nhìn thấy cả số hiệu trên thân nó và chiếc nón của tên phi công trong cabin máy bay.
- Coi chừng! Nó sắp bắn đó! Cô Sáu lại hét to. Bơi
mạnh lên!
Nhưng bỗng nhiên Ò... ò… ò… tè… tè…, chiếc đầm già tăng ga và cất đầu bay lên, không bắn. Nó bay đánh vòng lên không trung, cao dần rồi đi mất. Thằng Vũ được đưa đến trạm quân y kịp thời và được cứu sống.
Chiều lại bên mâm trà hiệu con ó đen nhiều người đưa ý kiến bàn luận về việc tại sao chiếc đầm già không bắn. Có người cho rằng tại vì máy bay hết đạn. Có người cho rằng nó thấy trên xuồng có người bị thương nên không bắn. Có người đi xa hơn cho rằng tên phi công là “phe ta”. Không ai kết luận được gì, mọi việc chìm vào quên lãng.
Trường học của cô Sáu cũng như nhiều trường khác tiếp tục tồn tại như vậy trong khói lửa chiến tranh và sự đùm bọc của bà con trong vùng cho đến tận ngày giải phóng đất nước.
*
* *
Ba mươi năm sau, cô Sáu giờ đã nghỉ hưu cháu nội, cháu ngoại ba, bốn đứa. Gặp cô trong buổi họp mặt của huyện, tôi hỏi lại chuyện xưa.
- Lúc chiếc đầm già sắp bắn chị nghĩ gì?
- À! Đó là thách thức, là một trong những giây phút gay go trong cuộc đời dạy học của chị. Lúc đó chị nghĩ thật nhanh “Còn nước còn tát tới cùng”. Nếu nó bắn trúng thì cùng chết chứ không được bỏ rơi học trò mình trong hoàn cảnh như vậy.
- Theo chị tại sao chiếc đầm già không bắn? - Tôi hỏi tiếp.
- Đầm già là máy bay trinh sát, vũ khí không mạnh, nhưng những thứ mà nó được trang bị hoàn toàn có thể bắn chìm xuồng và tiêu diệt ba người trên xuồng như chơi, nhưng nó không bắn cũng là lạ. Có lẽ tên phi công thuộc nhóm người “súng Mỹ lòng ta” bởi vì vào giai đoạn đó hầu hết phi công lái đầm già đều là người Việt - Ngừng một lát chị nói tiếp - Khi chiếc xuồng lọt vào tầm ngắm tên phi công sẽ quyết định ấn nút để phóng đạn ra hay là không. Cuối cùng nó không bắn. Đó cũng là một quyết định đưa ra tức thì, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Thấy tôi chưa có phản ứng gì, chị lại nói thêm.
- Đó là chị suy diễn vậy thôi, chứ chị có gặp, có biết mặt mũi tên phi công đó đâu mà nói cho đúng, phải không.
Tôi cười đồng cảm:
- Chị suy diễn cũng rất có lý, biết đâu được, cuộc chiến của mình vừa qua là chiến tranh nhân dân mà chị.
----------------------
(1) Nhảy giò: Bộ binh được đổ bộ bằng trực thăng, máy bay không đáp mà bay là là sát mặt đất, bộ binh nhảy xuống.
(2) Trản-xê: Một loại hầm núp loại lớn có nắp để tránh bom, pháo
(3) Nòng nọc: Trực thăng HU1A
Cá lẹp: Trực thăng Apach
Cán gáo: Trực thăng King Cobra (rắn hổ chúa)
(4) Đầm già: Máy bay trinh sát L.19
Ý kiến bạn đọc