Chống xói lở đê biển và phát triển rừng phòng hộ: Không thể chần chừ

Đăng lúc: Thứ hai - 04/03/2013 09:38
Gió mùa đông bắc thổi mạnh cũng là thời điểm đai rừng, đê biển bị xâm thực dữ dội nhất. Dọc tuyến đê biển Gò Công, đai rừng phòng hộ hiện còn rất mỏng, chỉ  từ 30-300 m. Đoạn xung yếu, đê trực diện với biển, nguy cơ bị vỡ đê rất cao. Giải pháp chống xói lở đê biển, phát triển bền vững rừng phòng hộ đang là vấn đề đặt ra rất cấp thiết.
Đoạn xung yếu, đê biển trực diện với biển.

Đoạn xung yếu, đê biển trực diện với biển.

KHÔNG THỂ LÙI

Theo Sở NN&PTNT, bờ biển Gò Công trải dài theo hướng Bắc Nam, vào mùa gió đông bắc (từ tháng 4 đến tháng 5), phải chịu tác động trực tiếp của sóng lớn. Mặt khác, bờ biển bị chia cắt bởi các con sông lớn (Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại), chế độ thủy văn, thủy lực rất phức tạp, diễn biến đường bờ rất khó kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân làm nhiều diện tích rừng phòng hộ bị xâm thực, đe dọa đến sự an toàn của đê biển cũng như tài sản và tính mạng của khoảng 330.000 người dân sinh sống bên trong đê.

Theo thống kê, Tiền Giang hiện có khoảng 1.600 ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó có hơn 350 ha giữ vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn cho gần 21 km đê biển. Từ năm 1980 đến nay, công tác trồng rừng rất được các ngành, các cấp quan tâm. Nhiều diện tích rừng trồng mới phát triển tốt. Tuy nhiên, tại đoạn xung yếu khoảng 3 km, rừng trồng mới không sống được, đê biển bị xói lở dữ dội. Tỉnh phải nhiều lần nâng cấp, gia cố.

Gần đây nhất, tỉnh cho xây kè lát mái bảo vệ đoạn đê xung yếu trực diện với biển. Song, các giải pháp chống xói lở đê biển, phục hồi rừng phòng hộ chỉ mang tính đối phó tạm thời, chưa mang lại hiệu quả. Và mỗi khi gió đông bắc mạnh dần lên, đai rừng phòng hộ càng mỏng thêm, đê biển tiếp tục bị xói lở nghiêm trọng hơn.

TS. Đinh Công Sản (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cho rằng, từ năm 1990 đến nay, rừng chết trên diện rộng và ngày càng gay gắt, đến nay đã mất quá một nửa. Đặc biệt, ghi nhận số liệu trong 10 năm qua, đê biển và rừng phòng hộ bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng.

Với tốc độ xói lở như hiện nay, nếu không có giải pháp khả thi, từ 5 - 10 năm tới, biển sẽ áp sát chân đê trên hầu hết chiều dài tuyến đê 10 km từ Vàm Láng đến Tân Thành (Gò Công Đông). Các giải pháp chống xói lở, bảo vệ đê cần được triển khai sớm, trong đó, giải pháp giảm sóng gây bồi, khôi phục rừng phòng hộ nên được ưu tiên hàng đầu.

PGS-TS. Hoàng Văn Huân (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển) khẳng định, chỉ khi giữ vững và phát triển rừng phòng hộ mới có thể ổn định được đê biển. Theo ông, Tiền Giang đừng nghĩ đến vấn đề lùi đê biển thêm nữa mà phải nghĩ đến việc tiến công ra biển. Vấn đề chúng ta cần đặt ra, tại sao bờ biển xói lở mạnh hơn trong 20 năm qua, trong khi độ bền của đất không thay đổi?

“Vấn đề là sóng biển ở huyện  Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Tiền Giang cũng như các tỉnh ven biển khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi. Tiền Giang không thể chần chừ thêm nữa. Tỉnh cần mạnh dạn thực hiện các giải pháp bảo vệ đê biển và phát triển rừng phòng hộ. Với trình độ khoa học - kỹ thuật của nước ta hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này”- PGS. TS Huân bày tỏ.

GIẢI PHÁP “MỀM” KẾT HỢP VỚI TRỒNG RỪNG

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xói lở đê biển, xâm thực rừng phòng hộ nhưng quan trọng, thường xuyên nhất là tác động của thủy triều, dòng chảy ven bờ kết hợp với gió đông bắc, sóng lớn từ biển vào. Các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp công trình và phi công trình để chống xói lở, phục hồi rừng. Các giải pháp đó là áp dụng kết cấu “mềm” bằng công nghệ vật liệu Geotube (ống cát), Geobag (túi cát).
 

Theo nhóm nghiên cứu của TS. Ngô Nhật Hưng và KS. Phạm Văn Mẫn (Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh), cần sử dụng kết cấu “mềm” bằng ống cát, túi cát gia cố bờ biển, làm đê giảm, phá sóng và nuôi tạo bãi, từ đó trồng cây gây rừng trên bãi vừa bồi. Giải pháp này vừa hiệu quả vừa tạo mảng xanh thân thiện môi trường cho bờ biển và khu du lịch.

Cùng quan điểm với nhóm nghiên cứu trên, TS. Phạm Văn Long (Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Vina Mekong) cho rằng, chống xói lở đê biển đòi hỏi phải có biện pháp giảm áp lực và chiều cao của sóng tác động lên đê, đặc biệt trong trường hợp nước biển dâng do biến đổi khí hậu; đồng thời gây bồi để tạo điều kiện trồng mới, khôi phục và phát triển rừng.

Với đặc điểm của bờ và bãi biển Gò Công thích hợp cho thực hiện kè “mềm”, đê “mềm” phá sóng. Ưu điểm của kết cấu này là chịu được biến dạng lớn, tải trọng động lớn hơn rất nhiều so với kết cấu cứng, đặc biệt trên nền đất yếu hoặc nền cát xốp dễ bị hóa lỏng; hiệu quả phá sóng cao hơn vật liệu cứng; xói cục bộ tại chân kè nhỏ và rất thân thiện với môi trường. Hiện nay, giải pháp này đã được áp dụng rất hiệu quả ở nhiều nơi trong nước và nhiều nước trên thế giới.

“Tôi kiến nghị nên dùng kết cấu “mềm” bằng sử dụng cát tại chỗ để xây dựng công trình giảm sóng, phát triển bền vững rừng phòng hộ và bảo vệ tuyến đê biển hiện hữu của Tiền Giang. Dùng phương pháp này thỏa mãn yêu cầu trước mắt và lâu dài về khôi phục và tái tạo rừng (rong rêu và cây có thể phát triển trên mặt vải của ống cát và túi cát), bảo vệ an toàn đê biển, duy trì hệ sinh thái ven biển với giá thành thấp, thời hạn thi công nhanh”- TS. Long nói.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Long, nhược điểm của giải pháp này là các ống vải, túi vải dễ bị hư hỏng do tác động cơ học nên cần có biện pháp bảo vệ và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Vì thế, giải pháp thực hiện cần kết hợp với vận động cộng đồng cùng tham gia bảo vệ tránh những tác động cơ học gây hư hỏng vải.

Qua thực tế kiểm chứng và đặc điểm của địa phương, các chuyên gia đề nghị, tỉnh cần triển khai giải pháp này dưới dạng mô hình thử nghiệm trước khi áp dụng trên diện rộng. Ông Văn Phú Chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều (Bộ NN&PTNT), cũng cho rằng, tình hình xói lở bờ biển diễn ra khá phổ biến ở khu vực phía Nam, chưa có giải pháp lâm sinh nào hiệu quả. Giải pháp kết cấu “mềm” để tạo bãi trồng rừng phòng hộ bảo vệ đê biển mở ra xu thế mới vì tính hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao đề xuất của các chuyên gia về giải pháp kết cấu “mềm” chống xói lở đê biển, tạo bãi, kết hợp với trồng rừng. Tỉnh sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT cho chủ trương làm thí điểm (hoặc duyệt thiết kế) giải pháp này. Nếu giải pháp hiệu quả sẽ tiến hành áp dụng trên diện rộng.

Tân Phú
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 413
  • Khách viếng thăm: 391
  • Máy chủ tìm kiếm: 22
  • Hôm nay: 112636
  • Tháng hiện tại: 1978415
  • Tổng lượt truy cập: 48352542