Nông dân ấp Mỹ Trinh B (Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè) tranh thủ thu hoạch lúa đông xuân 2012-2013 vào những ngày Tết.
Thu hoạch và chờ giá…
Trong những ngày này, nông dân các huyện: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và Châu Thành bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân 2012-2013. Tuy nhiên, đến đâu cũng nghe nông dân than thở vụ sản xuất này năng suất lúa không cao, giá lúa giảm so với vụ lúa đông xuân năm 2011-2012.
Vợ chồng ông Đoàn Văn Le, ấp Mỹ Trinh B (Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè) đem bao ra cho 2 máy gặt đập liên hợp thu hoạch 1 ha lúa IR 50404. Trên bờ ruộng có khoảng chục nông dân ngồi buồn thiu đợi đến lượt máy thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Le cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, máy gặp đập “nhả” lúa thấy ham, thương lái chực chờ lấy lúa. Còn năm nay, gặt hơn 3 công đất rồi mà chỉ có trên 30 bao lúa, thương lái cũng chẳng ngó ngàng gì tới”.
Vụ lúa đông xuân 2011-2012, gia đình ông Le thu hoạch trên 9 tấn/ha lúa IR50404, còn năm nay chỉ được 7,5 tấn/ha. Năng suất thấp, giá lúa không cao nên vợ chồng ông phơi khô, trữ lại để chờ giá cao mới bán. Theo ông Le, năng suất và giá lúa như thế này chỉ đủ bù vào tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, tiền cày, xới, bơm nước, công lao động trong 3 tháng, công thu hoạch...
Gần đó, ruộng lúa 0,3 ha IR50404 của ông Đoàn Văn Sang đang thu hoạch, năng suất khoảng 8 tấn/ha. Ông Sang thở dài: “Mấy ngày nay, gia đình tôi tìm “cò” lúa khắp nơi mà chẳng có ai mua. Nghe Nhà nước nói giá lúa không dưới 5.000 đồng/kg, nông dân trồng lúa có lãi trên 30% và mua dự trữ gạo trong những ngày tới. Nếu được vậy, chúng tôi mới sống được. Còn thực tế tại đồng ruộng, giá lúa IR 50404 hiện nay chỉ trên 4.000 đồng/kg, thương lái lại không mua”.
Bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, toàn huyện xuống giống 17.500 ha lúa đông xuân 2012-2013. Nông dân mới bước vào vụ thu hoạch nhưng giá lúa đã giảm so với vụ hè thu chính vụ năm rồi. “Nhiều năm nay, nông dân quen bán lúa tươi ngay tại ruộng và cho dù mắc - rẻ gì nông dân cũng bán. Bước vào vụ này, thương lái mua lúa rất hạn chế, lúa thu hoạch đồng loạt nên nông dân gặp không ít khó khăn”- bà Liên cho biết.
Tại huyện Cai Lậy, ông Nguyễn Quốc Nam, ấp Chà Là, xã Phú Nhuận vừa thu hoạch 0,4 ha lúa đông xuân, năng suất đạt 8,2 tấn/ha, thấp hơn so với vụ đông xuân trước gần 1 tấn/ha. Ông Nam cho biết, với giá lúa hiện tại, ông chỉ kiếm lãi được khoảng 10 triệu đồng/ha, thấp hơn vụ trước 10 triệu đồng/ha. Mấy ngày nay, ông tìm thương lái không được nhưng nhờ bán lúa giống cho bà con. Phần còn lại, ông phơi khô, trữ và chờ giá lên cao để bán sau.
Bà Trần Thị Nguyên, Quyền trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy cho biết: “Vụ đông xuân 2012-2013, nông dân huyện Cai Lậy xuống giống trên 17.000 ha lúa đông xuân. Diện tích này thu hoạch rộ vào khoảng 20-2. Do nông dân mới bước vào thu hoạch nên chưa định hình được giá lúa. Giá lúa đang ở mức thấp, chúng tôi đi đâu cũng nghe nông dân than phiền mà chẳng biết sao để giúp”.
Theo nhiều nông dân và ngành Nông nghiệp, năng suất vụ lúa đông xuân không cao là do sâu cuốn lá hoành hành, mưa trái mùa đúng ngay vào dịp lúa trổ và rầy nâu gây hại vào dịp cuối năm.
Giá lúa sẽ tăng?
Thương lái Nguyễn Văn Hà, ấp Mỹ Trinh B (Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè) đang xem lúa ngoài ruộng tâm sự: “Tôi lỡ ký hợp đồng với chủ ruộng và bỏ tiền cọc rồi chứ tôi không dám mua. Ký hợp đồng 4.400 đồng/kg lúa tươi IR 50404 nhưng thị trường hiện nay chỉ còn 4.100-4.200 đồng/kg thì thử hỏi phải lỗ bao nhiêu cho 25-35 tấn lúa. Bạn bè tôi cũng đã neo ghe và không ai dám mua cả. Từ Tết đến nay, chuyến ghe nào cũng lỗ vài triệu đồng. Giá lúa nhích lên mới có thể giúp nông dân và chúng tôi được”.
Còn “cò” lúa tên Tư Em, ở xã Bắc Hòa (Tân Thạnh, Long An) năm nào, vụ nào cũng đến các xã: Thạnh Lộc, Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) thu mua lúa, với số lượng lớn. Nhưng năm nay, ông lại từ chối tất cả, mặc dù nông dân chấp nhận bán giá thấp để thanh toán tiền công thu hoạch, tiền vật tư nông nghiệp và tái sản xuất lại vụ sau...
Theo Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Lê Thanh Khiêm, trước Tết Nguyên đán, công ty đã có kế hoạch thu mua lúa cho nông dân trong vụ lúa đông xuân 2012-2013. Ngay sau Tết Nguyên đán, các kho của công ty đã chuẩn bị sẵn sàng và chờ ngày 20-2 sẽ mua theo chủ trương tạm trữ của Chính phủ.
“Hiện nay, nông dân mới bước vào thu hoạch, lượng lúa cũng chưa nhiều nên giá lúa gạo chưa bình ổn được. Đến khi thu hoạch rộ lúa đông xuân, hy vọng giá lúa gạo trên thị trường được bình ổn theo chiều hướng có lợi cho nông dân”- ông Khiêm cho biết.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân 2012-2013, dự kiến thời điểm mua tạm trữ sẽ bắt đầu vào ngày 20-2-2013. Trong đợt này, số lượng gạo tạm trữ sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp hội viên mua vào như những đợt mua tạm trữ trước nhưng có thể các doanh nghiệp sẽ không nhận hỗ trợ lãi suất.
Trước đó, ngày 28-1, để chuẩn bị triển khai mua tạm trữ, Bộ Tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2012-2013, trong đó giá thành bình quân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xác định khoảng 3.616 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có giá 3.754 đồng/kg, Đồng Tháp 4.160 đồng/kg, Vĩnh Long 3.647 đồng/kg, An Giang 3.640 đồng/kg… Về giá mua, trong cuộc họp đầu tháng 1-2013, VFA đã chỉ đạo các doanh nghiệp sẽ mua theo giá thị trường nhưng không dưới 5.000 đồng/kg lúa.
Về xuất khẩu, VFA cho biết, trong tháng 1-2013, cả nước xuất khẩu hơn 300.000 tấn gạo, hợp đồng ký đến cuối tháng đạt 1,1 triệu tấn, nếu tính hợp đồng ký năm 2012 chuyển sang là 700.000 tấn gạo, đến nay số lượng hợp đồng gạo xuất khẩu đã ký đạt 1,8 triệu tấn. Theo đánh giá của VFA, những tháng đầu năm luôn là thời gian “im ắng” của hoạt động xuất khẩu vì hợp đồng xuất khẩu phải đến tháng 4 mới dồi dào trở lại với nhu cầu của các thị trường Malaysia, Trung Quốc…
Lại một vụ nữa, nông dân trồng lúa gặp cảnh năng suất không cao, giá lúa xuống thấp; thậm chí một số nơi việc tiêu thụ gặp khó. Hy vọng, vài ngày tới, nông dân thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân, giá lúa tăng dần để nông dân bớt khổ.
SĨ NGUYÊN
Ý kiến bạn đọc