Nhà thơ Vũ Tuấn tên thật là Võ Văn Tuấn, sinh năm 1972 tại xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Yêu thích thơ từ nhỏ, Vũ Tuấn đã bắt đầu sáng tác từ những năm học cấp 3, và thường xuyên có thơ đăng trên tập san Văn hóa văn nghệ Cái Bè, Tạp chí văn nghệ Tiền Giang… Năm 1991 khi đang là học sinh lớp 11, anh được giới thiệu vào sinh hoạt ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, từ đó Vũ Tuấn theo đuổi, gắn bó với phong trào thơ ca của tỉnh tính đến nay đã có hơn một phần tư thế kỷ. Vũ Tuấn đã xuất bản 2 tập thơ in riêng gồm “Giai điệu phù sa” và “Mật ngữ đồi thông kim”, tham gia nhiều tuyển tập thơ in chung và đã có hàng trăm bài thơ được giới thiệu đến công chúng. Năm 2016, Vũ Tuấn vinh dự được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật” của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà thơ Vũ Tuấn nhận giải tại cuộc thi sáng tác, quảng bá
tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách hồ Chí Minh”.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Vũ Tuấn quyết tâm học tập bổ túc văn hóa với mong muốn dấn thân vào con đường sáng tác. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nên có lúc Vũ Tuấn hầu như đoạn tuyệt hẳn với việc sáng tác để lo công việc mưu sinh cho gia đình. Và lời dạy của Bác “Không có việc gì khó… Quyết chí ắt làm nên” cứ thôi thúc anh, nên khi kinh tế gia đình tạm ổn định, Vũ Tuấn lại tiếp tục đeo đuổi với niềm đam mê sáng tác. Vũ Tuấn đến với thơ ca bằng sự đắm say thật sự, bằng tâm huyết đem những vần thơ làm đẹp cho đời.
Chính vì thế, khi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát động hội viên tham gia cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ Chí Minh”, nhà thơ Vũ Tuấn rất xông xáo, tích cực tham gia với rất nhiều tác phẩm có nội dung tốt, đạt chất lượng nghệ thuật. Qua 4 đợt thi, Vũ Tuấn đều có bài tham gia và đoạt giải thưởng cao. Năm 2008, anh đoạt cùng lúc giải Nhì với tác phẩm “Theo chân Bác” và giải khuyến khích với tác phẩm “Một lời”. Năm 2010, anh đoạt giải Ba với tác phẩm “Bác Hồ người không thích làm ai phải buồn”. Năm 2015 là giải Nhì với tác phẩm “Học Người một chữ làm người” và năm 2018, Vũ Tuấn bài thơ “Cuộc chiến âm thầm” cũng đã đoạt giải Nhì.
Nhà thơ Vũ Tuấn chia sẻ: “Tôi học ở Bác những điều giản dị, gần gũi nhất mà tôi nghĩ trong khả năng mình có thể làm được. Chẳng hạn như viếc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe, Bác nói "Tự tôi ngày nào tôi cũng tập". Bởi không có sức khỏe thì còn làm được gì lợi ích cho bản thân cho mọi người. Đó cũng là cảm hứng để Vũ Tuấn viết nên những vần thơ hết sức sâu sắc và chân thành:
“Tự tôi ngày nào tôi cũng tập
Tráng kiện thân tâm minh triết yêu đời
Tự tôi ngày nào tôi cũng tập
Một lời vàng luôn đồng vọng hồn tôi!”
(Một lời - Vũ Tuấn)
Vũ Tuấn cũng chia sẻ những trăn trở của anh: “Tấm gương đạo đức của Người luôn soi sáng cho bản thân tôi noi theo. Những tác phẩm viết về Bác luôn làm tôi trăn trở và vẫn thấy còn chưa đủ, chưa nói được bao nhiêu so với tầm vóc hết sức vĩ đại của Bác”. Chính vì thế, đây là động lực để anh ấp ủ sáng tác thêm nhiều tác phẩm về đề tài này.
Không những thế, những bài thơ của nhà thơ Vũ Tuấn qua các đợt thi còn góp phần quan trọng trong việc ca ngợi những việc làm tốt, những nhân tố điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Qua những bài thơ của anh, người đọc cảm nhận được một cách sâu sắc về những việc làm cao đẹp trong đời thường xuất phát từ sự cảm phục, noi theo gương Bác. Trong bài thơ “Cuộc chiến âm thầm” viết về Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Vũ Tuấn dùng hình tượng tờ giấy bạc với ảnh chân dung Bác Hồ luôn nhắc nhở người chiến sĩ cách mạng giữ mình sạch trong trước những cám dỗ của đồng tiền:
“Tờ giấy bạc có mồ hôi nước mắt
Tờ giấy bạc có in hình của Bác
Bác ở bên ta
Nhắc nhớ từng ngày.
Đất nước im súng bom
Cuộc chiến đấu vẫn âm thầm tiếp diễn
Đâu đây...”
(Cuộc chiến âm thầm - Vũ Tuấn)
Vũ Tuấn chia sẻ thêm: “Bác từng nói văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ. Vậy văn nghệ sĩ phải tích cực đề cao những giá trị chân - thiện - mỹ , góp phần đề cao cái đẹp; đấu tranh, phê phán và đẩy lùi cái xấu cái ác. Chính về thế Vũ Tuấn luôn phấn đấy sáng tác thật nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có sức lan tỏa rộng... Bằng chính tác phẩm chân chính của mình văn nghệ sĩ là đầu tàu gương mẫu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Những vần thơ viết về Bác của Vũ Tuấn đã khơi gợi và ghi dấu ấn ngày càng sâu đậm sự kính phục cũng như tình cảm gắn bó của văn nghệ sĩ đối với Bác, từ đó học tập và làm theo Người để tu dượng phẩm chất đạo đức bản thân tốt hơn. Những bài thơ của anh thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, cổ vũ và động viên mọi người trong việc học tập và làm theo Bác.
"Học người chỉ một chữ nhân
Trước liêm sau chính quên thân vị đời
Giữ mình như giữ con ngươi
Với ta nghiêm khắc, với người bao dung
Chí tình, chí nghĩa, chí công
Một đời thanh bạch, chẳng mong lợi quyền..."
(Học Người một chữ làm người - Vũ Tuấn)
Nhà thơ Vũ Tuấn cho biết hiện anh đang ấp ủ viết thêm nhiều tác phẩm để tham gia cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động. Anh mong sẽ có thêm nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc để góp một phần công sức nhỏ bé của văn nghệ sĩ đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu.
nhà thơ, hội viên, văn học, nghệ thuật, tiền giang, giải thưởng, học tập, làm theo, tư tưởng, đạo đức, chí minh, xuất phát, tình cảm, kính yêu, ý thức, trách nhiệm, nghệ sĩ, tâm huyết, bài thơ
Ý kiến bạn đọc