Từ cái bóng của Sơn Nam

Đăng lúc: Thứ năm - 10/01/2013 09:59
Tại buổi toạ đàm mới đây về tác phẩm của Sơn Nam, một nhà văn có thẩm quyền trong ngành xuất bản và báo chí đã nói đại ý rằng, về văn hoá Nam bộ, văn minh miệt vườn, sau Sơn Nam là một khoảng trống, các cây bút Nam bộ chưa ai đủ tài, đủ sức lấp đầy khoảng trống đó. Những nhận định kiểu như vậy ngày nay chúng ta vẫn được nghe nhiều trong các hội thảo, toạ đàm ôn lại những văn nghiệp đồ sộ, những trào lưu văn học rực rỡ trong quá khứ.
Cái đúng chung chung của nó khiến nhiều người dễ dãi nghe êm tai, phù hợp với hoàn cảnh phát ngôn. Nhưng xét về tính khoa học, thì đó là những nhận định nuông chiều sự cảm tính, ở đây là sự nệ cổ. Đôi khi, nó lại là tâm lý mượn cây cao bóng cả để trú ẩn trong tình trạng không đủ sức thích ứng được với những giá trị tân thời.

Rõ ràng, muốn có cái nhìn khách quan về một đóng góp văn hoá, phải đặt nó trong diễn trình lịch sử, và không thể thiếu, xét nó trong bối cảnh mà nó xuất hiện. Giá trị, đóng góp của Sơn Nam đến nay không ai phủ nhận. Nhưng, phương pháp nghiên cứu điền dã của ông chỉ phù hợp trong bối cảnh, thời điểm đó, ứng với điều kiện cá nhân và đối tượng của giai đoạn lịch sử đó. Nếu đem cái điển mẫu “la cà” đậm chất tài tử, kể cả văn phong được coi “rặt miền Tây” của ông để làm thước đo cho các nhà nghiên cứu, kể cả nhà văn có tham vọng làm đậm văn hoá Nam bộ trong tác phẩm của mình ở thời hôm nay, thì đó là biểu hiện của trục trặc trong tư duy.

Thời đại nào có lý do hành xử và giá trị đóng góp của thời đại đó. Nhìn nhận được điều này, sẽ có tinh thần rộng lượng, không luỵ vào một thước đo giá trị, không bị buộc chặt vào quan niệm căn tính trong học thuật, nhờ đó, dễ dàng chấp nhận những giá trị mới, sự đa dạng. Hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ nhận thấy các cây bút Cà Mau không cứ nhất thiết phải tạo ra những Hương rừng Cà Mau kiểu Sơn Nam, mà Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Trọng Tín hay Võ Đắc Danh... mỗi người có một phương cách tạo ra giá trị, đóng góp riêng, hình thái văn hoá riêng mà ở thời của mình, Sơn Nam không có được. Tìm cách thoát ra, khước từ những tán rợp mát của cây cao bóng cả là một phẩm giá, thậm chí, là đạo đức của người sáng tác, làm nghiên cứu.

Cũng thế, rất tai hại khi chúng ta vẫn đọc thấy đâu đó trong các bài diễn văn, phê bình ta thán về tình hình phê bình văn học ngày nay xuống cấp, “thiếu những Hoài Thanh hiện đại”. Hãy nghĩ xem, nếu có một ông Hoài Thanh mới trong thời buổi này thì ông ấy sẽ làm được gì cho phê bình văn chương đương đại, khi mà thời đại phê bình đã thay đổi, kể cả vai trò của phê bình cũng đổi thay. Vậy, lối phê bình định hướng thẩm mỹ, nặng tính tuyển chọn tri âm và giao cảm kia chắc chắn không thể là mẫu mực hay chuẩn giá trị tuyệt đối.

Nhưng nệ cổ vẫn là căn bệnh muôn thuở trong đời sống văn học.

Sự nệ cổ nằm ở người viết khiến họ bám riết vào tư tưởng, phương pháp sáng tác cũ kỹ, “ăn mày dĩ vãng”.

Sự nệ cổ nằm ở nhà phê bình, khiến họ luôn coi những cái hôm qua là sáng giá tuyệt đối, và việc ra sức bảo vệ những giá trị đã được khẳng định qua thời gian đem lại sự an toàn cho họ trong học thuật, thậm chí dễ tạo ra những uy quyền vị thế nhất định để có thể phủ định, tấn công những cái mới, quan điểm mới, khác mình.
Sự nệ cổ nằm ở cộng đồng tiếp nhận, khiến cho những nỗ lực mang lại cái mới, cái sáng tạo dễ dàng bị đẩy ra bên lề, thậm chí bị ruồng bỏ và làm cho đời sống văn hoá trở nên trì trệ, không có tương lai.

Sơn Nam là một giá trị đã được khẳng định qua thời gian – không ai chối cãi chuyện đó. Sau Sơn Nam là một khoảng trống không ai thay thế được – đúng. Nhưng có nhất thiết phải sinh ra thêm một Sơn Nam hoặc nhiều Sơn Nam để nêm chặt vào khoảng trống đó, trong khi đời sống văn hoá đang cần đến những người biết kính trọng nhưng đồng thời chịu khước từ cái bóng “la cà tài tử” của Sơn Nam để còn tạo ra nhiều con đường mới mẻ hơn?

Cứ để khoảng trống lại cho khoảng trống, trả bóng râm lại cho bóng râm xa vắng kia mà không nhất thiết phải tạo ra những cuộc vận động cờ đèn kèn trống nào. Mọi cuộc đổi thay đều có lý lẽ của nó.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 86
  • Khách viếng thăm: 83
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 13286
  • Tháng hiện tại: 294400
  • Tổng lượt truy cập: 67268891