Cá rô phi Đài Loan cũng được thử nghiệm để nuôi cá bè nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa như mong đợi.
Trồi sụt thất thường
Ngày đầu tháng 3, không khí ảm đạm vẫn còn bao trùm ở làng bè Thới Sơn do vừa trải qua những cơn “sóng gió” to lớn. Nhiều bè cá vẫn còn trống vắng hơn mọi khi. Ông Nguyễn Văn T., một trong những người nuôi cá bè gần chục năm ở cù lao Thới Sơn trầm ngâm: “Tích lũy cả chục năm nay chỉ cần những cơn “sóng vỗ” của năm 2012, tài sản gần như tiêu tan hết. Vốn liếng bao năm tích cóp được đều chảy vào con cá bè”.
Ông T. khởi nghiệp nghề nuôi cá bè từ đầu những năm 2000, khi nghề nuôi cá bè trên sông Tiền mới được manh nha và trở thành một trong những người có nhiều bè nuôi cá ở bờ Bắc của cù lao Thới Sơn. Những năm đầu, lợi nhuận từ nghề nuôi cá bè tương đối khá nên ông tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng số lượng bè nuôi.
Đến năm 2012, ông được gần 30 bè cá, với nhiều kích cỡ khác nhau, có số lượng cá thu hoạch hàng năm lên đến cả trăm tấn. “Vậy mà chỉ những cơn trồi sụt về giá bán từ nửa cuối năm 2011 đến hết năm 2012 đã làm tiêu tan gần hết. Không chỉ vậy mà còn nợ ngân hàng, nợ đại lý thức ăn” - ông T. tâm tư như thế.
Gần đây, người nuôi cá bè “chết lần, chết mòn” là do giá cá xuống quá thấp. Ông Trần Thanh H., có gần 50 bè cá ở bờ Bắc cù lao Thới Sơn phân tích: Do nhiều yếu tố tác động, kể cả những thông tin gây bất lợi làm cho giá cá điêu hồng (loại cá chiếm đến gần 90% sản lượng nuôi cá bè hiện tại) dao động từ 25.000 - 26.000 đồng/kg trong khi giá thành nuôi đã lên 30.000 đồng/kg.
Theo ông H., phải mất 2,2 kg thức ăn để nuôi được 1kg cá thịt (giá thức ăn bình quân hiện tại trên 13.000 đồng/kg), chưa kể tiền con giống (khoảng 2.000 đồng), thuốc điều trị bệnh, nhân công. “Mỗi kg cá nuôi được, người nuôi phải chịu lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Người nào có số lượng bè nuôi lớn thì lỗ càng cao. Thực tế, có người lỗ vài tỷ đồng trong năm 2012 cũng vì con cá điêu hồng” - ông H. cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, một thương lái thu mua cá điêu hồng với số lượng tương đối lớn cho biết, sở dĩ giá cá thời gian vừa qua giảm mạnh và duy trì trong thời gian dài là do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, trong khi lượng cá cung ứng khá lớn.
“Trước đây trung bình mỗi ngày tôi bắt 4 tấn cá để bán cho các đại lý trung gian và bán lẻ, nhưng trong năm 2012 có thời điểm chỉ bắt hơn 1 tấn cá mỗi ngày. Lượng tiêu thụ giảm đã làm cho giá cá giảm thêm. Thế nhưng, những ngày cận tết và sau Tết Nguyên đán vừa qua, giá cá điêu hồng tự nhiên nhảy vọt lên gần 40.000 đồng/kg (giá bắt tại bè), đến đầu tháng 3 cũng còn duy trì ở mức 36.000 đồng/kg, nhưng không có mấy người còn cá để bán” - ông Dũng cho biết.
Điều đáng nói hơn là nếu như trước đây người nuôi cá chỉ cần có 30% vốn lưu động, 70% còn lại sẽ được các đại lý cung ứng thức ăn bao một thời gian tương đối dài. Thế nhưng, thời gian gần đây, do giá cá cứ trồi sụt theo hướng giảm, hầu hết đại lý thức ăn không bao số lượng lớn cho người nuôi mà buộc phải thanh toán bằng tiền mặt. Điều này càng đẩy người nuôi vào thế khó, không ít người nuôi phải áp dụng biện pháp giảm lượng thức ăn cho cá hàng ngày dẫn đến tình trạng cá chậm lớn hơn, càng dễ dẫn đến thiệt hại hơn.
“Tháo chạy” hay “cầm cự”?
Câu hỏi này cũng rất khó được trả lời thỏa đáng đối với những người nuôi cá bè trong giai đoạn hiện nay. Ông Võ Thanh Phương có 30 bè cá cho biết: Từ đầu năm 2013 ông đã quyết định giảm số lượng cá nuôi xuống gần 50%. Hiện tại, ông chỉ thả giống có 14 bè cá, số bè còn lại để trống chờ cơ hội mới thả.
Ông Phương phân tích, hiện nay giá cá đang dao động từ 35.500 - 36.000 đồng/kg, người nuôi có thể lãi 6.000 đồng/kg. Nhưng nếu thả cá giống thời điểm này thì ít nhất đến 6 tháng nữa mới có thu hoạch, liệu giá cá còn giữ được ở mức cao như hiện nay không. Chưa kể, những ngày gần đây, giá cá giống đã tăng lên 3 lần.
Nếu như trước đây, cá giống dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, thì những ngày gần đây đã tăng lên trên 50.000 đồng/kg (loại khoảng 100 con/kg), chưa kể giá thức ăn chưa biết giữ ổn định như hiện tay hay không.
“Mình sống với nghề này nhiều năm nên ráng bám trụ để tìm cơ hội gỡ vốn những đợt trước. Nếu bán đổ bán tháo bè cá thì cũng không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng” - ông Phương cho biết.
Nuôi theo dạng “cầm cự” là một giải pháp mang tính tạm thời hiện nay để người nuôi tìm kiếm những cơ hội thu hồi vốn đã mất. Nhưng đó là giải pháp của những người đã nuôi cá nhiều năm, có vốn tích lũy chút ít. Còn đối với những người mới tham gia vào nghề nuôi cá bè, hầu hết đều chọn giải pháp bán bè để thu hồi vốn đầu tư và giảm lỗ.
Bà Nguyễn Thị Oanh, có 6 bè cá có kích thước 4 x 8 m ở cồn Tân Long cho biết, chi phí đóng mới mỗi bè cá khoảng 70 triệu đồng. Năm vừa qua, mỗi bè thu hoạch bà lỗ thêm trên 60 triệu đồng. “Vừa vốn đầu tư ban đầu, vừa bị lỗ do giá cá giảm, tôi buộc lòng phải kêu bán hết các bè cá để thu hồi bớt phần vốn đã đầu tư, nếu không lỗ sẽ ngày càng nặng hơn” - bà Oanh cho biết.
Có người nói rằng sao không chuyển đổi giống nuôi, cứ nuôi mỗi con cá điêu hồng dễ dẫn đến tình trạng dội chợ, giá giảm. Bởi hiện nay có 90% số lượng bè cá trên địa bàn tỉnh đều nuôi cá điêu hồng. Tuy nhiên, trên thực tế phương án chuyển đổi giống cá nuôi bè cũng đã được thử nghiệm từ nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Văn Cường, người nuôi cá bè ở phường Tân Long cho biết, một số loại cá như: Cá rô phi Đài Loan, cá hú, chim trắng, ba sa, lóc bông, cá chẽm… đều đã được thử nghiệm nhằm đa dạng hóa chủng loại cá nuôi, nhằm giảm áp lực khi đến mùa thu hoạch rộ. Nhưng rất tiếc là mỗi loại cá đều có đặc tính riêng, nhất là đặc tính về sinh trưởng.
Sau thời gian thử nghiệm, các loại cá này lại chưa mang lại kết quả như mong muốn. Riêng cá điêu hồng dường như là thích hợp với thổ nhưỡng và vùng nước của sông Tiền, nên tăng trưởng nhanh và tỷ lệ hao hụt còn chấp nhận được. Nhưng tiếc là loại cá này chỉ tiêu dùng nội địa, nên dễ dẫn đến tình trạng dội chợ, giá rẻ.
Nghề nuôi cá bè trên sông Tiền đã được manh nha từ cuối những năm 1990 và phát triển nhanh chóng vào giữa những năm 2000, tập trung ở cồn Tân Long và cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho). Theo thống kê gần đây của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có trên 1.300 bè cá với nhiều kích thước khác nhau (4x8m, 5x10m, 6x12m…).
Tuy nhiên, sau những cơn “sóng gió” vừa qua, hiện chưa có con số thống kê chính xác lượng bè cá đang bỏ trống, bán đi hay chuyển sang mục đích khác. Tuy nhiên, theo những người am hiểu nghề nuôi cá bè cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay số lượng bè cá đang được thả giống để nuôi là tương đối thấp.
Ý kiến bạn đọc