Chiến thắng Ba Rài một nét son trong lịch sử - văn hóa Tiền Giang

Đăng lúc: Thứ hai - 17/09/2012 08:41

Chiến thắng Ba Rài ngày 15-9-1967 có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình cách mạng miền Nam. Đây là trận đánh tiêu diệt sinh lực địch, tàu chiến và phương tiện chiến tranh của Mỹ nhiều nhất ở ĐBSCL.

Chiến thắng này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, năng động, đầy quyết tâm của Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho trong giai đoạn đối đầu với chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch.

Chiến thắng Ba Rài đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bật của lực lượng võ trang tỉnh Mỹ Tho và Khu 8, tạo ra nền tảng vững chắc để bộ đội lập nên những chiến thắng lẫy lừng sau đó.


Tàu chiến Mỹ hoạt động trên sông Cửu Long. (Ảnh tư liệu do N.P.N sưu tầm)

Sông Ba Rài nằm trên vùng đất Cai Lậy anh hùng. Địa bàn này có mạng lưới sông rạch khá đặc thù, trong đó có hơn 20km của sông Tiền.

Sông Ba Rài khởi thủy là rạch Ba Rài, dài 25km, sâu 9m, có lưu vực lớn, bắt nguồn từ vùng lòng chảo Đồng Tháp Mười chảy ra sông Tiền, có vị trí chiến lược về kinh tế và quốc phòng đối với khu vực, đặc biệt là đối với các địa bàn thuộc Đồng Tháp Mười và Nam lộ 4…

Chính mạng lưới sông rạch khá đặc thù này đã góp phần làm cho Cai Lậy trở thành địa bàn chiến lược quan trọng của Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong chiến tranh giải phóng.

Sự vững mạnh của các căn cứ địa trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đó là sự hình thành sớm và trường tồn của vùng giải phóng “20 tháng 7” trên miền quê Cai Lậy đã đi vào lịch sử của Tiền Giang nói riêng và của ĐBSCL nói chung những trang oanh liệt.

Trong lịch sử, trước năm 1965, trên khu vực dọc theo sông Ba Rài đã từng diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt chống xâm lăng. Tại đây, âm vang hào hùng từ buổi ra quân đầu tiên chống quân xâm lược Pháp của nghĩa quân Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều… dường như được sống lại, sục sôi ngân vang, ngân xa hơn vào những ngày Đồng Khởi và những năm tháng tiếp sau.

Vào những ngày Đồng Khởi (cuối năm 1960), quần chúng khắp khu vực này được phát động và có lực lượng võ trang hỗ trợ, đã nhất tề nổi dậy phá rào kẽm gai, phá thế kìm kẹp, xé cờ ngụy, xé ảnh tên bán nước Ngô Đình Diệm, biểu tình thị uy, ồ ạt xông tới bao vây, bức rút, bức hàng đồn bốt địch, khiến cho hàng loạt đồn bót địch dọc theo sông Ba Rài và ở các xã Long Tiên, Mỹ Long, Phú Quý bị san bằng; nhân dân nổi dậy giành quyền, cho ra đời vùng giải phóng phía Nam Cai Lậy.

Vào những ngày nửa đầu năm 1963 sôi động, vùng sông Ba Rài trực tiếp đón nhận và phát huy tinh thần của chiến thắng Ấp Bắc trên chính quê hương Cai Lậy. Ngay từ đầu năm, phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” đã dấy lên mạnh mẽ trên địa bàn này, giành được nhiều thắng lợi.

Đặc biệt, vào ngày 25-6-1963, Tiểu đoàn 514 bộ đội tỉnh Mỹ Tho đã phối hợp với bộ đội địa phương huyện Cai Lậy và du kích các xã Cẩm Sơn, Hội Xuân, Long Trung cùng với quần chúng nổi dậy, triển khai ba mũi giáp công, đánh dứt điểm đồn Thanh Rôm - xã Cẩm Sơn và phá banh một số ấp chiến lược trong khu vực, bức rút hàng loạt đồn bót địch bên bờ sông Ba Rài, giải phóng hoàn các xã: Cẩm Sơn, Hội Xuân và một phần xã Long Trung…

Tiếp nối truyền thống lịch sử, phát huy tinh thần Đồng Khởi và đẩy mạnh phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, quân và dân Tiền Giang tiếp tục lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có một sự kiện độc đáo và nổi bật là chiến thắng Ba Rài (ngày 15-9-1967) trên khu vực xã Cẩm Sơn. Chiến thắng Ba Rài diễn ra vào lúc đế quốc Mỹ gia tăng cường độ quyết liệt của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.


Tái hiện chiến thắng Ba Rài.

Đầu năm 1967, một bộ phận của sư đoàn 9 quân Mỹ từ căn cứ Đồng Tâm phối hợp với quân ngụy tiến hành nhiều cuộc hành quân càn quét, đánh phá vùng lân cận và dùng máy bay B52 ném bom, rải chất độc hóa học trên nhiều địa bàn.

Đồng thời, chúng ráo riết chuẩn bị cho việc triển khai thử nghiệm hoạt động tác chiến của “lực lượng hỗn hợp hải - lục trên sông” (Joint Army - Navy Riverine Force, viết tắc là NRF) trên vùng sông nước ĐBSCL theo chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”.

Địa bàn mà quân đội Mỹ chọn để triển khai thử nghiệm chiến thuật này là khu vực Nam quốc lộ 4. Mục tiêu được chọn là vùng giải phóng “20 tháng 7” thuộc huyện Cai Lậy. Theo đó, Ba Rài là nơi đụng độ đầu tiên, lớn nhất, có tính quyết định cho mục tiêu này…

Cuộc hành quân của quân viễn chinh Mỹ đánh phá vào khu vực sông Ba Rài vào ngày 15-9-1967 có quy mô cấp lữ đoàn, do đại tá David chỉ huy. Lực lượng tham chiến gồm có 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn 2 sư đoàn 9, được mang biệt danh là “trận càn Cohart”.

Cuộc hành quân này không chỉ nhằm mục đích đánh chiếm, bình định địa bàn chiến lược và tiêu diệt Tiểu đoàn bộ binh 263 bộ đội chủ lực Quân khu 8 - một mục tiêu mà chúng đã điều nghiên kỹ và theo dõi từng bước chuyển quân, mà còn để thử nghiệm nhằm khẳng định một chiến thuật mới (chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”) mà chúng dự kiến triển khai rộng rãi trên chiến trường ĐBSCL, với hy vọng sẽ thoát khỏi những bế tắc của Mỹ - ngụy ở vùng này.

Để thực hiện chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, lính bộ binh Mỹ sẽ đóng quân trên những chiến hạm vốn là doanh trại của hải quân Mỹ đậu ở ven sông Tiền thuộc khu vực căn cứ Đồng Tâm. Từ trên những chiến hạm, lực lượng bộ binh Mỹ được bố trí vào các “xuồng thiết giáp đổ bộ” (ATC), có sự yểm trợ của các tàu chiến nhỏ (được trang bị pháo 40 ly hoặc 20 ly và súng cối 81 ly).

Để hỗ trợ cho lực lượng này, Mỹ bố trí xung quanh địa bàn Cai Lậy các cụm pháo theo đội hình có thể bắn chi viện cho nhau một cách hiệu quả nhất, như các cụm pháo do quân ngụy điều khiển đặt ở Bến Tranh, Long Định, Cái Bè…; các cụm pháo do quân Mỹ điều khiển đặt ở Thân Cửu Nghĩa, Hội Cư, Đồng Tâm và các khẩu pháo đặt tại các chiến hạm trên sông Tiền.

Mỗi cụm pháo thường có 3 khẩu 105 ly, mỗi đơn vị pháo trên các chiến hạm Mỹ có hơn 20 khẩu, trong đó có nhiều khẩu 155 ly. Đồng thời với việc triển khai “trận càn Cohart” do quân viễn chinh Mỹ thực hiện, Mỹ - ngụy còn tiếp tục tăng cường binh lực cho trung đoàn 11 sư đoàn 7 bộ binh ngụy gia tăng cường độ của cuộc hành quân Cửu Long 63 trên địa bàn Nam lộ 4 (khu vực xã Phú An).

Trong “trận càn Cohart”, quân Mỹ dùng xuồng thiết giáp đổ bộ, bí mật chở quân từ sông Tiền vào sông Ba Rài, tại khu vực xã Cẩm Sơn (địa bàn mà Tiểu đoàn bộ binh 263 của ta vừa mới cơ động tới và triển khai đội hình tác chiến trong đêm 14-9-1967). Trận chiến đấu đã diễn ra liên tục, quyết liệt, ròng rã suốt ngày 15-9-1967.

Được sự chỉ đạo và động viên kịp thời của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và sự hỗ trợ liên tục, có hiệu quả của đảng bộ và nhân dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 và bộ đội chủ lực quân khu đã phát huy cao độ tinh thần dũng cảm, sự mưu trí, truyền thống quyết thắng, đã kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa, bảo toàn lực lượng và giáng cho địch những đòn choáng váng, lập chiến công vang dội.

Ta đã bắn chìm 16 tàu các loại và bắn cháy, bắn hư 10 chiếc khác; bắn chết và bị thương hơn 500 tên địch; bắn cháy 9 xe M.113 chở trên tàu chiến của địch.

Chiến thắng Ba Rài không chỉ phá tan cuộc hành quân càn quét mang biệt danh “trận càn Cohart” của quân viễn chinh Mỹ, mà còn góp phần chặn đứng cuộc hành quân càn quét mang biệt danh “Cửu Long 63” của quân ngụy (hai cuộc hành quân càn quét này dự kiến kéo dài từ ngày 15 đến 20-9-1967, nhưng buộc phải chấm dứt trong ngày 16-9-1967).

Vào thời điểm này, chiến thắng Ba Rài đã đem lại niềm tin và nguồn cổ vũ lớn lao đối với quân và dân Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung trong việc quyết tâm đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Đây chính là sự chuẩn bị cần thiết của Cẩm Sơn - Ba Rài - vùng giải phóng 20 tháng 7, của quân và dân Tiền Giang cho cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Chiến thắng Ba Rài tuy chỉ diễn ra trong một ngày (15-9-1967), nhưng là chiến thắng của một trận trực tiếp đánh quân viễn chinh Mỹ, tiêu diệt nhiều sinh lực và nhiều phương tiện chiến tranh nhất kể từ khi chúng đặt chân lên vùng đất Tiền Giang.

Chiến thắng Ba Rài không chỉ là chiến thắng của một trận đánh tiêu diệt tàu chiến Mỹ nhiều nhất của quân và dân Quân khu 8, mà còn là chiến thắng của một trận đột phá, có tính chất quyết định trong việc đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của “lực lượng hỗn hợp hải - lục trên sông”, có không quân và pháo binh chi viện tối đa, là phương án chiến thuật mà đế quốc Mỹ đã lựa chọn để triển khai trên chiến trường ĐBSCL nhằm giành thắng lợi cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên địa bàn này.

Chiến thắng Ba Rài đã tiếp nối một cách xuất sắc tinh thần Rạch Gầm - Xoài Mút, chiến thắng thủy quân Xiêm La năm xưa, điểm thêm một nét son không bao giờ phai nhạt trong lịch sử - văn hóa Tiền Giang.
 

TRẦN MINH CHÂU
(Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh)


(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Ba Rài

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 178
  • Khách viếng thăm: 172
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 19975
  • Tháng hiện tại: 2252525
  • Tổng lượt truy cập: 46219758