Niềm vui trên những con đường nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ hai - 06/07/2015 07:52
Cách đây hơn mươi năm, ở nhiều nơi trong tỉnh ghe, xuồng không chỉ là “đôi chân” đi lại chủ yếu, còn là phương tiện vận chuyển nông sản từ vườn ra chợ. Việc qua lại trong ấp hay giữa các ấp phải đi trên những con đường trải đá quanh co hay những đường dal nhỏ hẹp mà mỗi khi 2 chiếc xe máy qua mặt nhau phải dừng lại nhường đường... Tất cả những hình ảnh trên ngày nào giờ đã là những ký ức “một thời đã xa” của những cư dân nông thôn mới (NTM).
w
Những con đường nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa hôm nay góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ô TÔ VÔ TẬN NGÕ

Con đường từ UBND xã vào ấp 1, xã Tân Thanh (huyện Cái Bè) nhỏ hẹp, phải qua nhiều cây cầu thô sơ ngày nào, giờ đây xe 4 bánh đã có thể vào tận nơi. Kế bên là con đường nhựa bao quanh ấp 2 rộng tênh, uốn mình qua những vườn cây ăn trái xum xuê và những ngôi nhà tường rào kín kẽ. Nói là đường nhưng thực chất nó là những con đê bảo vệ vườn cây ăn trái, nhà dân. Về sau, đê được nâng cấp và trở thành đường giao thông phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong ấp, liên ấp.

Anh bạn đi cùng tôi cứ nhắc đi nhắc lại câu nói của ai đó mà tôi không nhớ rõ nhưng rất sự thật: Trước đây khu vực này gần như nhà nào cũng có ghe, vỏ lãi không phải do thích đi, vận chuyển bằng đường thủy mà vì đường bộ quá khó khăn, cách trở. Còn giờ đây, đường trải dal, nhựa thông thoáng, ô tô vào tận ngõ, những phương tiện đường thủy này cũng không còn nữa.

Chúng tôi về xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) trong những ngày của tháng 6, khi những cơn mưa đã bắt đầu dày hơn làm cho những con đường dal trải dài hun hút vào tận các xóm, ấp sáng lên màu trắng toát. Rẻ qua đường dal vào ấp Bình Hòa B, chúng tôi dừng lại ở một nhà dân bên đường.

Hỏi về con đường đi qua nhà, chủ hộ Huỳnh Chung Vui phấn khởi: “Cách nay khoảng chục năm, đường này là đường đá nhỏ hẹp. Sau đó, đường được trải dal rộng 2 m, nhiều người nghĩ được như thế là hết mức rồi. Ai ngờ, nay đường còn được trải dal rộng đến 3,5 m, xe tải có thể vào, ra tận đây để chở hàng hóa, trái cây. Nhiều người còn cho biết, nhờ có đường lớn mà sầu riêng ở đây được thương lái mua có giá hơn so với những nơi khác (nơi xe tải chưa vào được) từ 1.000 - 2.000 đồng/kg”.

Không chỉ mở rộng, tuyến đường này giờ còn được trồng hoa và lắp cột cờ, kết hợp đèn chiếu sáng bảo vệ an ninh trật tự. “Đường sá khang trang, rộng rãi, đèn đường chiếu sáng, mỗi hừng sáng, người dân đi tập thể dục rất đông không khác gì ở thành thị” - vợ anh Vui ví von.

Đến tiếp xã NTM Tân Mỹ Chánh, xã vùng ven TP. Mỹ Tho giờ đây như cô gái đang tuổi xuân thì. Qua cổng chào xã NTM Tân Mỹ Chánh là con đường trải nhựa thẳng tắp với những bảng khẩu hiệu rợp 2 bên đường. Những con đường ngang, dọc cắt qua tuyến đường này cũng được nhựa hóa với nhộn nhịp người qua lại.

Rời vùng ven của thành phố loại II, chúng tôi về vùng cuối nguồn ngọt hóa. Xã NTM Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) đây rồi! Dù còn nhiều khó khăn nhưng Bình Nghị đã nỗ lực vượt khó, vươn lên để trở thành một trong những xã đi đầu trong phong trào xây dựng NTM.

Cảm nhận rõ nhất về những đổi thay ở Bình Nghị hôm nay là những con đường dal, nhựa còn mới toanh chạy dọc bên những cánh đồng rau, ruộng lúa… tô thêm những gam màu sáng cho vùng quê NTM còn không ít khó khăn.

Tuyến đường cặp kinh Trần Văn Dõng, bên kia là những luống rau xanh mướt được phủ bên trên bởi những màng lưới trắng toát như muốn điểm tô thêm cho bức tranh NTM của Bình Nghị. Chị Huỳnh Thị Tất, người dân sống cặp tuyến đường này, hồ hỡi kể: “Trước đây, đường này nhỏ lắm, 2 xe máy đi ngược chiều phải dừng lại tránh nhau; việc vận chuyển rau rất khó khăn.

Giờ đây, đường được mở rộng, việc đi lại, học hành của con em trong xóm thuận tiện hơn rất nhiều. Còn gì tốt hơn với người trồng rau khi xe tải có thể vào tận nơi lấy rau mà không phải vận chuyển ra đường lớn như trước”. Cách nhà chị Tất không xa, tuyến đường nối đường cặp kinh này với đuờng nhựa lớn và 1 tuyến đường khác nữa song song với tuyến đường nối này cũng đã được trải dal rộng 3 m. Tất cả đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 Tân Thanh nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường trục xã, liên xã.
Tân Thanh nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường trục xã, liên xã.

DÂN THUẬN LÀ ĐƯỜNG THÔNG

Đến với những xã NTM hôm nay, ấn tượng rõ nhất để lại trong chúng tôi là những tuyến đường liên ấp, liên xã được trải nhựa, bê tông hóa khang trang, rộng rãi. Dù đời sống người dân có nơi, có lúc còn nhiều khó khăn nhưng chính sự chung tay, hiến đất, vật kiến trúc, góp sức của người dân đã làm nên những con đường dal, đường nhựa rộng tênh trên các xã NTM hôm nay. Tất nhiên, trong quá trình triển khai, có nơi này, nơi khác, hộ này, hộ khác vì lợi ích riêng mà không đồng thuận.

Qua công tác truyên truyền, vận động với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cuối cùng người dân cũng hiểu, đồng thuận. Chỉ tay về con đường dal phía trước nhà, lão nông Nguyễn Văn Hồng (ấp Thạnh Hòa, xã Bình Nghị) chia sẻ: “Khi biết chính quyền có ý định mở rộng đường này, tôi cũng như những hộ dân khác mừng lắm. Ai nấy sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường. Không chỉ thế, những tuyến đường trong xóm, ấp không đi qua nhà, chúng tôi cũng góp tiền để làm. Đường mở rộng, thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông thôn khang trang, vui mừng không hết nói gì đến phản đối”.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình có một chút gì đó tự hào khi nói về quá trình xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Ông Nhủ cho biết, từ năm 2011 đến nay, toàn xã Tam Bình đã thực hiện 23 công trình cầu, đường (có 15 cầu, đường trục xã; 8 công trình trục ấp, liên ấp) với tổng chiều dài 19,5 km, kinh phí thực hiện trên 45 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 26,3 tỷ đồng, số còn lại đóng góp từ nhân dân. Không chỉ thế, theo phương thức xã thiết kế mẫu, dân bỏ tiền mua cột cờ, đèn, đóng tiền điện, từ tháng 8-2014 đến nay, Tam Bình đã lắp 1.452 cột cờgắn đèn bảo vệ an ninh trật tư với tổng chiều dài 50 km, kinh phí 1,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính quyền còn vận động người dân trồng hoa ven đường. “Là xã đi sau so với nhiều xã khác trong xây dựng giao thông nông thôn, lắp cột cờ và đèn đường, nhưng đến giờ Tam Bình là một trong những xã đi đầu trong công tác này. Giờ đây, ô tô có thể đến giáp các xóm, ấp trong xã” - ông Nhủ bày tỏ.

Con số khoảng 31 tỷ đồng từ đóng góp của nhân dân vào nhựa hóa, bê tông hóa trên 35 km đường trục xã, liên xã; nâng cấp khoảng 30 km đường trục ấp, liên ấp cùng với nhiều tuyến đường ngõ xóm được cứng hóa ở 3 xã NTM Tân Thanh, Tân Mỹ Chánh, Bình Nghị đã cho thấy sức mạnh của sự đồng thuận, hưởng ứng từ nhân dân vào xây dựng NTM.

Đi trên những con đường NTM (Tân Thanh, Tam Bình, Tân Mỹ Chánh và Bình Nghị) được láng nhựa, trải dal thông thoáng xuyên qua các xóm, ấp, uốn quanh những vườn cây ăn trái, ruộng lúa, luống rau hôm nay, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn về vùng nông thôn đang đổi mới lên từng ngày. Niềm vui đó càng ý nghĩa hơn khi có phần công sức của mỗi người, mỗi hộ dân sống trên địa bàn.

N.Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 199
  • Khách viếng thăm: 197
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 74658
  • Tháng hiện tại: 2443083
  • Tổng lượt truy cập: 48817210