Vầng trăng còn đó

Đăng lúc: Thứ tư - 19/11/2008 13:31
Vầng trăng còn đó

Vầng trăng còn đó

(Trăng thề còn đó trơ trơ... - Nguyễn Du)

Mới bốn năm mà cảnh vật đã nhiều thay đổi. Khu vườn hẹp cỏ mọc um tùm với những cây tràm, mù u cao lêu nghêu ngày nào giờ đã được sửa sang lại. Những hàng nhãn, hàng xoài lá non mơn mởn nằm thẳng tắp trên những liếp đất vun cao. Ngôi nhà ngói cũ kỹ, tường mái rêu phong giờ đã được sơn sửa quét vôi mới. Vuông sân phía trước, trồng nhiều hoa kiểng. Nguyệt quế, mai chiếu thủy xếp thành hàng dọc theo lối đi. Hoa cúc nở vàng tươi bên cạnh đám thủy trúc lá xanh rập rờn...
Trên chiếc băng gỗ, cạnh cây mẫu đơn bông trắng thơm lừng, người đàn ông và người đàn bà ngồi cạnh nhau. Người đàn ông tuổi sắp lục tuần nhưng tướng tá hãy còn phương phi. Vẻ tự tin và cương nghị ở khuôn mặt cho thấy ông là người thành đạt trong cuộc sống. Người phụ nữ ngồi cạnh ông, trông mảnh mai, yếu đuối như nhánh phong lan nép bên thân cây vững chãi. Với lưỡng quyền hẹp, nước da xanh tái, tất cả nét đẹp và vẻ sinh động ở khuôn mặt chị như dồn cả vào đôi mắt. Một đôi mắt đen láy với rèm mi thưa, dài luôn mở to vừa ngây thơ vừa hiền hậu, buồn buồn. Đôi mắt vẫn muôn đời thiếu nữ trên khuôn mặt thiếu phụ đã ngoài năm mươi mà mỗi khi nhìn vào, người đàn ông lại thấy nhói lên nỗi thương cảm da diết, xen lẫn chút gì của niềm hối tiếc, ân hận.

- Hoa này - Giọng người đàn ông dịu dàng - Cô có còn nhớ hồi mình học chung lớp y tá không?

Đôi mắt đang xa vắng của người phụ nữ chợt ánh lên những tia long lanh, hóm hỉnh. Chị cười:

- Nhớ chứ, sao không nhớ. Hồi ấy, trông anh mới ngờ nghệch, tức cười làm sao.

- Còn cô... lúc nào cũng cứ như một bà cụ non. Chính cái vẻ “đàn chị” của cô đôi khi làm tôi... ức không chịu nổi.

Hai người cười khẽ, cùng ngậm ngùi nhớ về những ngày tháng đã xa xôi...

Hồi ấy, vào năm 1962, bên bờ kênh Cả Gáo, lớp y tá quân y huyện được mở để cung cấp nhân sự phục vụ chiến trường. Lúc ấy Hoàng là học sinh vừa xong tú tài một, vì lệnh tổng động viên của chính quyền Diệm, bỏ học theo kháng chiến và được đưa vào tham gia khóa học. Lớp gần năm mươi người nhưng toàn là đàn ông con trai, chỉ duy nhất Hoa là nữ. Năm ấy, Hoa hai mươi, cái tuổi mà tất cả mọi thiếu nữ đều trở nên xinh đẹp. Hoa lại có nét duyên ngầm ở nước da ngăm ngăm, dáng thon thả, rắn rỏi của cô gái quen lao động ruộng rẫy. Đặc biệt đôi mắt to, đen láy của Hoa (vì thế mà cô có biệt danh là “Hoa mắt đẹp”) đã làm “mất hồn mất vía” bao đấng mày râu. Đôi mắt, lần đầu tiên nhìn vào, Hoàng cứ ngỡ mình đang soi rọi một hồ nước trong veo. Tuy nhiên, hồi ấy, Hoa đã là đảng viên, là phó bí thư chi bộ, bí thư chi đoàn, kiêm luôn lớp trưởng. Điều đó làm Hoàng tự ái và khó xử. Cả đám con trai lại để cho một cô gái “chỉ huy”. Hoàng vẫn nghĩ vậy, tuy không bộc lộ bằng lời nói. Riêng Hoa, với khá nhiều “vai trò”, nhiệm vụ của cô là phải quan tâm, giúp đỡ Hoàng trong những ngày đầu tiên. Chú Chín, trưởng trạm, đã giới thiệu và gởi gắm Hoàng cho Hoa. Ngày đầu Hoàng đến, nhìn nước da trắng trẻo, đôi bàn tay với những ngón thon dài, áo sơ mi trắng gọn gàng trong chiếc quần tây xanh của Hoàng, Hoa nghĩ thầm: “Đi vào chiến khu với bộ dạng thế này, không biết anh chàng sẽ trụ được bao lâu”. Tuy nhiên, Hoa vẫn niềm nở đón tiếp.

Lớp học đóng trong xóm dân cư, thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân. Vài ngày học viên lại chia thành từng tổ vào rừng tràm kiếm củi. Có khi đi suốt buổi, đói, mệt, lại không quen lao động chân tay, đội bó củi trên đầu, Hoàng cảm thấy như cổ mình muốn gãy. Về đến nơi, vừa thảy bó củi xuống đã nghe tiếng cười rúc rích của các bà các cô: “Trời ơi, đàn ông con trai gì đội bó củi không nấu được nồi cơm. Coi bó củi của cô Hoa kìa!”. Hoàng ngoái lại, thấy Hoa vô tình để bó củi to của mình bên cạnh ôm củi nhỏ xíu của Hoàng. Hoàng tự ái, đâm giận Hoa, mấy ngày không nói với Hoa một lời. Lần sau vào rừng, chỗ hai người không cách nhau bao xa, Hoa để ý quan sát thấy Hoàng trèo lên cây bẻ nhánh khô rớp rớp, rào rào, ra vẻ nôn nóng, bực bội. Bỗng dưng anh tụt xuống ngồi bệt dưới gốc cây xoa chân lia lịa, vừa xoa vừa kê miệng thổi. Hoa chạy tới, hỏi:

- Anh Hoàng, sao vậy?

Hoàng làm thinh. Hoa ngồi thụp xuống, thấy chân của Hoàng, từ gối xuống bị xước một vết dài, máu rỉ có hột. Hoa vội lấy dầu nhị thiên đường thoa, rồi xé chỗ khăn rằn choàng trên đầu cột lại vết thương cho Hoàng. Hai người ngồi bên nhau, lặng yên. Lát sau, Hoa dịu giọng:

- Thôi mình về, anh Hoàng.

Họ lặng lẽ đi bên nhau, gần đến nơi đóng quân, Hoa rủ Hoàng ngồi nghỉ chân rồi làm như nhầm lẫn, cô vác bó củi của Hoàng xăm xăm đi trước. Hoàng biết Hoa sợ Hoàng lại bị cười vì bó củi của anh hôm nay vẫn nhỏ hơn bó củi của Hoa. Hoàng không bằng lòng nhưng vẫn ì ạch vác bó củi về. Hôm ấy, Hoàng được khen đã tiến bộ.

Để đảm bảo an toàn, hàng đêm học viên phải thay nhau canh gác. Anh lớp phó cắc cớ, lần nào cũng xếp hết ca của Hoa là đến ngay ca của Hoàng. Hết phiên, Hoa đến gọi Hoàng dậy đổi gác. Hoàng ậm ự, lăn qua lăn lại rồi... ngủ tiếp. Gọi hoài, sợ khua động giấc ngủ của người khác, Hoa đành trở ra gác tiếp hai giờ còn lại. Sáng dậy họp báo, không nghe “lớp trưởng” phê phán gì, nhìn hai quầng thâm dưới mi mắt Hoa, Hoàng ân hận. Phiên trực sau, chưa đến giờ đổi gác đã thấy Hoàng lò dò đi ra.

Đến mùa gặt, lớp học được trưng dụng đi cắt lúa tự túc của đơn vị. Trời nắng như đổ lửa. Lưng áo Hoàng ướt đẫm mồ hôi, cột sống nghe như sắp gãy, hai bàn tay phồng rộp, rát buốt. Ấy vậy mà, cạnh bên, Hoa vẫn cười cười nói nói, tay không ngừng đưa chiếc liềm lên xuống ngọt xớt. Hoàng không hiểu, trong tấm thân mảnh dẻ kia lấy đâu ra sức mạnh dẻo dai như vậy. Rồi anh bỗng thấy mình thật vô dụng không ra tích sự gì. “Còn lâu mình mới được như cô ấy”. Hoàng buồn bã nghĩ thầm. Bỗng nghe tiếng Hoa thét lên văng vẳng.

- Máy bay trinh sát mấy anh ơi! Tất cả rút vào địa hình, xuống công sự.

Trên nền trời, chiếc máy bay quần đảo, tìm kiếm. Một cột khói chỉ điểm dựng lên, hai chiếc rồi bốn chiếc phản lực xuất hiện, chiếc đi đầu thả bom dầu xuống khu vực ruộng lúa mà các học viên vừa chạy khỏi. Ngọn lửa trùm lên cả cánh đồng. Rồi chúng bắn rốc-két và thả bom xuống khu vực chung quanh. Tiếng bom nổ, đạn réo, tiếng máy bay gầm rú. Khói bom đen đặc. Một trái bom rơi sát công sự của Hoa. Trời đất tối sầm lại...

Khi chúng rút đi, anh em học viên túa ra tìm nhau. Họ nhận ra đủ mặt, chỉ thiếu Hoàng và Hoa. Chạy tới bìa rừng thấy Hoàng bế Hoa, mình mẩy hai người bê bết đất cát. Ai nấy hốt hoảng. Hoàng nói trong hơi thở đứt quãng:

- Tôi... moi... cô ấy... lên...

Thân thể Hoa mềm nhũn, mặt trắng bệch, từ mũi, miệng rỉ ra dòng máu.

Hoa được đưa về quân y cấp cứu. Suốt đêm Hoàng ngồi bên giường bệnh, bồn chồn lo lắng. Chẳng lẽ cô ấy chết sao? Ý nghĩ ấy khiến lòng Hoàng nhói lên. Anh bỗng nhận ra trong những ngày tháng ngắn ngủi vừa rồi nếu không có Hoa với sự cảm thông thấu hiểu, động viên an ủi, không hiểu Hoàng sẽ xoay xở cách nào. Nhớ lại sự giúp đỡ kín đáo ân cần của Hoa, Hoàng vô cùng cảm động. Hoàng chỉ mong Hoa tỉnh dậy để nói với Hoa rằng từ bao giờ Hoàng đã không còn cảm thấy khó chịu, bực bội nữa. Khi đón nhận sự bảo ban, giúp đỡ của Hoa, rằng Hoàng rất lấy làm sung sướng... Có tiếng rên khe khẽ, Hoa cựa mình rồi từ từ mở mắt. Hoàng mừng rỡ:

- Hoa... Hoa tỉnh rồi à?

Giọng Hoa yếu ớt:

- Anh Hoàng, tôi đang ở đâu đây?

- Quân y. Hoa bị sập hầm. Đưa đến đây từ chiều qua.

- Anh Hoàng... Có phải chính anh đã moi hầm đưa tôi lên?

- À....

- Hoa thấy trong người ra sao rồi?

- Tôi không sao đâu. Cám ơn anh!

- Sao Hoa nói vậy. Hoa không sao là tôi mừng rồi. Từ hồi hôm tới giờ, tôi lo quá.

Khi Hoa có thể tự ngồi dậy ăn cháo, Hoàng mới trở về lớp học, lòng vương vấn mãi căn lán nhỏ ở quân y. Hai tuần sau, Hoa khỏi bệnh trở về, người mừng rỡ nhất là Hoàng (và anh đã không giấu giếm điều ấy).

Lớp y tá rồi cũng hết chương trình lý thuyết, học viên được đưa đi thực tế ở quân y. Những ngày ở đây thật bận rộn, phải thường xuyên tiếp xúc, xử lý với thương tật, bệnh hoạn, họ hầu như không có thời gian để trò chuyện với nhau. Kết thúc đợt thực tập trở về cơ quan cũng là lúc khóa học bế mạc. Hoa trở lại địa phương công tác, còn Hoàng được giữ lại quân y. Đêm trước ngày chia tay không ai ngủ được. Hoàng thơ thẩn ra bờ tràm, nơi Hoa đang ngồi gác.

- Vậy là ngày mai Hoa về quê rồi. Long Khánh là ở đâu vậy, sao tôi chưa bao giờ được nghe tên.

Hoa nghĩ thầm: Anh là dân thành phố, làm sao biết được vùng quê xa xôi của tôi. Nhưng rồi Hoa dịu dàng kể cho Hoàng nghe về quê hương của mình. Ở đó có những con rạch hiền hòa uốn lượn quanh những vườn cây xum xuê, mấy năm qua chiến tranh tàn phá…

Hoàng bồn chồn:

- Ở đó có thường bị ném bom không?

Hoa biết Hoàng lo lắng cho mình. Cô cảm động nói vui:

- Rủi mà tôi bị bom dập lần nữa, tôi sẽ được đưa lên quân y cho anh điều trị.

Giọng Hoàng tha thiết:

- Tôi chỉ muốn được ở bên Hoa, chăm sóc cho Hoa mãi mãi.

Đôi mắt Hoa mở to nhìn Hoàng. Trăng mười sáu vằng vặc soi rõ vẻ bần thần xao xuyến trên khuôn mặt Hoàng. Họ ngồi lặng yên.

Sáng hôm sau, hai người chia tay. Những lời chưa nói vẫn canh cánh bên lòng.

Buổi chia tay bên bờ kênh ngày ấy vậy mà kéo dài hơn mười năm. Dù ở cách nhau không xa nhưng do cách địa bàn và tình hình chiến trường lúc ấy rất ác liệt, họ chỉ biết tin nhau qua những lời nhắn thăm, những lá thư viết vội. Hoàng biết Hoa học thêm khóa hộ sinh và đang công tác ở trạm bảo sanh khu vực. Riêng Hoàng, cũng được đưa đi đào tạo trở thành bác sĩ và chuyển sang dân y. 5 năm sau, Hoàng được tin Hoa bị bắt, bị kẻ thù đánh đập, tra tấn rất dã man. Rồi Hoàng được tin Hoa bị đày ra Côn Đảo. đau khổ, bàng hoàng, anh mất ăn, mất ngủ, gầy rạc cả người…

Hồi đó cán bộ chiến sĩ có tâm niệm biến đau thương thành hành động cách mạng. Hoàng chỉ còn biết đổ hết tâm sức vào công tác. Khi đứng trên bục giảng, lúc điều trị cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng… Bước chân Hoàng trải dài từ Kiến Tường, Kiến Phong đến khắp các chiến trường của Mỹ Tho, Gò Công.

Năm 72, trên đường đi công tác vùng Cầu Ván, Cẩm Sơn, Hoàng tình cờ gặp lại Hoa (vừa được trao trả sau hiệp định Paris). Đôi bạn ngỡ ngàng nhìn nhau. Hoa bây giờ đã khác xưa nhiều: gầy rạc, nước da xanh tái, mái tóc dầy óng mượt nay thưa thớt, hoe vàng… hậu quả của những ngày tháng tù đày, tra tấn. Duy chỉ có đôi mắt vẫn to đen, trong vắt, long lanh ngấn lệ mừng rỡ. Hoàng thương Hoa đến nao cả lòng. Hai người chỉ gặp nhau trong mấy phút ngắn ngủi, Hoàng phải vào ngay chiến trường, còn Hoa cũng được lệnh khẩn đến một cơ sở. Hoàng nắm bàn tay gầy guộc của Hoa, hẹn sẽ trở lại, đưa Hoa về dân y điều trị để phục hồi sức khỏe.

Nhưng Hoàng đã không thực hiện được lời hứa. Chiến trường ngày càng ác liệt, trạm dân y của Hoàng tràn ngập thương binh. Trong điều kiện thiếu phương tiện, thuốc men, trách nhiệm đè nặng trên vai những người thầy thuốc. Nhiều ca mổ dã chiến mà bàn mổ chỉ là những tấm nilon trải trên mặt đất, có khi trong một công sự, bên ngoài đạn pháo gầm rú. Biết bao lần những y, bác sĩ như Hoàng đã tự nguyện hiến máu để cứu chữa cho thương binh. Hoàng đã lớn lên, ngày càng khẳng định chính bản thân. Một bác sĩ trẻ, đẹp trai, tốt bụng, giỏi giắng là niềm mơ ước của bao cô gái. Nhưng mỗi khi có ai đó đề cập đến chuyện riêng tư của mình với hàm ý gán ghép, mai mối, Hoàng đều nhã nhặn từ chối: “Còn chiến tranh, nhiệm vụ nặng nề…”. Thật ra, dù trong sâu thẳm tâm hồn, Hoàng luôn nghĩ đến Hoa dù hai người chưa nói với nhau một lời hẹn hò, Hoàng luôn nghĩ đến Hoa. Năm tháng trôi qua, những ngày cận kề nơi lớp học vẫn in đậm trong lòng Hoàng. Với anh, Hoa không chỉ là cô gái anh yêu thương mà còn là người bạn, người đồng chí đã nâng đỡ, dìu dắt anh những ngày đầu tiên đến với cách mạng. Trong ký ức của Hoàng, mãi mãi vẫn còn đó hình ảnh cô Hoa mắt đẹp mềm mỏng nhưng cương nghị, nghiêm khắc mà luôn quên mình vì người khác. Và Hoàng đã để lướt qua đời mình bao hình bóng con gái anh đã gặp trên những chặng đường công tác.

Hòa bình, Hoàng tìm đến với Hoa ngay. Vì sức khỏe, Hoa đã chuyển sang công tác ở một đoàn thể. Họ gặp lại nhau, mừng đến rơi nước mắt. Cuộc hội ngộ sau hơn mười năm có bao điều kể lể với nhau. Nhưng khi Hoàng đề cập đến chuyện riêng tư của hai người…

Ánh trăng mười sáu vẫn như ngày nào, vằng vặc tỏa sáng xuống khu vườn. Giọng người đàn ông nhẹ nhàng nhưng chì chiết.

- Nếu ngày ấy mà tôi biết cái lý do “Vì chung thủy với người yêu là bộ đội đã hy sinh nên không muốn… bước đi bước nữa” của Hoa là… ngụy tạo, tôi sẽ không bao giờ…

Người phụ nữ ngước mắt nhìn vầng trăng bỗng trở nên xanh biếc.

- Hoa có thấy là Hoa bất công lắm không. Lẽ ra chúng ta…

Người đàn ông tha thiết. Chị thở dài:

- Tôi yếu đuối, bệnh tật như anh thấy đó. Làm sao tôi có thể mang lại cho anh cuộc sống yên ấm. Dẫu sao anh cũng đã có một gia đình hạnh phúc. Nếu chúng mình lấy nhau, cuộc sống của anh sẽ là những chuỗi ngày đưa tôi ra viện, vào viện, ngồi bên giường bệnh… Làm sao anh có thể… được như bây giờ.

Người đàn ông cúi đầu ngậm ngùi. Ông đã từng vượt qua bao hiểm nguy, gian khổ trong chiến tranh, đã từng đôi lúc đương đầu với cả cái chết. Và rồi ông đã vượt qua tất cả. Vậy mà rốt cuộc ông đã không vượt qua được nghịch cảnh của chính mình. Thứ nghịch cảnh đau đớn do chính người ông yêu thương tạo nên và buộc ông khuất phục. Lẽ ra sau bao năm tháng xa biệt, mất mát kiếm tìm, người cùng ông chung hưởng hạnh phúc phải là… Ông chỉ còn biết thở dài.

- À, chứng phù thận và viêm gan của Hoa dạo này có triệu chứng tái phát không? Trông Hoa gầy và xanh quá. Tôi định về chuyến này trước là thăm Hoa sau nữa rước Hoa lên thành phố để tái khám, điều trị.

Người phụ nữ lắc đầu:

- Ối, bệnh hoạn gì đâu mà điều trị. Bốn năm nay, từ khi về quê tôi khỏe hẳn ra. Có lẽ do không khí đồng quê, với lại cái trí mình không còn bận bịu nghĩ ngợi gì nữa.

Người đàn ông nhìn sâu vào mắt chị:

- Hoa có khỏe thật sự không?

Chị cất tiếng cười giòn tan:

- Cái anh này… riết rồi với anh tôi luôn là người nói dối hay sao? Tôi bây giờ có thể thách anh đi vác củi được đó. Mà thôi, anh kể chuyện nhà cho tôi nghe đi. Chị Lý ra sao? Thằng Quang vào đại học học hành thế nào? Còn bé Hà nữa, nó có thường nhắc đến má Hoa của nó không?

Suốt buổi chị tỏ ra vui vẻ nhưng anh vẫn thấy ái ngại. Khi chị giục anh ra về thì đêm đã khuya. Anh căn dặn chị phải ăn uống, nghỉ ngơi… Lúc anh lấy trong túi xách ra một bọc thuốc với tờ toa ghi công dụng, cách dùng, ân cần dặn dò, chị đã quay đi, cố nén nỗi nghẹn ngào dâng lên cổ.

Chị đứng tựa giàn dạ lý nhìn mãi theo bóng anh trải dài di động trên con đường làng. Đến khúc rẽ ra lộ, nơi chiếc xe con và người tài xế đang đợi, anh còn ngoái lại vẫy vẫy tay chào chị.

*

Lòng cứ bồn chồn không sao lý giải được, hai tháng sau, trên đường đi công tác, anh ghé tạt vào xóm cũ thăm chị. Cũng vào đêm rằm, con đường làng rải đầy ánh trăng xanh biếc, huyền hoặc. Đi gần đến ngõ nhà bạn cũ, lòng anh bỗng nhói lên một linh cảm thật lạ. Cổng rào khép kín, cả khu vườn chìm trong yên lặng. Chỉ có tiếng vạc sành ăn đêm, khắc khoải kêu vang. Anh tần ngần đưa tay đẩy cánh cổng và nhận ra nó chỉ khép hờ. Một bà cụ, tóc bạc trắng từ trong nhà chậm rãi đi ra. Bà đứng lặng nhìn anh.

- Cậu có phải là Hoàng?

Cũng trên chiếc băng gỗ cũ kỹ, bà dì cất giọng run run.

- Cháu tôi đã “về” hơn tháng nay. Tội nghiệp, nó như biết trước ngày ra đi của mình, đã nhắn tôi tới, sắp xếp mọi thứ. Nó để lại cho cậu một lá thư:

“Anh Hoàng,

Một lần nữa tôi lại nói dối anh, và đây là lần nói dối sau cùng. Sức khỏe của tôi dạo này đã suy sụp lắm. Tôi vừa nằm điều trị rất lâu ở bệnh viện huyện, nhưng không muốn anh phải lo lắng, không muốn ngày cuối cùng mình gặp nhau trở nên nặng nề. Anh Hoàng đừng buồn. Rốt cuộc rồi cũng đến ngày này. Lý ra nó phải đến từ lâu: Tôi biết sức khỏe của mình. Có lẽ chính tình cảm trong sáng bền bỉ của chúng mình đã níu giữ tôi ở lại cõi đời này. Nhìn anh thành đạt, hạnh phúc là tôi vui…”.

Hoàng ngồi bất động, trái tim như bị cấu xé ra trăm nghìn mảnh. Anh không tin, không muốn tin chút nào. Lẽ nào, Hoa bỏ anh mà đi. Đơn giản như chiếc lá lìa cành, như hạt bụi bay biến vào không trung… Hoàng hốt hoảng nhìn quanh, hốt hoảng tìm kiếm. Tưởng như chỉ bất chợt, Hoa sẽ hiện ra từ mái hiên, nơi khung cửa, dịu dàng nhìn anh, cười với anh bằng ánh mắt, long lanh to tròn.

Anh thổn thức nhìn lên.

Chỉ có vầng trăng tròn vành vạnh treo giữa trời đăm đắm hướng về anh.
Huyền Xưa
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 140
  • Khách viếng thăm: 136
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 73394
  • Tháng hiện tại: 464242
  • Tổng lượt truy cập: 60814380