Nghệ thuật khảm tranh ở Ravenna

Đăng lúc: Thứ ba - 25/09/2012 15:54
Vinh quang của Đế quốc La Mã đã mờ nhạt khi Ravenna bắt đầu sáng chói. Các vật chứng đẹp nhất của thời kỳ này là những bức tranh khảm trong các nhà thờ của nó, những cái thuộc vào đỉnh cao của nghệ thuật xây dựng cuối thời Cổ Đại.

 



Tranh khảm trong nhà thờ San Vitale ở Ravenna. Ảnh: Phan Ba

Trang trí phong phú của các nhà thờ Ravenna rơi vào một thời kỳ mà người ta đang tranh cãi với nhau, rằng liệu các mô tả con người, qua hội họa hay điêu khắc, trong tôn giáo nói chung là có được phép hay không. Những người phản đối dựa trên kinh Cựu Ước, dứt khoát cấm tôn sùng hình ảnh. Những người ủng hộ đưa ra lý lẽ, rằng tranh và tượng trong nhà thờ không những trang trí cho nó mà trước hết là để giải thích cho người mù chữ những đoạn trong câu chuyện thần thánh. Nhưng để làm việc đấy thì các mô tả phải càng đơn giản càng tốt và phải được giới hạn ở các thông tin cơ bản. Một ví dụ đặc biệt thành công cho điều này là nhà thờ Sant’ Appolinare Nuovo. Công việc trang trí bằng tranh khảm được tiến hành vào khoảng năm 580. Có lẽ cách trình bày trong sáng của nó có hơi cứng nhắc và vụng về, thế nhưng nó phục vụ trước hết là cho sự thông hiểu, và tính trang trọng của những cảnh tượng được mô tả trong màu trắng-xám, xanh lá cây, xanh nước biển, đỏ và vàng nói lên tầm quan trọng sâu xa mà các nghệ nhân đã mang lại cho các câu chuyện đó.

Thủy tinh sáng lóng lánh

Nhờ vào một vật liệu mà các bức tranh khảm mới có được màu sắc phong phú và sức chiếu sáng: thủy tinh. Khi còn trong trạng thái nóng chảy, nó được cho thêm một ít ôxít của kim loại, những cái cho cả một dãy màu phong phú. Độ đậm có từ gần như trong suốt cho tới một sắt màu tối mờ đục. Người ta dùng búa để đập những viên lập phương nhỏ (tesserae) ra từ miếng thủy tinh đã nguội lạnh có hình như một cái bánh. Để tạo những viên đá khảm vàng và bạc, lá kim loại được đặt trên một miếng thủy tinh và chồng lên trên bằng thủy tinh. Nhưng cả những vật liệu khác cũng được sử dụng: ví dụ như tấm mạng che mặt mềm mại, trắng như phấn và vật trang trí trên đầu của các trinh nữ trên tường trái của gian giữa trong Sant’Appolinare Nuovo được tạo thành bởi những viên đá khảm to và thô bằng đá hoa cương, và ngọc trai được làm bằng những mảnh xà cừ lớn – có thể nhìn thấy ở trang sức và y phục của các tấm tranh khảm trong San Vitale.
 


 

Tranh khảm trong nhà thờ Sant’ Apollinare Nuovo. Ảnh: Phan Ba

Có thể cả đá quý cũng được sử dụng vào lúc ban đầu, những cái mà người ta đã thay thế bằng thủy tinh. Nếu muốn nâng sức chiếu sáng, các viên đá khảm được gắn nghiên để chúng phản chiếu ánh sáng. Nhưng trước khi bắt đầu công việc thì bức tường phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước: đầu tiên, tường được cách ly chống ẩm bằng một hỗn hợp hắc ín hay nhựa cây. Rồi sau đó người ta trát chồng lên một lớp vữa thô, rồi những lớp vữa mịn hơn. Lớp vữa thật sự, thường có màu,  chỉ được trát lên trong ngày, vì vôi phải còn ẩm và mềm để có thể ấn những viên đá khảm sâu vào trong lớp vữa. Những người thợ xếp đá làm việc theo những bản vẽ trước nhưng họ cũng thường thực hiện khác đi. Không còn biết được lý do cho việc thay đổi chương trình này nữa.

Nghệ thuật thủ công

Người ta không biết chính xác những thợ thủ công làm việc ở Ravenna là từ đâu tới. Dựa trên so sánh phong cách, người ta đoán rằng thợ thủ công La Mã đã thực hiện những bức tranh khảm đầu tiên – tức là cả những bức tranh trong Sant’Apollinare Nuovo – hay ít nhất là những người thợ cả dẫn đầu đã được học hỏi ở Roma, vì trong Santa Maria Maggiore ở Rom vẫn còn giữ được nhiều phần của một cách sắp xếp hình như vậy. Nhưng những người thợ thủ công từ Byzantine tiến bộ hơn về mặt kỹ thuật, điều không chỉ dựa trên kiến thức sâu rộng về vật liệu và tài nghệ thủ công cao hơn mà còn dựa trên cả một cách tổ chức làm việc, phân chia lao động khác. Trong nhóm thợ nào cũng có chuyên gia chịu trách nhiệm cho một chi tiết nhất định. Ví dụ như những phần tinh xảo hơn như đầu và gương mặt đã được thực hiện với những viên đá khảm đặc biệt nhỏ.

Gương mẫu Byzantine

Ở Ravenna, người ta có thể có được một tổng quan rất tốt về sự phát triển phong cách của nghệ thuật tranh khảm trong thế kỷ thứ 6. Các bức tranh khảm trong lăng mộ của Galla Placidia và trong nhà rửa tội của Chính thống giáo Phương Đông đi theo một phong cách sống động hơn, đầy đặc tính thời Cổ đại: các nhân vật được trình bày một cách sinh động, mô tả phong cảnh nhờ ánh sáng và bóng tối cũng như qua một ám chỉ phối cảnh mà có được tính thật.

 

Tranh khảm trong lăng của Galla Placidia. Ảnh: Phan Ba

Lần hướng sang phong cách Byzantine đầu tiên là trong các cảnh xưa của cách tranh khảm trong Sant’Apollinare Nuovo, cái tìm được sự thể hiện rõ ràng của nó qua những tác phẩm sau này trong cùng nhà thờ đó và trong các bức tranh khảm của San Vitale và Sant’Apollinare ở Classe: toàn bộ nền được lót vàng, nhất quán từ bỏ mô tả ba chiều. Tính nghiêm khắc, tranh nghiêm và danh dự là đặc tính của các nhân vật, cử chỉ của họ được kiểm soát. Thường họ được thể hiện cô lập và trực diện với người quan sát, thiếu hoàn toàn những liên kết mang tính giai thoại.

Phan Ba
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 194
  • Khách viếng thăm: 191
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 80115
  • Tháng hiện tại: 2361772
  • Tổng lượt truy cập: 48735899