Con sông nhỏ bình yên

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 10:31
Hết mùa lúa, đến mùa mận, cực khổ, gian nan mà vẫn không dư dả. Nghe chòm xóm bàn tới, bàn lui cũng xuôi tai, chú thím Tư bán công ruộng mua chiếc ghe lỡ trở về nghề sông nước của ông bà già, nhưng bây giờ họ không làm nghề thương hồ, rày đây mai đó, mà chỉ chở hàng bỏ mối, chở hàng thuê. Bởi gần nhà chú thím Tư đều sông nước, kênh rạch. Con nít ở đây, năm, bảy tuổi đầu đã nhảy xuống rạch tay ôm bập dừa, chân đập đùng đùng dưới nước.

Hồi nhỏ, chú Tư cũng vậy, nứt mắt đã theo ông bà già lênh đênh kiếp thương hồ. Không ít lần bị chúi đầu xuống sông, ông già nhảy xuống túm lên, la vợ ầm ĩ. Rồi chú Tư bây giờ tức là thằng Được hồi ấy lớn lên từng ngày, đen trũi vì cái nắng hầm hập từ mặt vàm Kỳ Hôn, sông Bảo Định... hắt lên. Mỗi lần ghe đậu là Được nhảy ùm xuống nước, ban đầu lội lủm chủm sát bờ cạn, sau thì ra ngoài và từ từ lội như rái cá. Nhưng rồi Được nghe ba má bàn nhau, ông già nói:
- Gởi thằng Được về quê, ở trên bờ mà học hành cho biết chữ. Mình làm gom góp tiền mua ruộng cho con cháu lên bờ sống.
Được về sống với ông bà nội đi học lúc tuổi đã mười ba. Đêm nằm trên giường tre, cứ chập chờn nhịp ghe, tròng trành trên mặt nước mà chân muốn đi theo ba má sống lênh đênh. Nhớ những lúc má ghé chợ mua cho trái bắp, ngồi gỡ từng hột, ngửa mặt ngó trời mây hay phóng tầm mắt ngây thơ qua những rừng dừa nghiêng mình lá chập chờn với gió như xõa tóc, qua những ngôi nhà ngồi chồm hổm mé sông. Quên sao được khi neo lại mé sông cạnh xóm nhà nào đó, nghe con gà gáy, nghe tiếng bìm bịp kêu, rúc đầu vô cánh tay của má. Khi nửa đêm, giấc ngủ treo trên sóng, lơ mơ trong tiếng má gọi ba:
- Ba thằng Được, dậy đi cho kịp xuôi con nước!
Ông già trở mình. Chiếc ghe lắc lư. Ba chèo lái, má chèo mũi, còn thằng con quấn cái mền chỉ, nằm trong mui ghe díp mắt, miệng lép nhép nhai bánh trong mơ.
Nhớ sông! Những buổi tan trường, thằng Được rủ tụi nhỏ tắm. Cả đám nhóc quăng cặp, tuột áo, nhảy ùm xuống nước. Hồi đó Huyền Trân học trên Được hai lớp (bởi Được sống trên sông nên già đầu học trễ), bữa Huyền Trân ôm cặp về ngang, tụi kia cá:
- Anh Được mà rủ được chị Trân xuống tắm, hôm sau tụi tui sẽ cõng anh đi học.
Máu bốc đồng nổi lên, thằng Được trổ tài, chặn đường rủ ren, không xong, thì “bạo lực” giựt cặp Huyền Trân giấu và “cưỡng chế” xuống tắm. Ai dè Huyền Trân nổi giận, nhào vô nhận đầu Được xuống nước. Trận “giao chiến” dậy sóng, đám trẻ trên bờ vỗ tay hào hứng nhốn nháo bờ sông. Không ngờ gái miệt sông nước, mạnh mẽ và lội sông như lướt sóng. Được bị tấn công tới tấp. Tuy mới mười ba, nhưng cu cậu tỏ ra là trai miền Tây sông nước, chỉ né nhường “đòn”. Một hồi, thấy mặt cô bé đỏ lên vì nắng, mà nắng hắt lên từ mặt sông ác vô cùng, nó rát bỏng và nhuộm rám làn da lẹ lắm. Được lặn sâu và trồi lên ôm lấy Trân định kéo cô bé vô bờ, nhưng kỳ thực, khi choàng ngang thì hai tay vô tình xiết phải hai vật nhu nhú trên người cô gái. Nhanh như sóc, Huyền Trân quay lại, cào vô mặt Được khi cậu ta vừa trồi đầu khỏi mặt nước. Cô bé lao nhanh lên bờ, hai tay khoanh trước ngực, òa khóc. Thấy vậy, đám nhỏ quơ áo, ôm cặp lủi mất. Được sợ cứng quai hàm, lên bờ trả cặp cho Huyền Trân và năn nỉ. Huyền Trân giựt cặp, che ngực, băng qua cầu khỉ, khuất dạng sau đám dừa nước. Được vừa tới nhà thì thấy ba của Huyền Trân dẫn con gái, giữ nguyên “hiện trường” qua nhà mắng vốn. Bà nội ngó bộ dạng ướt nước như chuột bạch của cô bé, rồi thấy thằng cháu chạy ào qua mé hè, tóc tai như lông nhím, nhiễu nước ròng ròng, nên lựa lời năn nỉ cha con bé Trân. Được thấy “nhục nhã” tột cùng khi phải quỳ gối khoanh tay xin lỗi cha con “người ấy”. Họ về, cu cậu bị bà nội bắt cúi lên ván, đập nát cái mo nan (cái mo ôm bông dừa, khi dừa trổ bông ra trái nó khô dần làm củi chụm). Bà nội mắng: “Học không lo, chữ chưa đầy lá mít mà đi làm nhục gia đình!”. Hôm sau Được đi học, ngồi phải nhon nhón vì ê mông. Tụi nhỏ ngó mặt Được căng thẳng, không dám nói gì, sẵn dịp chúng “dìm” luôn vụ ăn cá cõng Được đi học.
Hết lớp 10, Được mê sông nước nên không chịu học, bảo rằng học nhiêu đó đã viết được trên hàng trăm “cái lá mít”. Được nói nghe xuôi tai, nên ba má cho theo ghe giúp ông bà già chèo chống. Rồi ông bà mua mấy công ruộng, lên cái vuông trồng dừa, trồng mận và bán rẻ chiếc ghe. Ông bà xây nhà lên bờ ở thoáng cái đã hai mươi năm.
Lúc đó, Huyền Trân cũng bị ông già bắt thôi học ở nhà phụ chuyện bếp núc, ruộng vườn. Ngày xưa đã dễ thương, tên cũng đẹp nhất xóm mà bây giờ ra dáng thiếu nữ Huyền Trân làm tụi trai tơ đắm đuối muốn “nổ con ngươi”. Còn Được thì những lúc ngang qua ngõ ngó trộm, về nhà lại khó ngủ, cứ hồi tưởng lại vòng tay ngây thơ, vô tình chạm phải “chủm cau” thuở nào mà ôm gối mơ mộng. Rồi một hôm, thấy Huyền Trân một mình róc lá dừa, Được lấy hết can đảm, vò vè bắt chuyện. Dường như “mối hận” thuở ấy chưa nguôi, nên nàng sẵn lè:
- Gì đây? Đừng nói là rủ tui tắm sông nha! Người ta đang cầm dao đó.
Cái cào mặt như còn rát rạt, giờ cô ấy lăm lăm con dao như bằm nát bản lĩnh của Được, chàng lùi một bước ra gần mé rạch nếu không xong thì chuyền bập dừa nước mà tháo thân. Được ấp úng:
- Hổng có, tui á... tui, tui ghé xin lỗi...
- Lỗi gì? Huyền Trân lướt dao bén ngót theo sống tàu dừa, những cộng lá rớt tơi tả, thái độ khinh khỉnh không thèm dòm mặt Được.
Được nhủ lòng: “Kệ! Miễn em chịu nói chuyện là lòng anh sung sướng lắm rồi!”, nghĩ vậy nên Được tập trung hết mức:
- Thì... thì... thì...
Được muốn tự vả vô mặt mình vì cái tội cà lăm không đúng lúc. Lần đó Được về nhà ngày ngẩn ngơ, đêm trằn trọc không ngủ. Bà già lo lắng, hỏi hoài nên Được thú nhận là thương, muốn ba má cưới cô ấy làm vợ mình.
Bà già nói:
- Hồi xưa mày xúc phạm con gái người ta, giờ tao với ba mày trầu rượu qua đó, không khéo họ chửi, mang nhục mà vác mặt về! Kiếm đứa nào khác đi con ơi!
Nghe bà già ve vuốt như vậy, Được “làm trận”:
- Không cưới cổ, con ở vậy luôn!
Bà già hiến kế theo phương châm “Đẹp trai không bằng chai mặt!”. Một thời gian chịu khó lân la, bữa nọ, Được biết nói lời có cánh:
- Anh... muốn chuộc lỗi lầm, anh... muốn làm nô lệ cho em suốt đời!
Nói xong, Được thở gấp gáp và túa mồ hôi. Tưởng Huyền Trân sẽ phang khúc ô môi cho què chân, nhưng cô ấy ngó sửng vô mặt Được, hai gò má ửng đỏ rồi lí nhí:
- Anh này... vô duyên!
Rồi nàng hai tay choàng trái ô môi sau lưng đủng đỉnh bước qua cầu dừa, vô nhà mất dạng.              
Con Mực sủa inh ỏi, làm chú Tư giật mình. Thím Tư la con Mực và tiếng cô Hạnh oang oang:
- Hai ông bà này thiệt là... Có ghe đi chở đồ mướn mà cũng không biết tiếp thị, cho số điện thoại chào hàng, hỏi xin số điện thoại của anh khó dễ sợ luôn. Còn không biết in danh thiếp để cho khách hàng nữa.
Chú Tư cười khì:
- Cô làm như ghe hàng chục tấn hay sà lan không bằng, bày bậy bạ cho thiên hạ cười vô đầu.
Ông cầm điện thoại rồi nói:
- Thằng Tài nó mới thay sim khác, nó nói sim này số đẹp hợp tuổi tôi, mần ăn được mà nó đọc cho nghe rồi tôi quên rồi. Má nó nhớ hôn?
Thím Tư lắc đầu:
- Điện thoại của ông, ông không nhớ thì ai mà nhớ.
Cô Hạnh nhanh nhẹn chộp lấy:
- Đưa đây coi!
Cô mở điện thoại chú Tư, bấm số của cô vô đó và điện qua máy mình, rồi bảo:
- Tính giá mềm mềm, từ nay em gom dừa trái thì gọi anh chở, thằng cha Hai Ròm làm biếng nhớt thây, lại chạy ghe ẩu tả, già đầu còn thách đua ghe với tụi nhỏ bữa đó làm hết hồn!
Trả điện thoại chú Tư, Hạnh tiếp:
- Vậy trưa mai chở dừa nạo ra ngoài chợ đi nha ông chủ đò, để Hạnh nói thằng Đang kêu anh chở phân bón cho nó để bận về khỏi chạy không hao dầu. Mai mốt Hạnh nói nó nhờ anh chở hàng luôn khỏi kêu xe, khi kẹt xe đợi không có hàng mà bán. Thôi em về nha anh chị!
Bỗng nhiên có hai mối hàng lượt đi và về mà không phải tốn công, hao sức để chào mời, chú Tư nghệch mặt vì vui mừng, mắt ngó theo cái dáng bắt mắt đàn ông: eo thon, mông tròn, chân thẳng của Hạnh... chưa kịp nghĩ gì thêm thì nghe tiếng vợ cằn nhằn:
- Hứ! Ngó theo rớt con mắt! Dẹp chiếc ghe đi, khỏi chở chuyên gì hết. Nó chê thằng Hai Ròm giờ bắt sang ông đó hả, đá lông nheo hồi nào vậy? Kêu chở dừa ra ngoài vàm rủ cổ xuống sông mà tắm!
Thím Tư nói xong và tự mình cười chảy nước mắt vì nhớ chuyện tắm sông hồi nhỏ.
Chú Tư cũng bật cười và chống chế:
- Tự cô ấy tới kêu chở dừa rồi xin số điện thoại, ai biết gì đâu!
- Không biết là sao, tui móc con mắt ông bây giờ...
Chú Tư cười hềnh hệch:
- Bà này, mắc cười quá! Phụ nữ đẹp mà không dòm thì sẽ bị coi là không phải đàn ông. Ngó vậy thôi chứ mẹ thằng Tài bộ bà tưởng...
Thím Tư chụp luôn:
- Bộ ông tưởng tôi đui hả? Nãy giờ tôi theo dõi cử chỉ của ông với cổ, nói trỏng không, cổ giựt cái điện thoại, ông đơ mặt, chết điếng trên võng không nói được lời nào, mắt đứng tròng như bị điện giật.
- Vừa thôi bà, có sui rồi đó nha! Để tôi lo “cày” tới tháng mười dành tiền mần đám cưới thằng Tài bự bự chút.
Thím Tư tuyên bố:
- Từ nay tôi theo ông chở dừa!
Biết tính vợ, chú Tư nói giỡn:
- Hơn sáu chục ký bà ngồi cho khẳm ghe chạy tốn xăng, tốn dầu.
Thím Tư nguýt dài:
- Nói cho ông biết, thời gian mà quay trở lại, ông có chuyền qua, chuyền lại, sạt hết bờ dừa nước, tôi cũng hổng thèm ưng ông. Hứ!
Thím Tư xếp mấy manh bao vừa may xong để đậy lúa, rồi bỏ đi ra đàng sau.
Chú Tư nằm đong đưa võng, lơ mơ quay trở lại cái hồi đó. Sau câu tỏ tình có cánh ấy, Được tiếp tục cái “chiêu chai mặt”. Nhà cách con rạch, cứ rình ông bà già không có ở nhà là bơi xuồng qua cột trong đám lá rồi chuyền bập dừa nước mò lên đứng sau liếp dừa huýt sáo ra ám hiệu.
Huyền Trân đã thấy thích nên cũng biết đẩy đưa:
- Hai ba người làm mai mà tui trả rượu, tui chờ mấy người, bắt đền cái vụ ôm tui dưới nước đó...
Nghe nàng nói, ngó miệng chúm chím mà tim chàng muốn nát vụn.
Ngày nào hai người cũng chờ nhau, nói chuyện trên trời dưới đất, mắt cứ ngó chừng ra ngõ, nếu thấy ai vô ngõ là Trân chạy nhanh qua cầu dừa vô nhà, còn chú Được nhanh như sóc chuyền bập lá nhẹ nhàng bơi xuồng “tẩu thoát”. Nhớ kỷ niệm xưa chú cười một mình, thím quay lại bắt gặp, hiểu lầm:
- Hứ! Thấm ý vụ ra vàm rủ cô Hạnh tắm sông hay sao mà cười? Cơm chín rồi đó sao không xuống ăn rồi còn đi, nằm đó mà tưởng tượng!
Chú Tư cười thành tiếng:
- Bà mới là người tưởng tượng, nói thiệt phải biết bà mà như bây giờ tôi có thèm tốn công chuyền bập dừa cho khổ.
Vừa nói, chú vừa bật dậy, đi ngang, véo nhẹ vào vai thím, rồi xuống nhà dưới. Mấy mươi năm trôi qua, tình yêu thương gắn bó của họ vẫn đầy như con sông Tiền mùa nước nổi.
*
Hạnh gọi. Chú Tư nghe máy rồi lật đật mặc đồ, hất hàm hỏi thím:
- Có đi không?
Thím cười, vẫn nụ cười của Huyền Trân ngày cũ:
- Nói cho vui chứ ông tưởng tui thiếu tự tin sao chớ! Cho dù về với ông nhưng cái tên Huyền Trân của tui không mất đâu à, tụi bạn gặp tui cũng gọi tên hồi xưa đó chớ.
- Ý má nó khẳng định là mình vẫn “chẻ đẹp” chớ gì?
- Ba nó hiểu rồi hén!
Thím Tư mỉm cười rồi ra bến tháo dây ghe, chú loay hoay nổ máy, thím dặn với theo:
- Đi với gái đẹp ăn nói cho đàng hoàng, giữ kẽ một chút không khéo người ta quýnh giá, có sui rồi đa!
Chú cười lại hềnh hệch:
- Trời ơi! Cào mặt tui mấy chục năm còn rát rạt đây mà...
Tiếng máy nổ giòn, thím nhìn theo cho đến khi chiếc ghe và chú khuất bóng sau đám dừa nước có hàng vẹt, trái xanh xanh, vẫn trung thành bao đời dầm chân giữ đất. Tiếng con bìm bịp đâu đó đồng loại kêu lên, thím kêu thầm:
- Nước sắp ròng, ổng mà không xuống dừa nhanh, ghe xa bờ thì cực lắm.
Hồi thím còn là Huyền Trân, con rạch cũng nhỏ, ghe tàu chạy ít, giờ nó lở nhiều thêm ra, thỉnh thoảng có ghe chìm, lâu lâu nghe có người chết đuối cũng sợ. Nhất là ngoài vàm lớn, thì sà lan, ghe tàu cũng có nghe đụng nhau, rồi chìm đò. Thím bỗng giật thót, hôm qua thím lấy hai áo phao giặt phơi quên đưa cho chú. Nghĩ vậy, thím vội chạy vô nhà, lấy đôi áo xếp lại bỏ vào bao cột dây cẩn thận rồi khép cửa, ôm áo phao tất tả ra bến sông, chỗ chú neo ghe xuống dừa.
Minh họa: Lê Hồng Thái

Chất đầy dừa lên ghe, chú Tư cẩn thận trùm thêm tấm lưới bên trên, trước khi lui ghe, chú mở bao lấy đôi áo phao thơm mùi dầu xả mà thím dưa lúc nãy bảo Hạnh mặc vào. Hạnh cự:

- Mặc cái áo này nực lắm anh Tư ơi! Tư muốn làm nổi với hà bá hả?
- Bậy nà! Chú Tư vừa mặc áo vừa giải thích, tui học luật rồi. Đường bộ thì phải đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, đường thủy thì mặc áo phao để bảo vệ chính mình. Mà bà nhà tôi cẩn thận lắm, có nắng là bả soạn áo phao giặt sạch, bữa nay thằng Tài bận không đi chung chứ nó nghiêm chỉnh chấp hành lệnh má nó.
Hạnh xếp cái áo phao kê xuống mông cười dài:
- Thôi đi, ở trên bờ thì khác, xe cộ như nêm, dưới sông thênh thang, chỉ khi ra chợ buổi sáng hoặc giờ nước lớn thì hơi đông chứ bình thường anh vừa ngủ, vừa lái cũng không sao. Anh là soái ca mà, nghe kể mười ba tuổi dám lôi người đẹp Huyền Trân xuống nước tắm chung mà!
 Hạnh cười vang, át cả tiếng máy tàu.
Chú Tư giấu nụ cười và nói:
- Thôi thôi tui xin cô đừng có nhắc, má nó nghe bả giận à cô?
Chú lách ghe, tránh giề lục bình:
  - Đó thấy hôn, không chỉ ghe tàu, mà ta còn gặp phải chướng ngại vật, thử cô tấp vô đám lục bình đó coi, có nguy hiểm không. Nghe tui đi nha, mặc áo phao cho an toàn.
Hạnh bảo thầm: Cha con ông ngoan nghe lời, chứ tôi thì không, rồi cứ chúi mũi vô điện thoại không thèm chú ý đến lời khuyên của chú Tư. Khi chú Tư ghé vô điểm đổ dầu thì nghe mấy người quen kể chuyện sà lan cát và ghe gạo đụng nhau chìm ngoài đầu vàm có mấy người trên ghe gạo không mặc áo phao nên hiện giờ chìm mất không tìm ra. Họ bình luận đủ thứ, chú Tư để ý thấy Hạnh ngẩng mặt lên nghe và hỏi thăm tích cực. Khi ghe ra khỏi trạm xăng dầu, Hạnh len lén lấy áo phao mặc, bên ngoài choàng thêm chiếc áo khoác và bò ra phía sau:
- Ngồi sau ít bị nhồi sóng hơn hén anh Tư!
Chú Tư nói mà không nhìn Hạnh:
- Mặc cái áo phao chứ phải trộm cắp gì mà mắc cỡ còn phủ thêm cái áo tối thui vậy cô?
Hạnh đáp nhanh:
- Sao màu tươi trông giống mấy ông thợ sửa điện!
- Màu sáng như vậy cứu hộ mới dễ thấy, mặc áo kiểu như cô có hà bá nó thấy!
Hạnh nhăn mặt:
- Đi sông nước mà nói thấy ghê! Không sợ “Huyền Trân” ở nhà lo lắng!
- Ai dám nói là tui không sợ “Huyền Trân” của tui lo vậy? Trời ơi! Cực khổ lắm mới đem được “Huyền Trân” về nhà làm của riêng đó nghe cô!
Hạnh cười thành tiếng:
- Anh đánh bại luôn đám trai làng, trong đó có anh ba của tôi rồi ông Sáu Nhỏ con chủ vựa trái cây ngoài đầu vàm luôn mà...
- Ủa vậy cô biết hả, cả đống người bỏ rượu mà bả không ưng.
- Mắc cười lắm nhen, bây giờ thỉnh thoảng em nhắc cái tên HuyềnTrân chọc anh ba là chị ba nhéo anh ba đó chớ!
Ông Tư Được như thấy mũi mình nở ra, khoe tiếp:
-  Còn cái chuyện này nữa nhen: vì tui chiếm được Huyền Trân mà bị tụi si tình “rửa hận” sau ngày đám hỏi, mặt mũi tôi má ngó không ra. Nhờ vậy mà bên vợ cho Huyền Trân qua chăm sóc, tui phải nằm nhà cả tuần nhưng thấy sung sướng muốn nằm cả tháng luôn để được vợ mới chăm lo, bị đánh mà tự hào dễ sợ.
Hạnh cười híp mắt:
- Bây giờ Huyền Trân của anh vẫn mặn mòi dễ sợ luôn đó nha, khéo mà giữ!
- Chung thủy lắm nghe cô!
- Anh tự tin quá! Chợt Hạnh kêu lên, hình như người ta đang tìm người bị nạn kìa anh Tư...!
Ghe đã tới đầu vàm nơi vừa xảy ra tai nạn, trên bờ bà con túm tụm rất đông, người nhà kêu khóc, đội cứu hộ đang làm nhiệm vụ. Chú Tư đánh cái vòng để tránh phao báo hiệu, nói với Hạnh:
- Cô thấy chưa, trên bờ dưới sông gì khi tham gia giao thông mình cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành thì tránh được chuyện đáng tiếc xảy ra, đó cô coi người còn lại khóc thương, bao người tìm kiếm khổ lắm.
Không biết từ lúc nào Hạnh đã bỏ cái áo khoác nâu đen của mình vô giỏ, để lộ chiếc áo phao lung linh trên mặt sóng, như đóa hoa màu cam sáng bừng trên khúc sông quê. Và cô luôn để mắt tới người đàn ông sau lái, trong lòng thầm bảo: “Ổng có tuổi mà còn chắc khỏe, đẹp người, nói năng ngọt ngào, tính tình ôn hòa, nói đến vợ bằng lời lẽ yêu thương trân trọng. Làm công việc thì tận tình, làm việc hết sức cẩn thận... không cẩu thả như mấy người chở thuê cô từng gặp, người như vậy anh ba mình thua là phải rồi!”.
Bất giác cô thèm cái đầm ấm ngọt ngào mà cô bắt gặp trong nhà Tư Được vào buổi trưa hôm đó. Tình yêu của họ bền bỉ và yên bình như khúc sông quê.

Ngọc Lệ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 130
  • Khách viếng thăm: 128
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 16379
  • Tháng hiện tại: 258284
  • Tổng lượt truy cập: 67232775