Tiền Giang - Cái nôi nghệ thuật sân khấu cải lương

Đăng lúc: Thứ năm - 23/01/2014 09:14
Đêm 15 tháng 3 năm 1918, “Kim Vân Kiều” - vở cải lương đầu tiên của nước ta được công diễn tại rạp Thầy Năm Tú, cũng là rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam, hiện nay là rạp Tiền Giang tọa lạc tại trung tâm thành phố Mỹ Tho.

Từ sự kiện văn hóa đặc biệt ấy, đến nay tròn 96 năm, cũng là 96 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam. Nhân sự kiện này đồng thời chào mừng nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức chuỗi sự kiện gồm: Triển lãm, tọa đàm và chương trình biểu diễn nghệ thuật cải lương với chủ đềTiền Giang - Cái nôi của nghệ thuật cải lương” vào những ngày đầu năm 2014 vừa qua.

Trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật quý

Sáng 18-1, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, triển lãm “Tiền Giang - Cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương” đã được khai mạc với 352 hiện vật và hình ảnh được trưng bày. Ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Tiến sĩ Trần Thế Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành trong và ngoài tỉnh, các văn nghệ sĩ trong tỉnh và khu vực, đông đảo những khán giả mộ điệu cải lương đến dự.


Đại biểu tham quan và nghe thuyết minh tại triển lãm

Triển lãm có 4 chuyên đề: Đờn ca tài tử - Tiền thân của nghệ thuật sân khấu cải lương; Sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương tại Tiền Giang; Nối tiếp truyền thống sân khấu cải lương của thế hệ trẻ Tiền Giang và Một số hình ảnh các vở cải lương do các nghệ sĩ ở Tiền Giang biểu diễn.

Ở chuyên đề “Đờn ca tài tử - Tiền thân của nghệ thuật sân khấu cải lương” có các hình ảnh quý như: Gia đình Nguyễn Tống Triều; Ban nhạc của tài tử Nguyễn Tống Triều tại Hội chợ thuộc địa Marseille năm 1906… Chuyên đề “Sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương tại Tiền Giang” trưng bày hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần thăm hỏi ông Nguyễn Phương Danh - một trong những cây đại thụ của sân khấu cải lương; Rạp hát Vĩnh Lợi; Nghệ sĩ Năm Phỉ; NSND Phùng Há; NSND Bảy Nam… biểu diễn trên sân khấu. Về hiện vật có: Áo dài của NSND Phùng Há mặc diễn trong vở Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu (năm 1960); áo bà ba của NSND Bảy Nam mặc khi diễn vở Lá sầu riêng; kịch bản cải lương Đời cô Lựu (75 trang do soạn giả Trần Hữu Trang soạn năm 1955) cùng nhiều đạo cụ như: thương, đao, kiếm, dao găm… sử dụng biểu diễn trên sân khấu. Hai chuyên đề còn lại giới thiệu đến công chúng những thành tựu của cải lương trên đất Tiền Giang do các thế hệ soạn giả, nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước xây dựng nên.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở VH-TT và DL cho biết: “Với hơn 300 hình ảnh và hiện vật được giới thiệu tại khu vực trưng bày sẽ góp phần giúp người xem có thêm cái nhìn thực tế về một loại hình sân khấu mới của dân tộc ta - sân khấu cải lương, do trí tuệ, tài năng, mồ hôi và nước mắt của biết bao lớp nghệ sĩ tạo nên, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ Tiền Giang và quê hương Tiền Giang”.

Sôi nổi buổi tọa đàm về nghệ thuật cải lương

Buổi tọa đàm “Tiền Giang - Cái nôi của nghệ thuật cải lương” diễn ra trong không khí sôi nổi với 15 tham luận của các nhà nghiên cứu, soạn giả, nghệ sĩ. Đến dự có ông Trần Thế Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Khang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư - Tiến sĩ - Viện sĩ Trần Văn Khê cùng gần 150 đại biểu đại diện cho Hội Nghệ sĩ sân khấu; Sở Văn hóa -  Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực; các nhà nghiên cứu, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên cải lương trong và ngoài tỉnh.

TS. Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu đề dẫn, khẳng định: “Nghiên cứu về sự đóng góp của Tiền Giang đối với nghệ thuật sân khấu cải lương là một việc làm cần thiết nhằm hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày ra đời sân khấu cải lương Việt Nam. Cuộc tọa đàm mang tính chất của một hội thảo khoa học, nhằm góp phần làm sáng tỏ những đóng góp của Tiền Giang vào sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương suốt 96 năm qua, khẳng định sự ra đời của nghệ thuật sân khấu cải lương và là cái nôi của nghệ thuật sân khấu này”. 

Nhiều tham luận đề cập đến sự ra đời và phát triển của loại hình nghệ thuật cải lương như: Gánh hát Thầy Năm Tú, gánh hát Huỳnh Kỳ và gánh hát Đồng Nữ Ban (GS-TS-Viện sĩ Trần Văn Khê); ông Châu Văn Tú và vai trò của gánh hát cải lương đầu tiên đối với sự phát triển của nghệ thuật cải lương (TS. Võ Thị Yến); Địa văn hóa Mỹ Tho trong sự hình thành và phát triển đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ (TS. Mai Mỹ Duyên)…

Bên cạnh đó là các tham luận nêu thực trạng và việc phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương trong thời kỳ hội nhập như: Nguồn gốc, giải pháp bảo tồn và phát triển cải lương trong thời kỳ hội nhập (NSND - TS Bạch Tuyết), Vài suy nghĩ về việc đào tạo diễn viên cải lương (NSND - ĐD Trần Ngọc Giàu). Đạo diễn Hồng Dung nêu những đóng góp quan trọng của các thế hệ soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ Tiền Giang trong thời gian qua…

Phát biểu tổng luận, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức cho rằng vấn đề ra đời của sân khấu cải lương, xác định Tiền Giang là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương được nhiều tham luận và ý kiến quan tâm đề cập. Với tư liệu phong phú và đáng tin cậy, các tác giả đã chứng minh: Rạp cải lương Thầy Năm Tú là rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam, vở cải lương “Kim Vân Kiều” và đĩa cải lương Thầy Năm Tú là vở cải lương đầu tiên và đĩa cải lương đầu tiên của nghệ thuật sân khấu cải lương. Những “cái” đầu tiên ấy đều ở Tiền Giang. Không những thế, nhiều gánh hát liên tiếp ra đời và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cả nước có quê Tiền Giang suốt 96 năm qua đã khẳng định thêm danh tiếng “cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương”.

Đặc sắc chương trình biểu diễn nghệ thuật

Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là đêm biểu diễn nghệ thuật cải lương được tổ chức vào cùng ngày. Chương trình được dàn dựng công phu do NSND Trần Ngọc Giàu làm tổng đạo diễn, với sự phối hợp của Nhà hát Trần Hữu Trang, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang và các vũ đoàn TP Hồ Chí Minh. Đêm diễn quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Bạch Tuyết, Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Thanh Hải, Cẩm Tiên, Trọng Phúc… và một số nghệ sĩ trẻ như Vũ Luân, Thy Trang, Lê Hồng Thắm, Nhơn Hậu, Đào Vũ Thanh, Lê Tứ…


Đồng chí Trần Thế Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy trao hoa cho GS-TS. Trần Văn Khê

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trần Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức đã đề cập đến sự ra đời của gánh hát cải lương Thầy Năm Tú đồng thời nêu bật ý nghĩa lịch sử của nghệ thuật cải lương. Ông khẳng định: “Với chương trình sân khấu hóa này, chúng ta bày tỏ sự tri ân tiền nhân đã khai phá vùng đất hoang vu, rừng thiêng nước độc, để cho chúng ta có một quê hương gấm vóc ngày nay; với những nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian đã tạo dựng vóc dáng văn hóa cho quê hương chúng ta, nơi mà lịch sử của nước ta đã ghi lại những sự kiện về sự ra đời sân khấu cải lương. Chương trình sân khấu hóa này là chuỗi hoạt động mở đầu để tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày ra đời sân khấu cải lương”.

Chương trình đã tái hiện không gian đờn ca tài tử và ca ra bộ của giai đoạn đầu khi bộ môn nghệ thuật này mới hình thành với hai điểm cầu truyền hình tại: Trung tâm hội nghị tỉnh và Bến tàu du lịch Mỹ Tho. Đặc biệt việc tái diễn 3 trích đoạn cải lương nổi tiếng: “Ngao sò ốc hến” của soạn giả Nguyễn Thành Châu; “Đời cô Lựu” “Tô Ánh Nguyệt” của soạn giả Trần Hữu Trang chính là điểm nhấn của chương trình. Bên cạnh đó, khán giả còn được theo dõi trích đoạn vở “Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy” của soạn giả Huỳnh Anh, do các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang biểu diễn.


Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang
trao Bằng khen cho các soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ

Trong đêm diễn, Ban tổ chức cũng đã vinh danh 30 soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ tài danh là những người con của quê hương Tiền Giang đã có nhiều công lao đóng góp cho nghệ thuật sân khấu cải lương qua các thời kỳ như: NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam, Soạn giả - liệt sĩ Trần Hữu Trang, NSND Nguyễn Thành Châu, GS-TS Trần Văn Khê, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Kim Cương…

Soạn giả Huỳnh Anh, một trong số những cá nhân được vinh danh, cho biết: “Tôi rất xúc động và phấn khởi khi Tiền Giang long trọng tổ chức hoạt động kỉ niệm này, qua đó khẳng định Tiền Giang là cái nôi của cải lương. Đây là dịp nhìn lại thời quá khứ vàng son của các bậc tiền bối để rồi mỗi người sẽ tự ý thức trách nhiệm của mình giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Đào Vũ Thanh - gương mặt nghệ sĩ trẻ của Tiền Giang xúc động chia sẻ: “Được vinh danh trong dịp này là điều rất bất ngờ đối với Thanh. Để không phụ lòng mong mỏi của quý khán giả, Thanh nguyện cố gắng hết sức mình trau dồi nghề nghiệp, đức nghiệp”.

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 96 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương: Tiền Giang - Cái nôi của nghệ thuật cải lương đã khép lại nhưng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cải lương cũng như những khán giả mộ điệu hẳn không thể quên những dấu ấn sâu đậm của một ngày được “sống với cải lương”. Đây còn là dịp để mọi người tìm hiểu nhiều hơn về nghệ thuật cải lương, trao đổi và tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm gìn giữ, đồng thời thông qua chuỗi sự kiện tiếp tục khẳng định nghệ thuật cải lương là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam cần được bảo tồn và phát huy, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lê Văn - Thảo Trúc
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 388
  • Khách viếng thăm: 358
  • Máy chủ tìm kiếm: 30
  • Hôm nay: 22791
  • Tháng hiện tại: 1474236
  • Tổng lượt truy cập: 45441469